Sáng nay, tại CLB Heritage Space, 28 Trần Bình đã diễn ra buổi sinh hoạt khoa học: “Tầm nhìn giáo dục từ Cánh Buồm”. Diễn giả là nhà giáo Phạm Toàn, người khởi xướng và lãnh đạo nhóm Cánh Buồm.
Tuy trời mưa, lạnh, nhưng đúng 8h30 hội trường đã gần kín chỗ, có gần 100 người, đủ mọi thành phần đến dự. Mấy cụ già lại là những người đến sớm nhất. Mình đến sớm nên được đón GS Nguyễn Đình Cống, TS Nguyễn Thanh Giang, TS Phạm Khiêm Ích, Dịch giả Dương Tường, nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Anh, Lê Mạnh Chiến, TS Lý Hoàng Thắng … Nhà thơ Hoàng Hưng từ Sài Gòn ra cũng tham dự. Nhiều nhà khoa học, giáo viên, cha mẹ HS, nhà báo … Tranh thủ lúc chưa vào chương trình, trò chuyện với mấy cụ Nguyễn Đình Cống, Nguyễn Thanh Giang, Phạm Khiêm Ích … nhiều chuyện vui vui. Cụ Cống tặng cho tập sách Chủ nghĩa Phát xít; cụ Khiêm Ích tặng cho tập tài liệu về Nhân học, Cụ vừa viết rất thú vị.
Nội dung nhà giáo Phạm Toàn giới thiệu được tóm tắt trong 16 slides đã đưa lên FB cách đây ba ngày. Có mấy điều gây ấn tượng:
– Nhà giáo Phạm Toàn nhấn mạnh, tầm nhìn ở đây là vạch ra một con đường hướng dẫn tự học, tự phát triển như nhu cầu tự thân, để con người trường thành có TƯ DUY TỰ DO, TRÁCH NHIỆM, TÂM HỒN PHONG PHÚ; đồng thời thiết kế được quy trình kỹ thuật để người học TỰ LÀM RA SẢN PHẨM KHOA HỌC, CẢM XÚC, NIỀM TIN cho bản thân. .. Giúp cho HS học hứng thú, không vì áp lực phải học giỏi; biết cách tự học; sống có tiếng cười… Sách Văn và Tiếng Việt của Cánh Buồm từ lớp 1 – 2 -3 – 4 – 5 – 6 được thiết kế theo tầm nhìn đó và đưa vào thử nghiệm ở 3 trường, đã hiện thực hóa được những điều nêu trên. Hiện đang tiếp tục làm sách Văn và Tiếng Việt lớp 7 – 8 – 9 theo hướng đó. Một tầm nhìn như thế không chỉ đối với thanh thiếu niên mà hy vọng đem lại cho cả dân tộc một cách tự học suốt đời…
– TS Phạm Khiêm Ích phát biểu nhấn mạnh, con người là sinh vật TÒ MÒ, luôn tìm tòi mọi sự vật của thế giới xung quanh. Từ chỗ hỏi: Đây là cái gì? Đến Tại sao? Rồi Làm ra nó như thế nào?… Cho nên tự học là phù hợp nhu cầu tự thân, nó có động lực từ bên trong… Tầm nhìn của CB cũng trùng với tầm nhìn HỌC SUỐT ĐỜI của UNESCO…
– GS Nguyễn Đình Cống phân tích, nền giáo dục của ta nặng về “NGÔN GIÁO”, cần phải chú trọng đến “THÂN GIÁO”, nhưng người lớn hiện nay không nêu gương được cho thế hệ trẻ. Đó là khủng hoảng nghiêm trọng… Con đường TỰ HỌC cho ta hy vọng…
– Hội trường xúc động khi nghe một giảng viên đại học kể về ngày bé anh bị bố mẹ, bắt phải học giỏi, phải luôn được điểm 9 – 10. Điểm 8 là phạt: ăn bớt phần cơm; điểm 5-6 là bị trói vào cột, đánh! Vì áp lực, có lần anh phải gian dối, điều đó ám ảnh anh suốt cuộc đời. Mãi gần đây anh tâm sự với con, mới cởi bỏ được nỗi ẩn ức suốt bao nhiêu năm… Nay anh không hề gây áp lực với con, con vẫn tự giác học tốt.
– Một GS chia sẻ, nền giáo dục thúc ép HS học giỏi nhưng không có tư duy, cảm xúc, niềm tin, thì thành đạt nhưng không biết chia sẻ, sống không hạnh phúc thì học giỏi làm gì? Ông đã thành thật kể lại trường hợp con trai ông, một HS luôn xuất sắc, thi Toán quốc tế, đi học ở Liên Xô về… Anh ta suốt ngày chúi đầu vào sách vở, không quan tâm đến bố, mẹ, vợ, con…; không có nhu cầu giao tiếp, chia sẻ… Như vậy rất bất hạnh. Học giỏi mà đau khổ như vậy liệu ích gì?
– Mình được mời phát biểu cuối, chỉ nói: Con người sinh ra, cái gì cũng phải học mới thành người, không gì là không phải học. Học là nhu cầu sống còn và phát triển. Nhưng tự học mò mẫm, tự phát thì rất hạn chế; tự học được hướng dẫn một cách khoa học từ lớp 1-2-3 … để có năng lực tự học thì mới phát triển được TƯ DUY KHOA HỌC. Thông tin, vật liệu rất nhiều, vấn đề là làm sao hướng dẫn cho HS biết cách tự làm ra sản phẩm – TỰ HỌC? CB có được bí quyết ấy nên sẽ thành công!
– Nhiều ý kiến chia sẻ chân thành, thẳng thắn và đặt hy vọng vào “Hướng đi và Cách làm” (chữ của Hồ Ngọc Đại) của Cánh Buồm. Nhiều người mua sách của CB về tham khảo, về dạy thêm cho con, cháu… Gần trưa, nhiều người còn nán lại hỏi han, trao đổi với nhà giáo Phạm Toàn
21/11/2015
Mạc Văn Trang.