Ngày 12/8 tới đây, nhóm Cánh Buồm sẽ trình công chúng sách Văn và Tiếng Việt lớp Sáu. Đây là bước đi tiếp theo để hiện thực hóa một chương trình học lý tưởng mà nhóm Cánh Buồm đã tâm huyết theo đuổi. Nhân dịp này, nhà giáo Phạm Toàn, người khởi xướng, điều hành nhóm Cánh Buồm, có một số chia sẻ về nội dung và cách thức tổ chức biên soạn hai cuốn sách sắp ra mắt này.
Có thể coi bộ sách lớp Sáu lần này là một trong những cuộc cất cánh, xuất phát từ mục đích mà bộ sách Tiểu học của nhóm Cánh Buồm đã đặt nền tảng, đó là cụ thể hóa việc tổ chức cho trẻ em học phương pháp học.
Điều thừa kế quan trọng nhất của quan điểm dạy và học này là hệ thống việc làm giao cho học sinh thực hiện để các em làm mà học – làm thì học (learning by doing). Hệ thống việc làm đó thay thế cho lời giảng của giáo viên. Và như vậy, ngay từ bậc tiểu học đã hình thành dần phương pháp và thói quen tự học. Điều đó khiến cho từ lớp Sáu trở đi, sách của Cánh Buồm sẽ triệt để mang tính tự học.
Cách học của học sinh từ lớp Sáu sẽ diễn ra như sau: (a) sau một giới thiệu ngắn của giáo viên, từng học sinh tự đọc những bài viết, tự tìm hiểu những nội dung phải đi sâu hoặc mở rộng; (b) các em sẽ suy ngẫm rồi trao đổi trong nhóm những thu hoạch riêng xoay quanh những chủ đề được gợi ý; (c) việc học mỗi bài của từng em sẽ kết thúc bằng bài tiểu luận mỗi em chuẩn bị cho cuộc hội thảo khoa học gói từng bài học lại. Dĩ nhiên, sau hội thảo khoa học của lớp, tự học sinh cũng biên tập các tiểu luận và tự in thành Kỷ yếu, để tặng nhà trường, để các bạn khóa sau tham khảo, và cũng để tặng phụ huynh làm kỷ niệm.
Sách mới có gì khác?
Nội dung bộ SGK lớp Sáu là sự tiếp nối bộ sách Văn và Tiếng Việt bậc Tiểu học của nhóm Cánh Buồm.
Bậc tiểu học thì học phương pháp, và phương pháp này nằm trong phương thức tồn tại của đối tượng môn học. Sự khác nhau giữa nội dung ở bậc Tiểu học và bậc Trung học cơ sở là ở mức độ khám phá vào đối tượng môn học. Có thể xem nội dung lớp Một và lớp Sáu để hiểu rõ điều này.
Ở lớp Một, các em học Ngữ âm tiếng Việt để tự mình biết ghi đúng và do đó biết đọc đúng tiếng Việt. Lên lớp Sáu, các em trở lại chủ đề ngữ âm nhưng ở cấp độ những vấn đề ngữ âm học khi ghi âm tiếng Việt. Học ngữ âm học tiếng Việt lúc này không còn là để “đọc thông viết thạo” tiếng mẹ đẻ. Ở lớp Sáu, các em sẽ học lịch sử ghi âm tiếng Việt. Các em cũng sẽ mở rộng tầm nhìn sang các ngôn ngữ có cùng hoàn cảnh, cùng “vành đai Hán ngữ”.
Còn sự khác nhau giữa nội dung học Văn lớp Một và lớp Sáu là: Ở lớp Một, học sinh học về lòng đồng cảm, cái tình cảm gốc của bất kỳ nghệ sĩ chân chính nào, cái nguồn gốc đạo đức của tình cảm nghệ thuật. Môn Văn lớp Sáu “lặp lại” nội dung lớp Một nhưng ở trình độ khác: tìm hiểu tại sao con người hoạt động sáng tạo nghệ thuật? Cảm hứng nghệ thuật là gì và từ đâu mà có?
Chung tay làm sách
Khi nhóm Cánh Buồm thống nhất với nhau về việc làm sách lớp Sáu (tháng 11/2014), Ban tổ chức biên soạn được thành lập gồm: tôi, Nguyễn Thị Thanh Hải, Hoàng Hưng, Vũ Thế Khôi và Dương Tường. Tôi được phân công viết bản đề cương, trong đó ngoài ý tưởng còn có cả kế hoạch dự kiến mời các đồng soạn giả. Có ba cuộc tiếp xúc trực tiếp ở Hà Nội, Đà Lạt, và Sài Gòn – gặp riêng, gặp chung, rồi lại gặp riêng… Các đồng soạn giả ở nước ngoài (Canada, Hoa Kỳ, Pháp) thì liên hệ qua mạng Internet. Chẳng cứ gì những người ở xa, về sau, liên hệ chính giữa chúng tôi vẫn là qua mạng Internet…
“Điều hài lòng nhất của tôi là đã tìm thêm được nhiều người bạn đồng hành cùng Cánh Buồm trong công cuộc biên soạn một bộ sách mới.” Phạm Toàn |
Có tác giả không chỉ nhận lời tham gia soạn sách mà còn giới thiệu thêm người, như anh Nguyễn Đức Tùng (tác giả Thơ đến từ đâu) ở Canada giới thiệu thầy học của mình đang sống ở Hoa Kỳ là anh Trần Kiêm Đoàn, rồi sau này là anh Trần Ngọc Cư. Hoặc như họa sĩ Phan Cẩm Thượng giới thiệu cho tôi bạn Phạm Thị Thu Giang bên ĐH Quốc gia Hà Nội viết về “chữ quốc ngữ” của người Nhật. Thế rồi bạn Thu Giang lại giới thiệu tiếp sang bạn Minh Chung, giảng viên cùng trường, viết nội dung người Hàn Quốc tự tạo “chữ quốc ngữ” như thế nào…
Tổng cộng hơn hai chục người tất cả, trong đó hơn chục con người được huy động ở ngoài nhóm Cánh Buồm đã tham gia biên soạn hai cuốn Văn và Tiếng Việt lớp Sáu. Những người được mời đều nhiệt tình nhận lời và tất cả đều làm việc không công. Duy nhất một soạn giả ở Sài Gòn rất nghèo được nhóm Cánh Buồm tặng đôi chút “tiêu Tết”, chỉ vài triệu thôi! Tôi tin chắc là sách lớp Bảy, Tám, Chín sẽ còn huy động được nhiều đồng soạn giả hơn nữa!
Trong vòng vài bốn tháng, các cộng tác viên lần lượt gửi bài về, chúng tôi biên tập và mời thêm người biên tập giúp. Xong xuôi đâu đó, chúng tôi vừa gửi cho các soạn giả xem lại, đồng thời nhờ một ban hỗ trợ đọc bản thảo sáu người (tôi gọi đùa là các vị lãnh đạo Ban Tu thư) gồm các anh Bùi Văn Nam Sơn, Phạm Khiêm Ích, Đặng Tiến, cùng với các anh Nguyễn Thiện Giáp, Hoàng Trọng Phiến, Mạc Văn Trang. Nhân đây, tôi xin bộc lộ một tâm sự này: một tháng trời chờ ý kiến Ban Tu thư là những ngày tôi vẫn vui cười nhưng thực ra ăn không ngon ngủ không yên. Chỉ lo các ông ấy sổ toẹt thôi! Thế rồi, ngoài những ý kiến khác, bức thư của anh Bùi Văn Nam Sơn đã khiến tôi thở phào.
Bức thư của Bùi Văn Nam Sơn có đoạn viết:
“Thưa Quý Anh Chị trong Ban biên soạn,
“Tôi rất hận hạnh được Quý Anh Chị giao nhiệm vụ đọc lại bản thảo cùng với nhiều vị khác. Xin chân thành cảm ơn sự tin cậy của Ban biên soạn. Tận dụng… “thế mạnh” của một người không có chuyên môn sâu về văn học và thiếu kinh nghiệm sư phạm, tôi đặt mình vào vị trí một cậu học sinh bước vào lớp sáu để đọc. Với đôi mắt hồn nhiên ấy, tôi có mấy nhận xét chân thành sau đây:
– Tôi chưa bao giờ dám tưởng tượng rằng vào lớp Sáu, mình lại được học văn và tiếng Việt một cách thâm thúy và mới mẻ tuyệt vời như thế! Có lúc tôi giật mình: lớp Sáu mà được học thế này thì lên các lớp cao hơn, cho đến khi thi Tú tài, mình còn được học đến đâu nữa? Hết mấy “bồ chữ trong thiên hạ” chứ chẳng chơi! Nếu qua kết quả thực nghiệm từ lớp 1 đến lớp 5, Quý Anh Chị có căn cứ để tin chắc rằng học sinh lớp Sáu có thể lĩnh hội được nội dung các bài giảng trong hai tập sách, tôi thật sự quá vui mừng trước tương lai tươi sáng của nền giáo dục nước nhà!
– Tôi xin bày tỏ lòng biết ơn và cảm phục đặc biệt đối với các vị phụ trách biên soạn, không chỉ về kiến thức uyên thâm mà đặc biệt về tài năng diễn đạt và truyền đạt những kiến thức ấy một cách sinh động cho học sinh. Tôi hoàn toàn tán đồng cách dàn dựng và cách sắp xếp nội dung bài giảng. Chỉ xin mạo muội có một vài ý kiến cá nhân để Quý Anh Chị tham khảo…”
“Vài ý kiến cá nhân” của Bùi Văn Nam Sơn không những không nhỏ, ngoài những ý lớn, vẫn rất chi tiết, chữ “ngự chế” chúng tôi nhầm thành “ngữ chế”, bé lít nhít, mà ông ấy vẫn moi ra!
Sách Cánh Buồm lớp Sáu có quá khó đối với học sinh?
Câu hỏi này tôi vẫn nghe nhiều người hỏi khi tiếp xúc và thấy nội dung sách Cánh Buồm không giống với kinh nghiệm của các vị đó. Thế nhưng, bản thân các vị có khi nào tự vấn, rằng kinh nghiệm ấy thừa thiếu tới đâu và phù hợp đến đâu với nhu cầu và trải nghiệm của “trẻ con” nước ta vào thời đại này?
Ở đây, muốn đi xa, muốn đạt tới ước mơ Cao hơn Xa hơn và Dễ tự học hơn, chúng ta không nên chỉ vịn tay vào kinh nghiệm, mà phải chống những cây gậy khác.
Trước hết là cây gậy thực tiễn: phải có cơ sở thực tiễn dạy và học ở trường lớp để cảm nhận được sự đón nhận của người học. Và nếu trẻ em không đón nhận nội dung định đem “dạy dỗ” chúng, thì đừng đổ lỗi tại… tính hàn lâm. Ở trường thực hành của chúng tôi, giáo viên dùng sách tiểu học rất nhàn nhã, không mắc vào những cuộc vắt óc tìm “sáng kiến kinh nghiệm”. Những việc làm giao cho học sinh đã được soạn khá đầy đủ. Giáo viên dùng sách của Cánh Buồm chỉ sau hai – ba tháng là bắt đầu có tay nghề. Sau một năm học là dạy vững vàng. Nhóm Cánh Buồm đã mời khách tới dự giờ – có khách nhận xét về các bài tiểu luận viết ở lớp Bốn, lớp Năm rằng “Tôi không viết được như thế”.
Tại sao sách Cánh Buồm đến được với giáo viên và học sinh? Vì biết dựa vào cây gậy nữa: một lý thuyết đủ sức tổ chức thực tiễn. Cho phép tôi nói chỉ một điều này thôi: lý thuyết nào để định nghĩa khái niệm Giáo dục? Xưa nay, khái niệm Giáo dục thường được định nghĩa dưới góc độ công việc của người lớn, của nhà cầm quyền. Những ông lớn, bà lớn bệ vệ đòi phải dạy trẻ em sao cho chúng nên người. Nên người kiểu gì? “Nên” đến bao nhiêu thì thành “người”? Mấy tấm bằng, mấy kỳ thi, mấy lần đau khổ, thì nên người? Thế rồi, “dân chủ” hơn, “thời đại” hơn, “cải cách” hơn, vài người đã định nghĩa Giáo dục như một sự chuẩn bị “lực lượng tham gia sản xuất” cho xã hội. Tất cả đều nhầm ở một điều: các vị không định nghĩa khái niệm Giáo dục dưới góc độ người học – nói nôm na, chưa định nghĩa theo hướng Tôi đã làm gì để tôi sống được – và tiếp theo là, tôi đã làm gì để trở nên con người như tôi muốn trở thành. Nói cách khác, định nghĩa Giáo dục dưới góc độ chủ thể của Giáo dục – con người đã học như thế nào, học theo cách gì kể từ khi lọt lòng?
Jean Piaget giúp người lớn chúng ta khiêm nhường hơn khi xem xét khái niệm Giáo dục. Nhà tâm lý học mẫu mực đó coi Giáo dục là một quá trình con người tự học thông qua những thích nghi và điều tiết. Thích nghi là để có những những điều học được để có thể sống thân thiện với môi trường. Điều tiết là để thích nghi những gì đã học được với những gì sắp học được. Hiểu theo nghĩa đó, công việc của nhà sư phạm là tổ chức quá trình thích nghi và điều tiết đó cho những nhóm người tự học các loại ở những giai đoạn khác nhau.
Phạm Toàn.
Nội dung sách Tiếng Việt lớp Sáu của Cánh Buồm:
Bài mở đầu – Cách học ngôn ngữ ở lớp Sáu Bài 1 – Cách ghi tiếng Việt bằng chữ Hán và chữ Nôm – những nhược điểm của lối ghi này Bài 2 – Cách ghi tiếng Việt bằng “chữ quốc ngữ” (dùng mẫu tự latin abc…) – những nhược điểm của lối ghi âm này. Bài 3 – Âm địa phương, những khác biệt và cách xử lý Bài 4 – Cách phiên âm tiếng nước ngoài của người Việt Bài 5 – Vẻ đẹp của vần tiếng Việt trong ngôn ngữ dân gian Bài một – Vì sao viết văn tự sự – nghiên cứu trường hợp Tchekhov và truyện ngắn “Nhà văn” Bài hai – Vì sao làm thơ Bài ba – Vì sao người ta vẽ Bài bốn – Vì sao người ta chơi kịch (có trong chương trình, nhưng chưa soạn xong, chưa in kỳ này) Bài năm – Vì sao người ta viết văn phóng sự Bài sáu – Cộng hưởng của người đọc nghệ thuật (có trong chương trình, nhưng chưa soạn xong, chưa in kỳ này) Bài cuối năm học – Cùng nhau dịch thơ (John Donne) |