LTS: Sau khi báo ĐĐK ngày 26-3 có bài “Cô giáo thích học sinh biết… cãi” chia sẻ phương pháp dạy học hiện đại của một giáo viên ngữ văn Trường phổ thông liên cấp Olympia, Hà Nội – Phạm Hải Hà, bạn đọc bày tỏ mối quan tâm muốn hiểu rõ hơn cách dạy và học thú vị này. Xin giới thiệu bài viết của cô giáo Hải Hà, đã đăng báo Đại Đoàn Kết.
Phát huy tính chủ động của học sinh, một cơ duyên và một bộ công cụ
Cách đây gần 4 năm, tôi đã từng rơi vào cảnh “dở khóc dở cười” khi cậu học trò nhỏ “tắc tị” trước một ý thơ. Cái bản mặt ngây ngô và dễ thương hàng ngày của cậu trò méo xẹo: “Cô ơi… con không biết làm tiếp thế nào!”. Bằng “kinh nghiệm nhét đầy một cái ví con” của một cô giáo mới ra trường, tôi hướng dẫn nhiệt tình: “Con hãy cảm nhận đi! Con không thấy nó hay à? Nó rất xúc động mà”.
Sau này nghĩ lại, không ít lần tôi bật cười, vừa thấy tội nghiệp cho học trò – nay đã là anh học sinh lớp 8 cao ngồng, gặp cô vẫn bá vai cô cười khì khì, vừa thấy tội nghiệp cho chính tôi. Té ra, trong hoàn cảnh ấy, người “tắc tị” không phải là trò mà chính là tôi.
Nhiều cơ duyên nghề nghiệp đã tới với tôi trong những năm sau, đủ để cho tôi nhận ra rằng: “Yêu văn, yêu trẻ và truyền cảm hứng Văn sang trẻ là ước muốn của bất cứ giáo viên văn nào. Nhưng thành công hay không lại không chỉ nằm ở ước muốn. Điều thực sự thiếu là một công cụ giúp người giáo viên đó biến ước muốn đó thành hiện thực”.
Tôi đã may mắn tìm được ở Trường Olympia cái cơ duyên khiến tôi bắt gặp ở đây những đồng nghiệp tâm huyết – và điều thứ hai là sự đón nhận bộ công cụ Cánh Buồm.
Sự nhạy bén của lãnh đạo nhà trường đã đưa bộ sách Cánh buồm, do nhà giáo Phạm Toàn chủ biên, về với Olympia, hoàn thiện và ưu thế hóa hơn chương trình dạy – học Văn và Tiếng Việt ở đây. Để khi nhìn lại, chúng tôi – những giáo viên tham gia thực hiện có thể tự tin với mỗi kỳ tích của học trò.
Kỳ tích, theo định nghĩa mới tại dòng viết này, là một bậc thang con tự xây đắp vững chắc, giúp con tự đến với nghệ thuật Văn và khoa học ngôn ngữ Tiếng Việt đúng nghĩa.
Học là làm ra điều con muốn học
Mấu chốt của bộ công cụ Cánh Buồm – chương trình và sách giáo khoa chứa đựng cả cách thực hiện chương trình – nằm ở định nghĩa này: học là làm những việc gì? Câu trả lời: Học là được hướng dẫn để tự làm ra những điều mình cần học và mình muốn học. Những điều trẻ em làm để học – làm mà học – làm thì học, lại phải được các nhà sư phạm chắt lọc từ hành động của những người đi trước. Trong trường hợp này là hành động làm ra tác phẩm nghệ thuật, để học sinh làm lại khi “học Văn”, và làm ra năng lực am tường và thực hành ngôn ngữ, để học sinh làm lại khi “học tiếng Việt”.
Đó được coi là mấu chốt, vì nó tạo thành định hướng mang tính Giáo dục và Tâm lý: nó định hướng cho việc học mà vai trò của giáo viên là tổ chức việc học do chính học sinh tiến hành.
Tại trường Olympia cánh cửa đã khép lại với lối học lười nhác theo kiểu hưởng thụ mà dân gian thường gọi là “ăn sẵn”, lâu nay vẫn không xa lạ với cảnh dạy văn và học văn tưởng là đầy “rung động” song lại hết sức vô cảm.
Để tổ chức cho học sinh đến được với cái lõi của văn chương là làm ra cái đẹp, nói lên tiếng nói của tâm hồn mình, đồng cảm với những tâm hồn khác – chương trình dạy học Văn theo định hướng Cánh Buồm ở đây đã tổ chức cho các con làm lại lòng đồng cảm của người nghệ sĩ, đồng thời làm lại ba thao tác gọi chung là ngữ pháp nghệ thuật: tưởng tượng – liên tưởng – sắp xếp bố cục, là con đường mà người nghệ sĩ đã đi để làm ra một sản phẩm nghệ thuật đúng nghĩa, nói lên tiếng lòng của riêng mình, hướng tới chân – thiện – mĩ trong đời.
Tương tự như vậy, với môn Tiếng Việt, chương trình đưa các con tiếp cận với tiếng mẹ đẻ không với tâm thế học bắt chước, mà nghiên cứu và tổ chức ngôn ngữ như con đường mà các nhà khoa học đã đi, từ: ngữ âm – tiếng – từ vựng – cú pháp – văn bản để vận dụng chúng vào từng loại hoạt động ngôn ngữ trong cuộc sống cho phù hợp.
Những trái ngọt đầu tiên
Như phần trên đã đề cập, đây không phải là phần mấu chốt mà là phần “quyết định”. Nói như vậy, vì thước đo cho thành công của dạy học, không gì khác là học trò. Cảm xúc, lối tư duy, kỹ năng được hình thành ở học sinh là “chiến lợi phẩm” khiến chúng tôi tự tin vào con đường mình đã chọn, đang đi và tiếp tục phát triển.
Với chương trình Tiếng Việt, kết thúc lớp một, các con đã nắm chắc luật chính tả và cấu tạo ngữ âm. Học sinh lớp hai có thể tự ghi lại bài học của mình ở mức độ sơ giản, nắm được cấu tạo từ trong Tiếng Việt, tự lựa chọn diễn đạt bằng nhiều cách nói khác nhau. Các bé lớp 3 hiểu và vận dụng tốt cú pháp và logic để tạo thành các câu có cấu tạo từ đơn giản đến phức tạp, phù hợp và gần gũi với cuộc sống.
Chúng tôi cũng có nhiều bài viết lập luận chặt chẽ dựa trên cơ sở sắp xếp logic các câu trong một đoạn/ bài văn về các vấn đề gắn với đời sống thực tế của học sinh lớp 4, các văn bản do học sinh lớp 5 tự soạn thảo thuộc các loại hình hoạt động ngôn ngữ khác nhau như: ngôn ngữ khoa học, ngôn ngữ hành chính, và ngôn ngữ xã giao đời thường.
Học văn, đặt nền móng là lòng đồng cảm, ngay từ lớp một, các con đã tự tin đứng trước đám đông, nói lại/ diễn lại cảm xúc, suy nghĩ của mình hoặc bày tỏ quan tâm trước một cảnh ngộ, từ lớp 2 đến lớp 4 – học sinh thành thạo các thao tác nghệ thuật và sắp xếp chúng thành bố cục hợp lý nhằm tạo ra những sản phẩm nghệ thuật ngôn từ khác nhau như: thơ, truyện hay kịch. Hướng tới cách tiếp cận môn văn như bộ môn làm ra cái đẹp nghệ thuật nói chung, chương trình lớp 5 đưa tới cho các con cơ hội tìm hiểu và các sự lựa chọn khác nhau với “Các dạng hoạt động nghệ thuật” từ âm nhạc, nhảy múa, tạo hình tới ngôn từ.
Bên cạnh đó, mỗi ngữ liệu được lựa chọn để tham khảo, nghiên cứu trong chương trình đều có giá trị về mặt văn chương – được chọn lọc kỹ càng với ý thức tạo cơ hội cho mỗi đứa trẻ được tiếp cận với những tác phẩm ngôn từ đích thực, hữu ích cho tâm hồn, vốn sống cũng như vốn từ của chúng. Nhiều người không che dấu thái độ ngạc nhiên, thậm chí ngại ngần khi các bạn nhỏ ở đây tiếp xúc và sáng tác thơ Đường, thơ Haiku, đọc và dựng kịch bản chuyển thể những tiểu thuyết giá trị như “Tắt đèn”. Tuy nhiên, đó lại là điều học sinh ở đây đã được làm và làm được.
Thay cho lời kết, tôi trích ra đây một bài thơ Haiku mà học sinh lớp 5 của tôi đã dịch ra từ một ý thơ nước ngoài. Phía dưới là phần dịch của mẹ em học sinh đó.
Với những bài tập thực hành kiểu này, chúng tôi vui mừng nhận được sự hưởng ứng của phụ huynh – trong đó có nhiều bố mẹ chia sẻ cởi mở: “Con học theo cách này làm chúng tôi cũng phải học lại. Được trải nghiệm và chia sẻ với con nhiều hơn – như một người bạn.” Đây đúng như mong muốn của nhà trường cũng như nhóm Cánh buồm: “Giáo dục ổn định – Gia đình ổn định – Xã hội ổn định”:
Ánh trăng nhẹ rơi
Từ nhành hoa nhỏ. Gió và đêm cùng hát
Như chuyện tình đã qua
(Gia Kiên – HS 5A1 dịch)
Ánh trăng rơi nhẹ nhàng
Từ bông hoa nhỏ. Gió đêm thì thầm
Như người tình lỡ hẹn
(Mẹ Gia Kiên dịch)
Phạm Hải Hà.