Thách thức nhà quản lý
Các nhà quản lý nhiều năm nay loay hoay chữa quá tải chương trình (CT), SGK phổ thông và chữa chưa xong thì cả nước đã khủng hoảng thừa cử nhân, thạc sĩ, TS. Một cuộc cải cách giáo dục để tạo nên sự thay đổi căn bản phải nhìn ra lý do vì sao chúng ta có một thế hệ những người trẻ đã “duy vật chất” quá đáng, ham bằng cấp và những ngành học “hái ra tiền”, để rồi trả giá quá đắt khi thất nghiệp tăng, cử nhân các ngành kinh tế thừa mứa…
Đó không hẳn chỉ vì quy hoạch, dự báo nhu cầu nguồn nhân lực yếu kém. Cũng chỉ một phần do học CT SGK quá tải. Nhìn vào chương trình giáo dục hiện nay của ta, đặc biệt là những môn xã hội, có thể dễ nhận thấy sự lấn át của kiến thức so với trí tưởng tượng, sự đề cao thái quá của nhu cầu tri thức, của trí thông minh lý trí mà phần nào coi nhẹ vai trò của trí thông minh cảm xúc và trí tưởng tượng.
Trí tưởng tượng như đã trở nên xa xỉ trong các môn học, giờ học, trong khi “gốc rễ” này nằm ngay trong chính tư duy con người. Thiếu nó thì cũng không có sự sáng tạo thực sự. Sáng tạo là phẩm chất quan trọng phải được xem là hàng đầu mà nền giáo dục thế kỷ này phải tạo ra cho các công dân của mình, để cạnh tranh và sống còn trong một thế giới tương thích ngày càng cao.
Thực tế cho thấy những CT, bộ SGK thú vị trên cả chuẩn phải “xuất thân” từ những chuyên gia, nhà quản lý làm CT, viết sách được hưởng một quá trình giáo dục tốt, tân tiến, sẵn khả năng sáng tạo và trí tưởng tượng, mới có thể mở cho các thế hệ học sinh những cửa sổ học tập mới hơn. Những người bảo thủ nếu làm công việc đó, dù thêm tiền thêm quyền hành, cũng chỉ có tác dụng ngược.
Tiêu chí là kiến thức hay sáng tạo?
Một CT giáo dục vừa có phạm vi khoa học rộng lớn vừa tạo ra được một khoảng không gian bao la cho trí tưởng tượng phát sinh, là thách thức đã rõ với những nhà quản lý, chuyên gia làm CT và nhất là làm SGK mới tới đây.
Cách tân giáo dục giải phóng tiềm năng sáng tạo của cả học sinh và giáo viên phải bắt đầu từ đây, thay vì chỉ giải quyết rốt ráo bài toán kinh phí làm CT, SGK mới sẽ tốn hết bao nhiêu, ai được Nhà nước cấp ai phải làm chay?
Về phương pháp, không hề thiếu cách để gắn trí tưởng tượng với quá trình giáo dục. Có thể đưa vào chương trình giáo dục những nội dung có khả năng kích thích mạnh mẽ nhu cầu khám phá, sự tò mò, trí tưởng tượng của học sinh, tạo điều kiện cho các em sáng tạo khoa học… Và người xây dựng CT cũng phải tôn trọng tinh thần tự do truy tìm chân lý của giáo viên trực tiếp giảng dạy tại lớp. Khung hướng dẫn CT do Bộ GD&ĐT đưa ra đừng quá chặt chẽ, chi tiết, mới khuyến khích được “thực tiễn giáo dục” phong phú của giáo viên.
Nếu không giải quyết hài hòa được “khối mâu thuẫn” giữa kiến thức và sáng tạo trong CT, SGK mới, bất quá cũng chỉ tránh được quá tải và lập được sự quân bình trong nội dung CT, mà không phục hồi được “gốc rễ” đích thực của giáo dục, tôn vinh phẩm chất sáng tạo.
Để học sinh “tự làm ra kiến thức”
Ngày 15-10 tới, Nhóm Cánh Buồm phối hợp với Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh, Nhà xuất bản Tri thức và Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội L’Espace mở Hội thảo “Cao hơn, xa hơn…, và dễ tự học hơn” tại 24 Tràng Tiền Hà Nội, giới thiệu những điểm mới của bộ SGK Cánh Buồm 2014 từ lớp Một đến lớp Năm (môn Văn và Tiếng Việt), tái bản lần 3 có chỉnh sửa. Nhà giáo Phạm Toàn cho biết “sau lần tái bản này, phải 10 đến 15 năm nữa, chúng tôi mới phải chỉnh sửa, bổ sung lại sách”.
Nhóm Cánh Buồm đã mở nhiều cuộc hội thảo và nhiều cuộc sinh hoạt sư phạm hàng tháng, thu hút vô số người quan tâm. Và đây là lực lượng tiềm năng đón nhận sản phẩm Cánh Buồm. Thu hút và đón nhận vì hội thảo và SGK Cánh Buồm đều kích thích trí tưởng tượng của người nghe, giúp học sinh nhìn rộng và xa hơn ranh giới chật hẹp của mình, tiếp cận những chân trời tri thức mới luôn rộng mở.
Vẫn kiên trì đường lối tổ chức hệ thống việc làm để học sinh tự làm ra kiến thức, bộ sách lần này sẽ minh họa rõ hơn nữa hướng đi và cách tiến hành hiện đại hóa Giáo dục mà Nhóm Cánh Buồm theo đuổi. Nhiều bài tập được soạn cụ thể hơn, cách bố trí và sắp đặt tiết học cụ thể, rõ ràng hơn. Nhóm biên soạn tin rằng bộ sách này tiếp cận trường học sát hơn nữa, dễ áp dụng cho người dạy hơn nữa và học sinh dễ tự học hơn.
Mở sách ra và người đọc có thể thấy hệ thống việc làm cho từng tiết học, từng tuần học cụ thể trong suốt cả năm học. Hệ thống bài tập cũng được biên soạn cụ thể hơn, với nhiều kiểu bài phong phú đáp ứng sự đa dạng về trí khôn của trẻ. Điều này đưa tới những giờ học Cánh Buồm cả thầy và trò đều làm việc hăng say, miệt mài với một hệ thống việc làm được thiết kế logic, không khí lớp học dân chủ, thoải mái, tràn ngập “phản biện” và tiếng cười.
Nhóm Cánh Buồm đã hoạt động từ năm 2009 đến nay với mục tiêu làm ra một bộ sách để qua đó gợi ý một cách hiện đại hóa nền giáo dục VN theo sự hối thúc của trẻ em và vì trẻ em. Và đúng như nhà giáo Phạm Toàn nhìn nhận, xu thế của đời sống ngày càng cởi mở sẽ đi xa hơn và nhanh hơn quyết định hành chính “Một CT nhiều bộ sách”
Theo Thanh Như (Đại đoàn kết)