Đây là lời “khai thật” của nhà giáo Phạm Toàn trong buổi giới thiệu về lần tái bản thứ 3 bộ sách giáo khoa của nhóm.

Và số tiền này nhóm nhận được từ sự ủng hộ của những cá nhân như bà Nguyễn Thị Bình, GS Hoàng Tụy, GS Ngô Bảo Châu, các nhà báo nhà văn Hoàng Hưng, Giáng Vân, Trung Vân, ông Đặng Lê Nguyên Vũ…

  nhóm Cánh Buồm, Phạm Toàn, sách giáo khoa, đánh giá học sinh tiểu học, Nguyễn Thị Bình, Hoàng Tụy, Ngô Bảo Châu
  Bộ sách mới tái bản của nhóm Cánh Buồm

“Sau lần tái bản này, phải 10 đến 15 năm nữa, chúng tôi mới phải chỉnh sửa, bổ sung lại sách” – ông Toàn cho biết về bộ sách được tái bản lần 3 của nhóm Cánh Buồm từ lớp một đến lớp năm (môn Văn và Tiếng Việt).

Nhóm cho biết vẫn với tính hàn lâm của các bộ trước, bộ sách lần này sẽ minh họa rõ hơn nữa hướng đi và cách tiến hành hiện đại hóa giáo dục mà nhóm theo đuổi. Với nhiều bài tập được soạn cụ thể hơn, cách bố trí và sắp đặt tiết học cụ thể, rõ ràng hơn, người biên soạn tin rằng bộ sách này tiếp cận trường học sát hơn nữa, dễ áp dụng cho người dạy hơn nữa và học sinh dễ tự học hơn nữa.

Cũng nhân buổi giới thiệu này, nhà giáo Phạm Toàn bày tỏ những suy nghĩ về việc biên soạn SGK hiện nay.

Làm tử tế 70 năm nữa tiến kịp thế giới

Nhóm Cánh Buồm tự cho ra đời một bộ sách mà không chờ đợi chương trình giáo dục phổ thông mới được phê duyệt để làm căn cứ biên soạn, nên khi được hỏi về khả năng đáp ứng được yêu cầu của chương trình mới và được đưa vào nhà trường một cách chính thống, ông Phạm Toàn trầm ngâm: “Chúng tôi làm việc với sứ mệnh của người có chút hiểu biết, đóng góp cho Tổ quốc. Chúng tôi không nghĩ nhiều đến “thành công” và “thắng lợi” mà chúng tôi lo lắng nhiều hơn đến việc mình ngày càng phải nghĩ đúng và làm đúng”.

“Xu thế của đời sống ngày càng cởi mở sẽ đi xa hơn và nhanh hơn quyết định hành chính “Một chương trình nhiều bộ sách”. Chúng tôi không biết mình nên kiến nghị gì, những kiến nghị sẽ có tác dụng gì. Chúng tôi không vận động hành lang điều gì. Chúng tôi tin vào quy luật vận động của sự vật. Chúng tôi tin vào những quyết định đúng lúc của cuộc sống thực”.

“Chúng tôi luôn tìm cách để các cấp lãnh đạo hiểu được việc chúng tôi làm. Tôi ra trường và theo nghề sư phạm từ tháng 10/1953 tới nay, nếu nhìn lại, tôi thấy rằng trong hơn 60 năm qua giáo dục có rất nhiều cái làm dở chừng rồi lại ngưng hay xóa bỏ. Và nếu bây giờ đổi mới giáo dục làm thật cẩn thận chu đáo, nói một cách khiêm tốn tôi cho rằng phải 70 năm nữa chúng ta mới có nền giáo dục phổ thông tiến kịp các nước”.

Sư phạm chưa bao giờ đi trước

Nói về việc thay đổi phương pháp giảng dạy của giáo viên, ông Toàn nhận xét “ “Sư phạm đi trước một bước” là khẩu hiệu mà ngành giáo dục không bao giờ thực hiện được”.

“Bởi vì không nghiên cứu được cách học của học sinh.

Các trường sư phạm có thêm rất nhiều chuyên đề, hoạt động, có kéo dài thời gian ra nữa, thì cũng chỉ là những thứ râu ria”.

Giáo viên là người thực hành nghề chứ không phải tuyển chọn tài năng. Vì vậy, theo tôi, giáo viên cần được đào tạo theo hai mức: Trước hết là thực hành bộ sách đã nghiên cứu kỹ cách dạy cho trẻ con. Và lên tiếp mức thứ hai là giáo viên phải lý giải được bằng lý thuyết thật chắc chắn tại sao họ lại làm như thế”.

Nhân đạo với trẻ và sòng phẳng với giáo viên

Đó là ý kiến của ông Toàn về việc đánh giá học sinh tiểu học.

“Ai sẽ đánh giá? Và trước đây ai cho điểm?” – Chỉ cần trả lời hai câu hỏi này là thấy rằng với quy định đánh giá học sinh tiểu học bằng nhận xét mà Bộ GD-ĐT vừa đưa ra, lõi của vấn đề không hề thay đổi.

“Trong sách của Cánh Buồm chúng tôi để học sinh tự đánh giá. Khi các em tự đánh giá chỉ có đúng, hay và… sắp đúng, chứ không bao giờ nói là sai. Đó là cách đối đãi với học sinh của mình”.

Ông Toàn cho rằng đánh giá học sinh tiểu học trước hết là đánh giá các em đã biết làm đúng chưa, rồi đến thô và tinh, và thuần thục, không có mức dưới hơn. “Học sinh có ở mức dưới hơn cô giáo phải bồi dưỡng cho lên. Nếu có đánh giá phân loại học sinh A và B chỉ là để kiểm tra sản phẩm của gô giáo – người dạy, chứ không phải là trẻ con sai hay đúng. Và trong một khoảng thời gian nhất định giáo viên phải giúp trẻ từ B lên A”.

“Cải cách cách nhận xét đánh giá thật sự là nhân đạo với trẻ em và sòng phẳng với những người có trách nhiệm”.

Chúng tôi xin khất tiền bản quyền

Trước việc Trung tâm bản quyền Hội Nhà văn đang tìm cách “đòi” NXB Giáo dục Việt Nam tiền bản quyền sử dụng tác phẩm trích dẫn trong SGK, ông Phạm Toàn tâm sự thật thà rằng “chúng tôi chưa nghĩ đến chuyện nhuận bút, bản quyền của các nhà văn”. “Bây giờ mà có nhà văn nào đến “đòi”, nhóm sẽ đề nghị các nhà văn “cho” nhóm khoản này” – ông Toàn nói vui mà thật.

“Trong sách của Cánh Buồm, tác phẩm của nhà thơ Trần Đăng Khoa được trích dẫn nhiều nhất. Số lượng tác phẩm của tác giả đương đại được sử dụng chiếm khoảng 1/10. Chúng tôi mong rằng các nhà văn trước hết hãy coi chúng tôi như người nhà, ít nhất là trong 10 năm tới, để cùng làm một bộ sách tử tế cho trẻ con nước mình”.

Nhóm Cánh Buồm đã hoạt động từ năm 2009 đến nay với mục tiêu làm ra một bộ sách để qua đó gợi ý một cách Hiện đại hóa nền giáo dục Việt Nam theo sự hối thúc của trẻ em và vì trẻ em.

Vào lúc 18:00~20:00, thứ Tư ngày 15/10, Nhóm Cánh Buồm phối hợp với Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh, NXB Tri thức và Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội L’Espace sẽ tổ chức Hội thảo Cao hơn, xa hơn, … và dễ tự học hơn tại Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội L’Espace, 24 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

 

Theo Chi Mai – Vietnamnet.