Phạm Thị Ly
Viện Đào tạo Quốc tế, ĐHQG-HCM
(Bài đăng trên Tuổi Trẻ Cuối Tuần số 2-2014 ra ngày 12-1-2014, trang 24-25)
Nếu bình chọn sự kiện nào nổi bật nhất về giáo dục trong năm 2013, có lẽ nhiều người sẽ nói về kết quả khảo sát của Chương trình Đánh giá Học sinh Quốc tế (PISA) do OECD thực hiện trên 67 quốc gia, bởi nó ra gây ra nhiều bình luận trái chiều cả trong và ngoài nước. Sở dĩ có bình luận trái chiều, là vì kết quả cao bất ngờ này tương phản với cảm nhận chung của người Việt về chất lượng giáo dục trong nước, tương phản với những dữ liệu ít ỏi đang có về tỉ lệ sinh viên thất nghiệp hay về năng suất nghiên cứu khoa học; tương phản với nhận xét của giới doanh nghiệp, giới tuyển dụng về chất lượng đào tạo của sinh viên ra trường.
Bản thân những bình luận và phản ứng trái chiều này, tuy phần lớn khá cảm tính thay vì đáng lẽ phải dựa vào mấy nghìn trang báo cáo phương pháp và kết quả của PISA hoặc dựa trên những số liệu nghiên cứu về thực trạng giáo dục trong nước, nhưng nó cũng nói lên sự mất lòng tin của nhiều người đối với giáo dục Việt Nam.
Chúng ta có gì để hy vọng cho năm 2014? Mặc dù nhà nước rất có ý thức về việc đổi mới giáo dục, thậm chí có hẳn một nghị quyết của BCH TWĐ về Đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT vừa ban hành cuối năm 2013; ít ai còn xem đó là “cây đũa thần” có thể nhanh chóng tạo ra thay đổi, vì bất cứ ai có chút ít kinh nghiệm đều hiểu từ nghị quyết đến thực tế khoảng cách không phải lúc nào cũng có thể vượt qua. Dù nghị quyết có chỉ ra 9 biện pháp căn bản, thì nó vẫn chỉ chủ yếu diễn đạt các mơ ước và kỳ vọng.
Còn hy vọng thì phải dựa vào những chuyển động thực tế. Giới quan sát thường chú ý những dấu hiệu dù nhỏ nhưng có ý nghĩa mạnh mẽ và tích cực. Phản ứng lan rộng về PISA[1]cho thấy một mối quan tâm rất lớn đến chất lượng giáo dục trong mọi tầng lớp dân chúng. Cho dù những phản ứng ấy có cảm tính, nó cũng nói lên rằng người dân không chấp nhận hiện trạng giáo dục ngày nay, và đó là một dấu hiệu tích cực vì đó là tiền đề cho mọi thay đổi. Những người làm nhiệm vụ quản lý nhà nước và hoạch định chính sách giáo dục không thể nào không cân nhắc phản ứng của dân chúng, vì tính chính đáng của mọi nhà nước đều dựa trên việc đáp ứng nhu cầu của người dân, nhất là trong lĩnh vực giáo dục vì nó ảnh hưởng đến từng gia đình, từng người, không trừ một ai.
Trong khi nhà nước còn lúng túng đi tìm mô hình, xưa thì mô hình Pháp, rồi mô hình Xô viết, nay chuyển sang vận dụng một số đặc điểm trong mô hình Mỹ, trong lúc những nét đặc thù của hệ thống giáo dục của Việt Nam dù muốn hay không vẫn đang tồn tại, thì xã hội đang có những nỗ lực “từ dưới lên” phản ánh những khát khao và nỗ lực thay đổi của người dân nhằm góp phần giúp nhà nước giải quyết bài toán khó giáo dục. Không kể những phản ứng có tính chất cá nhân như tị nạn giáo dục, hoặc cá biệt như tẩy chay trường học không cho con trẻ đến trường[2], một số hoạt động có ý nghĩa xã hội và là tín hiệu cho hy vọng có thể kể ra sau đây.
Sách giáo khoa Cánh Buồm
Nhà giáo Phạm Toàn, cùng một nhóm cộng sự rất trẻ, mấy năm nay miệt mài biên soạn sách giáo khoa tiểu học, sách tâm lý học giáo dục, không chờ nhà nước đặt hàng, không đợi ai tài trợ. Tuyên ngôn của nhóm là “cách chống lại tiêu cực mạnh mẽ nhất chính là làm ra một điều tích cực”. Có thể nói, điều bức xúc nhất của giáo dục tiểu học hiện nay đập vào mắt tất cả mọi người, là tình trạng quá tải của học sinh. Việc học đáng lẽ là một niềm vui nay đã trở thành một thứ lao động khổ sai. Học sinh mất hết tuổi thơ, học đến mụ cả người, bảng điểm đỏ chói những con số 9, 10, nhưng ra đời vẫn ngơ ngác không biết mình là ai và sống để làm gì. Nhóm Cánh Buồm chủ trương biên soạn lại sách giáo khoa Tiểu học với tâm niệm trả lại niềm vui đến trường cho học sinh, để các em cảm thấy được học là một niềm hạnh phúc.
Dù cho sách giáo khoa Cánh Buồm có thực hiện được điều ấy hay chưa, thì tâm huyết, nỗ lực, và việc làm tự nguyện, vô vụ lợi của nhóm cũng là những hành động rất đáng khích lệ. Thay vì phê phán những khuyết điểm của sách giáo khoa hiện tại, nhóm Cánh Buồm thử nghiệm một cách tiếp cận khác, tìm cách chứng minh bằng kết quả thực tế rằng chúng ta hoàn toàn có thể làm khác đi và đạt được kết quả tốt hơn. Thay vì chờ đợi nhà nước thay đổi sách giáo khoa tiểu học, nhóm Cánh Buồm tự làm sách, tự in sách, chấp nhận sự kiểm nghiệm giá trị của công chúng. Một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa là điều bình thường ở hầu hết các nước. Dù điều này chưa được chính thức nhìn nhận ở Việt Nam, những nỗ lực của nhóm Cánh Buồm đang góp phần để một ngày không xa, quyền lựa chọn sách giáo khoa có thể được nhà nước công nhận.
Giap School và hành trình tự thân khai sáng
Giap School là cổng giáo dục trực tuyến mở theo hình thức MOOCs (Massive Open Online Courses) – trào lưu giáo dục tiên tiến nhất – do TS. Giáp Văn Dương sáng lập đã được ra mắt lần đầu tại Việt Nam vào tháng 8-2013. Cảm hứng dẫn đến hoạt động này có lẽ là từ mô hình Khan Academy, một trường học online, hoàn toàn miễn phí. Giáp Văn Dương đã đưa lên mạng sáu khóa học cả về kỹ năng phổ thông lẫn kiến thức chuyên sâu, do chính anh thực hiện bài giảng. Người học có thể chọn học bất cứ thứ gì trong đó. MOOCs giúp người học trở lại với đúng ý nghĩa nguyên thủy của việc học – học trước hết là một hành trình tự khai sáng, người học đi học và học cái gì là do người ấy hoàn toàn tự do quyết định, vì nhu cầu của chính họ chứ không phải vì bằng cấp hay bất cứ điều gì khác.
Điều này rất có ý nghĩa trong một xã hội mà tư duy bằng cấp đã ăn sâu, và cách nghĩ học là để kiếm sống đã thành ra quá phổ biến. Người ta có thể đánh mất bốn năm năm tươi đẹp của cuộc đời để học những thứ vô dụng nếu những năm ấy mang lại cho họ tấm bằng mà họ hy vọng sẽ làm thay đổi cuộc đời. Thực tế đang cho thấy bằng cấp đã bị lạm phát và chỉ riêng bằng cấp mà không có năng lực tương ứng thì không thể tạo ra cơ hội cho tương lai. Chi phí cho giáo dục ngày càng tăng, và cánh cửa trường đại học ngày càng xa với con em nhà nghèo. GiapSchool đã cho tất cả mọi người bất kể giàu nghèo một cơ hội tự cứu mình bằng con đường tự thân khai sáng; cung cấp vũ khí cho họ để họ tự chiến đấu với cái ngu muội tăm tối của mình để trở thành con người tự do và sống có ích cho xã hội.
Giap School là nỗ lực của một cá nhân, chưa có sự hỗ trợ của nhà nước hoặc của giới doanh nghiệp. Những đề xướng này rất cần được xã hội tiếp sức để mang lại kết quả sâu rộng hơn.
Viện Nghiên cứu Phát triển Giáo dục IRED
Tháng 11 vừa qua, giới nghiên cứu giáo dục đại học từ 22 quốc gia đã họp mặt ở Thượng Hải và đưa ra một Tuyên ngôn về vai trò của nghiên cứu giáo dục đối với việc hoạch định chính sách. Bản Tuyên ngôn nhấn mạnh nhu cầu về “năng lực tư duy”, về dữ liệu, về phân tích chính sách và đào tạo các nhà chuyên môn trong lĩnh vực nghiên cứu GDĐH trên toàn thế giới, và khẳng định “Các trường và các hệ thống GDĐH đều đang đối diện với vô số thách thức và khủng hoảng, đòi hỏi phải có sự lãnh đạo với một tư duy sâu sắc và phân tích dựa trên dữ liệu đầy đủ. Chúng ta không thể tiếp tục dựa trên lối quản lý tài tử và những giải pháp nhất thời cho những vấn đề chưa từng có tiền lệ.”
Trong bối cảnh đó, hoạt động của Viện Nghiên cứu Phát triển Giáo dục IRED, một tổ chức nghiên cứu độc lập của tư nhân do nhà hoạt động giáo dục Giản Tư Trung sáng lập có thể xem là nỗ lực của người dân góp phần cùng với nhà nước trong việc nghiên cứu để giải quyết những bài toán khó về phát triển giáo dục. Viện tổ chức thường xuyên các sinh hoạt học thuật nhằm chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm trong giới chuyên môn, thực hiện một số nghiên cứu hướng tới công bố quốc tế, huấn luyện về phương pháp nghiên cứu cho lực lượng trẻ. Tuy còn non trẻ và chưa tạo ra được những tác động ấn tượng, nhưng sự tồn tại của Viện đã là một dấu hiệu tích cực cho phép chúng ta hy vọng rằng trong tương lai, giới nghiên cứu khoa học giáo dục trong nước sẽ có tiếng nói và đóng góp mạnh mẽ hơn.
Trở lại câu hỏi “Tương lai nào cho giáo dục Việt Nam?”, người viết bài này tin rằng chúng ta vẫn có một câu trả lời lạc quan, vì công nghệ truyền thông đang làm thay đổi thế giới chúng ta đang sống một cách vô cùng mạnh mẽ, và đặc biệt là đối với giáo dục. Nhà trường không còn là nơi độc quyền sáng tạo và truyền đạt tri thức như xưa nữa. Mặc dù những thay đổi trong lĩnh vực giáo dục đang diễn ra với một tốc độ quá chậm so với mong đợi của xã hội, nó sẽ vẫn là một xu thế không thể đảo ngược. Cải cách về kinh tế sẽ không thể bền vững nếu không có cải cách giáo dục làm nền tảng. Điều đáng mừng là nhà nước đã nhận ra nhu cầu phải cải cách, còn cải cách như thế nào, thì người dân đang cùng với nhà nước đi tìm câu trả lời bằng những việc làm cụ thể như nhóm Cánh Buồm, như Giap School, hay Viện Nghiên cứu Phát triển Giáo dục. Hy vọng trong năm mới, những nỗ lực đó sẽ được tiếp sức để có thể đi xa hơn, tỏa sáng hơn, và góp phần tạo ra thay đổi.
[1] Hơn 9 triệu kết quả tìm kiếm trên Google ngày 17.12.2013 với cụm từ “PISA Việt Nam”.
[2] http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/70975/khong-cho-tre-den-truong-la-cach-day-tieu-cuc-.html Vàhttp://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/70684/tro-chuyen-voi-bo-nuoi-cau-be-9-tuoi-khong-den-truong.html
Theo http://lypham.net