Chủ đề Hiểu trẻ em – Dạy trẻ em đã được giới thiệu trong kỳ sinh hoạt Câu lạc bộ Sư phạm Cánh Buồm tháng 7 năm 2013. Chủ đề đó dẫn sang chủ đề sinh hoạt sư phạm tháng này: hiểu trẻ em trong sự phát triển tâm lý của chúng. Sự phát triển đó được xem như là kết quả của việc “học”, như là “kết quả của tương tác giữa trẻ em và môi trường sống của nó”.
Mở đầu
Chủ đề Hiểu trẻ em – Dạy trẻ em đã được giới thiệu trong kỳ sinh hoạt Câu lạc bộ Sư phạm Cánh Buồm tháng 7 năm 2013[1]. Chủ đề đó dẫn sang chủ đề sinh hoạt sư phạm tháng này: hiểu trẻ em trong sự phát triển tâm lý của chúng. Sự phát triển đó được xem như là kết quả của việc “học”, như là “kết quả của tương tác giữa trẻ em và môi trường sống của nó”[2]
Đó sẽ là vấn đề cách học của đứa trẻ mà nếu người lớn không chịu hiểu tâm lý phát triển của các em thì sẽ luôn luôn rơi vào những trạng thái tiêu cực, cho dù mẫu số chung của những “rắc rối” đều có thể là tình thương yêu khôn cùng của bậc mẹ cha, của nhà sư phạm.
Ta từng thấy
- trạng thái sốt ruột cảm thấy con mình chậm hơn, kém thông minh hơn con nhà khác, rồi muốn nắm tóc con kéo lên cho mau cao, không khác bao nhiêu với việc nắm cây lúa kéo lên cho lúa mọc nhanh;
- trạng thái hí hửng cảm thấy con mình vô cùng thông thái, chưa đến nỗi là thiên tài nhưng nhất quyết phải làm cách gì đó cho nó bao giờ cũng cao hơn, nhanh hơn, xa hơn con nhà khác;
- trạng thái bi quan khi cảm thấy sự phát triển của con mình không đúng như trông đợi: hoặc là trông đợi con mình hết chậm, hêt “ngố”, hoặc là trông đợi con mình tiếp tục là một nhân tài bé nhỏ…
Để giải quyết ít nhất các tâm trạng trên, cần nghiên cứu tâm lý học phát triển của đứa trẻ. Đây là một chủ đề lớn, kết quả nghiên cứu tích lũy ngày một nhiều, tài liệu nhiều vạn trang, phát kiến có cả ngàn, do đó nhà sư phạm cần có sự lựa chọn của mình – và cũng cầu giời khấn phật cho chọn lựa của mình không bị nhầm.
Sự lựa chọn cảm tính ban đầu đã đưa nhóm Cánh Buồm đến với đường lối giáo dục tự nhiên kiểu Jean-Jacques Rousseau và công cuộc giáo dục cũng tuân thủ sự tự nhiên song khả dĩ lý giải được về khoa học kiểu Jean Piaget. Những chi tiết trong việc này sẽ còn được nói thêm ở các phần tiếp theo, nhất là khi Cánh Buồm “khai báo” chọn lựa thứ ba mang tên Howard Gardner.
Phát triển tự nhiên
Jean-Jacques Rousseau viết Emile, hay là “Về giáo dục” để phát biểu quan điểm của mình trong vấn đề sống còn này của loài người[3].
Sách viết xoay quanh nhân vật tưởng tượng Emile, gồm năm phần – tương ứng với năm giai đoạn phát triển (theo cách chia của Rousseau) từ lúc mới sinh ra cho đến khi trở thành một công dân trong xã hội. Đó sẽ là người công dân tự do cho một xã hội dân chủ lý tưởng. Rousseau phê phán nền giáo dục phong kiến đang thịnh hành: “Người ta không hề hiểu biết tuổi thơ… người ta chỉ chú trọng đến những gì con người cần phải hiểu biết, mà không xem xét những gì trẻ con có thể học được… người ta không nghĩ đến con đường đứa trẻ trở thành người lớn” (Emile, sđd).
Phương pháp giáo dục Rousseau đề ra là phải đi theo sự tiến triển của tự nhiên, theo “luật tự nhiên”, theo “quyền tự nhiên”, và lấy bản chất con người trong “trạng thái tự nhiên” làm điểm xuất phát. Phải để cho trẻ em được hưởng những quyền của trẻ em và việc chăm sóc, giáo dục phải phù hợp với thể trạng và khả năng nhận thức tựn hiên của trẻ em trong từng giai đoạn.
Theo Rousseau, giai đoạn từ lúc mới sinh cho đến năm hai tuổi, đứa trẻ cần nhất là được chăm sóc để phát triển thể trạng một cách tự nhiên, không gò bó, ít khóc lóc, không chịu thân phận nô lệ ngay từ tấm bé, không bị dọa nạt, không trừng phạt…
Từ hai tuổi tới mười hai tuổi, việc giáo dục không nên lý luận dài dòng, áp đặt những bổn phận. Cách đúng đắn nhất là đừng bao giờ ra lệnh cho trẻ. Đây cũng là giai đoạn để trẻ trải nghiệm để tự hiểu biết bản chất sự vật. Trẻ phải được ra giữa cánh đồng bao la, cho nó tha hồ chạy nhảy, và cho trẻ ngã học được cách đứng dậy, những vết bầm tím sẽ được đền bù bằng sự khoan khoái được tự do.
Emile sẽ lao động đồng áng vất vả, và “trái tim non dại của nó sẽ trào lên phẫn uất khi nó hiểu thế nào là bất công” khi công sức và niềm vui bỏ ra bị người ta lấy đi”.
Nhằm đảm bảo cho trẻ cảm thấy tự do và có hứng thú trong học tập, cần theo cách học mà chơi, chơi mà học. Song trong giai đoạn từ mười một đến mười lăm tuổi, phải dẫn cho trẻ đến với ý niệm “lợi ích” và câu hỏi “Cái đó có ích gì?” là tiếng nói quyết định cho các hành vi trong đời sống. Nói cách khác, giáo dục phải xuất phát từ quyền lợi của trẻ chứ không phải vì mục đích cao siêu nào khác.
Từ 15 tuổi đến 18 tuổi, Emile bắt đầu được giáo dục về đạo đức và tôn giáo. Với Rousseau, đó là cái “tôn giáo tự nhiên” đối lập với kiểu nhồi nhét những thuyết giáo, những tín điều buộc con người phải chấp nhận. Tôn giáo này khiến trẻ em phát triển những tình cảm tự nhiên của nó, từ bi, trắc ẩn, tính thiện và tất cả những tính cách hấp dẫn mà con người tự nhiên ưa thích, ngăn cản những thói ghen tị, tham lam, độc ác có thể bị ảnh hưởng từ xã hội.
Cần cho trang thanh niên thấy rằng mọi người sinh ra đều bình đẳng và theo bản tính tự nhiên thì không ai sinh ra là vua, là vĩ nhân, là giàu có, “tất cả sinh ra đều trần truồng và nghèo nàn, tất cả đều có thể bị nỗi cơ cực của đời sống, các nỗi buồn, các tai ương, các nhu cầu, các nỗi đau đủ loại, sau hết tất cả đều phải chết. Đó là thực trạng của con người, đấy là cái mà không người nào được miễn trừ”.
Muốn hướng thanh niên đến lòng nhân đạo, cần phải cho chúng thấy được khía cạnh đau buồn của số phận ấy và dạy cho chúng hiểu rằng chúng cũng có thể rơi vào số phận những kẻ đau khổ. Do đó, tình thương yêu con người không nên chỉ bó hẹp trong một cộng đồng nhỏ bé, mà phải mở rộng ra toàn nhân loại…
Quan điểm giáo dục “tự nhiên” của Rousseau thực sự hấp dẫn, nhất là khi trong xã hội hễ nói đến giáo dục là người lớn chỉ nghĩ đến dạy bảo áp đặt, bao giờ cũng dựa vào cái thế “vịt đẻ ra trứng” để cho rằng “trứng không được khôn hơn vịt”.
Thế nhưng, quan điểm giáo dục Rousseau cũng có nhiều chỗ cực đoan khó mà theo nổi: chẳng hạn, ai dám đem Emile của riêng mình bỏ lạc trong rừng để Emile nhà mình học địa lý?
Chưa kể, Rousseau vẫn chưa lý giải được cho chúng ta “đường lối giáo dục tự nhiên” là gì, và càng chưa giải thích được vì sao lại phải giáo dục trẻ em một cách tự nhiên.
Sao lại là “tự nhiên”?
Người đặt nền móng tâm lý học cho việc lý giải đó là Jean Piaget, nhà sinh vật học sau chuyển thành nhà tâm lý học người Thụy Sĩ. Jean Piaget sẽ mô tả và lý giải sự phát triển tự nhiên của trí khôn con trẻ (sinh vật học và tâm lý học).
Trước Jean Piaget, nhà sinh vật học Charles Darwin từng theo dõi, ghi chép sự phát triển các ứng xử của chính con trai mình. Nhưng ông không chủ bụng trở thành nhà tâm lý học, nên ba mươi bảy năm sau vào năm 1877 ông mới cho đăng bài báo trên tờ Mind, như một miêu tả đóng góp chung với nhiều miêu tả khác[4].
Không lãng mạn như con người bất hạnh Jean-Jacques Rousseau, bản thân mồ côi và tự mình cùng với một chị thợ giặt cũng sinh ra vài ba đứa con và các con đều gửi nuôi trong nhà Tế Bần, cũng không tham gia nghiên cứu sự phát triển tâm trí của trẻ nhỏ như một thú vui của một ông bố yêu con và yêu khoa học, Jean Piaget điềm đạm đi vào Tâm lý học, để lại những công trình được Albert Einstein đánh giá là giản dị như một thiên tài[5].
Immanuel Kant từng thách thức khoa tâm lý học nếu muốn được coi là khoa học thì cần phải chứng minh được nội dung “khoa học” đó một cách toán học. Jean Piaget không chứng minh tâm lý học bằng toán học. Ông chứng minh theo một cách còn hào hoa hơn là cách toán học: ông viết về sự cần thiết của việc lý giải trí khôn (mặt lý trí của sinh thể người) và sự hình thành “tự nhiên” cái lý trí đó: “Câu hỏi về những quan hệ giữa lý trí và tổ chức sinh học nhất thiết phải đặt ra khi bắt đầu một nghiên cứu về sự hình thành trí khôn con trẻ. (… và từ đó …) rút ra những định đề khởi phát cho việc nghiên cứu.” (“Sự hình thành…”, Sđd).
Piaget cho thấy yếu tố đầu tiên mang tính tự nhiên của sự phát triển một sinh thể là tính thích nghi. Ông viết: “Trí khôn là một sự thích nghi … về cơ bản, đó là một công việc tổ chức, và chức năng của nó là “cấu trúc chặt chẽ” thế giới xung quanh, giống như một cơ thể “tổ chức” cái môi trường ở chính nơi cơ thể đó sinh sống“. (“Sự hình thành …”, Sđd)
Còn cần phân biệt sự thích nghi ở đây không đơn giản chỉ là sự bảo tồn và sự sống sót một cách thuần túy “sinh vật học”, tức là sự cân bằng giữa cơ thể của mọi sinh thể với môi trường (cả thực vật, cả những động vật cấp thấp). Vì vậy Piaget muốn ta nhìn rõ hơn về sự thích nghi-trạng thái và sự thích nghi-tiến trình.
Điều kiện cho sự phát triển (thích nghi) mang tính người, đó là khái niệm tính tổ chức. Ông lý giải: “Trên quan điểm sinh học, tổ chức không thể tách khỏi thích nghi: đó là hai quá trình bổ sung của một cơ chế duy nhất, cái thứ nhất là phương diện bên trong của chu trình mà sự thích nghi làm thành phương diện bên ngoài.” (“Sự hình thành…”, Sđd).
Để diễn tả giản dị hơn nữa mấy ý kiến trên về thích nghi – tổ chức, có lẽ ta có thể phát biểu thế này chăng: “thích nghi” chính là sự “học”, còn “tổ chức” chính là kết quả gửi trong những lập luận (tư duy) đi từ những “lập luận” thô sơ nhất (tư duy bằng hình ảnh) sang những lập luận càng ngày càng “có cấu trúc tư duy chặt chẽ”.
Vậy, rốt cuộc, “học tập” là gì trong viễn tuyến tâm lý học phát triển? Thuật ngữ apprentissage có thể hiểu như là học, như là luyện tập, và đó là quá trình làm thích nghi những tổ chức tư duy của con người với những dữ liệu mới của thực tại. Sự thích nghi đó diễn ra theo hai cách, thích nghi và điều tiết mà theo cách diễn giải đơn giản của người viết bài này, thì thích nghi là chiếm lĩnh cái mới mẻ cho trí tuệ người học, còn điều tiết là dung nạp cái mới học được vào với cái đã học được trước đó để có cái mới mẻ hơn nữa cho trí tuệ người học.
Và chúng ta đã có một lý giải về việc tại sao và như thế nào lại có sự phát triển tâm lý học tự nhiên ở đứa trẻ, và vì sao người lớn phải cư xử tự nhiên với con em. Mọi diễn giải cho tới lúc này vẫn mới chỉ dựa trên những điều Piaget trình bày liên quan đến “sự thích nghi bú mút” ở trẻ trong giai đoạn trí khôn cảm giác–vận động. Piaget đã quan sát và ghi chép vô cùng tỉ mỉ các phản ứng học bú mút của Laurent, Lucienne và Jacqueline, ba đứa con của chính mình. Dựa trên các số liệu đó, Piaget tiến hành phân tích, mà chỉ nếm thử một đoạn nhỏ nào thì cũng thấy vừa làm sáng tỏ được vấn đề vừa vô cùng xúc động trước cách làm việc của một người “giản dị như một thiên tài”.
Nghĩ rằng, chỉ cần nghiên cứu kỹ giai đoạn Piaget phân tích phản xạ bú mút – những giây phút đầu đời của mỗi con người – và ta sẽ thấy thích nghi đây, học tập đấy, luyện tập đấy… và tất cả diễn ra thật tự nhiên, vì nó tiến triển đồng hành với sự sống sinh vật học tự nhiên và cũng đồng hành tiếp theo với cuộc sống tâm trí được điều tiết thật tự nhiên của trẻ em-người học.
Hơn cả giản dị
Thế nhưng, một thời gian dài, người lớn phạm nhiều sai lầm khi tương tác với trẻ em trong “môi trường sống” của chúng. Jeaqn-Jacques Rousseau đã tìm cách chữa chạy tình trạng đó bằng cách kêu gọi đem lại cho con trẻ một nền giáo dục tự nhiên. Nhưng đó vẫn còn là một nền giáo dục tự nhiên theo con mắt nhìn của người lớn. Jean Piaget đã lý giải được nguồn gốc sinh vật học và sự phát triển tâm lý học kéo theo trong một sự phát triển tự nhiên của con trẻ. Thế nhưng, cách làm của Jean Piaget còn mang ngay trong long nó chút gì nhược điểm? Từ một người ghi chép những kết quả đo nghiệm của A. Binet, Jean Piaget trân trọng nghiên cứu những câu trả lời và những lý lẽ “sai” để định hướng con đường tìm tòi tâm lý học của mình, điều đó thực sự giản dị mà vĩ đại. Thế nhưng, sau khi đường lối tâm lý học nhận thức được phát triển tự nhiên của Piaget đã thành một hệ thống, thì hình như bên trong hệ thống đó cũng cài đặt lại một sai lầm, ấy là quá chú trọng đến chỉ một dạng trí khôn ở người học mà cao điểm của trí khôn này là năng lực tư duy trừu tượng. Các giai đoạn phát triển nhận thức, từ nhận thức bằng cảm giác–vận động, sang nhận thức tiền thao tác, sang nhận thức bằng thao tác cụ thể, sang giai đoạn cao đỉnh thao tác hình thức khiến ta có cảm giác trí khôn người chỉ có một dạng mà thôi.
Nhà tâm lý học đương thời Hoa Kỳ Howard Gardner[6] gián tiếp phê phán sự khiếm khuyết đó bằng cách nêu vấn đề: một thiếu niên chèo thuyền ngang dọc ở vùng có cả ngàn hòn đảo trên Thái Bình Dương, người đó có trí khôn gì? Và còn chàng thiếu niên khi vào tu viện thì mù chữ, mười bảy năm sau, anh ta thành giáo sĩ, đọc được và thuộc lòng Kinh Koran; còn nhà thơ du ca Homère mắt mù và thuộc lòng cả vạn câu thơ; và còn cả em bé mười tuổi ngồi soạn nhạc bên chiếc máy tính hiện đại nữa chứ … tất cả những người này, ngoài cái tư duy trừu tượng và trí khôn của những học giả, hẳn cũng có tư duy gì và trí khôn gì khác chứ?
Howard Gardner chỉ dùng tư biện để xử lý các dữ liệu có trong tay, và ông đã đề xuất những tiêu chuẩn để dựa vào đó mà chọn được một hoặc những trí khôn. Cần lưu ý là những tiêu chuẩn ở đây mang rất nhiều giá trị hành động, không phải là những tiêu chuẩn của lối tư duy mang định kiến sẵn (jugement de valeur, value judgment). Vì vậy, Howard Gardner goi là tám dấu hiệu cho những ứng cử viên vào vị trí “trí khôn”. Đó là:
(1) Được cách ly tiềm tàng bởi tổn thương não. Thí dụ: vì bị tổn thương não nên mất tiếng nói. Sau đó, do điều trị não mà có lại tiếng nói. Song, ngay cả điều trị nhưng không khỏi, không phục hồi được thì cũng vẫn coi như là đã có, tức là có!
(2) Sự tồn tại các savant idiot (các “trạng lợn”, dịch sát từng chữ là các “bác học ngu xuẩn”) bên cạnh các thiên tài thật, các cá nhân xuất chúng ngoại lệ có thật. Những kiểu người này thường bộc lộ một năng lực phi thường, và đó chính là một tiêu chuẩn của một loại trí khôn nào đó.
(3) Trong việc thể hiện trí khôn có thể thấy được một thao tác hạt nhân hoặc một tập hợp thao tác xác định được. Tiêu chuẩn này hết sức quan trọng để tổ chức cho người khác học cách làm ra cái năng lực mang dấu hiệu trí khôn đó.
(4) Một lịch sử phát triển rõ ràng, cùng một tập hợp những thành tựu cuối cùng tinh thông. Tiêu chuẩn này thú vị ở chỗ nó giúp người đời khuyến khích người nghĩ thực làm thực và có thành tích thực, không khuyến khích kẻ “lợi khẩu”.
(5) Một lịch sử tiến hóa và một độ tin cậy trong tiến hóa. Tiêu chuẩn này nhấn vào tính khả tín của một trí khôn. Đi tìm một trí khôn bao giờ cũng cần cảnh giác và có được sự dị ứng với những “trí khôn đột xuất”.
(6) Được các việc làm trong Tâm lý học thực nghiệm ủng hộ. Cần nhân rộng trong phòng thí nghiệm và cần có các số liệu thực nghiệm trụ đỡ, trí khôn này không chỉ có ích khi được nhân bản rộng hơn mà điều quan trọng là nhà sư phạm có thể làm chủ được cách nhân bản.
(7) Được các khám phá từ khoa đo lường tâm trí ủng hộ. Tiêu chuẩn này củng cố tiêu chuẩn (6) vừa nêu bên trên ở chỗ đã có thêm những căn cứ lý thuyết tổng quát trụ đỡ.
(8) Khả năng mã hóa trong một hệ thống biểu trưng. Tiêu chuẩn này giúp mô tả, ghi lại không chỉ những biểu hiện của một trí khôn, mà còn giúp người đi sau nhân rộng cái trí khôn đang được xét.
Đôi lời kết
Nhóm Cánh Buồm đang thực hiện kế hoạch viết thành sách giáo khoa cho trẻ em tiểu học, một công việc rất cần có định hướng tâm lý học nhận thức cố gắng sai lầm ít nhất. Các vị phụ huynh, các nhà giáo, các nhà nghiên cứu sư phạm cũng cần đến định hướng tâm lý học đó.
Ban đầu, chúng ta cùng chọn một định hướng, vì chúng ta khó có thể bâng khuâng mãi giữa nhiều dòng nước. Đặc điểm của lựa chọn ở đây là một sự lựa chọn không nô lệ vào ông thày. Chính công việc làm của chúng ta trong thực tiễn sẽ giúp nhìn thấy nhược điểm của ông thày, và không nên bao giờ giữ thái độ ngu trung hết.
Làm gì thì làm, có lẽ cần nhớ làm lòng sự hết mực yêu thương con trẻ như Rousseau để công cuộc giáo dục mang đến cho các em được tự nhiên không áp đặt. Quan điểm trí khôn hình thành qua thao tác (intelligence opérationnelle) của Piaget đã dạy cho nhóm Cánh Buồm việc tiếp tục sàng lọc ra không chỉ công cụ học Toán, mà mọi công cụ làm ra nhiều loại sản phẩm tinh thần khác nữa, khả dĩ có thể cho trẻ em thực hiện việc tự học và để nhà sư phạm tổ chức việc học của các em một cách tự nhiên. Sau hết, việc tách bạch được các trí khôn khác nhau theo H. Gardner sẽ giúp nhà trường tự do hơn và dân chủ hơn, dường như đã có thể đến giai đoạn lịch sử con em học theo năng lực sống theo nhu cầu.
Cầu mong cho nhóm Cánh Buồm thuận buồm xuôi gió, và không rơi vào ảo tưởng như mà cả Jean-Jacques Rousseau, cả Jean Piaget và Howrd Gardner yêu quý đều có thể bị mắc bẫy!
Phạm Toàn
Hà Nội, 3 tháng 8 năm 2013
[1] Ngày sư phạm Cánh Buồm số 1: Tâm lí học giáo dục – http://canhbuom.edu.vn/index.php/su-pham/430-ngay-su-pham-canh-buom-01
[2] Tủ sách Tâm lý học Cánh Buồm – Quyển một: Jean Piaget, Sự hình thành trí khôn trẻ em, Hoàng Hưng dịch, nhà xuất bản Tri thức, sắp xuất bản. (Kính báo: Do quá trình biên tập chưa hoàn thành, nên những trích dẫn ở đây có thể sẽ khác với văn bản trong sách sắp in. – PT)
[3] Jean-Jacques Rousseau, Emile, hay là Về Giáo dục, bản dịch tiếng Việt của Lê Hồng Sâm và Trần Quốc Dương, nhà xuất bản Tri thức, 2008, Giải thưởng Sách Hay năm 2012.
[4] Charles Darwin, A Biographical Sketch of an Infant, Mind, 2, 285-294. (1877). Darwin mở đầu bài viết: “Câu chuyện rất thú vị ông Taine kể về sự phát triển tâm trí của một đứa trẻ nhỏ đăng trên tờ tạp chí MIND số trước (trang 252) làm tôi phải đọc lại những ghi chép của mình ba mươi bảy năm trước về một trong những đứa con nhỏ của tôi. Tôi đã có những điều kiện tuyệt vời để quan sát tận nơi tại chỗ và ghi lại tức thì bất kể điều gì tôi quan sát được…”
[5] Những tổng kết tự học Piaget của tác giả được viết trong chương sách Giản dị như một thiên tại, Phạm Toàn: Hợp lưu các dòng tâm lý học giáo dục, Tri thức xuất bản, Hà Nội, 2004, 2008.
[6] Howard Gardner, Cơ cấu trí khôn – Lý thuyết về nhiều dạng trí khôn. Phạm Toàn dịch, Giáo dục, Hà Nội, 1997, 1998, Tri thức tái bản có bổ sung, 2013.