Mỗi ý tưởng thay đổi giáo dục một khi chuyển thành phương án cải cách giáo dục, tất yếu sẽ mang lại một cách trực quan cho toàn xã hội một bộ chương trình khác gửi trong một bộ sách giáo khoa khác mang tư cách “những bản vẽ kỹ thuật”, giúp người giáo viên tổ chức việc học ở các cấp.

Mỗi ý tưởng thay đổi giáo dục một khi chuyển thành phương án cải cách giáo dục, tất yếu sẽ mang lại một cách trực quan cho toàn xã hội một bộ chương trình khác gửi trong một bộ sách giáo khoa khác mang tư cách “những bản vẽ kỹ thuật”, giúp người giáo viên tổ chức việc học ở các cấp.
 

Nói một lần cho xong về giảm tải

Người viết bài này thực tình chưa một lần cảm thấy xúc động vì “tầm quan trọng” của chuyện “giảm tải” chương trình và sách giáo khoa hiện đang dùng theo luật định trên cả nước – mà chỉ thấy buồn cười.

Bề ngoài nó giống câu chuyện thời chiến tranh, có anh thanh niên tong teo cân nhẹ nhưng hăng hái muốn tòng quân, đã đeo thêm mấy cục gạch trước khi bước lên bàn cân. Cân xong, anh tung tăng về nhà, trong túi vẫn còn nguyên mấy cục gạch dối trá mà thật đáng yêu. Và rồi anh chợt thấy mấy cục gạch kia đã hết nhiệm vụ lịch sử, liền quăng cả đi, thực hiện “giảm tải”, và còn “giảm tải sâu” nữa – giống như ngôn từ quen thuộc thời Giáo dục đại khủng hoảng.

Đâu là chỗ khác nhau giữa sự giảm tải của anh thanh niên gầy gò ước ao thực hiện nghĩa vụ quân sự với chủ trương giảm tải của những nhà sư phạm chịu trách nhiệm trước Tổ quốc đã được mấy thế hệ những anh thanh niên thiếu cân kia gìn giữ? Khác nhau chỗ này: anh thanh niên nhẹ cân kia rất thông minh, anh biết rõ mấy hòn gạch không tạo nên cân nặng của cơ thể anh một cách hữu cơ. Anh biết thừa mấy hòn gạch đó không khi nào biến thành phủ tạng của mình, vì thế mà anh đã chọn cái giải pháp ít tính chất “hàn lâm” đến thế!

Thảm hại thay, các nhà sư phạm lại quá hàn lâm (như quý vị lâu nay vẫn tự nhận xét mỗi khi trả lời công luận) và đưa quá nhiều cục gạch hàn lâm vào chương trình học và sách giáo khoa, thực lòng định tạo nên sức mạnh trí tuệ và tinh thần cho đời đời thế hệ trẻ của đất nước. Và bây giờ, làm cách gì để rút bớt đi bao nhiêu phần trăm nhân tố gạch trong máu, trong não, trong phủ tạng, trong cơ bắp, trong xương cốt con em?

Điều nực cười của giảm tải là ở đó. Hãy đọc những chỉ thị giảm tải.

Người ta vội vã soạn thảo một chương trình khung, gọt cái chân theo đôi giày cỡ CT-2000, để rồi căn cứ theo đó mà tính chuyện giảm tải.

Thử xem, có đúng hay không cái việc bỏ bớt một hai cách chứng minh trong ba bốn cách chứng minh sự vật nào đó? Người ta quên rằng, trẻ em cần học một lần cho trọn vẹn những gì cần học mang tính nguyên lý. Thời đại mới và tâm lý con trẻ khó chấp nhận cách học đồng tâm, nay một tí, mai một tí, bậc dưới học một tí, lên bậc học trên sẽ thêm một tí nữa… cả đời không một lần học trọn vẹn một điều cần học!

Có bộ môn được người ta chuyển cả loạt bài được soạn trịnh trọng “chính khóa” sang dạng “đọc thêm”. Có nghĩa là “đọc thêm” thì đọc cũng được mà không đọc cũng chẳng chết ai. Người ta nhầm một điều này: trong một chương trình học, không thể có những thứ được cho “bám vào” một cách không máu thịt. Thức ăn cho một chương trình học cùng với phương thức thực hiện chương trình đó phải giống như thức ăn cho một cái dạ dày lành mạnh, “ăn tất cả, để biến thành dòng máu tươi”. Dĩ nhiên trong cái “tất cả” đó không nên và không được trao cho cục gạch bất cứ vai trò dinh dưỡng thiêng liêng nào.

Giải pháp số một: tái cơ cấu

Ta cần tập trung nghĩ cách làm lại chương trình và sách giáo khoa – bộ phận nhân lõi của tái cơ cấu ngành Giáo dục.

Nói đến chương trình và sách tức là phải ưu tiên nghĩ đến người học và cách học. Sai lầm xưa nay của các lần cải cách giáo dục là chỉ nghĩ đến người học như những thực thể mơ hồ được nhào nặn theo một định hướng mang tính ý thức hệ và tin chắc rằng định hướng đó là đúng đắn một cách tất yếu. Bây giờ, trong cuộc tái cơ cấu này, ta cần đến với người học cụ thể hơn nữa, tỉ mỉ hơn nữa, tức là đi sâu vào cách làm việc – tức là cách học – của các lứa học sinh khác nhau.
Nghĩ rằng, ít nhất có thể coi mấy điều sau như là một định hướng khác đi trong việc tổ chức lại chương trình học và sách giáo khoa.

Học sinh bậc tiểu học cần được quan tâm đến hai mặt này: chiếm lĩnh phương pháp học các môn học khác nhau và toàn bộ hoạt động học cần phải được tổ chức vui vẻ, nhẹ nhàng, tình cảm.

Học sinh bậc tiểu học làm cách gì đến được với phương pháp học được đề cập ở đây? Chương trình và sách giáo khoa tiểu học sẽ không còn là nơi tích cóp kiến thức – đây là những “bản vẽ kỹ thuật” dẫn dắt người giáo viên tổ chức các hoạt động học của trẻ em, những hoạt động học sẽ khiến các em sở hữu phương pháp học được gửi trong phương pháp làm việc của những người đi trước.

Xin lấy một thí dụ trong bộ sách Văn 5 tập cho bậc tiểu học của nhóm Cánh Buồm. Tập 1 dùng cho lớp Một cấu tạo gồm những trò chơi đóng vai để giáo dục cái lòng đồng cảm từng có ở người nghệ sĩ, cái tài sản tinh thần khiến người nghệ sĩ có được cảm hứng làm ra tác phẩm nghệ thuật. Từ lớp Hai đến lớp Ba, lớp Bốn, học sinh được thực hiện ba thành tố của bộ ngữ pháp nghệ thuật nằm trong các thao tác mọi người nghệ sĩ đều đã tiến hành: tưởng tượng, liên tưởng và sắp xếp (bố cục) – và chỉ thế thôi là đủ, có ai tìm thấy yếu tố nào khác nữa của ngữ pháp nghệ thuật, xin vui lòng chỉ giáo. Lên lớp Năm, các em có thể áp dụng cái ngữ pháp nghệ thuật cùng với tinh thần đồng cảm để “làm lại” tác phẩm theo tinh thần “tự tạo ra” các sản phẩm nghệ thuật khác nhau: âm nhạc, nhảy múa, tạo hình, văn xuôi tự sự, thơ trữ tình, kịch – quý vị nào thấy còn thêm lĩnh vực nghệ thuật phổ thông tiêu biểu nào nữa, xin vui lòng chỉ giáo.

Xin lấy một thí dụ khác trong bộ sách Tiếng Việt 5 tập cho bậc tiểu học cũng của nhóm Cánh Buồm. Tập 1 dùng cho lớp Một có những thao tác nghiên cứu ngữ âm học của các nhà ngôn ngữ học tiêu biểu: thao tác phát âm, thao tác phân tích âm, thao tác ghi lại (và đọc lại để tự kiểm tra việc ghi âm). Sách Tiếng Việt lớp Hai tập trung vào việc học từ vựng học, đi từ sự phát sinh từ ngữ tới những giải pháp từ ngữ mà người Việt Nam đã trải qua từ thượng cổ tới thời đương đại. Sách Tiếng Việt lớp Ba tập trung vào việc học cú pháp học, bao gồm hai phương diện gắn bó trong câu tiếng việt và tư duy bằng câu của con người: cấu trúc cứng Chủ ngữ – Vị ngữ của câu, và cấu trúc mềm theo logic Đề – Thuyết của câu tiếng Việt. Sách Tiếng Việt lớp Bốn tập trung vào việc học viết đoạn văn theo tổ chức năm câu và bài văn theo tổ chức mở rộng đoạn văn. Sách Tiếng Việt lớp Năm có nội dung là các dạng hoạt động ngôn ngữ trong cuộc sống: ngôn ngữ khoa học (chính xác), ngôn ngữ hành chính (minh bạch), và ngôn ngữ (xã giao) trong đời thường.

Sách giáo khoa tiểu học Cánh Buồm không dạy viết văn nghệ thuật (là điều khó dạy nếu không muốn nói là không thể dạy được), nhưng lại dạy chắc chắn cách viết văn phi hư cấu (là điều có thể tổ chức việc học một cách tương đối chắc chắn). Trong quá trình học Tiếng Việt và Văn (theo sách Cánh Buồm), học sinh không “viết văn” dạng nghệ thuật, nhưng được chuẩn bị cho việc viết văn đó bằng những bài tập sinh động các kiểu – nếu như trong môn Tiếng Việt sách Cánh Buồm dạy các em tự tổ chức hội thảo (seminar) theo các chủ đề do các em chọn, thì với môn Văn, các em được quyền chọn các bài tập, từ đóng kịch câm tới viết đối thoại (một dạng của chuyển thể kịch) đến vẽ tranh, làm tranh truyện, cho tới việc chọn nói hoặc viết những đoạn ngắn dưới dạng “hãy kéo dài thêm đoạn kết”, “hãy viết lại đoạn kết” của một tác phẩm…

Một chuyện vui đáng để kể lại ở đây.

Ông NTL, Tiến sĩ văn chương, vào năm 2011 hoặc 2012 gì đó, có đăng trên báo Công an nhân dân hai kỳ liền bài viết phê phán sách Văn Cánh Buồm.

Nhóm Cánh Buồm biết là Tiến sĩ NTL nhầm, nhưng vẫn không trả lời, vì quá bận bịu hoàn thành bộ sách.

Đầu năm 2013, tại cuộc triển lãm tranh ở Viện Goethe, Tiến sĩ NTL tới gặp tác giả Cánh Buồm, nắm tay chặt “Em xin lỗi anh…”

“Về việc gì, tôi biết rồi, có gì mà đáng xin lỗi.”

“Nhưng anh cũng có lỗi, anh ghi tên sách là Văn, lẽ ra anh phải ghi sách của anh là Giáo dục nghệ thuật”.

“Chúng mình có viết như thế ở lời nói đầu mà!”

“Em đọc không kỹ, xin lỗi anh…”

Chúng ta dễ hình dung, với những trẻ em được học theo cách trên cho hết tiểu học, các em sẽ biết cách tự học để tự tìm đến tri thức khi lên cấp học bên trên.

Nội dung về chương trình và cách học này sẽ được gửi vào trong cuốn sách nhóm Cánh Buồm sẽ công bố sớm nhất là cuối năm 2013, muộn nhất là trước mùa hè năm 2014, chờ nhau cùng công bố với hai cuốn sách dịch của nhà tâm lý học Jean Piaget, Sự hình thành trí khôn con trẻ (nhà thơ Hoàng Hưng dịch) và Sự hình thành biểu trưng ở con trẻ (nhà văn Nguyễn Xuân Khánh dịch).

Nhiều chương trình – nhiều bộ sách

Nhóm Cánh Buồm ra đời và hoạt động trên tinh thần tự do của con người có trách nhiệm – và thái độ tự do đóng góp đó cần được đáp ứng bởi tinh thần dân chủ của xã hội theo lối không “ưu tiên” ai hết, chỉ lấy hiệu quả làm thước đo.

Từ thái độ “Một chương tình – Một bộ sách” bắt buộc dùng trong phạm vi cả nước theo Luật định, nhờ lắng nghe dư luận, đã chuyển được sang thái độ khác gửi trong ý tưởng “Một chương tình – Nhiều bộ sách”, đó đã là một bước tiến.

Nhưng bước tiến đó xem ra vẫn chưa thể hiện hết sự am tường công cuộc giáo dục quốc dân.
Một cá nhân như Hoàng Xuân Hãn đã từng soạn chương trình học và gợi ý về sách giáo khoa cho bậc Trung học phổ thông qua việc làm đầu tiên chuyển ngữ Việt hóa các Danh từ khoa học. Tư tưởng của chương trình và sách đó là tinh thần xây nền móng cho sự nghiệp giáo dục Việt Nam độc lập.

Đã có quá nhiều ý kiến đòi thay đổi. Mỗi ý tưởng thay đổi giáo dục một khi chuyển thành một phương án cải cách giáo dục, tất yếu sẽ mang lại một cách trực quan cho toàn xã hội một bộ chương trình khác gửi trong một bộ sách giáo khoa khác – xin nhắc lại – mang tư cách “những bản vẽ kỹ thuật” giúp người giáo viên tổ chức việc học của con em ở các cấp học.

Hiện nay đang có những ý kiến đòi học Phần Lan, học Singapore, học Pháp và học cả Colombia nữa thì phải. Ngày xưa, từng có cao trào học giáo dục của Nhật Bản và của CHDC Đức. Cũng được thôi, nhóm nào thấy có cái gì hay của nhân loại thì xin hãy Việt Nam hóa nó đi cho thành một phương án khả thi.

Rồi cũng có người hô hào: Nhà nước có chương trình khung đi, các bộ sách sẽ thi nhau thực hiện chương trình khung đó một cách thông minh nhất. Nhưng, ngộ nhỡ, chính cái chương tình khung đó lại thiếu cái phẩm chất mà các bộ sách thi nhau và đinh ninh mình sẽ có, thì sao nhỉ?

Vậy thì, mỗi nhóm tác giả hãy thử đưa ra cái khung của mình đặt ra. Cái khung do cái chương trình mình đề đạt với cuộc sống xã hội. Cái khung – chương trình học – với bộ sách giáo khoa chỉ rõ con đường tự học và tự giáo dục của thanh thiếu niên cả nước.

Kể cả khi đó là cái khung cho người lùn tè. Chả kể là lùn hay cao, thấp cao gì cũng có giá trị, miễn là hãy nhận trách nhiệm đối với phương án cải cách giáo dục của mình, cốt thế là đã!

 Phạm Toàn

Đăng trên Tia Sáng, ngày 8-7-2012