Các bạn ấy không chỉ nhớ bài học, mà còn làm bài tập rất tốt, tưởng tượng rất nhiều điều thú vị như một chiếc quạt thông minh, cứ khi nào ta cần là nó sẽ tự động quạt mát, một con chó có đôi mắt xanh nước biển với bộ lông có thể đổi màu, một con rô-bốt nhặt rác vừa biết thu dọn rác cho sạch, vừa biết phân loại rác và đặc biệt là khi có người có ý định vứt rác bừa bãi, nó sẽ chạy ngay đến hứng rác để người đó khỏi làm bẩn môi trường nữa cơ…

Mở đầu giờ học của lớp “Cùng tưởng tượng”, cô Quỳnh yêu cầu các bạn cho biết điều các bạn đã học được gì ở buổi học trước. Bạn nào cũng giơ tay cao, mong được kể lại những điều mình đã làm: tưởng tượng đi lấy hoa về trang trí lớp học, tưởng tượng đi trồng cây, gặp các bạn gấu, chơi trò chơi tưởng tượng nhanh… Cô mỉm cười đề nghị các bạn cho cô biết “tưởng tượng là gì?”, không ai bảo ai, các bạn đều trả lời: “Tưởng tượng là làm việc thầm trong đầu!” Quá giỏi!

Các bạn ấy không chỉ nhớ bài học, mà còn làm bài tập rất tốt, tưởng tượng rất nhiều điều thú vị như một chiếc quạt thông minh, cứ khi nào ta cần là nó sẽ tự động quạt mát, một con chó có đôi mắt xanh nước biển với bộ lông có thể đổi màu, một con rô-bốt nhặt rác vừa biết thu dọn rác cho sạch, vừa biết phân loại rác và đặc biệt là khi có người có ý định vứt rác bừa bãi, nó sẽ chạy ngay đến hứng rác để người đó khỏi làm bẩn môi trường nữa cơ…

Cô giao nhiệm vụ mới: trong giờ học này, các bạn sẽ tưởng tượng về một nhân vật lịch sử! Và cả lớp háo hức mong muốn được tiết lộ sẽ học về nhân vật nào. Cô giáo kể tóm tắt về tướng quân Trần Bình Trọng: “Trần Bình Trọng là danh tướng thời Trần, có công lớn trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông xâm lược nước ta lần thứ hai. Trong một trận chiến, Trần Bình Trọng bị giặc bắt nhưng ông kiên quyết không đầu hàng. Khi bọn giặc dụ dỗ, Trần Bình Trọng đã nói: Ta thà làm quỷ nước Nam chứ không thèm làm vương đất Bắc!”

Tranh minh họa Trần Bình Trọng trong sách Cánh Buồm

Nghe xong, có bạn chắc rằng chưa bao giờ được học về vị tướng này, có bạn lại bảo: “trong sách có viết mà” song bạn nào cũng tỏ ra khâm phục Trần Bình Trọng và vô cùng hào hứng thực hành tưởng tượng về vị tướng này. Cô giáo lần lượt nêu ra các tình huống, các bạn được thỏa sức tưởng tượng phát biểu ý kiến và xung phong lên đóng vai.

Tình huống đầu tiên: Quân giặc vào bẩm báo về việc đã bắt được Trần Bình Trọng. Bạn Quỳnh Trang đã hình dung đoạn đối thoại giữa quân lính và tướng quân Nguyên thế này:

Quân lính: Bẩm tướng quân, chúng thần đã bắt được Trần Bình Trọng và đã tra khảo hắn!

Tướng quân Nguyên: Được, mau áp giải Trần Bình Trọng đến đây cho ta.

Đến khi vào vai, tuy ban đầu cả quân lẫn tướng đều không nín được cười, nhưng các bạn luôn tự nhắc nhở nhau: Đã đóng vai là phải nghiêm túc chứ! Cười như thế chẳng giống thật gì cả! Và các bạn xin cô “cho con cười nốt”, hít hơi thật sâu  – rồi đóng “y như thật”. Các bạn cũng rất nhiệt tình xin cô cho đóng lại nhiều tình huống sao cho hay hơn vì các bạn tự nhận xét rằng: “vừa xong con đóng chưa giỏi lắm!”

Ban đầu, cô lo lắng liệu các bạn có thích vào vai tướng giặc Nguyên – một vai “phản diện” không, nhưng các bạn ai cũng bị cuốn vào câu chuyện, bạn Thùy Linh, Hà Anh vốn hay e lệ đã nhiều lần giơ tay rất cao, Hà Anh hào hứng: “Con làm tướng quân! Con làm tướng quân! Cô cho con làm tướng quân”. Tướng giặc Minh Phương thì còn oai vệ hơn cả kịch bản các bạn tạo ra ban đầu, dõng dạc khen và ra lệnh cho quân lính: “Giỏi lắm! Các ngươi sẽ có thưởng! Mau áp giải hắn vào đây cho ta!”

Giỏi lắm! Các ngươi sẽ có thưởng! Mau áp giải hắn vào đây cho ta!

Các bạn đều đoán rằng khi bắt được Trần Bình Trọng, bọn giặc sẽ không giết Trần Bình Trọng ngay mà mua chuộc, dụ dỗ rồi dọa nạt để ông kể về bí mật của đất nước cho chúng nghe. Và thế là các cảnh tượng dụ dỗ, dọa nạt được các bạn hình dung và thể hiện sinh động.

Bạn Minh Phương tưởng tượng cảnh tướng giặc mời rượu Trần Bình Trọng: Tướng giặc sẽ nói: “Cứ từ từ mà uống, rồi kể cho ta nghe về đất nước của ngươi!”. Cách nói này được các bạn hưởng ứng nhiệt tình. Các bạn đều khẳng định Trần Bình Trọng sẽ không uống chén rượu đó vì rất căm ghét quân giặc, có bạn còn chắc chắn rằng ông sẽ ném ngay chén rượu đó đi – khi đóng cảnh này, Trần Bình Trọng Minh Anh đã rất mạnh mẽ ném “chén rượu” xuống dưới, còn Trần Bình Trọng Hà Anh thì hắt ngay “rượu” đi. Và đây là các cách Trần Bình Trọng đáp lời tướng giặc:

-Minh Phương: Ta không thèm uống cốc rượu bẩn thỉu của đất nước ngươi!

-Khánh Huyền: Ta không thèm!

-Quỳnh Trang: Ta sẽ không bao giờ ăn hay uống, hay mặc thứ gì của đất nước nhà ngươi!

Bạn Minh Phương trổ tài đạo diễn: sau khi Trần Bình Trọng từ chối, tướng giặc sẽ giận giữ quát “Nhà ngươi thật quá đáng, người ta đã mời tử tế mà còn không chịu uống!”

Cứ từ từ mà uống, rồi kể cho ta nghe về đất nước của ngươi!

Các bạn chắc rằng tướng giặc mời không được thì sẽ trở mặt dọa Trần Bình Trọng:

Hải Dương: Ngươi mà không nói ta sẽ giết ngươi!

Hà Anh: Ngươi nói mau, nếu không ta sẽ bảo quân lính chặt đầu ngươi!

Khánh Huyền cũng chung ý tưởng: Ngươi mà không nói ta sẽ mang ngươi ra chặt đầu!

 

Về phần Trần Bình Trọng, ông vẫn không hề nao núng:

Minh Anh: Ta không sợ ngươi, dù nhà ngươi có chặt đầu ta ta cũng không bao giờ nói cho ngươi!

Hải Dương: Ngươi có giết ta ta cũng không bao giờ nói cho ngươi!

Quỳnh Trang: Dù ngươi có chặt đầu ta thì ta cũng không sợ, vì ta đã chết trong vinh quang chứ không phải chết trong sợ hãi!

Khi cô hỏi giọng Trần Bình Trọng lúc trả lời thế nào, các bạn khẳng định: Mạnh mẽ, quyết liệt!

Dù ngươi có chặt đầu ta thì ta cũng không sợ, vì ta đã chết trong vinh quang chứ không phải chết trong sợ hãi!

Tình huống cuối cùng, cũng là tình huống được các bạn mong đợi nhất: Tướng giặc đề nghị cho Trần Bình Trọng quyền cao chức trọng nếu ông chịu đầu hàng, nhưng ông đã khẳng khái đáp lại: “Ta thà làm ma nước Nam chứ không thèm làm vương đất Bắc!” Mỗi bạn lại nghĩ lời tướng giặc theo ý riêng của mình:

Khánh Huyền: Nếu ngươi chịu làm tay sai cho giặc ta [các bạn sửa lại: chỉ “ta” thôi, không nói “giặc ta”], ta sẽ phong cho ngươi chức cao!

Minh Phương: Nếu ngươi nói những kế sách của đất nước ngươi cho ta nghe, ta sẽ phong chức to cho!

Lần lượt từng cặp tướng giặc – Trần Bình Trọng bước lên đầy tự tin.

Ta thà làm ma nước Nam chứ không thèm làm vương đất Bắc!

Khi đã hoàn thành, cả lớp nhao nhao đề nghị: “Cô ơi, diễn lại từ đầu đi cô! Cô ơi, đóng luôn thành một vở dài đi ạ!” Cô Quỳnh yêu cầu cả lớp cùng nhắc lại lời của Trần Bình Trọng, cả lớp hô vang: “Ta thà làm ma nước Nam chứ không thèm làm vương đất Bắc!” Nếu có thêm chút thời gian, hẳn cô giáo và các bạn sẽ cùng đứng lên làm điệu bộ hùng dũng của Trần Bình Trọng chứ không chỉ ngồi tại chỗ thế kia đâu. Cô Quỳnh hứa với các bạn: Nếu các bạn yêu thích, và được bố mẹ các bạn đồng ý, thì các bạn sẽ có cơ hội diễn toàn bộ vở kịch này từ đầu tới cuối trên một sân khấu lớn thực sự! Ấy là cô Quỳnh đang nghĩ đến việc thành lập một đội kịch Cánh Buồm – với những vở diễn do chính các bạn góp tay dàn dựng và biểu diễn, các thầy cô và các chú đạo diễn chỉ tổ chức, hướng dẫn cho các bạn thôi. Tại sao lại không nhỉ?

Kết thúc giờ học, cô phát cho các bạn một trang có in đoạn giới thiệu về Trần Bình Trọng, yêu cầu các bạn về nhà đọc đoạn văn cho bố mẹ nghe rồi đóng vai với bố mẹ, hoặc anh chị em, bạn bè…

Là người chứng kiến giờ học của các bạn, người viết thầm nghĩ cùng với những phút giây vui vẻ, thoải mái thể hiện suy nghĩ và hành động của mình, chắc hẳn các bạn không chỉ luyện tập được thao tác tưởng tượng mà còn tự gieo vào lòng mình được một điều gì đó về lịch sử nước nhà, về lòng tự hào dân tộc, một điều gì đó có thể rất mơ hồ, mong manh, song sẽ còn gắn bó với các bạn rất lâu sau này… Vâng, chỉ là những suy nghĩ vẩn vơ thế thôi…

Đinh Phương Thảo

Nhóm Cánh Buồm