Bàn về chương trình học đâu chỉ là bàn chuyện bỏ cái này và thay bằng cái khác; bàn chuyện tự mình làm hay là sao chép từ các nước văn minh. Mà là bàn cách trả lời một câu hỏi sâu hơn: chương trình học có mối liên hệ gì với bản chất và sự phát triển của tri thức, với bản chất con người, và với công cuộc xây dựng xã hội?

Suy cho cùng, hình như Giáo dục Việt Nam cần có một lý thuyết cho toàn xã hội đồng thuận, dù lý thuyết ấy chỉ để làm một việc: “chương trình khung”.

Vài lời về thực trạng

Không một quốc gia nào lại dại dột và kiêu căng đến mức định đoạt chương trình học từ Lớp Một cho tới bậc Đại học. Trường đại học dù dạy Trời tròn Đất vuông hoặc Trời vuông Đất tròn, thì cũng có cái lý do tồn tại riêng cùa nội dung đó – cái Lý mang tính Thời đại, mang tính Nhân thức, rất nhiều khi còn mang cả Hệ ý thức nữa.

Điều vừa nói trên có thể bị coi là lẩm cẩm, vì đó là nói nhai lại một chân lý đã thành phổ quát. Song vẫn cần nêu lại chính cái chân lý đó, để thấu hiểu chuyện bây giờ đây xã hội đã đi tới được ít nhất hai kết luận như sau:

(a)   Các trường đại học phải được tự chủ rất cao: hai trường đại học cùng chuyên ngành có thể là “hai thế giới” hoàn toàn khác biệt. Ngay tại cùng một trường thì một nội dung cũng có thể có nhiều tác giả với nhiều giáo trình khác nhau. Mỗi giáo trình không chỉ là những “nội dung chuyên đề” mà còn là cách tổ chức việc học, theo đúng nghĩa là một “chương trình học” luôn luôn động, luôn luôn thay đổi, sao cho đại học thành cái nôi của Tiến bộ.

(b)   Còn với các trường lớp trong khối Giáo dục phổ thông thì, ngược lại, chúng cần được nằm trong một hệ thống kỷ cương. Nếu ví nhà trường phổ thông như một cơ thể, thì có loại kỷ cương như bộ quần áo, và có loại kỷ cương như phủ tạng. Chương trình giáo dục chính là bộ phủ tạng của cơ thể giáo dục phổ thông. Chưa hết! Chương trình giáo dục cũng làm thành bộ “cương thắng” để cả con ngựa lẫn người cưỡi ngựa đến đích nhanh nhất, chắc chắn nhất, an toàn nhất.

Nếu coi “kỷ cương” giáo dục ngang mức độ của một chương trình học thì quan niệm như thế không sai. Chuyện gây chết người  là cái cung cách thực hiện kỷ cương ấy.

Đã từng có người mơ ước: vào cùng một thời khắc một vị quan chức Giáo dục có thể biết tại một lớp học ở một trường tiểu học xa xôi nào đó trẻ em đang học tiết học có nội dung gì. Đây là cung cách kỷ cương của phe NẮM. Phe “nắm” này dùng con đường pháp quy để bắt cả nước dùng chung một chương trình, chung một bộ sách, hình như còn định có chung một bộ phân phối chương trình nữa!

Ngược hẳn lại với phe “nắm” là phe BUÔNG – mà người đại diện ở Việt Nam cho tới lúc này hình như vẫn là Nguyễn Cảnh Toàn, chủ trương đem khoaSáng tạo học dạy ở trường sư phạm, chủ trương soạn những tài liệu mang tính tham khảo và để cho từng giáo viên có quyền tạo ra bài giảng của mình cho lớp học của mình vào thời điểm thích hợp.

Một sự thật chẳng ai không biết, là phe Nắm đã cho ra đời một bộ sách hiệnđang bị tự chê là “quá hàn lâm”, “quá tải” – và sau khi sách giáo khoa đã chễm chệ khắp nơi, thì một bộ “chương trình” nặng trịch cũng kịp ra đời, mang chức năng của một bộ “khung” ở tầm “phân phối chương trình”.

Còn phe Buông thì vẫn chưa tổ chức nổi lực lượng, vẫn đang giẫm chân ở giai đoạn hô hào…

Nhóm Cánh Buồm làm gì?

Dù vẫn có chút kính trọng với phe Buông, song nhóm Cánh Buồm không tham gia vào cả hai phe nói trên – nó đứng độc lập và quyết định tạo ra một cái mẫu về chương trình giáo dục trước hết là ở bậc tiểu học, và sau đó, đầu xuôi đuôi lọt, cuối năm 2013 này nhóm sẽ công bố chương trình khung từ lớp Một tới lớp Chín.

Hành động trọng tâm mà nhóm Cánh Buồm đã thực hiện là công bố bộ sách giáo khoa tiểu học. Sự ra mắt bộ sách này hết sức cần thiết trong tình hình cả xã hội chẳng ai lắng nghe trọn vẹn tiếng nói của ai khác. Các vị phụ huynh thương con em “bị tước đoạt tuổi thơ”, bị “quá tải”, thì đang càu nhàu. Các nhà lý luận thì đua nhau liên tiếp cất tiếng đỡ lời cho những tiếng càu nhàu đó. Có điều là hầu hết các tiếng nói đều chỉ như là đang giảng đạo giữa hoang mạc. Trong tình hình đó, nhóm Cánh Buồm không đủ kiên nhẫn để chỉ “phản biện” bằng lý lẽ. Nhóm khẩn trường cho ra mắt một bộ sách tiểu học với hàm ý này: lý thuyết giáo dục hiện đại thể hiện ở cách làm việc của thày và trò diễn đạt cụ thể trong bộ sách này đây. Là bộ sách giáo khoa, nhưng nó không tự bó mình vào địa hạt giáo dục, đây cũng còn là nơi cụ thể hóa ước vọng chấn hưng văn hóa, thậm chí cả ước vọng dùng giáo dục đem lại hạnh phúc tới từng gia đình, khiến xã hội ổn định nhờ một công cuộc giáo dục thực sự cải cách, dù cái “mẫu” chỉ mới giới hạn ở bậc tiểu học.

Suy cho cùng, bộ sách tiểu học Cánh Buồm là một ví dụ cụ thể về điều lâu nay cả xã hội bận tâm, đó là chuyện chương trình khung. Cái “chương trình khung” ấy là một hệ thống công việc chứ không phải chỉ là một tập văn bản quy định “nội dung học” này nọ. Và trong việc này, quan điểm của Cánh Buồm thể hiện gọn trong mệnh đề sau: hệ thống công việc ấy là một mục tiêu (khung) trải ra thực hiện trong một chương trình (khung) thông qua hoạt động học của học sinh dưới bàn tay tổ chức của giáo viên.

Mục tiêu khung – Trước hết, phải hình dung về cái đích cần đạt mà ta sẽ gọi tên tạm là mục tiêu khung. Mục tiêu khung là mẫu “con người lý tưởng” sự nghiệp giáo dục muốn tạo ra. Nhiều năm qua, mẫu sản phẩm giáo dục đó thường là những con người yêu nước, yêu lao động, yêu chủ nghĩa xã hội… Chắc chắn là vào thời buổi này những quy định này có lẽ không ổn! Giáo sư Hoàng Tụy cólần đã nói về việc phải thế tục hóa nền giáo dục – vấn đề “thế tục hóa” nhằm tách nhà trường khỏi “nhà thờ” (hoặc khỏi một hệ ý thức) hẳn là có liên hệ tới mục tiêu khung!

Giữa thời gian khi nhóm Cánh Buồm thăm dò xã hội bằng bộ sách lớp Một vào năm 2010 và chuẩn bị trình ra bộ sách có đến lớp Bốn vào cuối năm 2011, nhóm nhận được một cú điện thoại muốn hỏi cho rõ chỉ một điều này: các bạn định đào tạo con người như thế nào? Câu trả lời bữa đó: con người tự chủ, có trách nhiệm, và có tâm hồn phong phú. Lý ra khi đó Cánh Buồm định trả lời “con người tự do”, nhưng lại cố ý tránh phạm húy bằng cách “nói nhịu” là “con người tự chủ”.

Khái niệm tự do là một trong những “quyền” có sẵn được Tự nhiên trao cho con người – khái niệm đó sóng đôi với dân chủ là “quyền” do xã hội quy định để ràng buộc sự tự do của con người. Vì có cái quyền song hành đó mà Cánh Buồm chủ trương trong mục tiêu khung rằng nó muốn đào luyện  trẻ em thành những con người có trách nhiệm, hoặc con người thấy đựoc vai trò dân chủ của mình trong khi thực thi quyền tự do trong xã hội. Và cuối cùng, để không rơi vào “chủ nghĩa hiện đại” trong cuộc sống hiện đại hóa từng ngày từng giờ, trong mục tiêu khung, Cánh Buồm còn mong muốn tạo ra những con người mang tâm hồn không-robot.

Chương trình khung – Chương trình khung không phải là công cụ kiểm soát công cuộc giáo dục, không phải là sợi dây xích trói buộc nhà giáo. Chương trình khung là sự cụ thể hóa cách thức đưa trẻ em đạt tới mục tiêu khung mà nền Giáo dục trông đợi.

Cái mục tiêu khung của Khổng Tử là dạy cho anh đàn ông đạt tới tầm củangười quân tử và chương trình khung của ông này là Lễ, là Nhạc, là những bộKinh được các thày giáo tự do diễn giải cốt sao học trò thi đỗ là được. Mục tiêu khung của các nhà nước Hy Lạp cổ đại là con người và cái Đẹp, đẹp cơ thể, đẹp trí tuệ và đẹp mỹ cảm, và chương trình khung sẽ dẫn người học đi vào Thi ca, Toán học, Triết học và Đạo đức học. Còn về phương pháp truyền tải, thì cả Hy Lạp cổ đại lẫn nền giáo dục của ông họ Khổng đều gần nhau ở cách dạy học theo lối gợi mở, theo cách giảng giải mà cố ý tỏ ra không áp đặt.

Về cơ bản, cách thực hiện chương trình khung của các thời đã qua, dù giáo viên là Khổng Tử hay Socrates, dù người thày có tỏ ra “tôn trọng người học” đến đâu chăng nữa, thì cũng vẫn bị khoanh trong khung khổ của lối giảng giảicủa người dạy thay cho lối khám phá của người học.

Chương trình khung của nhóm Cánh Buồm quy định toàn bộ công việc người giáo viên tổ chức hệ thống việc làm của học sinh cho các em tự thực hiện để các em đựoc tự học và tự giáo dục. Trong chừng mực nào đó, có thể coi chương trình khung của Cánh Buồm là sự chi tiết hóa khẩu hiệu  lấy học sinh làm trung tâm và tổ chức công việc tự giáo dục qua con đường làm thì học – làm mà học (learning by doing).

Về khái niệm LÀM

Tưởng dễ hóa ra cũng rất khó dịch ngắn gọn khẩu hiệu learning by doing sang tiếng Việt, và nhóm Cánh Buồm trong các tài liệu của mình đã phải dịch dài dòng hơn văn bản gốc. Tốt nhất là diễn giải khái niệm làm ở đây xem nó có nội dung gì.

Những việc làm của học sinh được chia làm ba cấp độ. Ở bậc tiểu học, làm là để sở hữu phương pháp. Ở bậc sau tiểu học (nhóm Cánh Buồm giả định đó là giai đoạn từ lớp 6 tới lớp 9), làm là dùng phương pháp đã có để tự trau giồi kiến thức. Ở bậc trung học (nhóm Cánh Buồm giả định là bậc tập nghiên cứu) làm là đến với những câu hỏi còn chờ chưa được giải đáp – coi đó như là phương cách tốt nhất để chuẩn bị cho người vào bậc đại học.

Trước hết, ở bậc tiểu học, “làm” nghĩa là “làm những gì”?  Trên kia đã nói, ở bậc tiểu học, “làm” là để sở hữu cho mình một phương pháp học (hoặc một phương pháp làm việc). Phương pháp làm việc đọng lại trong những việc làm chắt lọc nhất của những người tiêu biểu trên các lĩnh vực đặc thù (tiêu biểu là hai lĩnh vực khoa học và nghệ thuật). Người học muốn có phương pháp thì hãylàm lại những việc làm và thao tác đó.

Để tạo ra phương pháp (khoa học hoặc nghệ thuật) này ở trẻ em, nhà sư phạm phải biết rõ và biết chắc về cách làm việc của những con người tiêu biểu trong những lĩnh vực đặc thù ấy.

Thí dụ, nhà sư phạm phải biết chắc về công việc đã tiến hành ở người sáng tác nghệ thuật. Rất khó nhận biết cách làm việc đó của người nghệ sĩ: chẳng hạn, họ hút thuốc phiện để có inspiration (cái “cảm hứng” mà thời xưa các nghệ sĩ Việt Nam thường gọi theo phiên âm tiếng Hán là yên-sĩ-phi-lí-thuần). Sách giáo dục nghệ thuật (môn Văn) của nhóm Cánh Buồm nhìn thấy ở đó trước hết là một lòng đồng cảm với thân phận con người, cái lòng đồng cảm rồi sẽ sinh ra cảm hứng sáng tạo nghệ thuật. Khi đã hiểu cảm hứng ra đời như vậy, sách Văn lớp Một của nhóm Cánh Buồm tổ chức cho con em thực hiện các trò chơi đóng vai để tự tạo ra lòng đồng cảm. Thật đơn giản!

Sau đó, hệt như khi Nguyễn Du tạo ra Thúy Kiều hoặc Nam Cao tạo ra Lão Hạc, Chí Phèo … sách Văn của nhóm CánhBuồm cũng tổ chức cho học sinh thực hiện các thao tác tưởng tượng, liên tưởng, và  bố cục, để hình thành trong các em một năng lực vận dụng bộ ngữ pháp nghệ thuật với ba thao tác sáng tạo đó. Chỉ ba thao tác thôi! Thật đơn giản! Và thế là đủ để trẻ em tự tạo ra tác phẩm mang cái đẹp nghệ thuật cho mình. Các tác phẩm có khi còn thô kệch, nhưng đó là tác phẩm của các emdo các em làm ra một cách vô tư, không vụ lợi, hoàn toàn nghệ thuật vị nghệ thuật!

Tổ chức những việc làm cho học sinh như trên, nhà trường sẽ hoàn toàn từ bỏ được lối giảng văn và “tập” làm văn, để học sinh tự mình đến với cái đẹp nghệ thuật, không cần nhại lại những lời bình giảng, không cần viết văn theo các bài văn mẫu.

Cũng có thể nêu thêm ở đây một vài thí dụ khác liên quan đến các thao tác học ngôn ngữ học với vật liệu là tiếng Việt hoặc tiếng nước ngoài. Đặc biệt, thao tác và việc làm của môn Giáo dục lối sống sẽ minh họa rõ thêm về chương trình khung không chỉ là nội dung học như thường đựoc hiểumột cách đơn sơ. Một chương trình khung nhằm thực hiện một mục tiêu khung kéo theo nó toàn bộ công việc tổ chức việc học, thậm chí tác động đến cả cách tổ chức một tiết học.

Chẳng hạn, một tiết học sẽ  không mở đầu bằng việc cô giáo nắn nót viết tên bài học, mà sẽ khác hẳn. Giáo viên có thể đố học sinh tiết này học cái gì? Dựa trên điều đã học ở tiết trước, điều đã biết ở bài trước, hoặc cả ở chương trước, học sinh phải đoán ra tiết học này mình sẽ làm công việc gì. Giả sử học sinh không đoán ra, thì toàn bộ các việc thày và trò cùng làm trong tiết học sẽ tất yếu dẫn đến những thu hoạch – là câu trả lời cho câu hỏi “tiết này học được điều gì”? Và đến hết tiết học, cái câu hỏi gieo vào đầu học sinh cũng sẽ là “đố biết tiết sau học điều gì?”

Vẫn tiếp tục nói thêm về việc làm bằng thí dụ trong việc làm đồ dùng dạy học. Xưa nay. để minh họa nội dung truyền tải, giáo viên thường tận tụy làm đồ dùng “trực quan” trước con mắt bái phục của học sinh  và đồng nghiệp. Vào thời “hiện đại” các trường muốn câu khách đều nhấn vào các thiết bị đắt tiền trang bị ở từng phòng học và cũng để học sinh và cha mẹ (người nộp học phí) tròn mắt bái phục! Nhóm Cánh Buồm cho rằng những “giáo cụ” đó là không cần thiết, và khi cần, chúng có thể và phải do học sinh làm ra tại chỗ để tự tìm kiến thức cho mình.

Khi với một môn học, với các môn học, mọi chuyện đều diễn ra theo lối người học tự làm việc và tự kích thích sự sáng tạo của chính mình, thì đến hết tuần hết tháng hết năm thậm chí hết bậc học, liệu có cần nữa không việc thi cử này nọ cho tốn thời giờ và tiền bạc!? Nhưng thôi, đây là điều sẽ giải quyết trong một dịp khác…

Tạm biệt

Như vừa trình bày, việc làm ra một chương trình khung nằm trong khuôn khổ sự đổi mới triệt để công cuộc Giáo dục. Tên gọi mọi thứ vẫn giữ nguyên, nhưng “gọi vậy mà chẳng còn là vậy”. Rõ ràng, ta cần một lý thuyết cho thay đổi tổng thể cùng với toàn bộ các thay đổi chi tiết. Chẳng hạn như, chúng ta sẽ có một và chỉ một chương trình khung, hay có nhiều chương trình khung tùy theo những quan điểm khác nhau về mục tiêu khung đào tạo con người? Có câu hỏi này, vì nhóm Cánh Buồm biết chắc mình có cách làm việc và suy tư về Giáo dục hoàn toàn khác với “giới chính thống”.

Phạm Toàn.

Hà Nội, 1-5-2013.

Đã đăng trên trang mạng “Học Thế Nào”