Nhà giáo Phạm Toàn, người đã truyền được cảm hứng cho một nhóm nhà giáo trẻ dưới ba mươi tuổi, người tạo ra một nhóm tác giả sách giáo khoa Cánh Buồm gây tiếng vang trong xã hội – truyền cảm hứng thực hành cho trẻ em, người trong tay không có gì ngoài một năng lực truyền cảm hứng cho những ai gặp ông.

Bẵng đi khá lâu không gặp nhà giáo Phạm Toàn, cuộc tái ngộ của tôi với ông đã diễn ra vui vẻ, hồn nhiên tại lớp 4 một trường tiểu học Hà Nội tháng 4 này. Chiều đó, Phạm Toàn dạy làm mẫu cho các bạn trong nhóm Cánh Buồm.

 Nhà giáo Phạm Toàn

Tên tiết học: cách viết một đoạn văn. Thời gian dạy: 35 phút. Yêu cầu: sau tiết học, trẻ em nắm vững cách viết một đoạn văn và mỗi em phải “sản xuất” hai đoạn văn không em nào viết giống em nào.
Tôi bị cuốn hút vì cái tiết học “hiện đại” này. Không có thiết bị dạy học đắt tiền – lớp học như thế có thể bắt gặp ở khắp nơi. Không có học sinh thuộc thành phần chọn lọc mà mỗi em đều được cha mẹ gửi gắm thầm như một tài năng …, ít ra là một em nhỏ đủ sức du học ở nước ngoài từ tấm bé, xoàng ra cũng là vào được những nhà trường “du học tại chỗ” ở ngay trong nước. Những học trò lớp 4 này mới đầu cũng nhút nhát như mọi em bé thiếu tự tin. Nhưng tôi đã thấy nhà giáo Phạm Toàn truyền được cảm hứng đến từng em bằng những cách cư xử rất bài bản…
“Các em nhớ nhé: đầu đề là “xin ý kiến các em” về một vấn đề  … chứ không ra đề bắt các em phải viết…”. Phạm Toàn chuẩn bị cho trẻ em nói ra những ý riêng trước khi viết, và ông không quên nhắc nhở: “Các em chú ý đấy: viết cái gì mình thích, mình thấy đúng, đừng viết giống người khác”…  Ngay trong tiết học, đang “biểu diễn” đấy, Phạm Toàn vẫn khéo léo quay sang cô giáo chủ nhiệm lớp, phân tích rất nhanh: “Trẻ em lớp cô mới đầu hơi nhát, nhưng nhập rất nhanh vào không khí làm việc khác … Trẻ em nào cũng thế cả … Cô cứ tiếp tục đi …”.
Lớp học làm việc ào ào, người dự giờ không thấy căng thẳng. Hết 35 phút, mỗi em học sinh viết được hai đoạn văn theo cấu trúc năm câu… Ông dắt dẫn một tiết học giản dị nhưng tập trung.
Để biết vì sao Phạm Toàn say sưa đến thế khi cùng các nhà giáo trẻ “làm một điều tích cực cho nền giáo dục nước nhà”, cần phải nghe ông trò chuyện. Vì lúc đó mới rõ cái duyên truyền cảm hứng của ông: hóm hỉnh, vừa khiêm tốn lại vừa kiêu hãnh, vừa khó tính lại vừa nồng nhiệt… Hình như tôi cũng muốn truyền cái cảm  hứng nhận được từ ông để lan tỏa sang mọi người xa gần …
Dạy cho học trò nên người và “dạy” để có thành tích xổi
Thành tích của người thầy là dạy học trò có tỷ lệ đỗ cao, hay dạy họ nên người? 
NHÀ GIÁO PHẠM TOÀN: Hình như trong câu hỏi vừa rồi, bạn đã có câu trả lời thì phải. Hiện nay, trong cuộc chạy đua mở trường “có thành tích cao”, nhiều “nhà giáo” sẵn sàng hớt váng các học trò giỏi để làm cho có nhiều em đỗ đại học, đỗ vào trường chuyên, đỗ vào trường điểm danh tiếng…  Ta biết rằng, học để thi đỗ, để vào được trường danh tiếng, và học để “nên người” là hai điều hoàn toàn khác nhau.
 Thành tích xổi và dạy trò nên người, ông nghĩ gì về sự khác biệt của hai thành tích này? 
– Thành tích xổi đem lại lợi nhuận cho những ai lợi dụng học trò để đi tìm lợi nhuận. Nhiều “nhà giáo” chỉ cần khôn ngoan, không cần đầu tư trí lực nhiều lắm, cũng vẫn có thể có thành tích xổi, và có tiền. Có thể kiếm được rất nhiều tiền. Sau đó vẫn phát biểu dạy đời về đổi mới, về tài năng, về lý tưởng cải cách giáo dục.
 Làm sao hạn chế thành tích vì người dạy, để có thành tích vì học trò? Làm sao để tôn vinh thầy dạy trò nên người thay vì tôn vinh thầy có thành tích xổi?
– Trước mắt, một cách thực dụng, tôi thấy cần chấn chỉnh công việc của hai “nhà”: Nhà trường và cả cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục, đừng tuyên dương thành tích rởm nữa, và nhà báo cũng đừng vào hùa theo bệnh thành tích nữa, (cười). Chẳng có gì  khó cả! Đừng nói dối nữa. Đừng “chăm phần chăm” như khi uống bia mặt phừng phừng nữa.
Cách để môn khoa học xã hội và nhân văn thôi xa lạ
 Tại sao ông lập ra nhóm Cánh Buồm?
– Để làm một việc cụ thể mà cả xã hội có thể nhìn thấy, và nhìn thấy không chỉ một bộ sách giáo khoa mà còn thấy trong bộ sách đó có chứa đựng một lý tưởng Cải cách giáo dục. Cả xã hội rên rỉ kêu ca những bất cập của nền giáo dục. Mình cũng có thể ngồi viết các bài “phản biện” lắm chứ? Nhưng chúng tôi chọn cách đi khác: cái gì mình muốn thì mình đưa vào bộ sách giáo khoa mới. Bởi vì suy cho cùng thì công cuộc giáo dục là công cuộc liên quan đến chương trình học và cách học. Đó là cái lõi của hoạt động nhà trường thay vì những hoạt động “chạy quanh nhà trường” – hình như cố Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên từng diễu như thế!
 Tại sao nhóm Cánh Buồm chỉ soạn sách khoa học xã hội và nhân văn, không soạn sách Toán?
Hè năm nay, nhóm Cánh Buồm sẽ hoàn thành Cẩm nang sư phạm dùng sách cho cả 5 lớp Tiểu học, cùng với một số video clip minh họa việc thực hiện các cuốn sách đã có. Nhóm cũng đang chuẩn bị công bố nhiều tác phẩm Tâm lý học Jean Piaget, Howard Gardner, làm cơ sở tham khảo đổi mới sư phạm.

– Nói cho đúng, bạn nên hỏi: tại sao nhóm Cánh Buồm soạn sách tiểu học? Mục tiêu của nhóm chúng tôi là soạn sách tiểu học. Qua bộ chương trình và sách tiểu học, chúng tôi thể hiện cách hiểu về nội dung Giáo dục: phải bắt đầu với việc dạy trẻ em cách học. Cái tinh thần phương pháp đó sẽ theo các em suốt đời! Tháng 10-2012, chúng tôi tổ chức công bố toàn bộ sách tiểu học cho đến lớp 5 tại cuộc hội thảo mang tên  “Em biết cách học”.

Vậy là không có “em biết cách học Toán”?
–  Nhóm Cánh Buồm dốt Toán, nên xin nhường các nhà Toán học và các nhà giáo giỏi Toán soạn loại sách đó. Và do chỗ các môn Văn, Tiếng Việt, Lối sống, tiếng Anh đã cố thể hiện tinh thần phương pháp rồi, nên hy vọng là sách Toán của các đồng nghiệp cũng sẽ rượt đuổi nhau trên đường đua em biết cách học đó. Chính một nhà Toán học ở Viện Toán quốc gia, chính một vị giáo sư và viện sĩ nước ngoài của Viện Toán đã khuyên chúng tôi yên tâm với đóng góp trong phạm vi hẹp của mình.
 Ông có thể nói rất ngắn tư tưởng Giáo dục của nhóm Cánh Buồm không?
– Sẵn sàng chứ, tôi chỉ mong được hỏi để trả lời thôi. Tư tưởng giáo dục của nhóm Cánh Buồm là tổ chức một nền giáo dục hiện đại. Thế nào là hiện đại? Những nhà trường mở ra vì tiền thì chủ trương “hiện đại” là mua thiết bị đắt tiền về cho con em xài. Ngồi há mồm nhìn màn hình, đầu óc trống rỗng, đâu có là “hiện đại”? Nhóm Cánh Buồm cho rằng “hiện đại” nằm trong cách tự học, cách tự giáo dục của chính người học, và nhà trường hiện đại sẽ phải là nhà trường hết sức tự nhiên, hết sức giản dị, như dân tộc Việt Nam giản dị chúng ta.
 Thế còn tư tưởng giáo dục tiểu học Cánh Buồm?
– Chúng tôi nói rồi, bậc tiểu học là bậc phương pháp học. Phương pháp học đó tìm thấy ở đâu? Tìm thấy ở cách làm ra sản phẩm của người đi trước. Cách một nghệ sĩ lớn làm ra tác phẩm nghệ thuật sẽ cho ta cái mẫu về những thao tác nghệ thuật để tổ chức cho trẻ em tiểu học làm lại. Cách các nhà ngôn ngữ học nghiên cứu tiếng Việt về ngữ âm, về từ vựng, về cú pháp, về văn bản … sẽ để lại những thao tác chắt lọc của công việc nghiên cứu ngôn ngữ – các thao tác đó sẽ được đem tổ chức cho trẻ em học ở trưởng tiểu học. Hết sức đơn giản!
Trẻ em – Tương lai của đất nước
Ảnh: Hoàng Long 
Khó và dễ?
 Tôi không tin là mọi chuyện lại “hết sức đơn giản” như ông nói? 
– Tôi xin nhắc lại: Tổ chức cho trẻ em học theo cách tự học và tự giáo dục là hết sức đơn giản. Chính cái cách “dạy học” cũ, cứ giảng giải nhồi nhét, mới dẫn đến tình trạng không lý giải nổi, đành gọi là “quá tải”, gần đây lại gọi cho oai vệ là “hàn lâm” nữa chứ! Học viết văn theo bài văn mẫu mà gọi là “hàn lâm” thì … các viện sĩ hàn lâm đó hết sức rẻ tiền. Cách tổ chức của nhóm Cánh Buồm là cho trẻ em tự làm ra sản phẩm và trong cách làm ra sản phẩm đã có chứa phương pháp. Thí dụ, dạy trẻ em đóng vai những cảnh đời đủ vành đủ vẻ thì sẽ tạo cho các em phương pháp đầu tiên của công việc sáng tạo nghệ thuật: tìm cảm hứng – chính cái cảm hứng đã khiến nhà văn mất ăn mất ngủ để sáng tác …  Và dạy trẻ em hành động như nhà văn tạo ra một hình tượng thì đó chính là dạy phương pháp tưởng tượng …, một yếu tố của ngữ pháp nghệ thuật …
 Ông hy vọng gì về tính chất hiện đại của bộ sách?
–  Khi đặt kế hoạch soạn bộ sách với tên gọi Cánh Buồm, dĩ nhiên tôi mơ tưởng nhiều điều. Nhưng đây là một tâm sự từ đáy lòng này: tôi hoàn toàn tin bộ sách của mình sẽ thay đổi tâm hồn đám học sinh con nít, song tôi còn kỳ vọng hơn vào việc làm cho người lớn qua tiếp xúc với bộ sách này cũng sẽ được khai sáng. Khai sáng qua cách tạo ra quan hệ mới giữa cha mẹ với con mình, giữa thầy cô với học trò mình. Có rất nhiều bài tập, nhiều tiết học hoàn toàn là kết quả hợp tác thầy trò, giữa cha mẹ và con. Khai sáng qua nhiều kiến thức bổ sung cho người lớn mà chính người lớn có khi cũng sẽ phải ngỡ ngàng. Chẳng hạn người lớn sẽ thấy trẻ em làm những công việc mà nhà trường cũ không nghĩ tới. Một cuộc đời đáng sống tự do dân chủ hạnh phúc phải bắt đầu ngay từ gia đình, ngay trong lớp học.
 Nhóm Cánh Buồm hy vọng gì trong tương lai gần và xa?
–  Chúng tôi hy vọng bà con trong xã hội sẽ chọn dùng sách Cánh Buồm để thay thế những sách bà con không thích dùng nữa. Từng gia đình, từng nhà giáo sẽ hiểu tư tưởng và phương pháp Cánh Buồm, tự tạo ra thay đổi cho riêng mình. Chúng tôi có thể làm được điều đó qua mạng Internet, qua việc cung cấp sách dạng ebook cho bà con. Sách đó cùng với các “cẩm nang sư phạm” và những băng ghi hình phổ biến cách tổ chức việc học của trẻ em sẽ đi vào từng gia đình, từng con người… Những phản hồi sẽ giúp chúng tôi cải tiến tốt dần thêm. Chúng ta sống thời Internet. Cuộc cách mạng Internet sẽ làm nốt những công việc xưa nay có mơ cũng không làm nổi…
… “Trí tưởng tượng quan trọng hơn kiến thức” – A.Einstein, nghe Phạm Toàn trò chuyện chủ đề này với độc giả Hội sách 20-4 vừa qua ở Văn Miếu, tôi nghĩ đến tấm lòng những người dùng sách Cánh Buồm, hoặc đang nghiền ngẫm tạo ra những cuốn sách giáo khoa có cùng phẩm chất yêu cuộc đời và yêu con người. Những tình cảm ấy rồi sẽ đến với nhóm Cánh Buồm và “Già Làng” của nhóm, như họ vẫn gọi Phạm Toàn. Năm nay ông bước sang tuổi 82. Ông tuổi Nhâm Thân.
Thanh Như
Đăng trên Đại đoàn kết Online, 1-5-2013