Lao Động Cuối Tuần: Hẳn bạn đọc đều nhớ tới bé Đỗ Nhật Nam, cậu bé 11 tuổi, dịch giả, viết văn, trên hết là một nhân vật đòi hỏi người lớn “Cần tôn trọng suy nghĩ của một cậu bé 11 tuổi khi cháu dám nói lên suy nghĩ của mình. Câu chuyện về một cậu bé thích đọc sách, dịch sách và từ nhỏ đã coi sách là một người bạn, cần được nhân rộng và coi là tấm gương lớn cho nhiều người, đặc biệt là với giới trẻ hiện tại”. (Ý kiến nhà báo Trương Anh Ngọc).
Toàn bộ ý kiến tranh cãi đều như thể xoay quanh chuyện em Nhật Nam đã “quá” độc lập, “quá” tự chủ, bị quy một cách đơn giản là “quá” người lớn.
Nhóm biên soạn sách giáo khoa Cánh Buồm cố ý lùi ra xa sự kiện này từ khi khởi đầu cuộc tranh cãi… Và hôm nay, một phát ngôn viên của Nhóm nhờ LĐCT chuyển tới bạn đọc những giải pháp giáo dục của Nhóm nhằm làm cho xã hội không chỉ có một Nhật Nam mà hy vọng toàn thể trẻ em sẽ như Nhật Nam, độc lập, tự chủ, và bỏ xa tầm tư duy của khá nhiều “người lớn” đương thời.
Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
***
Đúng ra thì các bạn thành viên Cánh Buồm giao việc này cho tôi từ lâu. Nhưng tôi là người nhút nhát, muốn ngồi im giữ thân, chỉ sợ buột miệng điều gì là dễ bị ném đá lắm!
Nội dung môn Lối sống lớp 1
Môn học khó nhất ở tiểu học là môn Đạo đức. Thừa kế cách nghiên cứu của trường thực nghiệm (Công nghệ Giáo dục), chúng tôi thay nội dung học Luân lý, hoặc học Đạo đức hoặc học Công dân Giáo dục bằng công việc tổ chức lối sống mới cho học sinh gọi tắt là môn học Lối sống.
Có điều là, chúng tôi chỉ thừa kế của hệ thống này cái tên gọi môn học. Còn nội dung của lối sống mới đã được chúng tôi thay đổi hoàn toàn và triệt để. Thay cho việc học những điều có lẽ cũng cần khi bước vào cuộc sống đô thị hóa (cách gõ cửa, cách xin lỗi, cách tặng hoa… , hình như còn dạy cả cách mỉm cười và hôn gió) chúng tôi thay bằng cả một nguyên lý sống: Lối sống mới của con người thời đại, đó là lối sống đồng thuận – con người hiện đại phải có tinh thần và có năng lực sống đồng thuận.
Cả cuộc đời đi học là từng bước xây dựng và củng cố lối sống đó. Đầu xuôi thì may ra đuôi lọt, vậy học đồng thuận ra sao từ khi mới là học sinh lớp Một?
Như bạn có thể đọc được trên bìa sách Lối sống của chúng tôi: lớp Một, Năng lực tự phục vụ. Như vậy là chủ đích đã rõ: Cả năm học lớp Một, trẻ em nên và cần và phải được giáo dục để có một lối sống mới gói gọn trong một nhiệm vụ thực hiện trong suốt năm học: Tự phục vụ.
Sao tự phục vụ lại là “đồng thuận” cho được? Chúng tôi tổ chức cách học cho các em lớp Một như sau. Trước hết, chỉ qua tiết học “làm quen”, học sinh sẽ thấy nhà trường đông người nhưng phân tích ra thì thấy có ba tập hợp người: Tập hợp học sinh, tập hợp giáo viên và tập hợp phụ huynh. Ba tập hợp này cần đồng thuận cùng nhau để học sinh được thực hiện quyền được sống tự lập. Học sinh được chia nhau đi xin ý kiến mọi người thuộc từng tập hợp người đó. Các “báo cáo khoa học” chưa viết thành văn bản (vì các em chưa biết viết) sẽ được nói lại để mọi người thấy các ý kiến khác nhau dù chỉ xoay quanh một chủ đề sống tự lập.
Tiếp tục, sách Lối sống 1 tổ chức cho học sinh đi vào chủ đề em đã lớn. Chủ đề này được thực hiện (dĩ nhiên) không qua giảng giải. Các em được phân công tổ chức triển lãm để hào hứng nhận thấy đúng là mình đã “người lớn” thật. Một tổ sưu tầm “quần”, từ tã lót cho tới cái bỉm đến quần và cuối cùng là chiếc quần Jean đang mặc. Một tổ sưu tầm “mũ” từ cái mũ che thóp đến mũ len mũ dạ nón lá cho tới cả cái mũ cao bồi cho ngày đi cắm trại. Một tổ sưu tầm “áo” từ cái áo lọt lòng cho đến cái áo bông khi đã lớn. Và một tổ sưu tầm ảnh chụp: Từ bữa được bế ở nhà hộ sinh ra, đến tấm ảnh bò lồm cồm hoặc đang lẫm chẫm chạy đi cho tới khi hoàn toàn có thể chơi trò kéo co chẳng hạn ở sân trường…
Và thật dễ hình dung bài tiếp theo: Em đã lớn, em được quyền và em cần phải tập sống tự chủ. Một chương trình sống tự chủ được xây dựng giữa giáo viên, học sinh và phụ huynh để “ba thành phần đồng thuận” theo dõi thành phần chủ chốt… cho tới khi kết thức năm học với những cuộc vui có trò chơi đồng thuận và tự lập…
Xin thưa luôn là: Với nội dung trên, nhóm Cánh Buồm chúng tôi đã đi xa hơn một bước so với đòi hỏi của xã hội. Xã hội mấy năm qua đòi thực hiện một chương trình nhiều bộ sách để thay thế cho sự áp đặt thiếu tính toán khoa học “cả nước dùng chung một bộ sách”. Chúng tôi chủ động kiến nghị với xã hội một chương trình học khác hẳn và kèm theo chương trình đó cũng là sách giáo khoa mang nội dung học và cách tổ chức việc học khác hẳn.
Nội dung môn Văn lớp 1
Môn học tên là Văn, theo chương trình giáo dục do nhóm Cánh Buồm đề xuất, có nội dung giáo dục nghệ thuật.
Nếu theo dõi cách học Văn từ lớp 1 đến lớp 5 theo sách Cánh Buồm, các vị phụ huynh sẽ thở phào, thấy mình sẽ không vất vả như ba mẹ em Nhật Nam. Chắc chắn ba mẹ Nhật Nam đã phải tự thực hiện ở gia đình những điều nhà trường có thể làm để trẻ em nào cũng có năng lực thẩm mỹ ít ra cũng bằng Nhật Nam.
Mà nào có khó gì cho cam? Nhà trường hoàn toàn có thể thực hiện một cách nhẹ nhàng, dễ dàng công cuộc giáo dục nghệ thuật ở trường tiểu học.
Ở lớp Một, học gì? Học cái lòng đồng cảm với những thân phận người đủ kiểu. Và học bằng cách gì? Học bằng trò chơi đóng vai, nói dễ hiểu hơn, học bằng cách bắt chước nỗi buồn niềm vui của con người. Bắt chước cả tấm tình của Nguyễn Du đấy! Chứ sao lại không?
Và từ lớp 2, lớp 3, lớp 4, những em bé như Nhật Nam được học một bộ ngữ pháp nghệ thuật, với các thành phần được ghi ngay trên bìa sách, được giao cho giáo viên và học sinh và phụ huynh cùng thực hiện. Và cứ như thế, đến lớp 5, công việc học Văn đâu chỉ là nhại lại lời giảng của giáo viên về văn chương này nọ, mà đó là thực hiện định nghĩa hành dụng của sách Cánh Buồm: Nghệ thuật là cái Đẹp do chính tay Ta làm ra. Không có cái đẹp dửng dưng để đứng bên ngoài bắt chước nhau tán tụng. Có cái đẹp phù hợp với năng lực của chính Ta do chính bàn tay Ta tạo ra trong bài hát, trong điệu múa, trong tranh hoặc tượng, trong văn xuôi, trong thơ trữ tình, và trong kịch.
Tôi đã nghe đâu đây tiếng thở dài: “Bắt” con nhà người ta học lắm thế! Chương trình cũ đã hàn lâm chương trình này còn hàn lâm biết mấy mươi lần! Chỉ làm khổ trẻ con thôi!
Hàn lâm ư? Tiếng Việt lớp 3: Học logic của câu
Xin phép được đem điều này ra trưng cầu thêm ý kiến bà con: Ở lớp 3 sách Tiếng Việt Cánh Buồm, chúng tôi cho học sinh tìm lôgic của câu tiếng Việt.
Lại nghe như có tiếng thở dài! Dạy gì cho trẻ tiểu học mà khó thế? Liệu trẻ em lớp 3 có cần đến thứ lôgic ấy không? Khó hay không khó? Cần hay không cần?
Người lớn lắm khi quên rằng, lôgic rất cần cho trẻ em tiểu học, để các em tập suy nghĩ mạch lạc, trong thực hành còn biết cách dùng đúng dấu phảy. Không học lúc này ở lớp 3, định lên đại học sẽ học những chi tiết tiểu học chăng?
Vấn đề chỉ là cách tổ chức việc học lôgic của câu sao cho hấp dẫn, sao cho không khó tiếp thu. Có cách học lôgic ở tiểu học, rồi có cách học cũng nội dung đó ở trung học rồi đại học.
Nào, ta hãy tưởng tượng các em học sinh lớp 3 đang chơi trò chơi Chim bay, Cò bay… Chim bay, cò bay, gà bay, vịt bay, chim sẻ bay… nhảy cẫng lên thì không bị phạt, và tất cả đều có cấu trúc Chủ ngữ – Vị ngữ.
Bỗng thầy giáo hoặc cô giáo chuyển lệnh: Bò bay… Vẫn cấu trúc Chủ ngữ – Vị ngữ, sao mình “bay” lên thì mình lại bị phạt? Đó là cách nêu vấn đề để các em học sang lôgic của câu, học quy luật suy lý trong nói năng.
Từ chuyện Bò bay, học sinh dễ dàng học công thức Nếu … thì … (Nếu bò có cánh… Nếu cái nhà có cánh… Nếu cái ô tô có cánh…). Và từ đó, học sinh cũng dễ dàng đi sang công thức: Nếu bò có cánh thì bò bay được. Nhưng bò không bao giờ có cánh. Vì thế, bò không thể bay được.
Công thức lôgic đó chỉ là một trong nhiều nội dung khác nữa. Đem công thức đó ra đây minh họa chỉ cốt để thấy rằng việc học lôgic là hoàn toàn khả thi với học sinh lớp 3.
Đôi lời kết…
Mặc dù không quen biết hai vị phụ huynh đáng kính đã sinh ra và dạy dỗ bạn Nhật Nam, tôi hoàn toàn tin rằng ba mẹ Nhật Nam cũng đã dùng cách tổ chức việc học của con gần giống như mấy gợi ý của nhóm Cánh Buồm.
Dẫu sao, cũng xin nêu câu hỏi nhờ bà con giải đáp về nội dung chương trình và cách tổ chức việc học cho học sinh tiểu học như chúng tôi gợi ý. Rất cảm ơn.