Lâu nay, trong đời thường cũng như trong khoa học, có một khái niệm được diễn đạt hai cách. Đó là khái niệm liên quan đến năng lực người, mà khi thì gọi bằng trí thông minh khi lại gọi là trí khôn. Do chưa được phân tích kỹ, nên cách hiểu và cách dùng khái niệm trí khôn hoặc trí thông minh vẫn đậm đặc chất kinh nghiệm chủ nghĩa. Và phải nói luôn rằng cách hiểu bằng kinh nghiệm đã giành cho trí khôn một vị trí không xứng đáng so với trí thông minh.
Trang Hà Nội báo Lao động ngày 6 tháng 4 năm 2003 có bài viết về một bé trai tên là Lê Hoàng Lâm mới 3 tuổi đã biết chữ.
Trong bài có chi tiết đáng chú ý kể rằng bà nội Lâm hơi lo, chẳng biết là phúc hay là hoạ đây. Bà nội thì lo, còn nhà báo thì ngập ngừng gọi bé là “thần đồng” nhưng lại trong ngoặc kép, nghĩa là không chắc chắn lắm. Cũng bài báo có nói lời người nhà nhận xét, rằng bé Lâm chỉ đọc được nhưng không biết “đánh vần a bê xê”. Một chi tiết nữa cũng nên nêu ra ở đây, đó là nhận xét của cô giáo Mẫu giáo, rằng ở lớp, Lâm không có biểu hiện bất thường nào, chỉ không thích những trò chơi tập thể có tính ganh đua, thích ngồi một góc để vẽ.
Hoang mang quanh hiện tượng kiểu như bé Lâm là do chưa hiểu thấu đáo về trí khôn. Phân tích nhằm giải đáp vấn đề tâm lý học này sẽ làm bớt đi ảo tưởng dễ dãi về “thần đồng”, và cũng không lo âu mê tín cho số phận những “tài năng sớm”, và còn có thể ích lợi cho công việc giáo dục và dạy dỗ con em nói chung.
1. Thông minh và Khôn
Lâu nay, trong đời thường cũng như trong khoa học, có một khái niệm được diễn đạt hai cách. Đó là khái niệm liên quan đến năng lực người, mà khi thì gọi bằng trí thông minh khi lại gọi là trí khôn. Do chưa được phân tích kỹ, nên cách hiểu và cách dùng khái niệm trí khôn hoặc trí thông minh vẫn đậm đặc chất kinh nghiệm chủ nghĩa. Và phải nói luôn rằng cách hiểu bằng kinh nghiệm đã giành cho trí khôn một vị trí không xứng đáng so với trí thông minh. Sau đây là một số thí dụ.
Trí thông minh được hiểu như là gắn bó với cái gì Trời cho, nhờ thông minh mà học giỏi, trí tuệ sáng láng, thông minh vốn sẵn tính Trời, pha nghề thi hoạ, đủ mùi ca ngâm, cung thương lầu bậc ngũ âm… học gì cũng xếp loại A hết! Trái lại, trí khôn bị coi như là cái gì đó tinh ranh, ma mãnh, tai quái… thậm chí có thể học lỏm được cái khôn. Vì vậy, nhiều người thông minh vẫn còn có lúc bị chê là chưa khôn, trong khi người nào được khen là khôn thì cũng được thừa nhận ngầm là thông minh.
Đến con Trâu ngụ ngôn cũng biết đánh lừa con Cọp để nó chịu cho chủ mình trói lại, rồi bác Thợ cày cứ thế mà đánh, đánh rồi thui… đến bây giờ vẫn còn vằn lửa xém thân Cọp đấy… Để cho Cọp biết trí khôn người cất nơi đâu. Trong vụ này, Cọp không hề hỏi trí thông minh của bác thợ cầy để ở đâu. Vì trong trường hợp này, không cần thông minh, chỉ cần “khôn” đến vậy là đủ trị Cọp rồi!
Trong Đại Nam quốc âm tự vị, Paulus Huỳnh Tịnh Của cũng định nghĩa trí khôn và trí thông minh như vậy, coi “thông minh” gắn với hay biết, hiểu biết rỡ ràng, thông biết, hiểu thấu, học khá, học giỏi, nói có lý sự… Tuy cũng coi “trí khôn” như trí hiểu biết, thông minh, sáng láng, hiểu biết cao xa, …, nhưng tác giả vẫn gắn “khôn” với lanh lợi, quỷ quyệt. Thông minh thì không bị gán như vậy.
Từ điển Tiếng Việt của Trung tâm Từ điển học, bản in năm 1996, cũng coi “thông minh” là có trí lực tốt, hiểu nhanh, tiếp thu nhanh, một thứ gì đó được hiểu như có liên quan đến học tập và kiến thức. Cũng trong từ điển này, “trí khôn” được định nghĩa dài dòng là có khả năng suy xét trên mức bình thường để xử sự một cách có lợi nhất, tránh được những việc làm và thái độ không nên có (!) đúng là một khả năng gì đó Trạng Quỳnh từng có và mọi con người đều có thể có theo lối học lỏm Trạng Quỳnh chẳng hạn.
Trong cuốn từ điển tiếng Việt soạn theo đường lối đồng nghĩa của Nguyễn Văn Đạm in năm 2000, tác giả còn không ngần ngại ghi các từ đồng nghĩa với “khôn” như là láu, sắc, tinh, và trái nghĩa như là đần, vụng. Rõ ràng là láu chẳng hạn thì khó mà đi đôi với thông minh, vì người thông minh cũng có nhiều khi khá đần hoặc rất vụng.
Định nghĩa về khôn và thông minh như vậy có gì không đúng? Và ta nên dùng trí khôn hay trí thông minh để nói về cái năng lực người của bất kỳ con người nào được hình thành qua các cách học tập trên đời kể từ khi lọt lòng tới khi trưởng thành?
2. Chặng đường dài nghiên cứu trí khôn
Có thể nghiên cứu trí khôn theo lối chiêm nghiệm, kết quả nghiên cứu có thể không sai lắm, nhưng cũng có thể không chắc đúng. Còn nhiều quốc gia công nghiệp hoá phương Tây thì đã sớm dùng tư duy phân tích và áp dụng phương pháp đo nghiệm thực chứng để nghiên cứu sự hình thành trí khôn người.
Việc thăm dò để tìm hiểu trí khôn con người, bắt đầu hình thành từ đứa trẻ sơ sinh, đã đi một chặng đường dài, mà sau đây là những nét đáng ghi nhận.
a./ Ghi nhật ký con em: Đó là manh nha của việc nghiên cứu trẻ em một cách thực chứng. Năm 1877, lần đầu tiên Charles Darwin cho đăng những ghi chép sự phát triển con mình, và công việc đó đã làm nở rộ ở phương Tây trước sau năm 1900 cả một phong trào gọi bằng Tiểu sử trẻ em. Bắt đầu, các nhà quan sát chỉ làm theo cách của Darwin thấy gì ghi nấy. Về sau người ta bắt đầu thử đưa ra các quy luật. Và cái phong trào ghi tiểu sử con em sẽ không sớm chấm dứt sau một thời gian “phát động”, mà dẫn tới những công trình được vồ vập.
Được vồ vập rầm rộ trong những năm 1940 và 1950 có công trình thứ nhất của bác sĩ Benjamin Spock, coi như cuốn cẩm nang toàn diện về chăm sóc nuôi dưỡng con em từ khi sơ sinh. Công trình được vồ vập thứ hai là của bác sĩ Arnold Gesell, cung cấp cho các bậc phụ huynh cả một cuộc phát triển của con em từ khi sơ sinh tỉ mẩn từng ngày từng tháng không khác một cuốn lịch, người lớn muốn nuôi con khoẻ dạy con ngoan thì cứ thế mà làm!
b./ Đo nghiệm trẻ em: Bước sang đầu thế kỷ 20, cùng với việc cưỡng bức giáo dục tiểu học người ta cũng cần tìm ra những thước đo khách quan cho biết trong 100 phần trăm trẻ em đến tuổi đi học, em nào “có vấn đề” không thể theo học được, em nào có nhiều khả năng học giỏi. Đã ra đời năm 1905 những câu hỏi đo nghiệm của bác sĩ người Pháp Alfred Binet. Bộ câu hỏi đó khi vượt Đại Tây dương sang Mỹ đã được các nhà tâm lý học bên đó làm phong phú thêm. Kết luận chắc như đinh đóng cột sẽ cho một chỉ số đánh giá người được đo nghiệm gọi bằng IQ. Con số này dường như là có tác dụng đáng kể đến tương lai người được đo, ảnh hưởng đến cung cách các giáo viên nghĩ về người được đo và quyết định xem người đó có đủ tư cách được những ưu tiên nào, nhà tâm lý học Mỹ đương thời Howard Gardner đã nhận xét thế.
c./ Thực nghiệm hình thành: Nhà tâm lý học người Thuỵ sĩ Jean Piaget vốn cũng là người đi làm công việc đo IQ. Ông chỉ có cách làm khác với mọi người một chút thôi. Ông không máy móc ghi lại những câu trả lời đúng hoặc sai của trẻ em và cho điểm theo đúng thang điểm như mọi người. Ông dừng lại lâu hơn để đi tìm cái lý do vì sao trẻ em trả lời sai. Ông đi tìm cái lý riêng của trẻ em, vì trình độ phát triển đến đâu thì có cái lôgich thế ấy.
Thế là ngoài việc ghi chép sự phát tiển cuả ba đứa con mình và các học sinh trường Jean-Jacques Rousseau bên bờ hồ Geneva thơ mộng, Piaget còn tiến hành những thực nghiệm, gọi bằng thực nghiệm hình thành trí khôn. Và Piaget đã đem lại cho Giáo dục công trình mô tả sự trưởng thành tâm lý của trẻ em. Theo Jean Piaget, trẻ em từ khi lọt lòng đã tiến hành “học” trải qua ba giai đoạn. Giai đoạn đầu kéo dài khoảng 2 năm, các cháu dùng các giác quan để “học”. Nhìn, sờ, nắm, nghe, mút, nếm, ngửi… thì học được các điều gần gụi ban đầu. Tiếp theo là giai đoạn kéo dài đến khoảng tuổi lên 5, đó là giai đoạn phát triển trí khôn lô gích cụ thể. Sau đó là giai đoạn đến độ tuổi lên 6 và từ độ tuổi đó trở đi cho đến tuổi thiếu niên, là giai đoạn phát triển trí khôn lô gích hình thức.
Khi các nhà tâm lý học xô viết nói tới sự phát triển tâm lý trẻ em theo giai đoạn và nói tới hoạt động chủ đạo tại mỗi giai đoạn, thì những tìm tòi đó cũng tương tự như của Jean Piaget. Các tìm tòi của Tâm lý học xô viết còn có điều quan trọng là chúng dẫn tới kết luận về việc bắt đầu tuổi học bằng phương thức nhà trường cũng là bắt đầu thời kỳ trẻ em có thể chiếm lĩnh khái niệm khoa học để có tư duy khoa học.
3. Trí khôn không “bác học”?
Việc nghiên cứu trí khôn như đã được phác thảo sơ qua trên đây đã giúp cho việc nghiên cứu tâm lý trẻ em trở thành một khoa học. Tức là nó bắt đầu có đối tượng nghiên cứu rõ ràng (chứ không chỉ đoán mò), nó còn có cả đơn vị nghiên cứu (xin hẹn sẽ trình bà con trong một bài khác cũng trên Văn Nghệ Trẻ), qua đó hiện rõ ra phương pháp nghiên cứu đặc trưng cho bộ môn.
Thành tựu thì đã có nhiều, ứng dụng không nhỏ vào giáo dục con em. Nhưng người ta vẫn thấy, chẳng hạn như ở Piaget, một cái gì đó mang tính chất tinh hoa chủ nghĩa. Nhà tâm lý học Mỹ Howard Gardner nói: Piaget coi mọi trẻ em đều như những nhà bác học, nói cho đúng hơn, như những nhà toán học.
Howard Gardner nêu vấn đề: liệu có cái trí khôn của những người không học trường Hàng Hải nhưng có khả năng lái thuyền ban đêm len lách qua hàng nghìn hòn đảo nhỏ ở Thái Bình Dương? Liệu có cái trí khôn của người mù chữ nhưng có khả năng diễn xướng đêm này qua đêm khác hàng vạn câu thơ? Liệu có trí khôn của người không giỏi Toán những lại rất giỏi làm thơ, làm xiếc, chẳng hạn? Chính dựa trên cách nhìn sự hình thành trí khôn trẻ em một cách cởi mở hơn như vậy, mà một lý thuyết mới đã ra đời: lý thuyết trí khôn nhiều thành phần (tiếng Anh là Theory of Multiple Intelligences).
Để cho dễ hiểu, sẽ lấy những cái mẫu tiêu biểu cho từng thành phần của trí khôn theo quan điểm đó, như sau:
a./ Trí khôn ngôn ngữ: mẫu là các nhà văn nhà thơ, những người suy nghĩ bằng ngôn ngữ, gặp nhau thì có ngay một bài tặng nhau thay lời chào đã bấy lâu nay bác tới nhà, trẻ thời đi vắng chợ thời xa… bác đến chơi đây ta với ta… Đó là những người biết săn sóc từng con chữ, như bà Thanh Quan, lối xưa xe ngựa hồn thu thảo, trong một câu có bảy tiếng thì sáu tiếng thuần Việt, bỗng có riêng một tiếng Hán chốt lại, nhưng mà làm cho câu thơ hay. Hay thế nào? Bạn thử đọc lối xưa xe ngựa hồn thu cỏ xem có được không? Trong số người có trí khôn ngôn ngữ còn phải kể cả những nghệ sĩ hát rong miệt mài ngày đêm năm tháng, nhất là còn có thể kể cả những ông thày cúng hô phong hoán vũ giúp đời và doạ đời, thế mà có lúc đã tạo nên cả một ngành kịch, như ở Hy Lạp xưa đấy.
b./ Trí khôn lô gích toán: mẫu là những người… giỏi toán tất nhiên rồi, nhưng không phải là giỏi Toán kiểu đi thi vào các trường chuyên đâu. Những người giỏi tư duy toán học ấy!
Ta sẽ chứng minh bằng phản đề như sau. Xin bạn hãy đọc các đề thi Toán vào lớp 6 của mấy trường gọi bằng “Chuyên” thì thấy trong 30 phút một em bé hơn mười tuổi phải “giải” xong 15 đề Toán, trung bình 2 phút một đề, thì còn đâu để nhận ra cái tư duy Toán học của em? Mà tư duy Toán mới là điều quan trọng, chứ đâu chỉ là việc giải nhanh và đúng những tính toán nào đó? Những con mắt vũ phu nhìn sự giỏi đã che khuất không thấy cái cần nhìn rõ. Chẳng hạn, chỉ nhìn thấy người đua xe mô tô mà bỏ qua người thiết kế cái xe mô tô, chỉ nhìn thấy người “khéo tay” mà không nhìn ra người “khéo” cái đầu óc.
Người có trí khôn lô gích toán không nhất thiết có trí nhớ tốt hơn người có trí khôn ngôn ngữ. Và những người có trí khôn toán không hẳn đã thành thạo ngôn ngữ.
c./ Trí khôn âm nhạc: mẫu là những nhà soạn nhạc, những ca sĩ, những nhạc công… Trí khôn âm nhạc qua khảo sát lại tỏ ra gần gũi với trí khôn Toán hơn là với trí khôn ngôn ngữ. Cấu trúc của âm nhạc tương đối “khoa học” hơn đối tượng ngôn ngữ văn chương. Nhưng cũng chớ vì thế mà bắt buộc người có trí khôn âm nhạc cũng phải giỏi toán… mới được thi vào trường nọ trường kia chẳng hạn. Những người có trí khôn âm nhạc đôi khi cũng có những hụt hẫng trong hoạt động âm nhạc, có nguyên nhân sinh lý thần kinh… rất là động vật. Loài chim biết hót có đặc điểm là đến “mùa hót” thì vùng não chi phối sự hót hơi bị sưng lên. Cái sự sưng lên ấy có lợi gì và có hại gì cho khả năng học hót của chim vẫn còn chứa nhiều bí ẩn. Phải chăng nó cũng lý giải việc nhiều nhạc sĩ có hứng sáng tác và cũng có lúc hết hứng sáng tác?
d./ Trí khôn không gian: mẫu là những nhà du hành, những nhà hàng hải, và cả là những nhà thiết kế các công trình trong không gian, những nhà hoạt động tạo ra các sản phẩm thị giác-không gian.
Một nghệ sĩ múa như nàng Duncan nhảy như bốc lửa trên sàn diễn, người đã làm chàng thi sĩ nông thôn Nga yêu mê mệt, chính là một trong những mẫu người có trí khôn không gian.
Phải chăng vì vậy mà vào thời hiện đại nghệ thuật chuyển sang những dạng sắp xếp, lạ cho ai và không lạ cho ai, xin chớ vội vàng chụp mũ.
e./ Trí khôn tri giác cơ thể ở dạng động: mẫu là ông hề xiếc ấy! Ta hãy nghe nhà tâm lý học Howard Gardner mô tả thành tố trí khôn đó ở Marcel Marceau trong màn kịch câm sau đây.
Nhân vật Bip của chúng ta kéo mạnh chiếc va li dọc theo sân ga, anh leo lên toa tầu, anh tìm đến chỗ ngồi và sau đó lấy hết sức quăng chèn chiếc va li nặng trịch lên cái giá phía trên đầu. Con tàu càng lúc càng tăng tốc độ, Bip bị xóc suýt bật khỏi ghế trong khi chiếc va li nằm cheo leo bên trên bị quăng ra khỏi cái giá. Bip tìm cách tóm lại nó và sau đó thận trọng đặt nó lại lên chỗ cũ. Người soát vé đến đòi xem vé. Bip thọc tay vào túi và, càng lúc càng thất vọng, anh ta lộn túi ra, đồng thời con tầu cũng tiếp tục xô lắc anh. Càng không tìm thấy tấm vé, anh ta càng cuống, và anh lục lọi mọi ngăn của chiếc va li.
Sau rồi, nhân vật của chúng ta mở va li lấy suất ăn trưa ra. Anh chàng xoáy nắp phích, tháo nút ra, rót cà phê từ chiếc phích ra cái tách trước đó dùng làm nắp phích. Nhưng do con tầu lắc, nên cà phê rót từ miệng phích ra không sao vào được chiếc tách. Và nước cà phê trào thẳng xuống chỗ trước đó đặt chiếc tách. Cuối cùng chàng Bip đen đủi gà gật ngủ. Khi con tầu chạy chậm dần và đột ngột dừng, Bip bừng tỉnh giấc, rõ ràng là xóc nảy lên vì con tầu đã ngừng chuyển động.
g./ Trí khôn cá nhân: Trong trí khôn cá nhân, lại chia ra hai thành phần không giống nhau, trí khôn cá nhân hướng nội, và trí khôn cá nhân hướng ngoại.
Trong một con người không nhất thiết phải có đủ hai thành tố trí khôn cá nhân nói trên. Có người giàu chất hướng nội thì tự tìm hiểu con người mình dễ hơn, những có thế người đó lại ít “chan hoà với tập thể” hơn so với người có trí khôn cá nhân hướng ngoại.
Bạn hãy tự mình lục tìm những gì đã biết về từng nhân vật trong Truyện Kiều, và bạn hãy xếp loại xem nhân vật nào có kiểu trí khôn cá nhân nào, và tác giả bài này sẽ đỡ rất nhiều công trình bày.
***
Xin bạn đọc, nhất là các nhà giáo sắp vào nghề hoặc đã có thâm niên trong nghề, cùng các bậc phụ huynh, đặc biệt là bà nội bé Lâm, hãy nghĩ xem bản thân mình có mấy thành phần trí khôn, và con em mình, học trò mình có mấy thành phần trí khôn?
Và bây giờ thử nghĩ xem, chúng ta nên dùng khái niệm trí thông minh hay là sẽ dùng trí khôn để chỉ cái năng lực người vừa có phần Giời cho vừa có phần tự tạo thành và cũng vừa có phần không thầy đố đồng chí làm nên nữa.
Và sau khi đã tự hình dung được một vài hoặc những thành phần trí khôn của chính mình, liệu chúng ta nên tiếp tục hoàn toàn tin tưởng vào khái niệm con người toàn diện hay là nên cử xứ khác đi đôi chút (hoặc nhiều nhiều) với yêu cầu toàn diện của chính mình và của con em mình.
Nội dung bên trên tóm tắt hai cuốn sách của Howard Gardner. Cuốn thứ nhất đã dịch sang tiếng Việt Cơ cấu trí khôn, NXB Giáo dục xuất bản năm 1997, tái bản năm 1998; NXB Tri Thức xuất bản năm 2012. Cuốn thứ hai có tên là Trí khôn phi học đường (The Unschooled Mind) phân tích những chỗ khác nhau giữa cách học bẩm sinh và cách học theo phương thức nhà trường.
Phạm Toàn
Đăng báo Tia sáng số tháng 6-2003