Bài viết này muốn đánh thức và khơi dậy những nghĩ ngợi. Đây là chắt lọc ra từ những tổng kết riêng của một người, mong sẽ nhận được những hưởng ứng của mọi người, cho xã hội cùng xem xét. Cũng mong rằng, các bạn thanh thiếu niên sẽ đưa ra ý kiến của mình, không nên hoàn toàn trao việc làm này cho người lớn.

Không ai lúc này đủ sức một mình một bút đứng giữa đời chỉ ra cách thức đổi mới Giáo dục.

Nhưng, nghe cách nói và nhìn cách làm của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) thấy có quyền khẳng định nghi vấn về năng lực điều hành một sự nghiệp không được phép chắp vá.
Bài viết này muốn đánh thức và khơi dậy những nghĩ ngợi. Đây là chắt lọc ra từ những tổng kết riêng của một người, mong sẽ nhận được những hưởng ứng của mọi người, cho xã hội cùng xem xét. Cũng mong rằng, các bạn thanh thiếu niên sẽ đưa ra ý kiến của mình, không nên hoàn toàn trao việc làm này cho người lớn.

Một: Giáo dục làm công việc gì?
Lẽ ra Bộ GD-ĐT ngay từ đầu, thay vì cắm cúi chữa sách, phải vạch ra một con đường “mang tính thiên niên kỷ” như thường nói. Nhưng không thấy cỗ xe triết học Giáo dục cần thiết này đâu cả. Thảng hoặc có, thì lại là những lời to tát mà nhạt nhẽo, thiếu tính thực dụng. Nay, có lẽ nên xác định
Mục đích của Giáo dục là huấn luyện trẻ em có năng lực hành động và có tấm lòng nhân ái, năng lực đó sẽ giúp các em sống hài hoà trong nền văn minh đương thời. Phẩm chất của sản phẩm Giáo dục là con người biết làm việc và biết yêu thương.

Hai: Phân chia bậc học để làm gì?
Bộ GD-ĐT chữa và thay sách lớp 1 rồi lớp 6 cùng một lúc, nhưng không soạn luôn sách lớp 10. Cách làm tỏ rõ tính chắp vá, cầu may!
Nguyên nhân là Bộ này chưa khi nào nói được rành rọt tại sao phải phân chia bậc học và cũng chưa thấy được định hướng xã hội liên quan đến việc phân chia các bậc học.
Mỗi bậc học có mục tiêu khác nhau. Bậc Tiểu học huấn luyện trẻ em Phương pháp học cơ bản. Bậc Trung học cơ sở chuẩn bị cho trẻ em có năng lực phát triển riêng, theo hai nhánh: học nghề sản xuất (sau bậc Trung học cơ sở) và học nghề nghiên cứu (sau bậc Trung học phổ thông), để lên Đại học là bậc tập nghiên cứu hoặc độc lập nghiên cứu, và vì thế bậc Đại học cần có quy chế tự trị, không nhất thiết nằm trong vòng tay một Bộ GD-ĐT, để bộ này chỉ là cơ quan phụ trách nền Giáo dục phổ thông.

Ba: Bậc Tiểu học là gì?
Xưa nay, chưa một lần xã hội được nghe định nghĩa chính thức Tiểu học là gì? Ngành Giáo dục không thấy mình phải làm gì và làm như thế nào với trăm phần trăm con em đến tuổi học đường.
Bậc Tiểu học là nền móng của sự nghiệp Giáo dục phổ thông. Nền móng nằm ở chỉ một điều: học sinh Tiểu học phải chiếm lĩnh được phương pháp học. Phương pháp học là gì? Đó là hệ thống những thao tác nằm trong đối tượng khoa học, đối tượng nghệ thuật, và trong hành xử theo lối sống đạo đức. Giáo dục Tiểu học Việt Nam không được nhắm mắt theo đuôi hệ thống 3R lỗi thời của thế giới. Vì có 3R (biết đọc, biết viết, biết tính toán) mà không có tư duy thì chỉ là con vẹt.
Xã hội cần tập trung cho Tiểu học. Ngành Giáo dục lo phương diện khoa học của vấn đề. Còn Nhà nước thì phải tìm cách cung cấp không lấy tiền hai thứ cho trăm phần trăm học sinh Tiểu học: một bữa ăn sáng và sách học. Cấp bữa ăn sáng là chăm lo thiết thực sức khoẻ con em đồng thời cũng xoá bỏ ngăn cách xã hội ở nhà trường. Còn phát không sách học sẽ tự động ngăn chặn nạn kinh doanh sách trên đầu con trẻ. Bậc Tiểu học sẽ có năm môn học: Ngôn ngữ, Nghệ thuật, Khoa học, Môi trường, Lối sống. Bậc Tiểu học nếu được tổ chức đúng hướng có thể chỉ cần kéo dài 3 năm, nhưng để tránh xáo trộn, có thể duy trì cơ cấu 5 năm như hiện trạng.

Bốn: Bậc Trung học là gì?
Lý ra, toàn bộ hai bậc Trung học hiện nay chỉ là một bậc Trung học mang tính chất cơ sở. Nên chăng đổi tên thành Trung học cơ sở cấp I và Trung học cơ cở cấp II để xác định cho rõ công việc của từng bậc? Nhưng có lẽ không cần xáo trộn, vẫn sẽ gọi Trung học cơ sở và Trung học phổ thông như hiện nay, nhưng phải thay hoàn toàn nội dung nhiệm vụ của hai bậc học này.
Cả hai cấp trong bậc Trung học đều có nhiệm vụ huấn luyện trẻ em củng cố phương pháp học đã có từ bậc Tiểu học bằng cách đưa các em từ những lĩnh vực cũ trang bị thêm những vật liệu và phương pháp mới. Như vậy, các môn học cũ trở nên chuyên biệt hơn qua việc chiếm lĩnh thêm những tài liệu, tư liệu, dữ kiện, chứng cứ mới.
Sau 4 năm Trung học cơ sở, đã có thể định hướng nghề nghiệp sản xuất cho các em. Cần tránh dồn các em vào một luồng lên lớp 12 cho chỉ một hướng lên Đại học.
Những học sinh chọn con đường thực hành, thì việc “rẽ ngang” sau khi học xong lớp 9 phổ thông là hợp lý. Cần có chế độ học lên Đại học cho những học sinh này sau một thời gian lao động sản xuất.
Các em Trung học phổ thông được huấn luyện theo hướng tập nghiên cứu thông qua các môn học: Phương pháp và công cụ nghiên cứu tự nhiên và xã hội (gọi tắt là môn Phương pháp khoa học), và các môn Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội và nhân văn khác. Việc học của các em tiến hành cả dưới hình thức diễn giảng lẫn hình thức những đề tài – dự án, ngoài phần “phổ thông” bắt buộc, có cả những phần tự chọn nâng cao, thậm chí có cả những thành phần của bậc Đại học chuyên ngành các em sẽ chọn.

Năm: “Học và Hành” là như thế nào?
Lối học nhồi nhét, khoa cử dẫn đến tình trạng người học tự làm cho mình phải quá tải. Ngành GD-ĐT trong việc này có thể ở thế bất khả kháng. Song cũng cần thấy chính ngành GD-ĐT chưa bao giờ nói to lên được quan điểm của mình về “Học và Hành”. Nay nên nhận rõ “Học và Hành” như sau:

  • Chính khoá: Chủ động chiếm lĩnh tri thức, ngay cả những vấn đề lý thuyết cao, dứt khoát không học theo lối nhồi sọ, nhại lại lời giảng, ghi nhớ máy móc. Đó là cách học theo đường lối “lấy học sinh làm trung tâm“ thông qua hệ thống việc làm và thao tác được thiết kế chặt chẽ. Chỉ những chuyên gia giỏi và tâm huyết mới tìm ra cách dạy theo yêu cầu vừa nêu.
  • Ngoại khoá: Tại tất cả các bậc học đều có các nội dung tập làm, tuy có thể là ngoại khoá, nhưng cũng vẫn thuộc chương trình giáo dục chính khoá. Hoạt động ngoại khoá rất đa dạng, giúp trẻ em đến với các nghề truyền thống, đến với các hoạt động nghệ thuật, tổ chức thâm nhập đời sống, tập điều tra xã hội, tập ra báo, tập tạo quan hệ, tập hoạt động từ thiện, tập tổ chức giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn…

Sáu: Thi cử như thế nào?
Tình trạng thi cử hiện hành vừa tốn tiền, vừa làm cả xã hội căng thẳng, vừa tạo ra những kẽ hở cho các lò luyện thi, quay cóp, hối lộ, chạy điểm…
Cấn bãi bỏ toàn bộ hình thức thi cử hiện hành để thay bằng hình thức đánh giá mới có những đặc điểm sau:

  • Thiết kế cách học sao cho việc đánh giá nằm ngay trong bản thân từng bài học và từng môn học – đây là điều cơ bản bảo đảm những điều nói tiếp sau đây.
  • Bãi bỏ thi hết cấp và chuyển cấp. Việc chuyển lớp và chuyển từ Tiểu học lên Trung học sơ sở thực hiện qua việc học sinh tự đánh giá kết hợp với nhận xét của thày giáo, của bạn học và của gia đình.
  • Kết quả 2 kỳ thi cuối bậc phổ thông cơ sở và phổ thông trung học sẽ tự động đánh giá lại những thành tích đã được đánh giá trên.
  • Việc vào học Đại học được giao cho các trường Đại học tự tổ chức và từng trường chịu trách nhiệm với xã hội và với thị trường.

Bảy: Đào tạo và bồi dưỡng giáo viên thế nào?
Các trường sư phạm hiện nay chưa phải là những trường dạy nghề. Việc nống thời gian học và nống bằng cấp vẫn được lấy làm chuẩn cho “chất lượng sư phạm”. Vì nội dung học ở trường sư phạm vẫn chưa dựa trên các thiết kế đúc rút ra từ việc nghiên cứu các thao tác học của học sinh.

  • Quy trình cải cách nền Giáo dục phổ thông phải bắt đầu bằng nghiên cứu cách học của học sinh theo tư tưởng sách giáo khoa là Cái thày và trò cùng nhau tìm ra trong tiết học.
  • Cách học trên sẽ được đúc kết lại thành các bản “thiết kế” mà khi chúng đã hoàn thiện thì trở thành tài liệu cho giáo sinh sư phạm và tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ.
  • Việc đào tạo ở các trường sư phạm sẽ không còn tình trạng chạy theo hình thức, và cũng rút ngắn được cả thời hạn đào tạo, mà nếu không cần rút ngắn thì có thể thêm thời gian cho thực hành và nghiên cứu.

Tám: Biên chế năm học như thế nào?
Năm học sẽ gồm mười tháng, mỗi ngày học hai buổi, mỗi tuần học 5 ngày, và cứ học 3 tuần thì được nghỉ 1 tuần, hoặc học 6 tuần thì nghỉ 2 tuần, trong tuần lễ nghỉ học đó học sinh được tổ chức thực hiện các sinh hoạt ngoài nhà trường còn giáo viên thì luân phiên sinh hoạt khoa học nâng cao tay nghề và trình độ nghiên cứu.
Những tổ chức xã hội, thanh niên tình nguyện trong khi chờ việc làm hoặc trong thời kỳ rảnh rỗi, các cá nhân tình nguyện khác, đều có thể phụ trợ vào công việc tổ chức những ngày nghỉ tích cực này cho trẻ em. Các đoàn thể nhất là Đoàn Thanh niên hãy tập làm công việc giáo dục thiết thực này thay vì làm những công việc kinh doanh nhân thời buổi kinh tế thị trường.

Chín: Lấy gì bảo đảm khuyến nghị này là đúng?
Không một người riêng rẽ đủ sức hình dung đầy đủ toàn bộ công trình 12 năm giáo dục phổ thông cho con em. Bản thân những khuyến nghị này cũng sẽ trở thành siêu hình nếu như chỉ dừng lại ở hô hào xuông. Đảm bảo cho tính đúng đắn của phương án Giáo dục này là công việc thực nghiệm Giáo dục cẩn thận, chu đáo, trung thực. Thực nghiệm cũng thách thức trình độ nghiên cứu, năng lực thực tiễn, lòng kiên trì và trách nhiệm các nhà khoa học Giáo dục. Nghiên cứu khoa học Giáo dục chính là tổ chức thực nghiệm lâu dài các công việc sẽ thành đại trà chứ không phải là tư biện siêu hình.
Cần có nhiều cơ sở nghiên cứu thực nghiệm tương đối độc lập với nhau, bổ sung cho nhau, mà đây là những gợi ý:

  • Tiếp tục công việc thực nghiệm theo định hướng Công nghệ Giáo dục từ 1978 đã làm mẫu ở Hà Nội và đã mở rộng mẫu ở 43 tỉnh, thành trong cả nước;
  • Tổ chức thực nghiệm bắt buộc ở những cơ sở sư phạm lớn (Hà Nội, Hồ Chí Minh, Huế, Cần Thơ, An Giang…);
  • Nhất thiết phải có cơ sở thực nghiệm tại những vùng có quan hệ sư phạm đến học sinh dân tộc thiểu số (Thái Nguyên, Tây Nguyên, Tây Bắc…);
  • Tổ chức thực nghiệm đối với học sinh có khó khăn, khuyết tật…
  • Tổ chức thực nghiệm với học sinh năng khiếu.

Kết luận

Tác giả bài viết này tin chắc sẽ nhận được sự đồng tình từ vô số những ai có tấm lòng với Giáo dục. Vì không một ai còn có chút lòng với dân với nước mà lại làm ngơ trước hiện trạng Giáo dục nước nhà đương thời. Không thể có một cá nhân đủ sức vạch ra một cách làm Giáo dục đụng chạm đến hàng triệu triệu con người và liên hệ tới ngàn đời con cháu. Nhưng thiếu một lời hô thì không thể có ngàn vạn lời ứng. Một cái gì đó xứng đáng với Dân tộc sẽ phải ra đời để sự nghiệp Giáo dục Việt Nam không thua em kém chị, và càng không sửa sai theo lối cóp nhặt và tìm cách tháo chạy theo lối tiến lên, fuite en avant, theo cách nói của một thành ngữ francophone…

Phạm Toàn

Hà Nội, 10-2002

Đăng toàn văn trên Văn Nghệ số 46 ngày 16-11-2002 và trích đăng báo Tia Sáng số tháng 11-2002. Đăng lại toàn văn trên báo Người đại biểu nhân dân số ra ngày 15-11-2004.