Hệ thống một chương trình, một bộ sách giáo khoa như hiện nay không tránh khỏi những bất cập trong thực tế, nhất là chưa thể đáp ứng đúng nhu cầu học tập của từng đối tượng học sinh ở các vùng miền khác nhau.

 Một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa: Không đáp ứng thực tiễn nếu chỉ có một

Nhiều bộ SGK sẽ đáp ứng được nhu cầu học tập của nhiều đối tượng học sinh – Ảnh: Đào Ngọc Thạch

 

Nơi khó nơi nhẹ

Vì cùng sử dụng một bộ sách giáo khoa (SGK) nên hiện tại xảy ra tình trạng học sinh (HS) miền núi không theo kịp chương trình, còn HS ở miền xuôi thì “chê” nhẹ, phải tự nâng cao bằng các nguồn tài liệu khác.

Thay đổi nền giáo dục nhồi nhét

Hiểu theo một cách đơn giản nhất, công nghệ giáo dục là tổ chức công cuộc giáo dục lấy trẻ em làm trung tâm. Ở đó, giáo viên thiết kế, HS thi công, thầy tổ chức, trò hoạt động thay cho giáo viên giảng giải HS nhắc lại như kiểu truyền thống. Công nghệ này muốn thay thế nền giáo dục nhồi nhét, thầy đọc trò chép, về nhà thì học thêm và gò lưng luyện giải bài mẫu.

Từ tháng 9.2010, Nhà xuất bản Tri Thức chính thức phát hành bộ sách “Chào lớp 1” do tác giả của nhóm Cánh Buồm biên soạn gồm các cuốn: tiếng Việt, văn, lối sống, tin học, tiếng Anh. Đến nay đã có thêm những cuốn: văn (2, 3, 4, 5); tiếng Việt (2, 3, 4, 5); lối sống (2, 3); tiếng Anh (2). Bộ sách này được nhóm biên soạn đặt rất nhiều kỳ vọng, trong đó đề cao việc tự học của HS. Bộ sách này cũng mới được sử dụng như là sách tham khảo, trên tinh thần tự nguyện của nhà trường hoặc phụ huynh HS.

Sau 3 năm thực hiện đổi mới chương trình, SGK hiện hành, tổng hợp thông tin của Bộ GD-ĐT cho thấy việc thực hiện chương trình mới ở các vùng khó khăn như Lào Cai, Hà Giang, Lai Châu, Bắc Kạn, Cao Bằng… vẫn tiếp tục khó khăn.

Kết quả đánh giá HS lớp 3 sau 3 năm thay SGK thấy rõ có sự vênh nhau khá lớn giữa các vùng, miền. Chẳng hạn, tỷ lệ HS giỏi môn tiếng Việt ở Đà Nẵng là 63,43%, Hải Phòng 60,57%, TP.HCM 59,25%, trong khi đó ở các vùng khó khăn, dân tộc chỉ đạt 6,5%, 7,15%, 8,66%… Hoặc tỷ lệ HS giỏi toán ở Đà Nẵng là 57,58%, Hải Phòng 61,03%, TP.HCM 64,94%; ở các tỉnh khó khăn chỉ đạt 7,64%, 9,9%, 11,2%…

Rõ ràng, đối tượng đầu tiên chịu thiệt thòi chính là HS các vùng điều kiện kinh tế xã hội khó khăn. Các em khó đáp ứng được đầy đủ mục tiêu mà sách đặt ra, vì thế chất lượng giáo dục các vùng này sẽ càng bị kéo thấp xuống và mục tiêu “miền núi tiến kịp miền xuôi” mãi mãi sẽ chỉ là lý thuyết suông. Còn ở khu vực thành thị, cho rằng cùng học chung một bộ SGK với vùng sâu, vùng xa thì quá nhẹ nên hầu hết các trường đều tự ý đưa thêm kiến thức “nâng cao” vào dạy cho HS. Đáng nói là những tài liệu nâng cao này không hề được cơ quan chuyên môn nào thẩm định, phê duyệt, cũng không căn cứ vào chương trình chuẩn nên dẫn tới việc quá tải cho HS và phản khoa học trong quá trình tích lũy kiến thức. Chính vì thế mà có tình trạng HS ở thành thị từ lớp 1 đến lớp 12 phải đánh vật với bài tập về nhà và lịch học thêm dày đặc…

Sốt ruột nên tự làm sách

Thực trạng trên khiến từ phụ huynh đến những nhà nghiên cứu giáo dục độc lập thực sự “sốt ruột” và tự tìm cách thoát khỏi sự bức bối này.

Không thể chờ đến sau năm 2015 mà cụ thể là năm 2017 mới có một chương trình, SGK mới, nhiều nhóm nghiên cứu giáo dục đã tìm cách viết những bộ sách phù hợp với nhu cầu của HS, còn phụ huynh thì lo âu tìm những ngôi trường có phương pháp giáo dục phù hợp với con em.

Sự ra mắt bộ sách của nhóm Cánh Buồm, việc phụ huynh xô đổ cổng trường thực nghiệm để con mình được học theo một bộ sách, một phương pháp khác với chương trình, SGK hiện hành đã phần nào cho thấy sự đòi hỏi của thực tiễn về quyền được lựa chọn của người dân về cơ hội học tập.

Về bộ sách của nhóm Cánh Buồm, dù đến nay vẫn nhiều ý kiến trái chiều nhưng dư luận đều đánh giá cao về mặt ý tưởng cũng như nhiệt tâm của nhóm này trong việc mong muốn đổi mới nền giáo dục phổ thông hiện hành, cụ thể về cách biên soạn SGK.

Bà Nguyễn Thị Bích Hà, Hiệu trưởng Trường tiểu học dân lập Nguyễn Văn Huyên (Hà Nội), nơi duy nhất tình nguyện xin thực hiện thí điểm một số sách của nhóm này như một tài liệu tham khảo, bày tỏ quan điểm: “Trong bối cảnh cần đa dạng hóa nội dung và phương pháp giảng dạy để bù đắp những thiếu hụt, tháo gỡ những bất cập trong chương trình và thực tiễn giáo dục hiện nay, chúng tôi đã đưa vào các phần học bổ sung. Muốn làm được như vậy thì phải tham khảo các tài liệu khác ngoài một bộ SGK duy nhất hiện hành”.

Nhà giáo Phạm Toàn, người “chỉ huy” của nhóm biên soạn bộ sách này, chia sẻ: “Tôi thấy sốt ruột. Tôi không đủ kiên nhẫn chờ những việc làm để cụ thể hóa những tư tưởng tốt đẹp và to tát về đổi mới giáo dục. Cốt lõi của giáo dục là ở nội dung học, sau đó là cách học và cách dạy. Nghĩ thế, nên tôi chủ động tạo ra một bộ sách riêng”.

Ý kiến

“Một chương trình, nhiều bộ SGK” đã có trước đây vài chục năm (1960 – 1975). Trước mỗi niên học, ban giám hiệu cùng với các thầy cô ngồi lại bàn bạc để thống nhất các bộ SGK sẽ sử dụng cho niên học. Trước ngày khai trường, trường niêm yết danh sách các bộ SGK để phụ huynh HS tìm mua. Như vậy, chỉ có các tác giả có uy tín mới bán được SGK, những bộ sách “lôm côm” đương nhiên sẽ bị đào thải và các nhà xuất bản cũng không hợp đồng với những người viết này nữa.

(khanghy824@hotmail.com)

Tôi là thầy giáo đã đứng lớp giảng dạy 36 năm, xin có ý kiến về vấn đề SGK hiện nay như sau: Nhiều lần thay sách nhưng chẳng qua là sự “xào qua nấu lại”; vẫn còn rất nhiều sai sót trong SGK.

(ngnguyenhoanglu@gmail.com)

 

Theo Tuệ Nguyễn (www.thanhnien.com.vn).