Cánh Buồm – Cùng được che bởi biểu tượng PHAN CHÂU TRINH và tinh thần Chấn hưng Văn hóa, nhóm Cánh Buồm xin gửi đến khóa tốt nghiệp đầu tiên của Đại học Phan Châu Trình lời chúc mừng của bạn Đồng Thanh Khí.


SGTT.VN – Ngày 10.1.2012, trường Đại học Phan Châu Trinh (Quảng Nam) làm lễ tốt nghiệp khóa đầu tiên cho 363 sinh viên khóa 2007-2011 của năm ngành học: Công nghệ mạng, Tiếng Anh, Tài chính – Ngân hàng, Tiếng Trung, Việt Nam học – Du lịch. 

Để bảo đảm chất lượng đầu ra, một cuộc thi nghiêm túc đã được thực hiện và chỉ 363 sinh viên tốt nghiệp trên 505 sinh viên tham dự. Đặc biệt khá nhiều sinh viên đã có được việc làm ngay khi chưa nhận bằng tốt nghiệp, trong đó như khoa tiếng Trung đã có đến 60% sinh viên có việc làm.

Phát biểu tại buổi lễ, nhà văn Nguyên Ngọc, chủ tịch hội đồng quản trị, đã xúc động nhắc lại những khó khăn trong suốt 4 năm qua. Tâm huyết về một cách dạy và học đại học của những người sáng lập (Nguyễn Thị Bình, Hoàng Tụy, Chu Hảo…) đã gặp không ít khó khăn từ bên ngoài lẫn bên trong, từ bên trên lẫn bên dưới. Khó khăn từ cơ chế đã đành, nhà trường còn gặp cả những trở ngại từ những người tham gia góp vốn, từ đội ngũ giáo viên chưa quen đường hướng mới, đến cả những học sinh lạ lùng trước một phương pháp học không đọc chép.

Nhà văn Nguyên Ngọc nói: “Khó khăn đến mức có lúc tưởng chừng như không tồn tại được, đã bàn đến việc giải thể… nhưng trách nhiệm với xã hội, với các thế hệ tương lai nhà trường đã vượt qua một cách đàng hoàng”.

Với mức học phí chỉ 3 triệu đồng một học kỳ (mới lên 3,5 triệu) mà sinh viên được đào tạo chu đáo và quả thật, ít có sinh viên trường nào mà trong suốt những năm học được tiếp xúc với những chuyên gia đầu ngành trong và ngoài nước từ mọi lĩnh vực đến nói chuyện và tham gia giảng dạy như ở trường đại học này.

Trong khi ngành khoa học xã hội và nhân văn ở nhiều trường không tuyển ra sinh viên đăng ký học thì trường đại học Phan Châu Trinh, theo nhà văn Nguyên Ngọc, trong những năm tới cũng sẽ kiên trì con đường này. Ông nói: “Những khó khăn này là tạm thời, nhưng tôi tin chắc rồi sẽ đến lúc doanh nghiệp, xã hội cũng cần những người am hiểu cuộc sống, với muôn mặt của một xã hội nhân văn con người. Và đó mới là điều xã hội cần đến trường Phan Châu Trinh”.

Tin và ảnh: Hồ Trung Tú

Theo SGTT