Vũ Thế Khôi

(Trung tâm Văn hóa & Ngôn ngữ Đông Tây)

2. Triết lý giáo dục của Tolstoi

Theo Tolstoi cách tận diệt cái ác và bạo lực trên thế gian là khơi dậy hạt nhân yêu thương bẩm sinh trong mỗi con người bằng sự kiên trì giáo dục: “Gíáo dục là con đường tuy dài lâu nhưng chắc chắn nhất“.

Theo Tolstoi cách tận diệt cái ác và bạo lực trên thế gian là khơi dậy hạt nhân yêu thương bẩm sinh trong mỗi con người bằng sự kiên trì giáo dục: “Gíáo dục là con đường tuy dài lâu nhưng chắc chắn nhất“.

Lev Tolstoi thực sự bắt đầu sự nghiệp giáo dục vào cuối thập kỷ 50 – đầu thập kỷ 60. Có lẽ tự nhận thấy mình chưa đủ hành trang cho cái nghề nếu làm hết lương tâm (mà Tolstoi thì không thể làm nửa vời) thì vô cùng phức tạp, khó khăn, ông đi du khảo giáo dục ở hàng loạt nước Tây Âu, tham quan các giờ dạy, gặp gỡ hỏi chuyện học sinh, phụ huynh và giáo viên. Kết quả khảo sát đủ các loại trường học ở những nước có truyền thống giáo dục được tiếng là tiên tiến như Anh, Pháp, Thụy Sĩ, Đức khiến Tolstoi thất vọng sâu sắc. Trở về nước, trong bài báo dài nhan đề Về giáo dục quốc dân (1862), Tolstoi nhận xét sắc sảo rằng vẫn đứa trẻ bình dân đó thôi, nhưng khi ông gặp chúng ở nhà, ở ngoài phố thì “là đứa bé yêu đời, tò mò muốn biết mọi thứ, mắt long lanh, nụ cười nở trên môi, luôn luôn tìm tòi, học hỏi mọi thứ như một niềm vui, diễn đạt sáng sủa, thường là sinh động ý nghĩ của mình bằng lời nói của mình”, vậy mà khi ở trường “cũng đứa bé ấy: kiệt quệ, rúm ró, gương mặt luôn mệt mỏi và sợ sệt, chán nản, môi lắp bắp lặp lại lời người khác, một sinh vật mà tâm hồn đã chui sâu vào vỏ ốc”. Nguyên do là vì ở khắp nơi ông đều thấy nhà trường đã trở thành “thiết chế hành trẻ em”. “Nhà trường được thiết chế không phải để cho trẻ em thoải mái học tập mà là để cho thầy giáo được thuận tiện giảng dạy. Trẻ em rì rầm, ngọ nguậy, tươi cười – những điều kiện cần thiết để chúng học tập thoải mái – đều khiến ông thầy không được thuận tiện, thế là nhà trường được thiết chế như nhà tù: cấm hỏi, cấm nói chuyện, cấm ngọ nguậy”. Kết quả là nhà trường “thực chất là một sự làm méo mó trường kỳ các năng lực trí tuệ”, “đần độn hóa” trẻ em và nguy hại hơn, buộc chúng “quen dần với thói đạo đức giả, với tệ lừa dối – hệ quả của trạng thái phản tự nhiên mà học sinh bị đặt vào”. Mang ấn tượng nặng nề về kiểu giáo dục như một thiết chế bạo lực ghê tởm nhất là áp chế tinh thần, Tolstoi lúc này, trong bài báo mang tính luận chiến này, phủ định luôn mọi hình thức giáo dục mà ông định nghĩa là một số người được trao cho hoặc tự cho mình cái quyền giáo dục những người khác, áp đặt kiến thức và đạo lý được tuyên là đúng muôn đời, ở mọi nơi mọi chỗ, với mọi đối tượng. Bài luận chiến phủ định tuyệt đối mọi hình thức giáo dục đã gây nên phản ứng dữ dội của cả quan chức, giáo chức Nga hoàng lẫn các đại diện trí thức Nga tiên tiến đương thời như N.Tshernyshevski. Sau này, một năm rưỡi trước khi mất, trả lời câu hỏi của một nhà nghiên cứu trẻ, Tolstoi đã dũng cảm thừa nhận những ý kiến cực đoan trong bài luận chiến ngót nửa thế kỷ trước là “giả tạo”, nhưng tinh thần cốt lõi của nó, ông vẫn bảo lưu:

Trẻ em rì rầm, ngọ nguậy, tươi cười – những điều kiện cần thiết để chúng học tập thoải mái – đều khiến ông thầy không được thuận tiện, thế là nhà trường được thiết chế như nhà tù: cấm hỏi, cấm nói chuyện, cấm ngọ nguậy”. Kết quả là nhà trường “thực chất là một sự làm méo mó trường kỳ các năng lực trí tuệ”, “đần độn hóa” trẻ em và nguy hại hơn, buộc chúng “quen dần với thói đạo đức giả, với tệ lừa dối – hệ quả của trạng thái phản tự nhiên mà học sinh bị đặt vào”.

–         Năm 1862, trong bài luận chiến nói trên, ông tuyên bố: “Hãy ý thức rằng chuẩn mực (criterium) của giáo dục chỉ có một mà thôi – tự do (VTK nhấn mạnh). Chúng tôi đã chọn con đường này trong hoạt động sư phạm của mình”.

–         Ngót nửa thế kỷ sau, trong bức thư từ bỏ quan điểm sai lầm đối lập giáo dục với đào tạo (theo định nghĩa của Tolstoi chỉ là sự chuyển giao, tự nhiên hay cố ý, học vấn và các kỹ năng sống) và phủ định tuyệt đối giáo dục, ông nhấn mạnh lại: “Cái ý tự do là điều kiện thiết yếu của mọi quy trình đào tạo chân chính đối với người học cũng như với người dạy thì tôi vẫn khẳng định như trước kia”[1] (VTK nhấn).

Tolstoi không cố chấp. Chúng ta đã thấy ông công khai từ bỏ những quan điểm sư phạm sai lầm. Tolstoi kiên trì nguyên lý tự do trong giáo dục, cả trên lý thuyết lẫn trong thực hành, vì đó là tư tưởng căn bản, làm nền tảng cho hệ thống giáo dục Tolstoi – cái mà dăm bảy năm gần đây được mang một định danh thời thượng là triết lý giáo dục.

Chúng tôi đã có dịp phát biểu quan niệm của mình về thuật ngữ này. Theo thiển ý của chúng tôi, nó “biểu thị cái định hướng tư tưởng cơ bản trên thực tế chi phối toàn bộ quá trình giáo dục – đào tạo (mục tiêu, nội dung, phương pháp) trong một thời kỳ nhất định, bất luận nó có được phát biểu thành lời hay không“[2]. Xin lưu ý những chỗ nhấn mạnh. Bởi lẽ ngay các quá trình nuôi dạy trong dân gian của một dân tộc, nếu đem mổ xẻ, cũng có triết lý giáo dục của nó, mặc dù không được phát biểu thành lời. Ngược lại, không hiếm trường hợp nguyên lý giáo dục được phát biểu thành lời, ghi trong văn bản, rất hay, rất đẹp, rất tiên tiến, nhưng trên thực tế chi phối toàn bộ quy trình đào tạo không phải là chúng, mà lại là cái tư tưởng giáo điều lạc hậu, với những thiết chế “áp chế tinh thần” Tolstoi từng kịch liệt phê phán. Phân tích để nhận diện triết lý giáo dục cũng không đơn giản. Gần đây đã có cái Viện tầm cỡ quốc gia nọ tiến hành cả một hội thảo mang tiêu đề “Triết lý giáo dục VIỆT NAM”, tập hợp nhiều GS, TSKH, cả VS nữa, nhưng đọc hết 27 tham luận in trong Kỷ yếu hội thảo khoa học vẫn không tài nào nhận diện được, rút cục thì triết lý giáo dục Việt Nam là gì?

May thay, trong trường hợp đây, Tolstoi đã tự chỉ ra cái triết lý giáo dục của mình – TỰ DO. Dẫu bây giờ người ta mệnh danh nó bằng nhiều thuật ngữ khác nhau, tùy bình diện được chú trọng: giáo dục tự dogiáo dục không áp chếgiáo dục của lòng yêu thương, nhưng cốt lõi của nó vẫn là nguyên lý tự do.

Nguyên lý giáo dục tự do xuất phát từ quan niệm của Tolstoi về con người bản thể, từ lúc lọt lòng đã là một cá thể tự do, mang sẵn trong mình một sự hài hòa hoàn hảo là hạt nhân yêu thương của Thiên chúa. Bởi vậy mục tiêu của giáo dục chỉ có thể là tạo những điều kiện phù hợp (kể cả những tri thức chính cá thể đó có nhu cầu hiểu biết) để hạt nhân yêu thương ấy tự do phát triển hài hòa chứ không phải là áp đặt những giáo lý cùng mớ kiến thức chuẩn chỉ có thể khiến hạt nhân ấy trở nên méo mó, thui chột. Để minh chứng quan điểm của mình, Tolstoi thích so sánh đứa trẻ con nhà nông phu với quý tử gia đình ông chủ, cùng sinh ra trong một điền trang: đứa không được học, lớn lên tự nhiên với công việc đồng áng, thì khỏe mạnh và lanh lợi, tỏ ra tự tin, biết làm nhiều việc trong môi trường ấy, biết gì là biết chắc do tự tìm hiểu và tự tay làm, sống chất phác, thành thật; đứa kia từ nhỏ đã có gia sư, đến trường học đủ loại thầy bà, được nhồi nhét đủ các môn học, lại thành ra ẻo lả, lờ đờ và vụng về, mọi thứ chỉ biết lơ mơ, hỏi đến thì trả lời lắp ba lắp bắp như con vẹt, sớm nhiễm thói dối trá, đạo đức giả. Nguyên do là hai đứa trẻ, sinh ra thiên bẩm như nhau, nhưng đã qua hai quy trình giáo dục đối lập nhau, tuy đều bị Tolstoi tuyệt đối hóa (một thủ pháp Tolstoi thường dùng để tiếp cận chân lý), nhưng về cơ bản đã lột đúng bản chất: a) giáo dục tự do (svobodnoje vospitanie; trong trường hợp này là giáo dục tự nhiên theo kiểu Jean-Jacques Rousseau mà ông tôn sùng, khi du khảo ở Thụy Sĩ từng viếng thăm thắng cảnh liên quan với triết gia Khai sáng và nhà giáo dục này ven hồ Genève) và b) giáo dục áp chế (nasilstvennoje vospitanie). Vậy trong bất kỳ quy trình giáo dục nào, hãy dành cho trẻ em quyền tự do lựa chọn theo bản tính tự nhiên của chúng. Trong bức thư gửi người bạn năm 1901, công bố dưới đầu đề Về nhà trường tự do, ba-bốn chục năm sau những thực nghiệm ở Jasnaja Poliana, Tolstoi tiếp tục yêu cầu: “một sự tự do hoàn toàn trong dạy học, nghiã là hãy để cho các em học sinh trai gái đến học lúc nào chúng muốn, là condicio sine qua non (điều kiện nhất thiết) của mọi quy trình dạy học hiệu quả, cũng như condicio sine qua non của việc ăn uống là thực khách muốn ăn. Sự khác nhau chỉ ở chỗ trong các việc vật chất, cái hại của sự từ bỏ tự do xuất hiện ngay – sẽ tức thì nôn ọe hoặc rối loạn tiêu hóa; còn như trong các việc tinh thần, những hậu quả tai hại không xuất hiện mau chóng như vậy, có khi chỉ sau nhiều năm”[3].

Người ta hay nêu trường hợp chính Tolstoi kể việc ông phải từ bỏ dạy

các truyện ngắn của Pushkin Ông chủ hiệu đòn đám ma và Đêm trước Giáng sinh của Gogol, khi ông phát hiện học sinh không hiểu và không thích, để phê phán là ông hạ thấp yêu cầu kiến thức, hạn chế nó trong phạm vi trình độ nhận thức thấp kém và cảm thụ thô sơ của trẻ em nông dân ít học. Từ góc độ triết lý giáo dục của Tolstoi có thể nhìn nhận trường hợp này một cách khác hẳn. Với Tolstoi, tri thức chỉ là phương tiện. Thúc đẩy sự hài hòa trong phát triển những năng lực sáng tạo cá nhân phù hợp với thiên bẩm của mỗi con người còn non nớt mới là mục tiêu của giáo dục tự do. Thời điểm cụ thể này, với những học sinh cụ thể này, hai truyện ngắn cụ thể ấy của Pushkin và Gogol chưa phải là những phương tiện phù hợp để đạt mục tiêu trên, thì phải tôn trọng quyền tự do lựa chọn của chúng, chứ không thể áp đặt cho chúng trình độ nhận thức và cảm thụ của thầy vì như vậy là rơi vào quỹ đạo của giáo dục áp chế. Vả lại, trong toàn bộ trước tác sư phạm của người luôn luôn lo sợ bỏ sót những Pushkin và Lomonosov trong đám trẻ em nghèo khó nhưng hiếu học, không có một lời nào về việc ông sẽ không bao giờ trở lại đọc cùng chúng hai truyện ngắn ấy. Thậm chí, có thể tin rằng, với phương pháp sư phạm của nhà giáo Tolstoi, sẽ đến lúc rồi các em học sinh nông dân kia sẽ tự đề nghị thầy đọc với chúng hoặc tự mình tìm đọc hai tuyệt tác đó[4]. Biết đâu, chính vụ “xung đột” này giữa phương tiện cũ và mục tiêu mới của giáo dục tự do đã khiến Tolstoi ngộ ra rằng không thể thực hiện được mục tiêu của giáo dục tự do bằng những sách giáo khoa cũ được biên soạn theo nguyên lý giáo dục áp chế! Nhà sư phạm tiên phong kiêm nhà văn đại tài Tolstoi có thể tự điều chỉnh tài liệu giáo khoa, nhưng những giáo viên khác trong hơn hai chục ngôi trường dạy theo phương pháp Jasnaja Poliana, có thể vô tình áp đặt những tài liệu học sinh chưa sẵn sàng tiếp nhận hoặc thậm chí trái ngược với thiên bẩm của chúng, mà vô thức sa chân vào quỹ đạo của giáo dục áp chế. Giải pháp chỉ có một, tất yếu: thay sách giáo khoa. Bởi vậy nên vừa mới hoàn thành bộ tiểu thuyết hàng nghìn trang Chiến tranh và hòa bình (1869), Tolstoi gạt bỏ sang bên sáng tác văn học, dồn hết thời gian và sức lực vào việc biên soạn sách Vỡ lòng. Bản thảo đầu tiên, in năm 1872, thất bại, bị giáo giới phê phán vì tác giả quá tham, ngoài phần dạy chữ còn đưa vào các bài tập đọc thuộc đủ các lĩnh vực toán, lý, tự nhiên học, sử, địa. Không nản chí, Tolstoi lập tức biên soạn lại từ đầu, vừa soạn vừa điều chỉnh: ông mời hàng chục đồng nghiệp tâm huyết dạy thử nghiệm trong khuôn viên Jasnaja Poliana cho đám trẻ em nông dân chưa học chữ bao giờ, mà ông tập họp về từ các thôn làng lân cận. Năm 1875 sách ra đời với cái tên Vỡ lòng mới. Lật giở qua các trang sách, có thể thấy Tolstoi đã xác định lại một cách cơ bản nhiệm vụ và chức năng của sách Vỡ lòng mới: dạy chữ và dạy đọc phát triển độc lập tư duy, dạy viết sáng tạo dựa trên cả một kho tài liệu đa dạng (thành ngữ, tục ngữ, câu đố, ngụ ngôn, cổ tích dân gian – phần sưu tầm, dịch từ văn học cổ kim đông tây, phần Tolstoi tự sáng tác), được tác giả lựa chọn công phu, phù hợp với hứng thú nhận thức của lứa tuổi, được bố cục nghiêm ngặt từ dễ đến khó dần (kể cả kỳ công chọn lọc, sắp xếp học từ ngữ từ hai vần -> ba vần-> bốn vần -> năm vần) cho phép cả trò lẫn thầy tự do lựa chọn những tri thức phù hợp để phát triển năng lực trí tuệ của từng học trò, bồi đắp sự hài hòa tinh thần của con trẻ. Sách được công luận sư phạm tiên tiến nhiệt liệt hoan nghênh, trong ba chục năm tái bản đến 28 lần. Lần đầu tiên trong đế quốc Nga chuyên chế xuất hiện một bộ sách giáo khoa do một cá nhân biên soạn, chẳng theo dự án nào của nhà nước hay một tổ chức giáo dục chính thống, nhưng đã được Bộ Giáo dục quốc dân của Nga hoàng thông qua và giới thiệu “sử dụng cho tất cả các loại trường bắt đầu dạy từ học đánh vần”. Đây cũng lại là kinh nghiệm nên học tập chăng?

Lần đầu tiên trong đế quốc Nga chuyên chế xuất hiện một bộ sách giáo khoa do một cá nhân biên soạn, chẳng theo dự án nào của nhà nước hay một tổ chức giáo dục chính thống, nhưng đã được Bộ Giáo dục quốc dân của Nga hoàng thông qua và giới thiệu “sử dụng cho tất cả các loại trường bắt đầu dạy từ học đánh vần”. Đây cũng lại là kinh nghiệm nên học tập chăng?

Phương pháp tiếp cận hệ thống trong nghiên cứu, phát triển mạnh trong khoa học từ nửa sau thế kỷ XX, đòi hỏi một quy trình giáo dục tối ưu phải là một hệ thống tầng bậc nhất quán trong đó cấp độ trên chi phối cấp độ dưới: mục tiêu -> nội dung -> phương pháp. Sống nửa thế kỷ trước, Tolstoi đương nhiên chưa thể biết đến điều này, nhưng ông đã nhất quán thực hành đúng như vậy.

Có người cho rằng phải là uy tín to lớn, tài năng xuất chúng như đại văn hào Tolstoi thì mới tổ chức, hướng dẫn được cái lũ trẻ mỗi đứa một tính cách, mỗi đứa một sở thích và trình độ ấy học hành nghiêm chỉnh và say sưa. Có thể nói như vậy về những thủ thuật cá nhân, những “kỹ xảo” của nhà giáo Tolstoi nhằm tạo không khí thoải mái và gây hứng thú ở trẻ em. Nhưng những chỉ dẫn phương pháp ông nêu ra thì không phải theo sở trường riêng, mà đều xuất phát từ cái triết lý giáo dục tự do của ông. Xin trích một số Những ý kiến chung cho giáo viên, in ở đầu sách Vỡ lòng:

–         “Để học sinh học tốt, điều cần thiết là nó được học thoải mái; để nó được học thoải mái thì cần phải làm sao để: 1) những điều đem dạy học sinh phải có thể hiểu được và lý thú; 2) tâm sức của học sinh có được những điều kiện thuận lợi nhất”.

–         “Để tâm sức học sinh có được những điều kiện  thuận lợi nhất thì cần phải làm sao để: 1) không có những đồ vật và nhân vật mới, không quen thuộc ở nơi học sinh ngồi học; 2) học sinh không bị ngượng với thầy hoặc với các bạn; 3) (rất quan trọng) học sinh không sợ bị trừng phạt vì học kém, tức là vì chưa hiểu; trí tuệ con người chỉ hoạt động khi nó không bị ngoại cảnh áp chế; 4) trí óc không bị quá tải <…> Thà sai lầm và cho học trò nghỉ ngơi khi chúng chưa mệt còn hơn là mắc sai lầm ngược và giữ học trò lại khi chúng đã mệt mỏi, bởi chính vì vậy mà phát sinh sự đần độn, tê liệt, ngoan cố”…

–         “Thầy dạy càng không vất vả thì trò càng khó học; thầy càng vất vả thì trò càng dễ dàng. Giáo viên càng tự học nhiều, suy ngẫm từng bài dạy và đắn đo với sức học của học sinh, càng chăm chú theo dõi diễn biến tư duy của trò, càng gợi mở hỏi và trả lời nhiều thì trò càng dễ học”.

–         “Nếu giáo viên chỉ yêu nghề, anh ta sẽ là người thầy tốt. Nếu giáo viên chỉ có tình thương yêu học sinh như cha mẹ, anh ta sẽ dạy tốt hơn người đọc hết mọi sách, nhưng không yêu nghề, cũng chẳng yêu trò. Nếu thầy giáo kết hợp được lòng yêu nghề với tình yêu thương học trò, anh ta sẽ là người thầy hoàn hảo”…

 

(Còn tiếp)


[1]. Tài liệu đã dẫn tại chú thích 2, tr.409.

[2]. Vũ Thế Khôi: Triết lý giáo dục khai dân chí – chấn dân khí. – Kỷ yếu hội thảo “Một số vấn đề triết lý giáo dục và triết lý giáo dục Việt Nam. Thông tin và bình luận”, Viện Thông tin Khoa học xã hội Viện KHXH Việt Nam, Hà Nội – 2008, tr. 55 – 69.

[3]. Tài liệu đã dẫn tại chú thích 2, tr. 407.

[4]. Riêng đối với chúng tôi, đây là một bài học để nhìn nhận lại cái vụ om xòm xung quanh chuyện một em học sinh của ta, lần đầu tiên trong lịch sử giáo dục Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đã dám “chê” Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của cụ Đồ Chiểu.