Vũ Thế Khôi

(Trung tâm Văn hóa & Ngôn ngữ Đông Tây)

Trong giới giáo dục học thời Liên Xô, luận bàn về chủ đề Lev Tolstoi và giáo dục, người ta đồng thanh ngạc nhiên và ca ngợi việc thực nghiệm một phương pháp sư phạm mới lạ và không khí học tập thoải mái mà sáng tạo, có hiệu quả ở ngôi trường đại văn hào sáng lập và trực tiếp dạy dỗ cho trẻ em nông dân trong khuôn viên điền trang Jasnaja Poliana của gia tộc tại tỉnh Tula, xứ sở của những ấm trà Xamovar nổi tiếng. Mặt khác, xuất phát từ những bài báo lừng danh của Lênin về cái gọi là “thuyết Tolstoi” – tolstovstvo, “tà thuyết tolstoi” – “tolstovshina” (tiếp vĩ từ -shina trong tiếng Nga cấu tạo các từ miệt thị như: matiorshinatệ văng tục, ugolovshinanạn đầu trộm đuôi cướp…), bị ràng buộc bởi ý thức hệ, người ta cũng đồng thanh phê phán các tư tưởng của đại văn hào Tolstoi là “phản khoa học”, “phản động”, thậm chí là “ngu dân tinh vi”, tách biệt Tolstoi-nhà tư tưởng  với Tolstoi-nhà sư phạm, dường như đó là hai con người, nhưng rồi … đều kết luận bằng cái điệp khúc thừa nhận ảnh hưởng to lớn của ông đến nền giáo dục đương thời và sau đó.

Thực vậy:

–         Từ năm 1911, tức chỉ 3 năm sau bài Lev Tolstoi, tấm gương phản chiếu cách mạng Nga, bà  Krupskaja, vợ Lênin, đã ghi nhận: “Các bài viết của Tolstoi về giáo dục học là một kho báu vô tận cho sự suy tư và niềm khoái cảm tinh thần …Không còn nghi ngờ gì nữa, ông đã in một dấu ấn không phai mờ lên tư duy giáo dục nước Nga”[1].

–         Ngót nửa thế kỷ sau, năm 1953, trong bài tổng quan viết cho Tuyển tập giáo dục học của Tolstoi GS V.Veikshan, cũng như hấu hết bài viết về chủ đề này, vẫn dẫn lại những lời vàng ngọc ấy, rồi kết luận: “phải” (priđiôtxa =đành/buộc phải, nghĩa là muốn phủ nhận cũng không được! – VTK nhấn) thừa nhận vai trò to lớn của Tolstoi trong việc phát triển giáo dục học chẳng những ở Nga, mà còn trên toàn thế giới” [2](VTK nhấn).

Đến nay, thêm nửa thế kỷ nữa đã qua, điệp khúc đó vẫn còn lặp lại.

Ảnh hưởng trên toàn thế giới” – nhận xét đó không phải là sự ngoa ngôn và tự vỗ ngực của người Nga mà là một sự thực rõ ràng. Trên toàn thế giới cả Tây lẫn Đông người ta sôi nổi thảo luận về “thuyết không phản kháng cái ác bằng bạo lực“, về tư tưởng “giáo dục nhân ái” (gumannaja pedagogika), cũng gọi là “giáo dục của lòng yêu thương” (pedagogika liubvi) của Tolstoi, coi ông là người phát triển thuyết giáo dục tự nhiên của Jean- Jacques Rousseau, là người đi trước cả Thánh Mahatma Gandhi với triết lý “bất bạo động” của ông[3], cả nhà giáo dục học nổi tiếng John Dewey (mà sách Dân chủ và giáo dục vừa mới được Phạm Anh Tuấn dịch sang tiếng Việt và nxb Tri thức in năm 2008), người được coi là cha đẻ của triết lý giáo dục tự do hiện đại. Chẳng những thế, ở một số nước có truyền thống về cách tân giáo dục như Thụy Sĩ, Đức… người ta đã tổ chức những “trường Tolstoi“, theo mô hình ngôi trường Jasnaja Poliana; ở Mỹ và Nhật Bản có các “đại học Tolstoi“[4].

Trong khi đó, những tư tưởng giáo dục được nước ngoài đánh giá là cách tân, đi trước thời đại, lại bị ý thức hệ giáo điều kìm hãm suốt thời gian dài tại chính quê hương của chúng. Thử lướt qua vài danh mục liệt kê các ấn phẩm liên quan chủ đề này trong từng thời kỳ lịch sử của nước Nga xuyên suốt thế kỷ XX đầy bão táp vừa qua, để thấy được rằng sự giải tỏa chỉ đến cùng việc từ bỏ độc tôn một ý thức hệ lên thành “thiên kinh địa nghĩa”.

–         Trong 36 năm từ 1917 đến 1953 ở Liên Xô, theo liệt kê của GS Veikshan, chuyên gia trong lĩnh vực này, chỉ xuất bản có 36 bài viết, tức trung bình mỗi năm 01 bài, về quan điểm giáo dục của Tolstoi, và trong số đó thì đến 6 sách chỉ là tiểu sử nhà văn, 6 quyển nữa là sách giáo khoa chung về giáo dục học với số ít trang dành cho nhà sư phạm Tolstoi, còn lại toàn là những bài báo mươi – mười lăm trang trên các tạp chí của riêng ngành giáo dục, nhưSovietskaja pedagogikaProsveshenieNatshalnaja shkola…. Không một luận án, không một chuyên khảo nào!

–         Từ sau khi Stalin từ trần (1953), đến khi Liên Xô sụp đổ (1991), đặc biệt sau đại hội XX của đảng cộng sản Liên Xô (1956), bầu không khí xã hội dễ thở hơn, thoáng hơn, việc nghiên cứu sự nghiệp giáo dục của Tolstoi bắt đầu được chú ý hơn, nhưng trong 38 năm ấy cũng chỉ có 50 bài viết về chủ đề này. Tuy nhiên, có một bước tiến còn dụt dè: 03 trong con số 50 đó là luận án phó tiến sĩ – những chuyên khảo đầu tiên về các tư tưởng triết học của Tolstoi liên quan hệ thống tư tưởng giáo dục của nhà văn[5].

–         Chỉ sau khi Liên Xô sụp đổ, việc nghiên cứu các quan điểm giáo dục của Lev Tolstoi mới như tức nước vỡ bờ: từ 1992 đến 2002 (chúng tôi chưa có tài liệu từ đó đến nay), trong mười năm đã có 112 công trình, trong đó

13 luận án phó tiến sĩ, 4 luận án tiến sĩ [6]. Xét theo đề tài luận án thì các tác giả nghiên cứu đều đi sâu vào những vấn đề cơ sở phương pháp luận làm nền tảng cho tư tưởng giáo dục của Tolstoi, như: Những cơ sở tinh thần – đạo đức về phát triển nhân cách trong tư tưởng giáo dục của TolstoiNhững cơ sở triết lý – phương pháp luận trong tư tưởng giáo dục của Tolstoi …

Điều quan trọng hơn là từ đây người Nga không chỉ nghiên cứu các tư tưởng mà đã bắt đầu thực thi thí điểm mô hình nhà trường giáo dục nhân ái (cũng gọi là giáo dục không áp chế – pedagogika nenasilia[7]) của Tolstoi. Ngay từ năm 1990, “Trường Tolstoi” đã được lập lại tại tỉnh Tula, nơi hiện nay có Bảo tàng-điền trang Jasnaja Poliana, hoạt động như một cơ sở nghiên cứu và từ 1998 nó trở thành phòng nghiên cứu thực nghiệm của Bộ Giáo dục Liên bang Nga. Năm 1996 tại Đại học Sư phạm quốc gia Tula mang tên Tolstoi đã thành lập một bộ môn mới – Bộ môn di sản tinh thần của Tolstoi, chuyên nghiên cứu và phổ biến các tư tưởng xã hội và giáo dục của đại văn hào Nga, tất cả đều chung một cơ sở triết lý giáo dục của Tolstoi .

1. Học thuyết tôn giáo – đạo đức của Tolstoi

Triết lý giáo dục của Tolstoi đương nhiên xuất phát từ học thuyết tôn giáo – đạo đức của ông, tức cái hệ tư tưởng từng bị gán danh xưng là “tolstovstvo“, “tolstovshina“. Ở Nga, từ sau khi Liên Xô sụp đổ, các nhà khoa học đã thực hiện một cuộc “xét lại” toàn diện hệ tư tưởng này từ mọi bình diện: bối cảnh lịch sử – xã hội, cội nguồn triết lý – tôn giáo, truyền thống đạo lý – giáo dục, diễn biến cuộc đời dài lâu của Tolstôi, sung túc và êm đềm về ngoại cảnh, mà khổ sở, sóng gió về nội tâm đến mức đã có lúc ông định kết liễu cuộc đời ở cái tuổi tri thiên mệnh của mình[8].  Ở đây chúng tôi chỉ đề cập một số khía cạnh liên quan triết lý giáo dục của nhà văn.

Hai luận đề tư tưởng khiến Tolstoi đương thời bị phê phán gay gắt nhất cả từ phía tả lẫn phía hữu, rằng ông là “phản cách mạng”, “phản động theo nghĩa chính xác nhất của từ đó”, là “một địa chủ Cơ-đốc giáo cuồng tín”, “tên Giuda bị nguyền rủa”, “với một linh hồn thối nát” v.v… Hai luận đề đó là: 1) không phản kháng cái ác bằng bạo lực và 2) những tín điều cốt tử của Kito giáo (về chúa Người-Thần 3 ngôi, đã chết rồi lại giáng sinh cứu thế) đều là mê tín và có hại, nên phải kiến tạo một Kito giáo mới, thanh lọc khỏi mọi sự thần bí và mê tín.

Tuy nhiên, nhận định những luận đề tư tưởng trên đây của Tolstoi là “sai lầm” thì mới chỉ dừng lại ở cấp độ, theo thuật ngữ của chính Tolstoi, “nhân sinh quan xã hội”, tức cách nhìn nhận cuộc sống của một “hợp quần” nhất định; còn nói theo ngôn ngữ ngày nay là từ quan điểm chính trị – xã hội học. Những nhận định như vậy có thể là cần thiết trong bối cảnh lịch sử đương thời, nhưng không tránh khỏi phiến diện và nông cạn do xuất phát điểm thực dụng, vị kỷ, từ quan điểm của giai cấp nhất định. Tolstoi đã phát biểu những luận đề trên ở một cấp độ khái quát hơn – cấp độ tôn giáo – đạo đức học, hoặc, cũng vẫn theo thuật ngữ Tolstoi dùng trong tác phẩm nghị luận Vương quốc của Thiên chúa ở trong ta – là ở cấp độ “nhân sinh quan toàn cầu luận, hay là Thượng Đế luận”[9]. Tolstoi viết: “Con người mang nhân sinh quan Thượng Đế luận đã nhận thức cuộc sống không ở trong cá thể của mình mà cũng không ở trong hợp quần của các cá thể (trong gia đình, gia tộc, dân tộc, tổ quốc hay quốc gia) mà ở trong nguồn cội của sự sống vĩnh hằng, bất tử – trong Thượng Đế…”. Nguồn cội của cuộc sống vĩnh hằng là tình yêu, lòng yêu thương, mà theo Tolstoi, hiện thân là Thiên chúa. Như vậy, “vương quốc của Thiên chúa ở trong ta” có nghĩa làtrong mỗi con người đều gieo sẵn hạt nhân yêu thươngmột sự hài hòa hoàn hảo Chân-Thiện-Mỹ, cái ở phương Đông gọi là “Thiện tâm” như bản tính con người (“nhân chi sơ tính bản thiện”). Không ngẫu nhiên trong khi đi tìm con đường thực thi “Thượng Đế luận” của mình, Tolstoi đã đến với cả các hiền triết phương Đông như Lão Tử và Khổng Tử. Ông ưa nhắc lại câu nói nổi tiếng của Thánh hiền đạo Nho: điều mình không muốn thì đừng làm với người (“kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân”) và thấy nó gần gũi với câu nói của Kito: “Hãy đối xử với người như ta muốn được người đối xử với ta”. Vậy thì “Thiên chúa ở trong ta” có khác bao xa với “tính bản Thiện” của Khổng Tử, hay gần với chúng ta hơn – “Phật tại tâm” của Trúc Lâm tam tổ? Nếu quy kết luận đề thứ nhất là “Cơ đốc giáo cuồng tín”, “phản động” thì hai luận đề sau phải quy kết thế nào?

Thực tế cuộc sống trong một thế kỷ qua sau khi đại văn hào Lolstoi từ trần, đã diễn ra hoàn toàn ngược với học thuyết lí tưởng nhân văn của hiền triết Tolstoi. Chiến tranh và bạo lực liên miên, kể cả ở đất nước giành được độc lập nhờ thuyết “bất bạo động” thì cha đẻ của nó là Thánh Gandhi cũng đã phải chết vì một hành vi bạo lực – bị ám sát. Và hiện thời ngay quanh ta bạo lực vẫn đang hoành hành. Nhưng tất cả thực tế đó không bác bỏ đượctolstovstvo, nói chính xác hơn là cái triết lý nhân sinh nhân đạo chủ nghĩa của Tolstoi-nhà tư tưởng mà ngược lại, đang từng bước khẳng định nó. Trong xu thế toàn nhân loại, sau khi đã trả giá đắt, đang chuyển từ thế kỷ đối đầu và bạo lực sang kỷ nguyên đối thoại và hòa bình, người ta cũng đang nhận thức lại giá trị vĩnh hằng của những học thuyết nhân bản, đưa luận đề không phản kháng cái ác bằng bạo lực lên tầm văn hóa xử thế – văn hóa không bạo lực (kultura nenasilia). Tiếp theo việc lấy ngày sinh của Mahatma Gandhi 2 – 10 làm “Ngày không bạo lực” Liên Hiệp Quốc đã tuyên bố mười năm từ 2001 đến 2010, là năm kỷ niệm tròn 100 năm mất của Lev Tolstoi, làm “Thập kỷ hòa bình và không bạo lực vì lợi ích của trẻ em toàn hành tinh“.

Kết luận tất yếu Tolstoi rút ra từ Thượng Đế luận, cũng tức học thuyết tôn giáo – đạo đức “Thiên chúa ở trong ta” của ông, mà bản thể là lòng yêu thương bẩm sinh ở trong mỗi con người, đó là: không kháng cự cái ác bằng bạo lực, bởi bạo lực về bản chất đối lập với nhân ái, nên chỉ có thể thủ tiêu mầm yêu thương bẩm sinh trong cả những tội đồ độc ác nhất, chứ không thể diệt trừ bản thân cái ác. Cần ghi nhận rằng: Tolstoi không hề khoanh tay ngồi nhìn cái ác hoành hành. Từ khi đề xuất thuyết không kháng cự cái ác bằng bạo lực, ông vẫn luôn luôn dũng cảm lên tiếng chống cái ác ở khắp mọi nơi, bất kể nó diễn ra ở trong hay ngoài nước Nga. Ông chỉ phản đối dùng bạo lực chống lại bạo lực, vì nó chỉ đẻ ra sự hằn thù, mà sự hằn thù lại sẽ kéo theo bạo lực đáp trả. Mahatma Gandhi có đầy đủ căn cứ thực tế để phát biểu nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh (1828 – 1928) của Tolstoi: “Điều tôi khâm phục nhất ở Tolstoi là ông luôn luôn củng cố tín điều mình rao giảng bằng những việc làm và đã gánh chịu mọi hy sinh vì chân lý”. Tolstoi kêu gọi đấu tranh chống cái ác bằng bất hợp tác với nó, không tuân phục nó: không đóng thuế, không đăng lính, không làm thuê cho địa chủ bức bách nông dân… Trong nhiều thư từ gửi nhân dân lao động, các chính khách, các nhà cách mạng và chính phủ, ông kiên trì chủ trương lấy Thiện đáp trả Ác, bởi theo ông chỉ như vậy mới diệt trừ được tận gốc cái ác. Lại có thể dễ dàng nhận thấy Tolstoi đồng thanh tương ứng với các Nho gia, mà Nhà văn hóa thế giới Nguyễn Trãi đã đại diện phát biểu: “lấy nhân nghĩa thắng bạo tàn”! 

(Còn tiếp)

————————————————————
[1]. N.K.Krupskaja: izbrannye pedagogitsheskie sotsshinenie, M., 1948, tr. 34 – 35.

[2]. L.N.Tolstoi: Pedagogitsheskie sotschinenia, izd. 2-e, Moskva – 1953, tr. 48.

[3]. Năm 2007 Liên Hiệp Quốc đã ra nghị quyết lấy ngày sinh của Gandhi 2 – 10 làm  “Ngày quốc tế bất bạo động”, một điều, thiết nghĩ, hoàn toàn công bằng vì Gandhi bằng cả cuộc đời, cả mạng sống của mình đã thực thi thành công tư tưởng đó, giành độc lập cho Ấn Độ.

[4]. V.Remizov: Philosovskie i socialno-pedagogitshskoe obosnovanie obrazovatelnoi programmy. Bài trên mạnghome.tula.net của Đại học Sư phạm quốc gia Tula mang tên Tolstoi.

[5]. Ph.M. Sololnikova: Ảnh hưởng của giáo dục học nhân ái của L.N.Tolstoi đến quá trình phát triển nền giáo dục bình dân ở vùng Jakutia cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX. Phân tích từ góc độ lịch sử giáo dục học. Luận án PTS, Jakutsk – 2009. Danh mục tài liệu.

[6]. Tài liệu đd tại chú thích 1, tr. 430 – 432.

[7]. Từ “nasilie” (từ phản nghĩa: nenasilie) các từ điển tường giải tiếng Nga cho 3 nghĩa: 1. dùng bạo lực với ai; 2. cưỡng bức (áp chế) ai đó; 3. sự hoành hành (vô pháp). Trong bài này chúng tôi sử dụng nghĩa 1 cho văn cảnh chính tri – xã hội, nghĩ 2 – cho giáo dục.

[8]. Bạn đọc quan tâm vấn đề hệ tư tưởng của Tolstoi xin chờ đọc bài chuyên luận lớn công phu của PGS TS Phạm Vĩnh Cư trong sách…; về những suy tư và day dứt của nhà văn, có thể đọc trong Tự bạch (Ispovedi; có lẽ nên hiểu: Phản tỉnh)

[9]. Tolstoi phân biệt 3 cấp độ nhân sinh quan được con người lựa chọn làm căn cứ trong hành động của mình: “nhân sinh quan cá thể luận” (mục đích cuộc sống là thỏa mãn ý chí của cá thể); “nhân sinh quan xã hội luận” (mục đích cuộc sống là thỏa mãn ý chí của cả một hợp quần cá thể, từ gia đình cho đến quốc gia) và “nhân sinh quan Thượng Đế luận”