Một cuốn sách ra đời cách đây đã gần 100 năm nhưng vẫn còn nóng hổi tính thời sự không chỉ với nền giáo dục nước ta bởi tác giả của nó là một nhà triết học nổi tiếng có tầm nhìn xa trông rộng: John Dewey. Và nội dung ông bàn đến trong cuốn sách, cũng là nhan đề của nó, là một câu chuyện chưa bao giờ cũ: “Dân chủ và giáo dục”. Tuy nhiên, hành trình để nó đến VN lại gian nan hơn nhiều mà không phải vì rào cản ngôn ngữ, một khi đã có người đổ tâm huyết vào bản dịch. Phạm Anh Tuấn, người dịch cuốn sách dày hơn 400 trang sách khổ lớn này, cũng nhờ nó mà anh trở thành chủ nhân của Giải thưởng Tinh hoa giáo dục thuộc Qũy Văn hóa Phan Châu Trinh 2009 và giải Sách Hay 2011 chia sẻ với Saigon Times về những buồn vui trong hành trình tìm “bãi đáp” một cách khó khăn tại VN của cuốn sách vàng…
GS Hồ Ngọc Đại cũng học từ John Dewey
“Động cơ đốt trong” nào ở cuốn sách đã giúp nó giữ được sức nóng lâu bền đến thế, theo anh? Hay chỉ bởi với một nền giáo dục lạc hậu thì phàm cái gì ngoại nhập cũng có thể trở thành thứ “cũ người, mới ta”?
Đúng là tính thời sự của DCVGD chỉ được dành cho những nền giáo dục lạc hậu mà không biết mình lạc hậu trong một thế giới đã đổi thay rất nhiều kể từ năm 1916 là năm cuốn sách ra đời. Bởi DCVGD có thể được coi là một biên bản đánh dấu sự chia tay vĩnh viễn giữa nhà trường tiến bộ và nhà trường cổ truyền…
Anh có thể tóm tắt cuốn sách trong mấy dòng, một cách dễ hiểu nhất, mà vẫn có thể thâu tóm được “tư tưởng vàng” của John Dewey?
Trẻ em học tức là chúng học trong lúc chúng tự thực hành và trong lúc chúng được tự mình sống cuộc sống thực và cuộc sống diễn ra ngay hôm nay. Hãy giải tán hai khẩu hiệu. Khẩu hiệu thứ nhất là: “Tiên học lễ hậu học văn”. Khẩu hiệu thứ hai là: “Học để làm người”. Triết lý giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại cũng là học từ John Dewey.
Điều gì anh nghĩ là đáng giá nhất ở John Dewey, nếu áp dụng được vào nền giáo dục ở ta?
Điều thứ nhất là giải phóng trẻ em. Điều thứ hai là giải phóng trẻ em nhiều hơn nữa và đừng bao giờ dừng lại.
Sau khi “thấm” John Dewey, dân chủ theo anh là một thuộc tính hay là một yêu cầu của giáo dục?
Cả hai. Là “thuộc tính”, bởi vì phi dân chủ thì giáo dục trở thành huấn luyện con vật. Là “yêu cầu”, bởi vì phi dân chủ thì để cho nhà trường tồn tại làm cái gì nữa?
Những lần giáo dục Việt Nam bị “lỡ” John Dewey – theo anh – là những lần nào và lần nào là đáng tiếc hơn cả?
Nếu nói lỡ tàu thì nền giáo dục Việt Nam triền miên lỡ tàu. Bi kịch nằm ở chỗ là rất nhiều người vẫn thấy vui vẻ và hạnh phúc khi bị lỡ tàu!
Những người cần đọc lại không buồn đọc
Không phải đến khi DCVGD được dịch thì John Dewey mới được biết đến ở Việt Nam. Nhưng với bản dịch này, theo anh, “chuyến đi” của John Dewey đến Việt Nam lần này có gì khác?
Thật buồn khi nói rằng: ngay cả khi DCVGD được dịch sang tiếng Việt thì hầu hết những người giữ trọng trách với nền giáo dục vẫn không thiết đọc hoặc đọc mà không hiểu. Sau khi bản dịch ra mắt lần đầu năm 2008, trong lần trả lời phỏng vấn đầu tiên, tôi đã tỏ thái độ hoài nghi về khả năng tiếp nhận cuốn sách từ phía ngành giáo dục. Bài phỏng vấn tuy không lên báo nhưng cũng đã được chuyển đến một lãnh đạo ngành giáo dục vốn được coi là niềm hi vọng của ngành lúc ấy với hi vọng người đó sẽ đọc và nhận ra tiếng kêu cứu của một người may mắn được đứng dưới cái bóng vĩ đại của John Dewey. Hai năm sau bài phỏng vấn đó mới được đăng. Nhưng thực tế sau đó đã chứng minh là không ai bận tâm tới cuốn sách này.
Mới đây anh phàn nàn: “Chỉ có Bộ GD-ĐT được phép nghiên cứu triết lý giáo dục thôi, chỉ mỗi Bộ mới được phép nghiên cứu SGK thôi. Chính điều ấy tiêu diệt khả năng sáng tạo của rất nhiều tầng lớp, bỏ phí nguồn chất xám của xã hội”, nhưng một mặt lại nói: “Thôi đừng cãi nhau về triết lý giáo dục nữa. Thực ra, trên thế giới, trong lịch sử nhân loại, chỉ một vài người có khả năng tư duy và tư tưởng kiệt xuất mới có thể đưa ra được một triết lý giáo dục”. Anh có thấy mình mâu thuẫn không, giữa tâm huyết được góp sức và sự bi quan trước nỗi “đá ném ao bèo”?
Không mâu thuẫn. Tôi không phàn nàn mà là phẫn nộ. Tôi xin hỏi lại chị là ở Việt Nam hiện nay ai có đủ tầm để nghiên cứu triết lý giáo dục. Theo lý thuyết thì người đó phải là người có học vị cao nhất, đã từng giữ chức vụ cao nhất trong ngành giáo dục, vân vân và vân vân. Ấy thế mà ở mục Tâm lý học của bộ Bách khoa thư của Việt Nam thì John Dewey được mô tả là một “nhà triết học duy tâm” và là người phủ nhận “đấu tranh giai cấp”. Điều khủng khiếp nằm ở chỗ chính con người đó hiện lại đang chủ trì đề tài cấp bộ nghiên cứu triết lý giáo dục Việt Nam. Tôi nói “đừng cãi nhau về triết lý giáo dục nữa” là trong cái nghĩa là tôi muốn tiết kiệm cho đất nước tiền bạc và thời gian. Cho nên giờ đây những ai còn muốn làm giáo dục thực sự thì phải đi theo chính sách thực tế: Hãy cho tôi xem sản phẩm được tạo thành từ lý luận của anh – tức sách giáo khoa!
Và như vậy, theo anh, việc chúng ta nên làm lúc này là tiếp nhận tư tưởng theo cách “ăn sẵn”, “hưởng lộc”, hơn là ngồi tranh cãi, “trưng cầu dân ý” theo kiểu “lắm thầy rầy ma”?
“Trưng cầu dân ý giáo dục” để làm gì?! Trong vòng dăm năm thôi mà đã có sáu đề án cải cách giáo dục của giới trí thức Việt Nam cả trong và ngoài nước được gửi tới Bộ GD&ĐT thế mà có ai buồn đọc đâu, chưa nói gì tới hồi âm, dù chỉ là một câu nói xã giao!
Đừng lấy ông thầy làm trung tâm
Thế thì bản dịch của anh, cũng như “kế hoạch 500 cuốn sách” (thuộc kho tàng tinh hoa thế giới mà Việt Nam cần dịch) do Ngô Tự Lập khởi xướng nghe chừng khó mà tìm được “bãi đáp” đáng giá là những người cần đọc nó nhất, nhỉ?
Nếu như ở các nước khác thì Ngô Tự Lập có thể được người đứng đầu ngành giáo dục mời đến hỏi, thậm chí chất vấn cụ thể thêm, rồi cấp ngay ngân sách để thực hiện. Như thế gọi là bộ máy làm việc gọn nhẹ, hiệu quả, minh bạch. Các nước họ đều làm thế cả, sao mình không làm được? Dịp John Dewey sinh nhật 90 tuổi ông còn được biếu 90 ngàn đôla (theo thời giá bây giờ có lẽ phải là hàng triệu đô la) để “muốn làm gì thì làm”. Ngô Tự Lập và rất nhiều những trí thức khác có tâm huyết với giáo dục hiện nay, do bản chất của người trí thức, đều là những người lý tưởng chủ nghĩa, ôm ấp nhiều ước mơ, thậm chí ảo tưởng, tất nhiên là ảo tưởng cao đẹp và đáng trân trọng. Nhưng nếu họ thất bại thì chắc chắn không phải lỗi của họ. Chắc chắn là thế. Giáo dục Việt Nam sẽ bắt đầu chuyển mình khi bắt đầu biết tự nhận lỗi về mình.
Anh có cho rằng tâm huyết của bố anh – nhà nghiên cứu giáo dục Phạm Toàn trong việc soạn sách “học tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số” cũng chính là để chạm đến hai chữ “dân chủ” trong giáo dục?
Tôi không thể trả lời thay bố tôi câu này, nhưng sự thực là bố tôi còn là một người viết văn và khi cánh cửa chính bị đóng sập lại trước mặt thì người lạc quan sẽ tìm cách thoát ra ngoài bằng con đường cửa sổ. Dạy trẻ em khởi đầu có lẽ là cái “cửa sổ” của ông ấy. Mong muốn lớn nhất của ông là trẻ em tiểu học được học thực sự chứ không phải là học giả vờ.
Không ít câu chuyện buồn về sự xuống cấp của tình thầy trò ở ta trong những năm gần đây đã được coi là biến tướng của căn bệnh “dân chủ quá trớn”. Theo anh, sự khác biệt giữa hai chữ “dân chủ” của John Dewey và bốn chữ “dân chủ quá trớn” ở ta là gì? Anh có nghĩ đó là nguyên nhân chính khiến tình thầy trò ngày nay trở nên… “xa xỉ”?
Không đúng. Thầy không ra thầy thì thầy phải tự sửa mình trước. Trò không bao giờ tự nhiên hư. Chính vì chưa đủ dân chủ, chứ không phải “dân chủ quá trớn” như chị vừa nói, là nguyên nhân của sự xuống cấp tình thầy trò. Thầy làm cho trò say mê học thì chẳng có trò nào nỡ phụ thầy. Đó là lẽ tự nhiên. Phải suy nghĩ theo hướng ấy. Đừng lấy ông thầy làm trung tâm.
Hiện tượng Ngô Bảo Châu theo anh có phải là một cái kết có hậu của một nền giáo dục dân chủ?
Câu hỏi này tôi xin được miễn trả lời. Bởi vì tôi không thích bàn về những cá nhân mà tôi kính trọng.
Xin cảm ơn anh.
Nguyên Quân thực hiện
Theo TBKTSG