Sự việc nổ ra vào hôm 13 tháng 10 năm 2011 khi báo Le Monde tiết lộ một văn bản của Bộ Giáo dục nước Pháp được cho là liên quan đến dự án đánh giá, phân loại, xây dựng “chuẩn quốc gia” cho trẻ em lên 5 tuổi, tức những trẻ em ở độ tuổi trước khi đến trường.
Kế hoạch xây dựng chuẩn quốc gia cho trẻ lên 5 tuổi được chia thành ba giai đoạn. Giai đoạn một là giai đoạn được gọi là “cắm mốc” (repérage) sẽ diễn ra từ tháng 11 đến cuối tháng 12 năm 2011: sàng lọc trẻ em, chẳng hạn trẻ lên 5 tuổi có thể chạy nhanh, chậm thế nào hoặc khả năng nhận thức ngữ âm (conscience phonologique). Giai đoạn hai sẽ được triển khai trong tháng 5 và 6 năm 20112 là giai đoạn lọc ra những trẻ “dưới chuẩn”. Giai đoạn ba là giai đoạn tổng kết thành chuẩn quốc gia. Khi ấy một đứa trẻ lên 5 tuổi sẽ bị coi là không đạt chuẩn quốc gia nếu, chẳng hạn, nó bị thiếu 2 điểm so với điểm đánh giá chuẩn của quốc gia!
Kế hoạch của Bộ GD Pháp vừa mới bị rò rỉ đã lập tức gây ra hai luồng dư luận: luồng dư luận hoài nghi và luồng dư luận cực kỳ phẫn nộ.
“Những người có trách nhiệm của ngành giáo dục có lẽ đã hết thuốc trị” (báo Le Monde ngày 19/10/2011). Bài viết chỉ ra rằng chính bộ giáo dục mới đây đã nghiêm khắc phê bình kế hoạch đánh giá trẻ em ở độ tuổi lớp 1 và lớp 2 do bộ giáo dục triển khai năm 2009 vậy mà năm nay (2011) bộ giáo dục lại tiếp tục triển khai một kế hoạch đánh giá nữa. Bài báo đặt câu hỏi “Rút cục, đánh giá trẻ lên 5 để nhằm mục đích gì? Mục đích xã hội của việc làm này là gì? Có phải là vì mục đích thanh toán ai đó? Nhưng thanh toán ai? (bộ giáo dục à?). Và dựa trên căn cứ nào (tính không hiệu quả của trường mẫu giáo?).
Bài báo kết luận “Người ta có thể tự hỏi là cách đánh giá của bộ giáo dục liệu có giống như là dạy cho trẻ em cách làm sao chui người cho lọt qua cái thước đo chiều cao (toise) để rồi rút cục chúng sẽ nhiễm thói quen khom người xuống để bò?” (bài báo dẫn lời tác phẩm Une Société sans École của Ivan Illich, triết gia người Áo, mất năm 2002).
Tổ chức công đoàn của giáo viên Pháp (SGEN-CFDT) lập tức lên tiếng “Dứt khoát phản đối mọi sự phân loại trẻ em, nhất lại là trẻ em ở độ tuổi lên 5” (báo Le Monde và AFP ngày 13/10/2011).
Ở Pháp, văn bản của bộ không bị coi là tài liệu thuộc bí mật quốc gia. Và người đứng đầu bộ giáo dục, ông Luc Chatel đã lên tiếng một cách rành mạch, đàng hoàng. Dưới đây là tóm tắt các câu trả lời phỏng vấn của ông dành cho báo Le Monde ngày 19/10/2011.
Le Monde: Bộ giáo dục thực sự đang muốn đánh giá trẻ ở độ tuổi mẫu giáo hay sao?
Luc Chatel: Một tài liệu nghiên cứu của bộ giáo dục không có ý định xuất bản công khai đã được phát tán ra bên ngoài và gây ra một cuộc tranh luận sai mục tiêu. Nhưng đúng là chúng tôi đang làm công việc xác định sớm những trẻ em sẽ gặp khó khăn học đường. Chúng ta không thể hết ngày này sang ngày khác ngồi một chỗ mà than phiền 15% trẻ học xong tiểu học vẫn chưa đọc thông viết thạo.
Le Monde: Vậy là bộ giáo dục dự định xây dựng một bộ chuẩn đánh giá dành cho trẻ lên 5 tuổi?
Luc Chatel: Không, đó không phải là một bộ chuẩn đánh giá.
Le Monde: Nhưng đó chính là chữ được ghi trên tài liệu mà tờ Le Monde có được.
Luc Chatel: Tôi muốn làm rõ một sự hiểu lầm. Bộ công cụ mà bộ đang làm đối với lớp 1 và lớp 2 mới là một bộ chuẩn đánh giá. Chuẩn đánh giá gồm các bài trắc nghiệm dành cho toàn bộ trẻ em của một đất nước. Bộ chuẩn đánh giá cung cấp những chỉ tiêu mà học sinh toàn quốc phải đạt được. Công việc chúng tôi đang làm hiện nay không phải là những bài trắc nghiệm mà chỉ là công cụ nhận dạng trẻ em dành cho các giáo viên mầm non. Không có những bài trắc nghiệm phân loại trẻ em.
Le Monde: Kết quả đánh giá sẽ không phải là sự phân loại “trẻ có rủi ro” hoặc “trẻ có rủi ro cao”?
Luc Chatel: Không, tôi thừa nhận là chúng tôi có sự vụng về trong việc chọn từ ngữ.
Le Monde: Coi cách ứng xử của trẻ em là có liên hệ với khả năng làm chủ ngôn ngữ liệu có phải là cách làm chủ đạo?
Luc Chatel: Kế hoạch hiện vẫn đang được xây dựng, tôi còn chưa rõ liệu có nên giữ lại cái phần quan sát ứng xử của trẻ hay không? Dù thế nào đi nữa thì bộ công cụ sẽ nhắm tới mục đích sư phạm. Trong 18 tháng qua chúng tôi đã mời những chuyên gia ngữ học giỏi nhất. Tất cả các chuyên gia đều giải thích với tôi rằng mọi khả năng ngôn ngữ đều diễn ra bắt đầu ở trường mầm non. Một đứa trẻ làm chủ một vốn từ ngữ hạn chế ấy là bởi vì nó lớn lên trong một môi trường bất lợi và sau này đi học nó sẽ gặp khó khăn trong việc học đọc. Nhân danh công bằng xã hội, việc chẩn đoán sớm là vô cùng quan trọng, nó giúp đỡ cho trẻ trước tuổi chúng đến trường, tức trước khi chúng bắt đầu học những kỹ năng đọc.
Phạm Anh Tuấn điểm báo Le Monde