So với giáo dục thì bóng đá là một lĩnh vực hẹp, thậm chí rất hẹp. Những đề nghị sửa đổi, đổi mới, thậm chí cải cách toàn diện nền bóng đá, nếu có, thực chất cũng không mang tính chất cấp bách hoặc có liên hệ chặt chẽ tới vận mệnh của đất nước như những lời kêu đòi đổi mới thống thiết trong giáo dục. Bởi bóng đá nói cho cùng cũng chỉ là một hoạt động thể thao, không phải là không thể không có!

 

Tác giả Phạm Anh Tuấn chụp cùng Nhà thơ Dương Tường tại hội thảo Tự học – Tự giáo dục của nhóm Cánh Buồm ngày 3/10/2011 tại Hà Nội


Ấy thế nhưng cũng phải mất rất nhiều năm trời thì bóng đá Việt Nam mới dám vượt qua lực cản tâm lý để bắt đầu một cuộc đổi mới thực sự để từ nay bóng đá Việt Nam dần dần có thể đàng hoàng nói rằng mình thực sự là bóng đá chuyên nghiệp, như nước khác. Đó là cuộc đấu tranh và vận động thành công trong thời gian vừa qua của các câu lạc bộ bóng đá đòi thành lập một bộ máy điều hành giải bóng đá quốc gia theo mô hình công ty cổ phần, một mô hình đã được chứng minh là thành công ở rất nhiều giải bóng đá trên thế giới.

Bài học này của bóng đá cho thấy một điều là sự tranh luận công khai và thuyết phục để đi đến một sự nhượng bộ lẫn nhau là bước đầu tiên để đổi mới bất kỳ một hoạt động xã hội nào. Đòi hỏi một sự “bằng lòng nhau” tuyệt đối là không thể. Nói cho cùng thì mỗi bên đều có những mối quan tâm, những lợi ích riêng được ưu tiên và sự xung đột lợi ích giữa hai bên là điều đương nhiên khó tránh khỏi. Song, dù không đồng tình thì cũng phải đồng hành cùng nhau vì một lợi ích chung, vì lợi ích cao cả hơn những lợi ích của mỗi bên.

Dĩ nhiên sự đổi mới trong giáo dục khó khăn hơn rất, rất nhiều. Bóng đá nói cho cùng có thể tạm ngừng trong một năm, trong nhiều năm hoặc thậm chí ngừng vĩnh viễn, mà vẫn “chẳng chết ai”. Giáo dục thì không thể tạm ngừng dù chỉ một ngày, một phút, một giây. Có người đã ví sự đổi mới triệt để giáo dục, cách nào đó, giống như phải thay động cơ một chiếc máy bay trong lúc chiếc máy bay vẫn phải tiếp tục … bay trên không trung!

Mặt khác, sự đổi mới trong lĩnh vực bóng đá không đòi hỏi cấp thiết ở chỗ người ta có thể hoãn lại một chút cũng được. Đối với giáo dục thì lại hoàn toàn khác, không đổi mới giáo dục ngay lập tức thì toàn xã hội vẫn tiếp tục lạc hậu, lạc hậu so với chính mình đã đành, song còn lạc hậu so với toàn thế giới. Một thế hệ trẻ khi ấy dẫu có đá bóng giỏi thì bất quá cũng chỉ đem lại không khí tự hào chốc lát trên một “cầu trường” mà thôi!

Giáo dục Việt Nam bao năm nay liên tục nhận được những lời kêu gào đổi mới. Những kiến nghị, đề án đổi mới của khu vực xã hội dân sự như nhóm của Giáo sư Hoàng Tụy, của nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, của Giáo sư Hồ Ngọc Đại, của rất nhiều cá nhân những trí thức, học giả nổi tiếng khác, cả của những trí thức Việt Nam sống ở nước ngoài, bằng tiếng nói cũng như việc làm cụ thể, và gần đây nhất là của nhóm biên soạn sách giáo khoa phổ thông có tên Nhóm Cánh Buồm, đều dường như chỉ là “để tham khảo”. Tức có thể hiểu là “hãy đợi đấy!” và có thể đoan chắc là không thể biết ai là người đã hoặc sẽ ngồi xuống và nghiêm túc đọc rồi nghiên cứu những kiến nghị đó.

Có ý kiến tham khảo tức là phải có ý kiến được đương nhiên gọi là chính thống. Như thế, giáo dục vô tình bị biến thành hai phe. Điều đáng buồn nhất là phe chính thống hiện nay không chịu nhượng bộ phe kia (phe được hình thành một cách bất đắc dĩ), hay là sẽ mãi mãi không nhượng bộ? Đó là một câu hỏi lớn. Tại sao lại có những lực cản gây khó khăn đến thế cho những ý tưởng đóng góp cho công cuộc chấn hưng giáo dục nước nhà của những trí thức có tâm huyết, trong khi lại có sự thả lỏng cho các trường dân lập, các trường học liên doanh, liên kết với nước ngoài đến đây hoành hành, đến đây thực chất là kinh doanh từ mẫu giáo, tiểu học cho đến đại học, thản nhiên cho phép bê nguyên xi cái của họ tới dạy cho con em chúng ta?!

Bắt buộc phải nhượng bộ nhau vì quyền lợi của đại đa số trẻ em Việt Nam (chứ không phải vì một thiểu số nào đó). Nếu nhà trường làm sai thì phải đổi mới triệt để, chứ đừng cải tạo, kiểu như chủ trương giảm tải hiện nay. Chiếc xe bò đã cũ kỹ phải được thay bằng chiếc ô tô, đừng mất công sơn, tút lại chiếc xe bò đó làm gì nữa! Lời giải cho câu hỏi làm sao có thể “thay động cơ cho chiếc máy bay khi nó đang hoạt động trên bầu trời” là: Hãy cho phép toàn xã hội có một sự thi đua xây dựng chương trình học cho trẻ em. Nhà nước đóng vai trò giám sát, trẻ em và cha mẹ chúng, gia đình chúng, và cả xã hội là người kiểm định chất lượng.

Đi vào thực hiện cụ thể, lấy ví dụ vấn đề sách giáo khoa (bởi vì làm giáo dục rút cục là phải làm ra được sách giáo khoa) thì sẽ là bằng cách cho phép một số trường nào đó được chính thức áp dụng “thực nghiệm” những chương trình học khác nào đó, hoặc có thể là áp dụng “song song”, với chương trình học được gọi tên to tát là chính thống. Nhà nước rút cục còn đóng vai trò người kiểm định chuyên môn, một người kiểm định thông minh và công bằng.
Những cái đầu bảo thủ đứng trước những ý tưởng sáng tạo thì phản xạ đầu tiên của họ bao giờ cũng là bật ra lời phán “không tưởng”, “ảo tưởng”, “phiêu lưu”.

Giáo dục Việt Nam hãy thử một lần dũng cảm vượt qua lực cản bảo thủ. Nếu bóng đá chỉ vì có mỗi giới hâm mộ bóng đá mà đang gây ra một cơn địa chấn thế thì tại sao giáo dục, một công cuộc cao đẹp vì sự sống còn của cả một dân tộc, thế mà vẫn tiếp tục triền miên tỏ ra dửng dưng trước mọi lời kêu đòi đổi mới!

Phạm Anh Tuấn,

4/10/2011 (những chỗ gạch chân là của bản gốc).

Nguồn : Vietnamnet