Muốn chống vô cảm một cách tích cực và triệt để thì nhà trường phải nuôi dưỡng khả năng tưởng tượng từ bé cho trẻ em.

LTSDiễn đàn “thuốc nào chữa bệnh vô cảm” đã nhận được nhiều ý kiến và bài viết của độc giả, cho thấy mối quan tâm của toàn xã hội trước một hiện trạng đáng báo động. Không tham vọng giải quyết toàn một hiện tượng xã hội phức tạp này, Tuần Việt Nam hi vọng có thể tạo ra một tiếng chuông cảnh báo để cả xã hội vào cuộc.

Bài viết dưới đây nêu một giải pháp nhìn từ góc độ giáo dục trong nhà trường từ một chuyên gia giáo dục.

Một hiện tượng hoặc sự kiện có thể gây ra sự phản ứng đồng loạt của số đông thậm chí của toàn xã hội, thì trước hết tự nó phải mang tính chất của điều gì đó- trái với hoặc đi ngược lại hẳn với sự hiểu biết tự nhiên – hay còn gọi là lương tri.

Sản phẩm bị lỗi và xã hội… đầy rẫy lỗi?

Tức là cái việc ấy là không thể chấp nhận được, đối với hầu hết mọi người. Có những việc về bản chất thì sai lè nhưng có khi vẫn được nhiều người thông cảm (tha thứ, chấp nhận), tức là không phải ai ai cũng phản đối. Trong trường hợp ấy một số người nào đó đã dùng lý trí để nhận định.

Vô cảm là 1 thái độ của con người. Nó chỉ trở nên không thể chấp nhận được khi nó bị chuyển hóa thành một thái độ nhẫn tâm. Hiện tượng vô cảm trong xã hội không phải nay mới có, nó vẫn tồn tại từ xưa nay. Hiện nay bởi vì nó đã bị biến hóa thành rất nhiều dạng cư xử nhẫn tâm cho nên nó gây ra sự phẫn nộ cho rất nhiều người. Những người tỏ thái độ phẫn nộ là những người đang lên tiếng nhân danh lương tri.

Như thế tức là trong xã hội có nhiều cách, nhiều kiểu phản ứng trước sự vô cảm, nhẫn tâm. Số đông, một cách tự nhiên, chủ yếu phản ứng nhân danh lương tri. Giới chuyên gia thì nhìn nhận vấn đề từ góc độ chuyên môn của mỗi người.

Nhà xã hội học, chẳng hạn, nhìn sự việc dưới góc độ hậu quả do những xu hướng xã hội nào đó gây ra. Nhà nghiên cứu luật pháp thì xem xét những tình huống, nguyên nhân, động cơ … để định ra cái gọi là biện pháp trừng phạt hoặc khung hình phạt. Nhà tâm lý học chú trọng tới việc giải thích tâm lý của người có hành vi vô cảm.

Thậm chí trong 1 chuyên ngành hẹp như tâm lý- bệnh học thì người chuyên gia còn tìm kiếm những nguyên nhân tâm thần bệnh học dẫn đến hành vi như thế, như thế… (điều mà hiện nay đang bị coi nhẹ trong xét xử, chẳng hạn những vụ án giết người man rợ).

Nếu truy tiếp thì sẽ có 1 câu hỏi được đặt ra: Vậy, ai là người nói đúng. Hơn nữa và từ đó để suy ra rằng rút cục ai sẽ là người đứng ra nhận giải quyết vấn đề. Nhìn từ góc độ chung nhất thì câu trả lời có thể sẽ là: Tất cả những ai có khả năng giáo dục (bất kể làm chuyên môn gì). Nhìn hẹp hơn nữa thì người đứng ra giải quyết phải là gia đình cùng với nhà trường.

Nhưng nhìn từ góc độ phương pháp kỹ thuật cụ thể và dùng chung cho toàn xã hội thì nhiệm vụ nói trên nên được giao phó chủ yếu cho nhà trường. Nhà trường dạy sai thì cả xã hội gánh chịu hậu quả. Như một cái vòng luẩn quẩn, nhà trường nếu dạy “sai” sẽ cung cấp những sản phẩm bị lỗi để rồi sau đó chính những sản phẩm bị lỗi đó lại tiếp tục góp phần duy trì một xã hội đầy rẫy lỗi và 1 nhà trường tiếp tục sai triền miên.

Thực tế là hiện nay người lớn đang cung ứng vô số sản phẩm văn hóa vô cùng ít tính văn hóa. Thị trường phim ảnh, âm nhạc tràn ngập thị hiếu tầm thường. Sách truyện tranh, trong đó phải đau lòng kể ra cả bộ truyện tranh đô-rê-môn rất nổi tiếng (với những câu thoại cộc lốc) đang tiêu diệt trí tưởng tượng của trẻ em.

Những trò chơi trên truyền hình (game show) giống hệt nhau ở cách khai thác kỹ năng “đoán mò”, mẹo “đánh lén” và thói quen cố sống cố chết đưa ra một câu trả lời được coi là “duy nhất đúng” (kiểu thi trắc nghiệm!). Rút cục, nhà trường, về phần nó, vẫn đang tiếp tục đào tạo những trẻ em giống như những con rô-bốt vô cảm.

Nhà trường đang dạy “bơi trên bờ”

Vô cảm là thiếu vắng khả năng tưởng tượng hoặc kém cỏi về khả năng tưởng tượng. Khả năng tưởng tượng là phương tiện tự nhiên giúp trẻ em trưởng thành. Đơn giản bởi vì không phải tất cả những gì trẻ em “học” thì cũng đều “có mặt” trong thực tế. Nhờ khả năng tưởng tượng mà trẻ em có thể “nhìn thấy” cái vắng mặt, thậm chí nhìn thấy hậu quả của cái vắng mặt – bản chất của khả năng tự kiềm chế, khả năng tự chủ.

Nhưng nhà trường dạy khả năng tưởng tượng cho trẻ em bằng cách nào? Các nhà giáo dục thường dùng ví dụ về học bơi để minh họa nguyên lý “học trong thực hành” hoặc học bằng “tự mình làm” (learning by doing). Hiện nay nhà trường đang “dạy bơi” cho trẻ em bằng cách bắt chúng đứng trên bờ học vẹt đủ những thứ nội quy và hướng dẫn mà không để cho chúng được bơi thật trong bể bơi!

Nhà trường nhồi nhét vào đầu trẻ em đủ những cái cao đẹp trừu tượng (phần lớn là từ kinh nghiệm chủ quan của người lớn, chẳng hạn như có người đã liều lĩnh trích lạc ngữ cảnh một câu nói của Bác rằng: “Học thì phải học Khổng Tử”) hoặc ngồi một chỗ để đề ra cái gọi là “hệ giá trị con người” thì thực chất cũng chỉ là “dạy bơi trên bờ” mà thôi!

Dạy lối sống đạo đức cho trẻ em tức là phải chủ động tạo ra những “tình huống mẫu” sống động để trẻ em tự mình “sống” trực tiếp trong đó. Tình huống mẫu càng trừu tượng, càng có tính hư cấu cao càng tốt. Khi trẻ em đã sống hẳn hoi trong đó thì chúng tự giác tìm tòi, tìm hiểu mọi thứ để đáp ứng đòi hỏi của tình huống. Rút cục chúng “nhiễm” thói quen “đạo đức” tự lúc nào không hay.

Và để thiết kế những “cái mẫu” hoặc “mô hình” như vậy thì các “vở kịch” dùng trong nhà trường có thể được coi là một chất liệu vô cùng thích hợp để giúp trẻ em tập dượt khả năng tưởng tượng. Kịch chứa đựng hầu hết những tình huống của đời sống.

“Diễn viên” phải biết cách vào vai người khác, phải đồng thời có khả năng như một đạo diễn, một khán giả hoặc một tập thể khán giả …Diễn viên không thể thể hiện được tất cả những “cái vắng mặt” đó trong thực tế nếu như không có khả năng tưởng tượng. Xưa nay người ta vẫn hay nói là “phải đặt mình vào địa vị người khác”! Khi đã có khả năng đặt mình vào địa vị người khác thì sẽ không còn vô cảm nữa.

Như đã nói ở trên, vô cảm là trạng thái thờ ơ, lãnh đạm, không nhạy cảm. Vô cảm tự nó không phải là “tội ác”. Nhưng vô cảm là một nguyên nhân rất dễ dẫn đến ứng xử tàn nhẫn (có khi là vô tình tàn nhẫn). Giống hệt như dốt thì hay làm liều. Điều này cho thấy là muốn chống vô cảm một cách tích cực và triệt để thì nhà trường phải nuôi dưỡng khả năng tưởng tượng từ bé cho trẻ em.

Trong cuộc sống chúng ta vẫn thường gặp nhiều người lớn có lối sống chan hòa, sẵn sàng giúp đỡ người khác. Những người đó có thể do may mắn mà giữ được khả năng tưởng tượng hồn nhiên của trẻ em. Nhà văn Pháp Saint-Exupéry nói rằng “ai cũng có thời là trẻ con nhưng hiếm có ai nhớ được điều đó” (Hoàng tử bé).

Nhưng nhà trường bằng vai trò được xã hội phân công cụ thể và bằng những phương pháp cụ thể biết cách chủ động nuôi dưỡng và phát triển khả năng tưởng tượng của trẻ em thì cũng đồng thời giúp trẻ em phát triển lành mạnh và gián tiếp cung cấp cho xã hội những công dân lành mạnh. Những người lớn vô cảm thực chất đó là những người đã đánh mất khả năng tưởng tượng.

(Xin mách độc giả một thông tin: Hiện nay, 1 nhóm nghiên cứu giáo dục tư nhân có tên Cánh Buồm đã xây dựng được bộ sách dạy lối sống dựa trên nguyên tắc không giảng giải mà để cho trẻ em tự mình khám phá. Ngày 3 tháng 10 năm 2011 tới đây nhóm sẽ trình diễn tại 24 Tràng Tiền (Trung tâm Văn hóa Pháp) vở kịch “mẫu” có tên “Dế mèn” (dựa trên tiểu thuyết Dế mèn phiêu lưu ký của nhà văn Tô Hoài) do các em học sinh trường tiểu học dân lập Nguyễn Văn Huyên trình diễn). Đó cũng là một cách dạy cho trẻ không vô cảm.

Phạm Anh Tuấn

Theo Vietnamnet