Thưa các bạn,

Tôi là Phạm Toàn, người được vinh dự nhận Giải thưởng Sách hay năm 2011. Tiếc là tôi lại vắng mặt trong ngày vui kép vừa được nhận Giải Thưởng Sách vừa được gặp Bè Bạn Sách. Do vậy, tôi nhờ anh Chu Hảo đọc hộ bài phát biểu này.

Anh Chu Hảo là giám đốc nhà xuất bản Tri thức, một địa chỉ được giới trí thức Việt Nam đương thời coi như một hy vọng về một vườn ươm Khai Sáng, một mong đợi đến nghẹt thở công cuộc Chấn hưng Văn hóa phải đến với dân tộc Việt Nam.

Năm 1945, đất nước ta sống sục sôi theo khẩu hiệu Độc lập hay là chết. Năm nay, vào những năm tháng này, đất nước ta cần được sống sục sôi theo khẩu hiệu Chấn hưng Văn hóa hay là chết.

Ngay năm mới thành lập, nhà xuất bản Tri thức và đích thân anh Chu Hảo đã gợi ý cho tôi dịch cuốn De la démocratie en Amérique của Alexis de Tocqueville – mà tôi nhìn nhận đó như là một cuốn sách giáo khoa cho những dân tộc Độc lập nào định theo con đường Dân chủ để xây dựng cho mình một Nhà nước Tự do và Hạnh phúc.

Cuốn sách lại được chàng luật gia trẻ de Tocqueville viết. Chỉ người trẻ mới viết được như thế – theo lối như đưa bạn đọc vào một cuộc du lịch để cùng xem xét tỉ mẩn sự vận hành của một đất nước đa dân tộc đa quyền lợi như Hoa Kỳ, xem cách họ tự điều hành đất nước ra sao, thậm chí xem cả việc họ tránh không lặp lại những điều xấu xa của bản thân trong Lịch sử như thế nào.

Việc Hội đồng xét chọn thưởng giải Sách hay cho cuốn Nền Dân Trị Mỹ của Alexis de Tocqueville do tôi dịch và do công hiệu đính kỹ lưỡng kèm theo bài giới thiệu của nhà nghiên cứu triết học Bùi Văn Nam Sơn là một thông điệp cho những người Việt Nam có trách nhiệm với đất nước trong công cuộc dân chủ hóa đất nước – một công cuộc lấy Dân chủ làm thiết chế cơ sở chứ không đợi người dân mất lòng rồi mới vội vã có đôi chút chữa chạy cáidân chủ ở cơ sở.

Nhưng Sách Hay đến đâu cũng chỉ có tác dụng khi có Người Hay tìm đến Sách như một gợi ý khôn ngoan sao cho trong cuộc Chấn hưng Văn hóa Sách sẽ là một đầu mối vô cùng quan trọng. Một cuộc Chấn hưng Văn hóa đa diện mạo bằng Sách như là một vũ khí giúp dân tộc Việt Nam ta không rơi vào một cuộc tự sát tập thể.

Suy nghĩ như vậy, nên chúng tôi đã lập ra nhóm Cánh Buồm và tập trung vào soạn Sách giáo khoa, nhờ nhà xuất bản Tri thức công bố, coi sách giáo khoa như một đầu mối tất yếu chuẩn bị TRẺ EM thành những người yêu sách tiềm năng, hy vọng thay đổi tư duy và hành động của cả một dân tộc. Sách giáo khoa bắt đầu từ trẻ em, phải sống được với trẻ em, phải đồng hành cùng trẻ em, vì vậy nhóm Cánh buồm có khẩu hiệu hành động

TRẺ EM HIỆN ĐẠI XÂY DỰNG ĐẤT NƯỚC HIỆN ĐẠI

TRẺ EM LÀ CỨU TINH DÂN TỘC

trong đó

GIÁO DỤC TIỂU HỌC ỔN ĐỊNH VÀ BẢO ĐẢM CHẤT LƯỢNG

THÌ TOÀN BỘ NỀN GIÁO DỤC MỚI ĐƯỢC ỔN ĐỊNH, 

TỪNG GIA ĐÌNH ỔN ĐỊNH,

CẢ XÃ HỘI CÙNG ỔN ĐỊNH

Nhà xuất bản Tri thức sắp công bố cho nhóm Cánh Buồm chúng tôi 16 đầu sách giáo khoa biên soạn năm 2011. Sắp tới đây, sẽ có hai cuộc Hội thảo quan trọng vào ngày 30-9-2011 tại nhà xuất bản Tri thức, quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh và ngày 3-10-2011 tại L’Espace Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội, để Cánh Buồm lắng nghe những ý kiến phản biện đối với các bộ sách này.

Và đó cũng là lý do hôm nay tôi không có mặt tại cuộc gặp gỡ cảm động này. Cảm động vì mọi người ở đây đều lo lắng đến Sách Hay. Đã làm sách là chỉ có thể nghĩ đến sách hay. Có thể sức vóc chưa cân xứng với tấm lòng, nhưng tác giả nào và dịch giả nào cũng chỉ nghĩ đến việc viết nên những cuốn sách hay và dịch ra những trang sách hay. Và cái lệ bất thành văn của việc làm sách là ước mong cuốn sau bao giờ cũng hay hơn cuốn trước.

Vì thế chúng tôi cũng ước mong sách giáo khoa của nhóm Cánh Buồm sẽ là sách hay, hy vọng là các nhà giáo và các nhà nghiên cứu sẽ thấy ở đó một tư tưởng giáo dục và giải pháp giáo khoa mới, các bậc cha mẹ và các em học sinh sẽ thấy đó là sách giáo khoa hiện đại vì đó là sách để người học có điều kiện Tự học – Tự giáo dục như tên gọi cuộc Hội thảo – Phản biện – Giới thiệu sách năm nay của nhóm Cánh Buồm.

Xin cám ơn.