Xin gửi tới tất cả các em yêu quý và các bạn chút kỷ niệm công việc của tôi với Cánh Buồm.
Mùa hè năm 2010, các thành viên nhóm Cánh Buồm lần lượt đứng lớp thực nghiệm một số nội dung của bộ sách mới cho các bé học sinh 4 đến 5 tuổi của Câu lạc bộ Đọc sách cùng con. Chương trình môn Văn có nội dungĐồng cảm, môn Tiếng Việt có nội dung Nghe và phát đúng ngữ âm Tiếng Việt.
Cả cô giáo và học trò đều là “lính mới”. Tại sao lại như vậy? Các cô, dù đã học qua trường sư phạm, dù rất hồn nhiên và yêu trẻ, nhưng lại chưa một lần trong đời làm giáo viên dạy lớp Một. Có cô, thậm chí còn chưa một lần biết đến bục giảng và phấn trắng, chưa từng biết cảm giác khi đứng trước những đôi mắt học trò trong trẻo, thơ ngây. Cảm giác e ngại, rối bời của các cô thật dễ hiểu: này, liệu các em có chịu làm các việc mình giao cho không nhỉ?
Còn các bạn học sinh nhỏ tuổi thì mới ở trình độ mẫu giáo, một số bạn sắp vào học lớp Một, có bạn đã quen ngồi học trên lớp nhưng có bạn còn ngơ ngác lo sợ, ngồi đấy mà mắt vẫn dõi tìm ông bà, cha mẹ. May mà tất cả các bạn ấy chưa bị nhồi nhét những chữ a,b,c, chưa biết viết, chưa biết đọc. Đó là môi trường học sinh trong mơ của nhóm Cánh Buồm – những em bé hoàn toàn là những trang giấy trắng!
Thế rồi buổi học đầu tiên của “những người lính mới” đó đã diễn ra đầy say mê. cả từ cô giáo lẫn từ học trò.
Trong tiết học Tiếng Việt đầu tiên, các em học “Phương pháp học ngôn ngữ”. Các em được huấn luyện ba thao tác: phát âm – phân tích âm – ghi lại (để dùng). Giờ dạy của cô giáo không có những lời giảng, mà chỉ là những việc làm mẫu, nên các em rất đễ thực hiện những thao tác đó. Cô nói một số tiếng, thí dụ “đây là cô giáo” – các em nhắc lại đi – như thế là phát âm. Bây giờ các em tự tìm những tiếng để cho cả lớp phát âm. Thế là lần đầu tiên trong đời, các em được cô giáo mời tìm các vật liệu ngữ âm để các bạn cùng luyện tập. Rất dễ để các em tìm ra những vật liệu ngữ âm đó, vì đó chỉ là những lời nói thông thường hàng ngày, ai ai cũng nói ra. Chỗ khác nhau chỉ là, ở lớp học các em bắt đầu học phân tích: cô làm mẫu vỗ tay, nói từng tiếng, và đó chính là phân tích lời nói thành từng tiếng vậy.
Lớp học vui hơn khi các em làm bài tập. Vấn đề cô giáo đặt ra: Hòn đá có ngôn ngữ không? Làm cách gì để biết hòn đá có hay không có ngôn ngữ? Các em nhanh chóng áp dụng ba thao tác: thử bắt hòn đá phát âm xem nó có phát ra tiếng nào không? Tương tự như vậy là bài tập đi tìm xem Cái cây có ngôn ngữ không? Loài vật có ngôn ngữ không?
Tôi rất nhớ bài luyện tập các bạn được học cùng cô Mít về “Loài vật không có ngôn ngữ”. Mở đầu, cô Mít mở cho các bạn xem một cái lọ thủy tinh trong veo có đựng một chú chuồn chuồn kim – chắc là không bắt được chuồn chuồn ngô hay chuồn chuồn ớt nên cô Mít đành tóm một chú chuồn chuồn kim. Cô hỏi các bạn bên trong có gì? Một bạn nói có một con gì đó, em không biết! Một bạn bỗng hét ầm lên “chuồn chuồn”. Tiếp theo là tiếng la chẳng rõ là thật hay là đùa trêu cô giáo: “Cô ơi, con sợ chuồn chuồn”!
Cô có vẻ hơi buồn nhưng lại nghĩ, các bạn không được về quê chơi nên không biết đến loài vật này. Với vẻ trang trọng, cô đưa ra một câu hỏi dẫn các bạn vào cuộc thảo luận: “Chuồn chuồn có biết nói không? Có ngôn ngữ không?”. Các bạn thì thào với nhau: chắc nó biết nói nhưng nói nhỏ, chắc nó dùng cánh để nói, mà con có phải là chuồn chuồn đâu mà biết!
Lúc đó cô mới gợi ý, các bạn hãy nhớ lại xem chúng ta có những thao tác nào để kiểm tra xem chuồn chuồn có ngôn ngữ hay không? Cả lớp thi nhau nhắc lại bộ công cụ học ngôn ngữ đã được học từ những tiết trước: Phát âm – Phân tích – Ghi và đọc. Cô lại gợi ý tiếp, muốn phát âm thì ta phải dùng bộ phận gì? Miệng. Đúng rồi, cô lại bảo các bạn gọi chuồn chuồn xem bạn chuồn này trả lời như thể nào? Các bạn thi nhau gọi to gọi nhỏ, “chuồn chuồn ơi“. Không thấy chuồn chuồn trả lời, có nhiều bạn còn chưa thật tin là chuồn chuồn không biết trả lời, không có ngôn ngữ. Cô lại gợi ý tiếp, muốn phân tích ta phải dùng bộ phận gì? Các bạn tìm xem chuồn chuồn có tay không, có phân tích được không? Các bạn trả lời chuồn chuồn chỉ có cánh và chân thôi, nên không phân tích được, và có nói được đâu mà phân tích. Cô lại hỏi, thế nó có ghi và đọc lại được không? Các bạn nói cùng nhau “không ạ, không ạ”.
Cuối buổi học, cô giáo cho các bạn nhỏ đóng vai con chuồn chuồn và đóng vai nhà nghiên cứu “ngôn ngữ” của chuồn chuồn. Một bạn gọi “chuồn chuồn ơi”, bạn đóng vai chuồn chuồn không trả lời mà vẫy tay giả như chuồn chuồn đập cánh và chạy xung quanh lớp học. Cô lại hỏi các bạn ấy, con vật nào không biết nói giống chuồn chuồn? Các bạn kể ra, nào con ong, con châu chấu, con muỗi… Hóa ra các bạn ấy cũng có cách hệ thống hóa của mình, toàn là những con có cánh, nho nhỏ. Một bạn tự nhiên đập được một con muỗi, hét lên, con muỗi ở tay tớ này. Bạn bên cạnh mắt tròn mắt dẹt ngó vào. Các bạn còn kể thêm được, ngoài các loài có cánh thì các loài có cánh và hai chân, các loài có bốn chân cũng không nói được, không có ngôn ngữ, ví dụ như gà vịt hay chó mèo. Các bạn lại cùng nhau đóng vai con gà, rồi hỏi bạn gà đó câu gì bạn ấy cũng “cục tác, cục tác”. Có bạn nói, sao không là con gà ò ó o hay chiêm chiếp nhỉ!
Kết thúc kỳ nghỉ hè, lớp học nhỏ với những cô và trò mới tinh tạm biệt nhau. Đó có lẽ là một thời gian thực tập quý báu “già làng” đem lại cho các học trò của mình trong nhóm Cánh Buồm. Năm sau, cánh giáo viên chúng tôi được gặp gỡ đám học trò nhỏ khác ở lớp Một trường Nguyễn Văn Huyên. Lại được nghe các em thủ thỉ “cô ơi hòn đá không có ngôn ngữ, con chuồn chuồn không có ngôn ngữ…”.
Mới đó mà đã một năm. Mùa hè 2011 lại đang trôi đi. Chúng mình đang hướng về cuộc Hội thảo ngày 30 tháng 9 và ngày 3 tháng 10 năm 2011. Trưởng thành nhiều, nhưng vẫn nhớ cái thời “lính mới” hè năm ngoái.
Vũ Thị Như Quỳnh