Không còn là Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội, nhà văn Hồ Anh Thái cũng không xuất hiện trong các sự kiện văn học. Bạn bè biết rằng anh không chỉ rời khỏi Hà Nội mà còn ra khỏi lãnh thổ Việt Nam: hiện anh đang là tham tán – phó đại sứ Việt Nam tại Iran. Bởi vì anh vẫn là một công chức ngành ngoại giao, kể cả trong thời gian làm việc ở Hội Nhà văn Hà Nội và Hội Nhà văn Việt Nam.
Nhà văn Hồ Anh Thái ở Shamshak, Tehran
Chào nhà văn – phó đại sứ. Vì sao anh lại đến Iran chứ không phải một đất nước nào khác? Do được chỉ định hay do anh đề xuất?
Hơn hai chục năm qua, tôi làm nghiên cứu về Ấn Độ, mà giữa Ấn Độ và Iran có nhiều điểm chung về lịch sử, văn hóa, cả chủng tộc nữa. Ít người biết rằng ngay trong ẩm thực của người Hindu giáo ở Ấn Độ bây giờ, chỉ có việc ăn chay là ảnh hưởng của Phật giáo, còn thì ảnh hưởng của ẩm thực Hồi giáo là khá bao trùm. Một ví dụ để thấy rằng đang nghiên cứu về Ấn Độ mà xoay sang Ba Tư thì cũng không phải là tay ngang.
Cũng như không phải là “tay ngang” khi anh đang quản lý Hội Nhà văn Hà Nội mà quay về với công việc ngoại giao?
Ngoại giao là chuyên môn tôi được đào tạo cơ bản. Tôi xuất thân từ cái lò Đại học Ngoại giao, rồi được đào luyện trong ngành ngoại giao cũng đã gần ba chục năm. Không có sự đào tạo và đào luyện ấy, dù làm nghề gì khác thì chắc là tôi vẫn viết văn, nhưng sẽ là một nhà văn rất khác. Còn làm việc ở Hội Nhà văn Hà Nội là do được hội viên bầu phiếu, nên phải chấp nhận làm được việc gì đó cho hội viên. Bộ Ngoại giao cũng hỗ trợ Hội Nhà văn, tạo điều kiện cho tôi đi công tác biệt phái mấy năm trời.
Ba nhiệm kỳ ở trong ban lãnh đạo Hội Nhà văn Hà Nội, trong đó có hai nhiệm kỳ liền anh làm chủ tịch hội. Bốn mươi tuổi đã “lên chức” chủ tịch một hội nhà văn nhiều “cây đa cây đề” như Tô Hoài, Vũ Cao, Ma Văn Kháng, Nguyễn Xuân Khánh… anh thấy đấy là cơ hội cho nghề hay là thách thức?
Tôi học được nhiều ở cả nhà văn cao tuổi lẫn người trẻ. Khi làm quản lý, tôi thích quan niệm của nhà thơ “Núi Đôi” Vũ Cao. Ông bảo: “Làm quản lý tức là không quản lý”. Tôi hiểu đó là nói về sự tôn trọng cá tính sáng tạo của mọi người, trân trọng mọi thành quả lớn nhỏ của mọi người, không can thiệp vào những chuyện không nên can thiệp, không tỏ vẻ bình dân suồng sã nhưng cũng không cao ngạo xa cách. Ngoài trời còn có trời. Tôi nghiệm thấy những nhà văn thực tài trong Hội thường trầm tĩnh, luôn tỏ ra hiểu biết, cảm thông. Và ngược lại.
Anh cũng gặp sóng gió trong khi làm việc, nhưng rồi vẫn chèo chống mà qua được, khiến cho Hội Nhà văn Hà Nội luôn tạo được sự tin cậy của công chúng?
Ở Hội Nhà văn Hà Nội, ban chấp hành hoàn toàn làm việc theo tinh thần vác tù và hàng tổng: không ai ăn lương ở Hội, không có phụ cấp, không tiền xăng xe, điện thoại, không phong bì thù lao trong các cuộc họp ban chấp hành. Xã hội đang nhiều gai chướng, mình là hội nhà văn, chưa đóng góp được gì nhiều thì cũng nên lấy cái thanh sạch làm đầu. Trong xét tặng giải thưởng, nếu sách của ủy viên ban chấp hành được đề cử, chúng tôi cũng kiên quyết xin rút. Đang cần làm việc cho công tâm, tránh vướng mắc, và rút tác phẩm của mình ra cũng là tạo thêm cơ hội cho hội viên.
Anh có được sự đồng tâm của 100% ban chấp hành và hội viên trong những việc như vậy hay không?
Không dễ thuyết phục mọi người, nhưng rồi cũng ổn. Ban đầu tôi rất ngỡ ngàng với nhiều chuyện, rồi dần dần quen và tìm cách xử lý. Ví dụ, tôi rất ngạc nhiên khi có người thản nhiên “gợi ý” để mình bỏ phiếu cho họ trở thành hội viên, bỏ phiếu cho tác phẩm của họ được giải thưởng. Tôi luôn nghĩ những việc như thế chỉ có thể căn cứ vào chất lượng. Không ai xin xỏ, chạy chọt, đề nghị những chuyện ấy bao giờ. Nhưng trên thực tế, dường như nó đã trở thành tập quán. Tôi đã biết ghìm nén sự bất bình, để mà lặng lẽ làm theo đúng nguyên tắc. Có lần, một ông cán bộ văn nghệ ra giọng suồng sã: “Mày làm một cái văn bản giải trình tại sao Hội lại trao giải thưởng cho một người có vấn đề như ông X, rồi đưa cho tao”. Tôi với ông không quen biết đến độ xưng hô như thế. Tôi bảo: “Anh cứ gửi một cái công văn về Hội, đúng nội dung như vậy, tôi sẽ báo cáo”. Ông ta bảo: “Nếu gửi công văn, tao sẽ không gửi về Hội mà gửi cho cấp trên của Hội”. Tôi bảo: “Vậy anh cứ gửi công văn về cấp trên cũng không sao”. Chuyện sau đó cũng xong. Giữ nguyên tắc và kiên định nhưng mềm mỏng, tôi nghĩ đó cũng là một kinh nghiệm khiến người quản lý có thể “qua” được nhiều giao lộ hiểm nghèo.
Anh có còn quan tâm nhiều tới những hoạt động văn học trong nước hay không? Nhất là ở Hội Nhà văn Hà Nội?
Một ngày mà tôi không đọc sách mới thì như phải nhịn ăn. Tôi đọc hơi bị tốn sách báo. Còn để ý đến công việc ở Hội thì không, không có điều kiện và cũng không nên. Nói như nhà văn Trang Thế Hy: “Xong việc rồi thì đi chỗ khác chơi”. Ngại nhất là mấy ông đã xong việc nhưng cái gì cũng nhòm vào, ý kiến ý cò. Tôi nghĩ đã không làm nữa thì không nói, để yên cho người khác làm.
Anh vẫn đang làm sách cho các bạn văn trong nước dù đang ở xa. Đó là do tình cảm hay do “trách nhiệm”?
Tôi có còn trách nhiệm gì đâu. Bạn viết thấy tôi ham đọc thì cứ gửi sáng tác mới cho mình qua email, gửi cả sách. Hàng năm họa sĩ Trần Đại Thắng giám đốc công ty Đông A vẫn nhờ tôi làm tuyển tập Văn Mới. Nhờ đọc nhiều mà tôi có thể làm tiếp bộ Văn Mới này.
Bạn bè thở phào khi thấy anh đã “đi qua mọi sự” và tại Đại hội Nhà văn năm 2010 đã xin rút khỏi danh sách đề cử vào ban chấp hành nhiệm kỳ mới. Khi ấy anh đã có thông tin cho chuyến đi sứ này chưa?
Lúc ấy tôi chỉ nghĩ mình đóng góp cho Hội cả về tâm sức và thời gian như vậy là đủ rồi, phải trở lại với công tác nghiên cứu mà mình vẫn tâm đắc. Trở về Bộ, thì được gợi ý đi công tác, lại đúng với địa bàn phù hợp, tôi nhận lời và lên đường ngay.
Hình như anh dành khá nhiều thời gian cho việc thâm nhập đời sống (qua những hình ảnh anh gởi về cho bè bạn)?
Năm 1993 – 1994 tôi đã nhiều lần qua lại công tác ở Iran. Từ đó mà có nhiều bạn bè và đồng nghiệp địa phương. Bây giờ tìm gặp lại, có người đang đi xa, người thì đã về hưu, bạn bè cũng lên ông lên bà cả rồi. Tôi dùng máy ảnh để ghi lại từng khoảnh khắc sống, coi như nhật ký bằng hình. Này là bộ sưu tập bạn bè. Này là bộ sưu tập tranh tường ở Tehran, thú vị lắm, người ta không chịu để những bức tường màu xi măng xám xịt, mà vẽ lên đấy, đủ phong cách, từ hiện thực cho đến trừu tượng, huyền ảo, từ dân gian cho đến hiện đại. Tôi còn có cả bộ sưu tập ảnh dụng cụ thể dục thể thao đặt trong công viên, bộ ảnh những cái kiềng bếp đặt trong công viên cho người đi picnic có cái mà đun nấu, nướng thịt… Các công viên lớn nhỏ đều có. Một biểu hiện về phúc lợi xã hội.
Điều tích cực trong văn hóa Hồi giáo, theo anh?
Tôn giáo nào cũng có nhiều điểm tích cực. Giáo lý nào cũng khuyên con người tự biết mình, biết được vị trí của mình trong trời đất, và làm điều thiện, bỏ điều ác. Kết quả sẽ khác nhau nếu người này dùng tôn giáo như lý tưởng, như quy tắc đạo đức, người khác thì dùng như công cụ. Ở Iran, đời sống khá bình yên, không giống như tuyên truyền trên báo chí nước ngoài. Xe hơi để ngoài đường suốt đêm không ai vặt gương vặt đèn hay cào xước. Đi chợ, ta có thể mua đồ rồi bỏ đâu đó, lâu sau quay lại nhặt, không ai lấy mất. Tất nhiên cũng có mặt trái, nhưng nhìn chung người ta có cái nghiêm túc của đức tin, có thể diện để mà giữ sạch cho mình và cho xã hội.
Anh nhìn thấy ở thế hệ trẻ Iran hiện nay có điểm gì chung và khác biệt với phần còn lại của thế giới?
Do tinh thần Hồi giáo nghiêm khắc, hầu như người ta không bia rượu, có chăng là loại bia non-alcoholic không cồn, nhưng cũng hiếm khi dùng. Sau cách mạng Hồi giáo 1979, ở Iran có nhiều tiệm ăn nhưng không có quán rượu. Nhiều nhà hát, rạp chiếu phim nhưng không có vũ trường. Thanh niên chủ yếu hoạt động dã ngoại, đến với thiên nhiên: thể thao, leo núi, trượt tuyết, cắm trại, và đến nhà hát. Lái xe đi lòng vòng cũng là một cái thú, xứ làm ra xăng dầu mà, mặc dù gần đây giá xăng đã tăng và nhà nước dần bỏ bao cấp. Nhân nói chuyện lái xe, thì phải thấy là không có đua xe hơi trên đường đâu nhé. Ngay cả khi đoàn xe dài dừng trước đèn đỏ thì vẫn cứ trật tự, xe sau chờ xe trước tiến rồi mới tuần tự tiến, không có chèn lách tạt ngang tạt dọc, không bóp còi inh ỏi. Họ hiểu phải kiên nhẫn chờ đợi thì mới có cơ hội tiến bước cho mỗi người.
Điều lý thú nhất cho đến nay khi anh khám phá xứ sở – con người ở đây?
Bạn bè ở nhà gửi thư điện tử sang, muốn đi du lịch xứ Ba Tư lắm. Tôi cũng cho là nên đi. Rất nhiều điều lý thú. Chỉ có điều ta chưa làm tour du lịch sang Iran. Một vài công ty du lịch trong nước đang rục rịch tìm cách khơi mở. Phong cảnh đẹp, nhiều màu sắc lịch sử, kiến trúc và mỹ thuật ấn tượng, con người thân thiện, tình hình khá ổn định… là những điều hấp dẫn đáng để bà con mình lên đường đến với xứ Ba Tư.
Anh đã từng sống ở Ấn Độ một thời gian đủ để sau đó viết được những tác phẩm đầy ấn tượng về con người Ấn Độ? Còn với Iran, anh đang ôm ấp dự định nào?
Tôi sẽ viết tiểu thuyết về xứ Ba Tư ngày xưa và đất nước Iran hôm nay, như đã viết về Ấn Độ. Thêm một cuốn khảo luận về lịch sử, văn hóa, đất nước con người, giống như cuốn Namaskar, xin chào Ấn Độ! Lần này sẽ là một cuốn đại loại Salam, chào xứ Ba Tư! Hai cuốn tiểu thuyết ra mắt trong thời gian tới đều là viết từ trước, còn hiện tại tôi phải tập trung vào việc cơ quan, chưa viết thêm được chữ nào. Với công tác nghiên cứu, tôi đã nhận sẽ nộp về Bộ một cuốn sách phân tích tình hình khu vực khi nào kết thúc nhiệm kỳ.
Văn học Iran có được coi trọng trong sinh hoạt văn hóa – tinh thần của người dân?
Tôi nghe nói tiếng Farsi là một ngôn ngữ đẹp. Rồi tôi sẽ học thứ ngôn ngữ Ba Tư này để giao tiếp chút ít. Chắc người Việt cũng chưa quên Ba Tư là xứ sở văn chương với các đại thụ cổ điển như Ferdowsi (tác giả sử thi Shahnameh), Saadi (Vườn hồng), Omar Khayyam (Thơ Rubaiyat)… Người Iran hiện vẫn thích thơ và văn chương, đấy là một điều hiếm có trong xã hội hiện đại. Các hoạt động thơ ca, hội thảo văn chương vẫn thường xuyên và thu hút công chúng.
Anh nghĩ vì sao điện ảnh Iran với số vốn đầu tư nhỏ và chỉ với đạo diễn “nội địa” lại thường thống trị các giải thưởng lớn trong những festival mà họ tham gia?
Câu hỏi ấy tôi đã tự đặt cho mình từ vài chục năm trước, khi mê mẩn với những bộ phim Iran đoạt giải thưởng lớn ở các liên hoan phim quốc tế hạng A. Hồi ấy, đầu những năm 1990, điện ảnh Iran bất ngờ nổi lên thành hiện tượng ở Liên hoan phim Cannes, Berlin, Venice. Giới điện ảnh Âu Mỹ đến bây giờ đã gọi Iran là cường quốc điện ảnh. Người ta ngỡ ngàng sao lại có những kiệt tác điện ảnh giản dị mà lạ lùng đến thế: Quả táo, Bảng đen, Lúc năm giờ chiều của Samira Makhmalbaf; Sự yên lặng, Tấm thảm của Mohsen Makhmalbaf; Ngày tôi trở thành thiếu nữ của Marziyeh Meshkini; Mùi vị anh đào và Gió cuốn chúng ta đi của Kiarostami; Vòng đời của Jafar Panahi; Những đứa con của trời của Majid Majidi… Người ta nói đến cả một triều đại trong điện ảnh Iran và điện ảnh thế giới khi gia đình Makhmalbaf (vợ chồng và hai người con) đều là những đạo diễn tuyệt vời. Tôi nghĩ điện ảnh Iran thành công vì trước hết họ có những tài năng lớn. Tài năng lớn ấy vượt lên trên sự hạn chế của kinh phí thấp, của máy móc thiết bị bình thường, và lách qua thành kiến của người duyệt phim. Không thực tài, dù có cho kinh phí khổng lồ, cho máy móc hiện đại và kiểm duyệt dễ dàng thì phim cũng chẳng ra phim. Vừa mới đến Tehran, tôi vào Bảo tàng Điện ảnh xem ngay cái phim mới đoạt giải Gấu Vàng ở Berlin 2011, Cuộc chia tay của Nader và Simin. Tuyệt. Nhưng mà cũng rất đơn giản. Nếu vào tay người không có tài thì sẽ chỉ là tầm một bộ phim vụn vặt, nhạt nhẽo.
Một yếu tố nữa khiến điện ảnh Iran thành công như ta thấy: Ba Tư là xứ sở của triết học và văn chương từ cổ đại. Cái gốc triết học hàng nghìn năm đã khiến điện ảnh của họ, khi chạm đến vấn đề nhỏ nhất cũng gợi mở sự liên tưởng xa rộng nhất.
Anh thường giới thiệu những gì của Việt Nam cho bạn bè Iran?
Người Việt ở Iran thường bị nhận nhầm là người Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc… Một số người Iran chỉ nhớ Việt Nam đánh Mỹ. Chắc còn nhiều việc phải làm để tạo ra sự hiểu biết lẫn nhau. Thử hỏi ta đã biết gì về những nhà văn Iran chủ lực trên văn đàn hiện nay? Đấy, cần phải góp phần tạo được sự giao lưu hai chiều cho văn học nghệ thuật Iran hiện đại đến với Việt Nam, và ngược lại. Một công trình dịch sách của nhau là việc phải tính đến. Khó khăn, nhưng hy vọng là sẽ làm được.
Ngô Thị Kim Cúc thực hiện