Cảm nghĩ của một giáo sư đại học lúc “hết nghiệp” – bài của Alain FENET, Giáo sư Đại học Nantes.
Tôi vừa về hưu với chức danh Giáo sư bậc Đại học. Tôi muốn được đem trải nghiệm một đời hoạt động nghề nghiệp để góp phần vào những cuộc tranh cãi về tình hình nền Giáo dục đại học nước ta (Pháp).
Tôi đã chọn nghề dạy học, và cuộc hành nghề ở bậc đại học của tôi đã diễn ra trong danh dự. Để làm tốt công việc đó, cũng giống như hầu hết các đồng nghiệp, tôi đã bằng lòng chịu vô số hy sinh: với một giáo sư đại học chăm chỉ, thì thật ít có những ngày nghỉ cuối tuần mà lại khộng phải mó vào chuyện gì liên quan đến nghề dạy học của mình, và những kỳ nghỉ thực thụ thì bao giờ cũng ngắn. Nhưng trong chuyện này chẳng có gì để tiếc nuối hết: nếu phải làm lại, hẳn là mình lại vẫn chọn cái nghiệp đó.
Thật tình, đó là một nghề đặc biệt. Giáo sư bậc đại học là người làm công việc giảng dạy, một nhà nghiên cứu, và một người làm công việc điều hành. Như vậy, suốt cuộc đời hành nghề của mình, người giáo sư đại học có khả năng đa dạng hóa các hoạt động và thể hiện được các khả năng của mình theo nhiều cách khác nhau. Ngày nào vị đó cũng gặp gỡ va chạm với những cá nhân khác nhau trong những mối quan hệ đa dạng khiến mình tránh khỏi lối hành xử khuôn sáo nó bóp nghẹt con người riêng của mình. Những cá nhân này tạo thành một cộng đồng lao động hướng về các sinh viên, một cộng đồng chỉ có thể vận hành tử tế nếu như nền tảng giá trị của nó là sự khoan dung, sự tôn trọng lẫn nhau và sự phục vụ. Khi những giá trị này biến mất, thì chính cái thể chế trường đại học của mình bị đụng chạm; ấy thế mà tôi từng gặp chuyện ấy một lần trong đời rồi đấy.
Nhưng đặc quyền của nhà giáo là… được dạy học. Được làm việc với những thanh niên mỗi năm mỗi đổi mới và lại được ta dõi theo năm này qua năm khác, do đó và vì đó mà giữ được cho bản thân ta trẻ mãi trong tâm hồn.
Nhưng đặc quyền của nhà giáo là… được dạy học. Được làm việc với những thanh niên mỗi năm mỗi đổi mới và lại được ta dõi theo năm này qua năm khác, do đó và vì đó mà giữ được cho bản thân ta trẻ mãi trong tâm hồn. Được truyền bá tri thức và đem lại tình yêu tri thức, được học cách tư duy và diễn đạt những điều mình suy tư một cách có phương pháp và lương thiện, và nhờ vậy mà luôn luôn được ở đỉnh cao của tri thức thông qua công việc nghiên cứu và viết lách. Đôi khi cũng lại được nhắc nhở về các quy tắc nghĩa vụ công dân và chính mình cũng tôn trọng các quy tắc công dân ấy: đó quả thật là một trong những nghề đẹp đẽ hơn cả, cái nghề đem lại cho ta một tình cảm mạnh mẽ thấy mình có ích cho xã hội và đôi khi cũng thấy mình vô cùng khoan khoái. Để hoàn thành sứ mệnh của mình, vị Giáo sư Đại học được tự do vô cùng. Dù cho đôi khi cũng bị chê trách vì những điều lạm dụng do chính cái tự do đó tạo ra, song cái tự do này thật phong phú: không có nó thì chẳng có gì là năng động, chẳng có cởi mở, chẳng có gì phải xét lại nữa. Cái tự do này là nền tảng căn bản, nhất là trong Khoa học Xã hội, tại đây tự do là một điều kiện để việc chuyển giao tri thức có hiệu lực. Tôi đã sử dụng cái tự do này trong các giáo trình và trong các xuất bản phẩm của mình và đôi khi còn sử dụng nó theo một cung cách không lợi lắm cho nghề nghiệp mình. Nhưng nhìn chung thì vinh dự của nền Đại học Pháp là biết cách sớm hay muộn cũng mang lại tự do cho những thành viên xứng đáng có tự do đầy đủ.
Với chừng bấy nhiêu điều, tôi đã về hưu mà chẳng có chút gì luyến tiếc. Còn có những lý do riêng trong chuyện này mà biểu hiện ra ngoài là chút gì đó mệt mỏi. Nhưng các lý do đó đều không thể tách ra khỏi một cuộc trải nghiệm liên tục, tóm lại chỉ là một cảm giác lúc nào cũng mặt đối mặt với một tình trạng kém cỏi.
Trước hết là tình trạng nghèo nàn về tài chính. Chỉ tới khi “hết nghiệp” thì cá nhân tôi mới hết phải đối mặt với nó. Dĩ nhiên chẳng phải là tôi cố tình không biết rằng nghề này lương thấp, nhưng tôi đã không lượng được mức độ áp lực của việc này đối với chính sự hành nghề. Đôi khi vào những dịp có các cuộc gặp gỡ quốc tế thì tôi lại thấy ngượng, phải mất một thời gian dài tham dự các cuộc gặp gỡ như vậy tôi mới thấy rằng tiền nong là một cản trở cho sự hoàn toàn hòa nhập vào cộng đồng đại học (tiền đi lại, tiền tham gia hội thảo, tiền mua tài liệu). Từ mười hai năm nay, hẳn là chính sách trợ cấp cho những nghiên cứu ở bậc tiến sĩ, việc kín đáo cấp và không cấp theo một quy trình không minh bạch, đã có thể giải quyết chuyện tiền nong cho một số người nào đấy, song cái giá phải trả lại là sự thất vọng và sự hồ nghi ở rất nhiều người khác.
Đối với cá nhân thì tình trạng tài chính tồi tệ này chỉ là một phương diện của nạn thiếu tài trợ kinh niên ở bậc Đại học. Kể từ cái thời tôi là sinh viên năm thứ nhất ngồi trên bậc lên xuống ở đại giảng đường và ghi bài vào cuốn vở đặt trên đùi gối, tôi không lúc nào không thấy các hậu quả ngao ngán của chuyện đó. Dù là so sánh ở cấp độ quốc gia hay quốc tế, nguyên nhân thì ai ai cũng hiểu cả rồi: các con số ai ai cũng biết rồi, và tự chúng nói lên tất cả. Chắc phải làm bộ trưởng thì mới phủ nhận chuyện này. Sinh viên Mỹ, Canada và sinh viên những nước khác đều tỏ ra kinh hoàng khi họ phát hiện các buổi giảng bài ở đại giảng đường ở nước ta có đến hàng trăm sinh viên ngồi nghe, một thảm họa sư phạm tất yếu, cùng với những sinh viên làm việc theo nhóm gọi tên là “nhóm có hướng dẫn” đông tới ba chục hoặc nhiều hơn nữa. Thực tế này cũng gần giống với hoàn cảnh tồi tệ trong nghiên cứu các môn Nhân văn và Xã hội. Tôi đã từng trải qua biết bao nhiêu cuộc họp bất tận tại Hội đồng khoa học chỉ để làm công việc chia bôi đến là đau khổ vài chục nghìn franc!…
Tiếp theo là tình trạng nghèo nàn về trí tuệ của một bộ phận ngày càng lớn những sinh viên bắt đầu vào học ở các Khoa. Mỗi năm, một phần ba trong số đó với điểm số trung bình không đạt mức 6/20 đã không được học tiếp. Nghĩa của những từ tương đối giản đơn họ cũng không biết. Lời giảng trong giáo trình do ông thầy chuẩn bị đôi khi trừu tượng đã khiến họ chóng mệt mỏi, cứ như thể họ nghe giảng bằng tiếng nước ngoài vậy. Còn về chuyện viết lách của họ thì, không nói chuyện bài viết bị tàn sát vì lỗi chính tả, bản thân việc làm chủ ngôn ngữ đã hỏng rồi khi những lỗi cú pháp cơ bản đã không được tôn trọng. Trường trung học phổ thông đã làm gì mấy năm qua để cho một số đông đáng kể các tú tài đã dùng tính từ như là động từ vậy? Đặt câu hỏi này tức là lên án cái trò hề tú tài kiểu “xô viết” khi các hội đồng thi phải đạt được các chỉ tiêu đặt ra bởi một hệ thống “đuổi kịp và vượt” ào ào như thác đổ, mọi việc diễn ra dưới con mắt bất lực của một giáo sư Đại học được ngồi đó cho đúng yêu cầu, hệt như tôi từng nhiều lần bị làm như thế, để ngồi vào ghế chủ tịch hội đồng thi, để nuôi cái câu chuyện hão huyền rằng bằng tú tài là điều kiện đầu vào bậc đại học. Hằng năm có hàng bầu đoàn bạn trẻ bị lạm dụng như vậy khi họ ghi danh vào năm thứ nhất Đại học chỉ để mất thì giờ, mất tiền, và tệ hơn nữa là mất lòng tự tin.
Nhưng ở đây ta bắt gặp cái độc đáo riêng của Pháp đó là sự phân chia ra thành Đại học tinh hoa và Đại học thường (Grandes Écoles và Université). Hệ thống hóa như vậy để cho các tầng lớp thống trị có thể thắng trong cuộc vật lộn giành các vị trí và công ăn việc làm và tránh được những hệ quả của một công cuộc dân chủ hóa ngoài vỏ. Những hậu quả tại hại sẽ càng trầm trọng thêm do hiện nay người ta đã đề ra những biện pháp cho phép các trường đại học tinh hoa có thể tuyển được “những sinh viên xuất sắc nhất” ở những trường trung học tại các vùng ngoại ô nghèo. Những sinh viên kém hơn sẽ được đẩy hết vào các trường đại học bình thường và sẽ tiếp tục thực hiện những cuộc bãi khóa mà chẳng mảy may đặt vấn đề nghi ngờ đến cội nguồn những vấn đề họ gặp phải và nếu họ có thành công thì thành công đó cũng lại mang trong nó một thứ chủ nghiã bảo thủ trái ngược hẳn với quyền lợi của họ.
Kết quả là, tôi được chứng kiến năm thứ nhất đại học giống như một kiểu “cấp trung học phổ thông” tuần tự đi lên, điều này khiến cho các giáo sư đại học phải thêm gánh nặng cho những hoạt động cận-sư phạm, quan liêu và quá cụ thể, mà do chỗ không có đủ người, nên đã làm thay đổi hẳn bản chất nghề dạy học trong khá nhiều đồng nghiệp chúng ta, dù chỉ là hầu như bị mất hẳn trong suốt năm học (từ đầu tháng 9 đến giữa tháng 7) cái thời giờ tự do cần cho việc đọc, suy nghĩ, và viết lách.
Tôi tin rằng các tầng lớp lãnh đạo nước Pháp, đại đa số họ đều được đào tạo từ nhà trường, đặc biệt là những trường chính trị, rất nhiều khi là trường “Khoa học chính trị” và trường “Hành chính”, đã quên hẳn thế nào là một trường đại học cho ra đại học cùng những yêu cầu khắt khe của công việc dạy và học ở bậc đại học. Để được thuyết phục về chuyện này, chỉ cần ghi nhận tình trạng xé nhỏ vô tội vạ các trường, y như thể cứ quăng ra một đại giảng đường và xây mấy cái phòng học và văn phòng giữa cánh đồng trồng củ cải hoặc ngô, và thế là đã thành lập xong một không gian đại học.
Tôi ước mơ có những trường đại học mạnh, được trang bị đầy đủ, tự trị trong khuôn khổ quốc gia, tôi ước mơ hợp nhất các trường đại học tinh hoa như của Trung Tâm Quốc gia Nghiên cứu Khoa học (CNRS) trong các trường đại học, tôi ước mơ một định hướng bắt buộc đối với các sinh viên hoặc một kỳ thi nhập học, tôi ước mơ có trợ cấp cho sinh viên, một yêu sách rồi sẽ phải trở thành chính thức.
Tôi đang mơ ước…
Alain Fenet, ngày 5 tháng 9 năm 2007
(Phạm Toàn dịch)