Về đề án bảy chục ngàn tỷ đồng làm sách giáo khoa, nhóm Cánh Buồm cho rằng: Để tiến hành một đổi mới thực sự triệt để về Giáo dục, cái cần có đầu tiên và trong suốt quá trình là một tư tưởng về Giáo dục, chứ không phải là cần có ngay một bịch tiền.
Người xưa nói “nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy”. Một lời trót nói ra thì cho dù có tới bốn con ngựa đuổi theo giằng lại cũng không kịp!
Đề án đổi mới chương trình và sách giáo khoa trót buột miệng công bố số tiền quá lớn định tiêu và sẽ tiêu, liền đó được một phó giáo sư Toán dùng các phép tính số học để tính toán, đã gây ra một trận cười đau lòng vì lo cho đồng tiền của dân. Cư dân mạng vào trang diendan.org ngày 7-6-2011 sẽ gặp một lời dẫn khó dám nhắc lại ở đây, không vì sợ, mà cốt bảo vệ… quyền và lợi ích chính đáng của… các anh chị còn cần có visa về quê ăn Tết hoặc về nước giảng dạy chẳng hạn.
Vụng tay chèo, thuyền mắc cạn, thôi đành chống vậy! Một nhà báo đã được nhờ cậy để tạo cơ hội cho “người trong cuộc nói gì”…
Một vụ trưởng nói: Chương trình mới sẽ được xây dựng theo hướng tiếp cận năng lực, tức là xuất phát từ các năng lực mà mỗi học sinh cần có trong cuộc sống và kết quả cuối cùng phải đạt các năng lực ấy. [ … ] Chương trình có sự hài hòa, cân đối giữa “dạy chữ”, “dạy người” và từng bước “dạy nghề”, định hướng nghề nghiệp, [ … ]… cân đối giữa lý thuyết hàn lâm với tăng cường thực hành, gắn với các tình huống đời sống và yêu cầu giải quyết vấn đề; tích hợp tránh sự trùng lặp không cần thiết gây nên sự quá tải của chương trình. (Phần in đậm do tác giả nhấn mạnh)
Một chuyên gia biên soạn trả lời: “… chương trình giáo dục lần này được thiết kế theo định hướng tiếp cận năng lực. Khác với cách tiếp cận nội dung, tiếp cận năng lực chú trọng vào việc yêu cầu học sinh học xong phảithể hiện được, làm được; biết vận dụng những kiến thức để giải quyết các tình huống đặt ra trong cuộc sống…rất gần gũi và thiết thực đối với cá nhân và cộng đồng. [ … ] … chương trình cần bỏ đi những nội dung quá hàn lâm, lý thuyết rất uyên bác nhưng không cần thiết đối với trình độ học vấn phổ thông, trong khi lại thiếu những hiểu biết sơ giản nhưng rất cần thiết để sống có chất lượng, có văn hóa. Thực hiện điều đó cũng có nghĩa là sẽ góp phần “giảm tải”. (Phần in đậm do tác giả nhấn mạnh)
Cô nhà báo bắt tội những hai người phải trả lời cùng một câu hỏi và hai vị đã trả lời y hệt nhau. Giá như, cô nhà báo cho một người nói về định hướng của chương trình và sách giáo khoa mới, và để một người giải thích sâu về cách thức thực hiện định hướng đó thì hay biết mấy! Bài báo với hai ý tưởng lặp lại nhau chằn chặn không gây cảm giác đó là sự “nhất trí hoàn toàn”, mà thể hiện sự nghèo nàn về ý tưởng. Nó không hấp dẫn nổi người đọc, cũng không minh oan được, chưa kể là nó lại phơi thêm tư liệu cho ta phê phán.
Trước hết là cái tư tưởng cách tiếp cận năng lực. Cái gì vậy? Câu chữ nghe ngô nghê, vẻ như văn dịch và chưa dịch cho thoát! Tiếng Anh Capability Approach là một đường lối giáo dục trong vô số “sáng tạo hàn lâm” ở phương Tây. Đường lối này phân biệt sự hiểu biết (knowledge) có khi chỉ dừng lại ở sự “biết” rồi để đấy, khác với khả năng dùng hiểu biết vào cuộc sống (performance hoặc capacity) – thế rồi đã vậy mà còn chưa thỏa mãn, còn muốn đòi thêm nữa, và họ lại nghĩ ra thêm một thuật ngữ mới capability hiểu như là năng lực bao trùm lên tất cả, thành một thứ “hiểu biết” mới hẳn, cả biết và cả làm, cái năng lực biết và làm như hơi thở cuộc sống con người!
Phe tiếp cận năng lực này gợi ý đưa ra các chuẩn cho những “năng lực” kia, đại khái như sau:
- Sống. Có năng lực sống cho hết cuộc đời, không chết sớm hơn cái cuộc đời được dành cho mình, thấy đời đáng sống.
- Cơ thể khỏe mạnh. Có năng lực tạo cho mình một cơ thể khỏe mạnh, ăn uống tử tế và có nhà cửa tử tế.
- Cơ thể đầy đủ. Có năng lực di chuyển, chống cự được các bạo hành, kể cả bạo hành giới và gia đình, có năng lực thỏa mãn tính dục.
- Giác quan, Tưởng tượng và Tư duy. Có năng lực sử dụng các giác quan, trí tưởng tượng, óc tư duy và khả năng biện luận.
- Xúc cảm. Có năng lực gắn bó với các sự vật và con người trong tư thế là “kẻ khác” của ta, yêu, ghét, gắn bó, và cáu giận hợp lý.
- Suy lý thực tiễn. Có năng lực hình thành quan niệm về thiện và ác, tham gia vào suy tư về đời con người.
- Hội nhập. Có khả năng sống chung hoặc sống tách biệt với người khác, thừa nhận và biểu lộ mối quan tâm với những con người khác, có năng lực hình dung cuộc sống của người khác. Có cơ sở xã hội để tự trọng và không tự hạ mình và sống bình đẳng với kẻ khác – không kỳ thị chủng tộc, giới tính, khuynh hướng tính dục, chủng tộc, tôn giáo …
- Giống loài khác. Có năng lực sống hòa hợp với con vật, cây cỏ, thiên nhiên.
- Thú vui. Có năng lực cười vui, tham gia trò chơi, giải trí.
- Môi trường chính trị. Có năng lực tham gia hữu hiệu vào các chọn lựa chính trị chi phối đời con người, có quyền tham gia hội đoàn chính trị, bảo vệ tự do ngôn luận và tự do lập hội đoàn.
- Môi trường vật chất. Có năng lực giữ của riêng (cả động sản và bất động sản), có quyền tư hữu tài sản…
(Bạn đọc không cần tham khảo xa xôi, xin vào đây là tạm đủ.)
Các tác giả của đề án chương trình và sách giáo khoa mới không có cách gì khác để dịch thuật ngữ Capability Approach sao, để đến nỗi phải dùng cái tiếng Việt ngọng nghịu “tiếp cận năng lực”? Xin thưa, đã có một thuật ngữ rất thuận tai, nghe ai cũng hiểu… nhưng đó là thuật ngữ do Hồ Ngọc Đại nghĩ ra từ cách đây hơn bốn chục năm, cụ thể là từ năm học 1978-1979 ở trường thực nghiệm Giảng Võ, năm đó đã ra đời như một cái gợi ý về một nền giáo dục làm hình thành những năng lực người!
Những năng lực người cần đào tạo sẽ không gồm những gì và cách tạo ra những năng lực đó diễn ra như thế nào? Ngay khi đó, Hồ Ngọc Đại đã chỉ rõ, đó là những năng lực nảy nở cùng với sự phát triển của học sinh – vì thế mà đường lối tâm lý học chỉ đạo toàn bộ công trình có tên Công nghệ Giáo dục là Tâm lý học phát triển. Và những năng lực đó không hình thành một cách siêu hình – chúng hình thành trong quá trình phát triển của trẻ em khichiếm lĩnh các đối tượng học tập; đặc biệt hơn nữa, những năng lực người đó cũng không hình thành một cách thụ động qua những lời răn dạy, chúng hình thành qua những việc làm và những thao tác học. Những việc làm và thao tác học đó phải do các chuyên gia giáo dục lành nghề tìm ra và gửi chúng nằm ngay trong chương trình học và các sách giáo khoa thể hiện chương trình đó.
Không thể ngồi một chỗ hoặc như chuồn chuồn bay đi tham quan nước ngoài rồi biết xóa đi những nội dung quá hàn lâm, lý thuyết rất uyên bác nhưng không cần thiết đối với trình độ học vấn phổ thông như một chuyên gia đã trả lời phỏng vấn. Nghe mà sợ! Có lẽ ta nên thử phân tích mẫu một cái “hàn lâm uyên bác” trong sách giáo khoa cũ coi. Vâng, xin hỏi bạn đọc một câu: khi học văn, hoặc khi thưởng thức tác phẩm nghệ thuật, tưởng tượngcó trước rồi mới có liên tưởng hay ngược lại? Nếu bạn đã có câu trả lời rồi, xin bạn mở sách giáo khoa Ngữ Văn lớp 10 nâng cao, và tới trang 179 kéo sang 180, bạn sẽ gặp bài học dài dòng và kín như hũ nút về “Liên tưởng – Tưởng tượng” như cái mẫu của sự “hàn lâm uyên bác”! Và xin bạn hãy so sánh hai trang định nghĩa với định nghĩa của nhóm Cánh Buồm: Tưởng tượng làm làm việc thầm trong đầu – Sản phẩm của tưởng tượng là một hình tượng. Chúng tôi đưa định nghĩa này vào cho học sinh lớp Hai (chứ không phải học sinh lớp 10 nâng cao) và học sinh chiếm lĩnh khái niệm đó hoàn toàn bằng việc làm, không cần đến một lời giảng giải.
Việc chuẩn bị một cuộc Cải cách Giáo dục cho thập kỷ thứ 3 của thế kỷ 21 không thể tiến hành à uôm, cẩu thả, chắp vá. Nhất thiết việc tạo ra năng lực người của triệu triệu con em không thể tiến hành bởi những chuyên gia thiếu năng lực. Để tiến hành một đổi mới thực sự triệt để về Giáo dục, cái cần có đầu tiên và trong suốt quá trình là một tư tưởng về Giáo dục, chứ không phải là cần có ngay một bịch tiền.
Đồng tiền quá nhiều (gần một nghìn tỷ VND) không thể để lại rơi vào tay những tác giả của cái chương trình Giáo dục hiện hành quá tải và vô bổ bị cả xã hội phê phán. Liệu các tác giả nghèo nàn ý tưởng có gây nổi niềm tin cho xã hội về thành công của một cuộc thay đổi chương trình và sách giáo khoa sẽ ngốn gần một nghìn tỷ đồng ấy? Hay là đống tiền mới sẽ theo đường đi của đống tiền cũ, lại chỉ tạo ra đề án mới nhằm tạo ra thành tích kiểu cũ, những thành tích bị ai đó hô hào “nói không” và cả xã hội đều biết hết sức tường tận rồi?
Tất cả mọi người, sau khi đọc xong trang sách giáo khoa vắn tắt kia, đều có thể tự tay mình thực hiện với bất kỳ em nhỏ nào, để dạy các em thao tác tưởng tượng. Xin các bạn hãy thử đi. Nếu thấy thích, xin hãy chờ đón sách giáo khoa của nhóm Cánh Buồm! Sách ra vào năm 2011 này, không phải đợi tới mãi năm 2015 hoặc 2017 đâu nhé!
Phạm Toàn