Hôm nay là một ngày rất đặc biệt đối với học sinh lớp Một trường Tiểu học Nguyễn Văn Huyên (Hà Nội). Vì, đây là lần đầu tiên các em được đến học tập tại chùa Láng, một di sản nổi tiếng tọa lạc ngay gần trường học. Hoạt động này có thể gây thắc mắc cho nhiều người, liệu các bé bảy tuổi có thể học được điều gì ở chùa nhỉ !? Tuy nhiên, những gì diễn ra trong buổi học đã gây ngạc nhiên thú vị cho nhiều người lớn đang có mặt tại di sản.


Em tập “Nam Mô A Di Đà Phật”


Đón các bé ở lối vào của chùa chính, Sư thầy Thích Đàm Huyền đã rất ngạc nhiên khi thấy các con chắp tay trước ngực và đồng thanh cất tiếng chào A di đà phật. Trước đó, để chuẩn bị cho buổi học tập tại di sản, cô giáo đã giới thiệu với học sinh một số thông tin ban đầu về chùa Láng cùng với một số hiện vật tiêu biểu bằng hình ảnh và âm thanh. Thông qua việc so sánh hình ảnh, các bé lớp Một có thể tự mình phân biệt được sự khác nhau giữa nhà sư với người thường qua trang phục và dáng vẻ bề ngoài. Và đặc biệt là, trong phần học tập các qui tắc ứng xử, học sinh đã được thực hành cách đi lại, xưng hô, chào hỏi ở trong chùa thông qua các trò chơi đóng vai.


Chuẩn bị phiếu điều tra

Khác với những buổi hoạt động ngoại khóa tại di sản của các anh chị lớp trên thường được tổ chức dưới dạng các buổi đi tham quan, hoạt động học tập của các bé lớp Một ở đây được tổ chức theo phương pháp Giáo dục Hiện đại mà Nhóm Cánh Buồm đang triển khai tại trường Nguyễn Văn Huyên từ hơn một năm nay. Theo phương pháp này thì bài học được xây dựng thành hệ thống việc làm, mỗi một chuỗi việc làm được thiết kế để thực hiện một nhiệm vụ cụ thể. Trong đó, thay vì giảng giải, nhiệm vụ chính của giáo viên là tổ chức và hỗ trợ học sinh trong hoạt động học tập, mà thực chất là hoạt động tự học. Phần đầu tiên của buổi học diễn ra bên trong chùa chính, ở đó mỗi học sinh được giao thực hiện ba nhiệm vụ kế tiếp nhau trong khoảng thời gian của một tiết học.


Khảo sát tượng hộ pháp Khuyến thiện

Nhiệm vụ đầu tiên là khảo sát hai pho tượng hộ pháp trong chùa chính. Việc lựa chọn hai pho tượng hộ pháp để đưa vào bài học đã được cân nhắc kĩ, bởi đây là hai pho tượng nổi bật không chỉ ở kích thước to lớn mà còn bởi cả hai đều đẹp với nhiều nét đặc trưng rất khác nhau. Trước tiên mỗi học sinh được phát một phiếu khảo sát trong đó có hình ảnh của hai pho tượng cùng các yêu cầu bổ sung thông tin. Học sinh phải tự tìm hiểu tên, chất liệu, và màu sắc trên từng pho tượng để điền vào phiếu. Quá trình khảo sát diễn ra rất suôn sẻ do học sinh đã được làm quen với hoạt động này từ trước.

Trong nhiệm vụ thứ hai, điều tra các loại nhạc khí trong chùa, mỗi học sinh tự mình tìm kiếm và ghi lại tên, chất liệu, và số lượng của từng loại nhạc khí trong chùa. Việc này cũng không mấy khó khăn vì các em đã được giới thiệu về hình ảnh và âm thanh của bốn loại nhạc khí thường gặp là chuông, khánh, mõ, trống nên có thể dễ dàng tìm ra những hiện vật này.

Hoạt động thống kê tượng các con vật trong khu vực chùa Láng được tổ chức sau cùng do số lượng tương đối nhiều và phân bố tản mát cả bên trong và bên ngoài chùa chính, nhờ đó trong quá trình thống kê, học sinh có điều kiện quan sát bao quát toàn bộ cảnh quan ngôi chùa, và như vậy hoạt động học tập được chuyển dần từ trong ra ngoài một cách rất tự nhiên.

Mặc dù nhiều học sinh vẫn còn chưa thuần thục trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, một số thông tin các em ghi lại còn sai hoặc không đầy đủ, và có cả những em vẫn chưa hoàn thành nhiệm vụ được giao nhưng theo giải thích của ThS. Đinh Phương Thảo, thành viên Nhóm Cánh Buồm thì : “Mục tiêu của bài học là trang bị cho học sinh một phương pháp tự học để các em tự mình khám phá di sản, do đó một vài sai sót nhỏ về thông tin trong bài điều tra của các em không phải là vấn đề quan trọng. Thái độ học tập nghiêm túc, tích cực, và tự giác của các bé lớp Một ở đây cho thấy chúng ta đã chọn được một phương pháp giáo dục thực sự phù hợp. Trên cơ sở đó giáo viên có thể điều chỉnh nội dung bài học bằng cách tăng hoặc giảm số nhiệm vụ cũng như khối lượng thao tác trong mỗi nhiệm vụ sao cho phù hợp với điều kiện thực tiễn”.


Bé sáng tác nghệ thuật sau khi tham quan di sản Chùa Láng

Sau gần một giờ học tập bên trong chùa chính, cả lớp tụ tập nghỉ giải lao ngoài sân chùa và dùng bữa điểm tâm theo đúng chế độ sinh hoạt của học sinh lớp Một. Trong 30 phút còn lại của buổi học, dưới bóng mát của hàng cây cổ thụ trăm tuổi trước sân chùa Láng, các em bắt tay vào hoạt động cuối cùng là sáng tác nghệ thuật. Qua hoạt động này, học sinh tự mình “ghi lại” những câu chuyện và hình ảnh do các em tưởng tượng ra, những kiến thức mà các em tự làm ra cho chính mình qua hoạt động tự học và những xúc cảm, tình cảm nảy sinh trong tâm hồn các em sau các hoạt động khám phá những “bí mật” của di sản.


Đọc truyện em viết về chùa Láng cho các bạn nghe

Ở đây học sinh được tự do lựa chọn chủ đề sáng tác cũng như hình thức thể hiện. Hai loại hình sáng tác mà các bé yêu thích nhất là vẽ tranh và sáng tác truyện. Cũng có vài bạn yêu thích hình thức nặn tượng, và cũng có bạn lựa chọn cùng lúc hai loại hình sáng tác. Tất cả tác phẩm sau đó sẽ được chính tác giả trưng bày hoặc trình diễn trước công chúng trong một hoạt động gọi là Triển lãm nghệ thuật được tổ chức ngay ngày hôm sau tại trường Nguyễn Văn Huyên.


Triển lãm tranh em vẽ về chùa Láng

Chị Đỗ Thị Tám, cán bộ giáo dục của Văn Miếu – Quốc Tử Giám, sau khi chứng kiến hoạt động học tập tại di sản chùa Láng đã phải thốt lên rằng “Lúc đầu mình rất lo là buổi học sẽ không thành công bởi vì đối tượng học sinh lớp Một là đối tượng khó nhất, nhưng mọi việc diễn ra thật là tuyệt vời. Mình cũng không ngờ học sinh lớp Một bây giờ lại thông minh như vậy, khác xa với những gì mà mình tưởng tượng về các em.”

Có thể nói rằng điều quan trọng nhất trong việc gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa là phải nâng cao được hiểu biết đồng thời xây dựng được tình cảm yêu mến gắn bó với di sản trong lòng các thế hệ con cháu mai sau. Như vậy giải pháp lâu dài và bền vững nhất cho vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa là phải đưa được nội dung giáo dục di sản vào dạy trong trường phổ thông. Công việc đó phải bắt đầu với các di sản ngay tại địa phương mình. Thực tế cho thấy ngành giáo dục cũng đã có những cố gắng nhất định để đưa nội dung giáo dục di sản vào nhà trường dưới hình thức hoạt động ngoại khóa. Tuy nhiên, do không biết cách làm nên nội dung giáo dục di sản mới chỉ dừng lại ở việc tổ chức các buổi đi tham quan di sản theo kiểu cưỡi ngựa xem hoa. Kết quả đạt được cho đến thời điểm này là rất khiêm tốn và hình thức. Vô hình trung, các hoạt động đó đã tạo thêm áp lực đối với các di sản văn hóa.

Buổi học tại di sản chùa Láng của học sinh lớp Một trường Nguyễn Văn Huyên được tổ chức trong khuôn khổ dự án Liên kết với nhà trường phát triển giáo dục di sản ở bảo tàng, di tích và các điểm văn hóa lịch sử ở Hà Nội do Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị di sản Văn hóa, Cục Di sản Văn hóa, Văn phòng UNESCO tại Hà Nội, và Nhóm Cánh Buồm phối hợp thực hiện. Mục tiêu của dự án là tìm ra một giải pháp hiệu quả cho việc đưa giáo dục di sản vào nhà trường. Sản phẩm cuối cùng của dự án là Bộ tài liệu hướng dẫn cho giáo viên cách xây dựng một chương trình giáo dục di sản văn hóa cho đối tượng học sinh phổ thông. Sau thành công của hoạt động dạy thực nghiệm tại di sản, dự án đã bước sang giai đoạn cuối cùng là hoàn thiện bộ tài liệu. Những kết quả đạt được của dự án cho đến thời điểm này thực sự là một lời giải đẹp cho vấn đề đưa giáo dục di sản vào trường phổ thông ở nước ta hiện nay.

TS. Nguyễn Thành Nam

Nhóm CÁNH BUỒM