Tuần trước, khi đọc thông báo về hội thảo HỌC CÁCH HỌC sẽ được tổ chức ở L’espace vào 18h ngày 16/5/2011, bạn Mít vừa háo hức muốn đi dự, vừa băn khoăn sắp xếp thời gian ra sao đây. Đi vào giờ ấy tức là ngân sách ít ỏi của bạn Mít tháng này sẽ hụt đi một chút, cũng nghĩa là bạn Mít tiếp tục phải làm ngơ với mấy cửa hàng quần áo, nhất là tạm thời quên đi tiếng gọi thiết tha của bạn áo phông đen mà bạn Mít nghe suốt từ tháng trước tới giờ. Nói thế để nhà mình biết bạn Mít cũng trăn trở ghê lắm đấy, chứ có vô lo vô nghĩ như bà con vẫn tưởng đâu.

Cuối cùng, nhờ sự động viên của mama tổng quản, cùng sự ủng hộ bằng ¼ gói mì của bạn Nam, bạn Mít đã có mặt ở L’espace. Hai diễn giả, giáo sư Jean Michel Djian và tiến sĩ Nguyễn Thụy Anh, đều trình bày say sưa.

Ông giáo sư người Pháp thuyết trình mà như tâm sự, không còn tuân theo nội dung đã ghi trong thông cáo báo chí nữa. Theo ông, hệ thống giáo dục trong nhà trường Pháp nói riêng và thế giới nói chung, trong 30 năm qua có nhiều cuộc cải cách lớn nhưng tỉ lệ học sinh lơ đãng trong giờ học lại tăng cao, 1/2 học sinh [chắc là học sinh phổ thông? Hay là tất cả các loại học sinh?] ở Pháp chán học, phụ huynh và giáo viên không có sự phối hợp với nhau, phụ huynh bỏ tiền ra mua giờ học cho con và không tôn trọng giáo viên, giáo viên bị hành chính hóa và kỹ trị hóa, học sinh đi học cốt sao lấy được nhiều bằng nhất, ở những trường tốt nhất…

Ông cho biết, ở Pháp mỗi năm đầu tư 35 tỉ Euro cho giáo dục nhưng kết quả giáo dục vẫn ngày càng đi xuống. Cả xã hội thiếu tình yêu đối với giáo dục, sự chán chường phần nào làm nảy sinh tư tưởng bạo lực ở học sinh… Hiện nay đang có sự suy thoái trong giáo dục. Ông kêu lên: “Hệ thống giáo dục của nước Pháp mệt mỏi lắm!” Khi nhắc đến những cố gắng thay đổi của trường Đại học Paris 8 từ cách đây 15 năm, giáo sư Jean Michel Djian rất tự hào vì chương trình thạc sĩ ở Paris 8 đã bỏ lối “học để học”, thay vào đó là “học cách học”. Theo ý kiến của ông giáo sư, nếu được học cách học, học sinh sẽ ít chán học hơn, sẽ chủ động hơn.

Nghe những lời này của ông, bạn Mít nghĩ, sao lại phải đợi lên đến đại học, đến khi theo học chương trình thạc sĩ người ta mới “học cách học” nhỉ? Nhiệm vụ đó không phải là của bậc học tiểu học, của những năm đầu đời khi người học sinh mới cắp sách đến trường hay sao? Ghi chú vào cuốn sổ tay mang theo như thế xong, bạn Mít mới chợt ngớ ra – chà, mình cứ làm như giỏi lắm ấy! Nếu không may mắn được mở mắt từ trước, rằng mỗi bậc học có nhiệm vụ riêng, rằng bậc học tiểu học là học phương pháp học – hay học cách học như ông giáo sư đang nói – thì làm sao bạn Mít có thể ngồi đây mà tự mình to ve tỏ vẻ được cơ chứ!

Ông giáo sư cho rằng, sự thay đổi trong hệ thống giáo dục không phải từ bên trên ấn định xuống mà phải thay đổi từ dưới lên trên, từ bên trong ra ngoài. Đến khi trả lời câu hỏi của tiến sĩ Nguyễn Thụy Anh về việc ở Pháp giáo viên và học sinh có được tự do quyết định nội dung học hay không, ông lại nhấn mạnh một lần nữa rằng sự thay đổi phải từ bản thân người dạy và người học. Ông nói “bản thân người học phải là người chủ động, là người đưa ra sự thay đổi trong hệ thống giáo dục” (đấy là bạn Mít nghe dịch như thế và vội ghi lại). Nghe vậy, bệnh cũ của bạn Mít lại tái phát, tự nhủ: muốn có người học chủ động như thế thì phải được đào tạo từ trước chứ không làm sao tự nhiên bảo chủ động là chủ động ngay được – nghĩ sao ghi thế, bạn Mít mạnh dạn viết luôn ý đó vào bên cạnh dòng ghi ý kiến của ông giáo sư, có điều đã cẩn thận đóng khung vuông, ghi tên mình vào kẻo về đọc lại lại tưởng đấy là ông ấy phát biểu thì nguy to!

Có người hỏi: “Giáo sư nói người học phải tự tìm cách học thì tìm cách học cho mình ở giai đoạn nào là tốt nhất, là không quá sớm, không quá muộn để có con đường học hành thật là tốt?” Ông giáo sư không đưa ra câu trả lời trực tiếp mà nói đến vấn đề người học dễ sinh chán nản do những áp lực trong học hành đem đến và lấy giáo dục Phần Lan ra như một thí dụ. Ở đó, họ không chấm điểm cho đến khi học sinh 12 tuổi – như vậy họ giảm áp lực cho học sinh, tạo được sự hứng thú học hành cho các em và họ đã rất thành công trong công cuộc giáo dục của mình. Tiến sĩ Nguyễn Thụy Anh thì bổ sung rằng người học phải biết tự học ngay từ những năm tiểu học. Nghe các trao đổi, bạn Mít tin rằng có người, nếu được hỏi câu hỏi kia, chắc chắn sẽ khẳng định: phải học cách học, học cách tự học ngay từ lúc 6 tuổi, từ lúc chập chững bước chân vào lớp 1 chứ còn lúc nào nữa! Và bạn Mít cũng sẽ trả lời giống hệt thế, nếu bạn Mít là người ngồi bên bàn trên kia.

Một bạn giáo viên, chắc ấm ức vì mấy ý kiến trước đều lên án việc dạy thêm, học thêm đã phân trần một lúc về việc này, lấy kinh nghiệm của chính mình ra chứng minh cho việc muốn hiểu biết được nhiều hơn thì chính bạn ấy cũng đi học thêm và đó là tự nguyện. Để chốt lại, bạn ấy hỏi “Làm thế nào để người học có được phương pháp học để tiếp thu được càng nhiều kiến thức càng tốt, mà cái đầu của họ không quá đầy, không bị rối?” Ông giáo sư nói, có vẻ không còn kiên nhẫn lắm (ấy là bạn Mít đoán thế), rằng tri thức thì vô cùng nhiều, nếu chúng ta cứ cố nhồi nhét tri thức thì thật là điên rồ! Phải trả lời câu hỏi: chúng ta cần gì? Rồi giáo sư dừng lại ở đó, ông chuyển sang nói về nỗi sợ hãi trước cơn sóng thần tri thức. Sau buổi hội thảo mama tổng quản nói nếu mama là người trao đổi tiếp với bạn giáo viên kia thì sẽ nói thêm là phải xác định được mục tiêu cho các độ tuổi, có vậy mới biết người nào cần thứ gì. Ví dụ ở tiểu học thì cần học cách học, trung học thì cần tập nghiên cứu… từ đó mới trả lời được câu hỏi mà ông giáo sư gợi ra kia. Còn bạn Mít, hí hoáy trong sổ rằng: muốn không rối tung rối mù thế thì phải được học phương pháp học từ đầu, chứ không phải đến khi chết ngộp giữa bể thông tin bao la và mong muốn của mình thì mới gào thét đòi cấp cứu. Giáo sư cũng khẳng định, “giáo viên phải xây dựng cho học sinh hướng đi” – còn bạn Mít thì lẩm bẩm: Giáo viên phải biết hướng mình cần đi trước thì mới xây được cái gì khác cho người khác!

Một phụ huynh rất thành thực hỏi ông giáo sư “Làm thế nào để triển khai những điều đó [những ý kiến của ông giáo sư] ở nước tôi?” – câu hỏi làm người ngồi cạnh bạn Mít bật cười, nhận xét: “Rất thật thà”. Và bạn Mít cũng thấy mình đang cười. Nhiều người khác cũng đang cười. Nụ cười méo đi rồi mất hẳn khi nghe câu chuyện về cô bé con học tiểu học, thức dậy lúc 5h đã hờn trách cha mẹ vì không ai gọi bé dậy lúc 4h “Con còn 10 bài tập nữa chưa làm xong!” Nghe đến đấy thì bạn Mít thấy mình muốn khóc. Càng lúc bạn Mít càng có vẻ mong manh dễ vỡ hay sao ấy nhà mình ạ! Không khéo phải đổi tên thôi!

Có ý kiến đề cập rằng bao nhiêu nước có nền giáo dục tiên tiến, họ đã thành công đó thôi! Ông giáo sư nhắc nhở: mỗi nước lại có một điều kiện riêng, không phải nước nào áp dụng mô hình của Phần Lan cũng thành Phần Lan được cả. Không thể nhặt nhạnh cái hay, cái tốt của nước này, nước kia, chắp vá lại rồi đem ứng dụng vào Việt Nam được! Làm thế thì lại thành ra một khối u mới! Đoạn này thì bạn Mít gật gù cái đầu. Không thể chuẩn hơn được nữa!

Để tổng kết về buổi hội thảo, bạn Mít xin mượn lời của mama tổng quản: Ông giáo sư nói nhiều lắm, nhưng không trả lời được những câu hỏi thống thiết kêu cứu của mấy vị phụ huynh Việt Nam, dĩ nhiên, vì ông ấy không phải là người Việt Nam. Bạn Hải rất đồng ý [bạn Mít cũng thế], vì Việt Nam chúng ta phải có nền giáo dục của riêng dân tộc ta. Cuộc tọa đàm với người Pháp, rốt cuộc, không có ích cho những người ngóng chờ giải pháp từ bên ngoài, mà có ích cho việc chúng ta soi tỏ hơn cái công việc mình đang làm cho trẻ con Việt Nam, vì dân tộc Việt Nam.

Đinh Phương Thảo