Người Pháp giải quyết nạn bạo hành học đường bằng cách cứu cả nạn nhân lẫn thủ phạm… Vấn đề này như là một vấn đề của sức khỏe xã hội chứ không phải là một vấn đề tội phạm vị thành niên
Trong hai ngày từ 2 đến 3 tháng 5 vừa qua Bộ Giáo dục Pháp đã tổ chức tại Trường trung học Louis-le-Grand ở Paris một cuộc họp toàn quốc để thảo luận về nạn bạo lực học đường.
Cứu cả nạn nhân lẫn thủ phạm
Dường như đây là lần đầu tiên người Pháp không còn né tránh cái vấn đề mà các nước Bắc Âu đã thừa nhận và giải quyết từ 40 năm nay. Người Pháp đã bắt đầu thực sự đề cập cái điều họ coi là “cấm kỵ” (Un tabou tombe) như lời bình luận của tờ Ouest France ngày 3 tháng 5 năm 2011. Nhưng người Pháp đã giải quyết vấn đề bạo lực học đường như thế nào? Đó mới là vấn đề.
Trong bài phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Giáo dục Pháp Luc Chatel nói: “Chúng ta đã dọn ổ cho bạo lực học đường để đến bây giờ không thể dò được cái ổ ấy nó ở chỗ nào, bởi vì từ trước tới nay chúng ta không muốn dò xuống dưới đó. Nếu như trước đây chúng ta có cái cớ để cố tình giả vờ không biết thì nay chúng ta có lý do để biết. Và không hành động sẽ là một tội lỗi không thể tha thứ.” (Le Monde 2/5/2011).
Trong phát biểu sau đó tại cuộc họp, Bộ trưởng Luc Chatel kêu gọi hãy giải quyết vấn đề bạo lực bằng một cách tiếp cận khoa học. Ông yêu cầu hãy chấm dứt lối làm xưa nay là hình sự hóa, chỉ tập trung vào thống kê các vụ bạo hành và điều tra thủ phạm để trừng phạt (Le Monde 3/5/2011).
Ông Luc Chatel đã đề xuất 3 hành động. 1) Trước tháng 9 năm nay (tức trước năm học mới), các nhà tâm thần học trẻ em (pédopsychiatres) phải hoàn thành một cuốn cẩm nang về bạo hành học đường để dùng cho giáo viên trên toàn quốc. 2) Tiến hành một chiến dịch toàn quốc để báo động tất cả các gia đình và học sinh về bạo hành học đường. 3) Thiết lập một đường dây nóng cho nạn nhân (Le Monde 3/5/2011).
Bộ trưởng Giáo dục Pháp Luc Chatel
Điểm đáng lưu ý là người Pháp giải quyết nạn bạo hành học đường bằng cách cứu cả nạn nhân lẫn thủ phạm. Giáo sư Éric Debarbieux, Chủ tịch Hội đồng khoa học về nạn bạo hành học đường (do Bộ GD Pháp thành lập năm 2010, hội đồng gồm 15 chuyên gia trong nước và quốc tế, xem trang web của Bộ GD Pháp ở đây) phát biểu tại cuộc họp: “Chúng ta xem vấn đề này như là một vấn đề của sức khỏe xã hội chứ không phải là một vấn đề tội phạm vị thành niên, điều mà các nước Bắc Âu đã làm từ 40 năm nay.” (Ouest France, 3/5/2011).
Những gợi ý để phát hiện chuyện bạo hành
Kevin Jennings, đại diện của ngành giáo dục Mỹ phát biểu tại cuộc họp: “Trước hết nên đảm bảo một tâm lý an toàn ngay trong trường học. Đồng thời nên giúp đỡ cả em bị bạo hành lẫn em có hành vi bạo hành. Thống kê cho thấy những em học sinh có hành vi bạo hành sau này ra đời khó tìm được việc làm ổn định và được trả lương cao.” (Ouest France 3/5/2011).
Các bậc cha mẹ không được khuyến khích con mình tự vệ, bởi lẽ nếu con bạn tự vệ một cách tự nhiên thì không sao nhưng nếu không, con bạn có thể chỉ làm trò cười và điều đó càng khuyến khích những em đang hung hăng tấn công.
Một tóm tắt bài trả lời phỏng vấn của Nicole Catheline, nhà tâm thần học trẻ em đồng thời là nhà tâm phân học (psychanalyste) do tờ 20 Minutes thực hiện hôm 3/5/2011 nhân cuộc họp này có thể cung cấp nhiều gợi ý:
Cũng không nên bày cho con bạn cách đối đáp bởi lẽ bạn đâu biết được môi trường văn hóa của những em tấn công con bạn. Cách tốt nhất để giúp con bạn tự tin là khuyến khích con bạn tham gia các hoạt động nhóm, chơi thể thao để học cách phát hiện những dấu hiệu tương tác giữa các cá nhân.
Làm thế nào để phát hiện con mình bị bạo hành ở trường?
Quan sát mọi thay đổi về thái độ. Cáu kỉnh, về nhà muộn, đánh mất đồ …Cách thứ hai là bình tĩnh hỏi một cách thẳng thắn để con bạn nói ra.
Việc hỏi như vậy quan trọng ở chỗ nào?
Nó giúp con bạn phá vỡ sự im lặng. Kẻ bạo hành, nhất là những em giỏi khủng bố người khác chỉ thích lợi dụng sự im lặng. Mặt khác, nếu con bạn nói được ra thì con bạn sẽ thấy bớt nặng nề. Nếu không, con bạn sẽ có cảm giác sống trong sự không bình thường và con bạn sẽ giữ im lặng để bảo vệ cha mẹ mình.
Sau đó thì sao? Phụ thuộc vào mức độ trầm trọng của bạo hành?
Không. Không được tự ấn định mức độ trầm trọng của các hành vi, bởi bạn thực sự làm sao biết được điều gì chạm tới một ai đó. Các bậc cha mẹ không được tự giải quyết một mình, cũng không được đến gặp trực tiếp cha mẹ của học sinh bị cáo buộc là có hành vi bạo hành. Phải có một bên thứ ba, bên hòa giải xung đột. Bên thứ ba có thể là thầy cô hiệu trưởng. Tất cả đều nên được giải quyết riêng ở trong một văn phòng.
Làm như vậy liệu có gây sự trả thù từ phía học sinh có hành vi bạo hành?
Trong hầu hết các trường hợp thì “thủ phạm” và “nạn nhân” đều có chung những đặc điểm, sự khác nhau chỉ ở chỗ một kẻ đã giơ ra nắm đấm mà thôi. Có một ‘động lực” giữa hai bên và thông thường thì cả hai đều có chung một điều sau đây: Lòng tự ái dễ bị tổn thương.
Có nên nói với con là phải tự vệ, đừng để cho người khác muốn làm gì thì làm?
Không nên. Các bậc cha mẹ không được khuyến khích con mình tự vệ, bởi lẽ nếu con bạn tự vệ một cách tự nhiên thì không sao nhưng nếu không, con bạn có thể chỉ làm trò cười và điều đó càng khuyến khích những em đang hung hăng tấn công.
Cũng không nên bày cho con bạn cách đối đáp bởi lẽ bạn đâu biết được môi trường văn hóa của những em tấn công con bạn. Cách tốt nhất để giúp con bạn tự tin là khuyến khích con bạn tham gia các hoạt động nhóm, chơi thể thao để học cách phát hiện những dấu hiệu tương tác giữa các cá nhân.
Phạm Anh Tuấn (Tổng hợp các báo Pháp)
Nguồn Vietnamnet