Sáng Chủ nhật 15 tháng 5 năm 2011, tại trường Nguyễn Văn Huyên…
Trời hơi mưa. Một số phụ huynh vẫn đưa con tới. Đạo diễn Quốc Trọng cùng một vài thành viên nhóm Cánh Buồm cũng tới. Có việc chi quan trọng, hè?
Họ tập kịch ạ! Và là kịch cây nhà lá vườn ạ! Bao lâu nay có nghệ sĩ kịch nào viết vở và dựng vở cho trẻ em đâu! Và thế là công việc quá nặng nề đó lại rơi vào tay nhóm Cánh Buồm!
Chưa kể là nhóm Cánh Buồm muốn chuyển đổi công việc xưa nay quen gọi là dạy VĂN thành công việc GIÁO DỤC NGHỆ THUẬT. Nhìn vào bìa sách VĂN từ lớp 1 đến lớp 5 (bấm vào đây), ta sẽ có ý niệm ban đầu về con đường giáo dục nghệ thuật đó. Ba vở kịch đầu tiên được soạn làm cái mẫu thử nghiệm ban đầu:
- Chuyện Dế Mèn phỏng theo “Dế mèn phiêu lưu ký” của Tô Hoài,
- Gian-Đa và Hai Bà Trưng cảm tác lịch sử,
- Ngày hội Andersen phỏng theo tác phẩm của Andersen.
Hành trình tìm kiếm đạo diễn cho vở kịch thật gian nan. Người có kinh nghiệm trong nghề thì không “thèm” chỉ đạo mấy bạn học sinh-diễn viên. Người mới ra trường thì “chê” là chả học hỏi được gì từ vở này. Tìm được một ông/bà đạo diễn vừa có tài, vừa có tâm, vừa có tầm khác nào đếm sao trên trời. Thế mà cuối cùng, thật may mắn, nghệ sĩ Quốc Trọng đã không chút ngần ngừ nhận đạo diễn làm mẫu vở thứ nhất, Chuyện Dế Mèn.
Theo kế hoạch, tối 3 tháng Mười năm 2011, vào dịp Hội thảo – Phản biện – Giới thiệu 18 đầu sách giáo khoa hoàn thành trong năm 2011 của nhóm Cánh Buồm, vở Chuyện Dế Mèn do các học sinh lớp 10 và 11 trường Phổ thông Dân lập Nguyễn Văn Huyên thủ vai sẽ được công diễn. Các vở Gian-Đa và Hai Bà Trưng và Ngày hội Andersen sẽ ra mắt công chúng vào dịp cuối năm 2011 và đầu năm 2012.
Dưới đây là một vài hình ảnh về buổi tập vở kịch “Chuyện Dế Mèn” mà nhóm phóng viên Giáo dục Hiện đại đã ghi lại.
Đọc kịch bản và thử vai. Ảnh: Minh Đức
Hào hứng đọc kịch bản, chẳng ai giục giã hết. Ảnh: Minh Đức
“Một lời của anh là một cục…cục…cục vàng cho em ạ…” – trích thoại của Dế Choắt. Ảnh: Minh Đức
Vũ Thị Như Quỳnh