PN – Lại một lần nữa, vấn đề cải cách giáo dục phổ thông (GDPT) đã được hầu hết đại biểu tán thành trong Hội thảo GDPT trước yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện, tổ chức ngày 29/3 tại TP.HCM.

Theo bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó chủ tịch nước, Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển VN, tình trạng yếu kém, bất cập và lạc hậu trong lĩnh vực GD-ĐT đã tới mức nghiêm trọng, cản trở sự phát triển của đất nước, khiến xã hội luôn bức xúc và mong muốn phải đổi mới một cách cơ bản, toàn diện. Hệ thống GD-ĐT nước ta không liên thông giữa các cấp đào tạo. Cả nước có 311 trường ĐH, CĐ, vậy mà chỉ có 292 trường THCN và 262 trường dạy nghề. Từ năm 2001 đến nay, tỷ lệ người mù chữ không giảm, tỷ lệ thanh thiếu niên trong độ tuổi 6-24 được học trong trường chưa đến 64%… Ông Nguyễn Quang Kính, nguyên cán bộ Bộ GD-ĐT nói: Điều gây bức xúc nhất hiện nay là GDPT nước ta vẫn chỉ tập trung vào ứng thí (thi hết cấp, thi vào trường, thi tốt nghiệp), là một nền GD đồng loạt, áp đặt, không coi trọng cá thể, GV thiếu động lực, năng lực, uy tín quản lý tập trung, không minh bạch. Hầu hết những mong muốn đổi mới về nội dung, phương pháp đều ngưng lại trên văn bản.


Một nền giáo dục ứng thí khiến HS “đầu nặng kiến thức nhưng lại ngơ ngác với cuộc đời”

Chương trình GDPT mới cho sau năm 2015 sẽ được thiết kế ra sao để tránh chắp vá, bất cập cũ, đồng thời đáp ứng được các yêu cầu đổi mới? Các đại biểu đề xuất: phải thực hiện một tổng thể các giải pháp mang tính toàn diện, đồng bộ, căn cơ, khoa học. Theo nhóm nghiên cứu đề tài Xây dựng luận cứ khoa học cho việc đề xuất chủ trương, chính sách phát triển giáo dục phục vụ sự nghiệp đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu và đầy đủ do bà Nguyễn Thị Bình chủ trì, đối chiếu hoàn cảnh nước ta, về thời lượng học nên rút bớt năm học lại. Ở GDPT cùng với việc tổ chức học hai buổi/ngày có thể chỉ cần 11 năm; trong đó hai cấp tiểu học và THCS được thiết kế theo hướng gắn kết thành phổ thông cơ sở, có chín năm học; cấp THPT được thiết kế theo hướng phân hóa rõ rệt, có hai năm học, tập trung vào định hướng nghề nghiệp và phát triển năng lực cá nhân. Bậc giáo dục cơ sở chín năm bảo đảm đủ chỗ cho mọi trẻ em 6-15 tuổi học theo chế độ miễn phí. Sau đó, hơn 50% HS có thể tiếp tục học ở trường trung học nghề, non nửa còn lại học ở THPT.

Sau năm 2015, HS cả nước lại tiếp tục thay sách. Liệu những đề xuất của các nhà khoa học, quản lý giáo dục hôm nay có “cùng tần số” với Bộ GD-ĐT? Cải cách như thế nào để không lặp lại “vết đổ của lịch sử”, trong khi xã hội đã quá ngán ngẩm với hai chữ “cải cách” thật không dễ trả lời. PGS-TS Trần Kiều, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục VN nói: “Bây giờ nhân dân cứ thấy cải cách là dị ứng. Chúng ta phải hình dung lộ trình, điều kiện của cải cách để cái cuối cùng của cải cách là mang lại ích lợi cho đất nước, cho gia đình và cho cá nhân người học”.

Hồng Liên

Phụ nữ, 30/3/2011