Qua một tiết học truyền thuyết lớp Một 

Trẻ em chú ý đến điều gì khi gặp gỡ truyền thuyết? Các em nghĩ thế nào về những điều chúng được nghe kể?  Liệu các em có nhận ra những bài học ẩn chứa trong truyền thuyết như người lớn vẫn hình dung? Liệu các em có thấy ẩn chứa nào bài học về đoàn kết, nào bài học đương đầu với lũ lụt, nào tinh thần cảnh giác, nào tấm gương “tuổi nhỏ cứu nước” sáng ngời?

Bài viết dưới đây ghi lại gần nguyên văn những suy nghĩ của các em lớp Một trường Nguyễn Văn Huyên sau khi cùng kể truyện “Thánh Gióng”.

Tranh của Tuấn Khanh vẽ Thánh Gióng đang bay về trời. 

 

Cả lớp hào hứng nhắc lại các chi tiết các bạn cho là quan trọng trong truyện Thánh Gióng vừa được một bạn kể lại rất dõng dạc.  Cô giáo đánh dấu mỗi chi tiết các bạn nhắc đến bằng một vạch phấn trên bảng. Bạn nào cũng giành phần trả lời. Buổi học  này Hoàng Nam sôi nổi nhất, thường là người đầu tiên lên kể về một chi tiết:

– Em bé ba tuổi chưa biết nói đâu! Mà cũng chả biết đi, chả biết đứng, chả biết ngồi, cứ nằm thế thôi. Như mới đẻ ấy!

Các bạn khác cũng nhiệt tình kể thêm, kèm theo bình luận:

– Ba tuổi mà chả biết làm gì, nhờ. Em tớ ba tuổi nghịch được khối thứ. 
– Gióng đòi cả ngựa sắt này, giáp sắt với lại roi sắt. Giáp sắt thì đủ cả áo với quần rồi đấy!
– Ngựa sắt có to không nhỉ? To bằng nào nhỉ? Có to bằng trời không?
– Nếu mà to thế thì chắc trời ngày xưa cao hơn trời bây giờ cô nhỉ! Chứ không thì giẫm nát cả trời.

Khi nhắc đến việc Gióng nhổ tre thay gậy đánh giặc, cô giáo tỏ vẻ băn khoăn: 
– Không biết Gióng cầm vào gốc tre mà nhổ hay cầm ngọn nhổ lên nhỉ?

Bạn nói cầm gốc chứ, bạn lại bảo là nắm ngọn mà lôi. Quang Anh nói:
– Đang ngồi trên con ngựa to thế, chắc chắn là túm ngọn rồi. Chả nhẽ lại nhảy xuống à?

Các bạn có vẻ đồng ý với ý kiến này, không ai lên tiếng phản đối nữa nhưng lại có thắc mắc khác:
– Thế thì nhổ một cây hay nhổ nhiều?

Sau một hồi ầm ĩ, các bạn gật gù với nhau:
– Phải nhổ cả đám lên thôi. Một cây hai cây thì gãy mất!

Cô nhắc: 
– Gọi là bụi tre!

Chắc chắn lúc này, nếu yêu cầu các bạn ấy vẽ lại tranh Thánh Gióng nhổ tre đánh giặc, các bạn ấy sẽ vẽ Thánh Gióng túm cả một bụi tre mà quật chứ chả phải một cây bé bé đâu!

Tranh vẽ “Gióng lúc sứ giả tới làng” của bạn Phương Anh, học sinh lớp Một trường Nguyễn Văn Huyên. Trong ngôi nhà nhỏ, bé Gióng đã ba tuổi mà chưa biết nói, chưa biết cười cũng chưa biết đi đứng gì, mẹ Gióng đang mỉm cười với con. Bên ngoài, sứ giả đang gọi to tìm người tài đánh giặc. 

Chi tiết cuối truyện được các bạn bàn tán hăng nhất. Quang Anh khơi mào bằng thắc mắc:
– Làm sao mà Thánh Gióng lại bay được nhỉ? Thánh Gióng do người sinh ra, có phải là thần sinh ra đâu mà bay được nhỉ?

Bạn thì gật gù: “Đúng! Đúng!”, bạn thì quay lại bảo: “Không phải thần đẻ ra nhưng là thần sai đến đấy”.

Việt Phong băn khoăn:
– Áo giáp cởi ra thì để đâu hả cô? Giờ có còn không?

Tú Minh đứng bật dậy:
– Thì ở trên núi, cởi ra chắc vắt lên cành cây. Lâu thế rồi ai mà biết được Thánh Gióng để ở cây nào. Ở trên núi Sóc Sơn ấy cô ạ.

Vừa ngồi xuống, Tú Minh bỗng nhớ ra, hỏi tiếp:
– Ơ, nhưng Thánh Gióng cởi áo giáp ra để bay về trời, thế thì Thánh Gióng cởi truồng à?

Cả lớp cười ầm ầm. Mấy bạn trai có vẻ rất tâm đắc, hét tướng lên:
– Cởi truồng! Ha ha! Cởi truồng!

Bạn Na bảo:
– Phải mặc quần áo bình thường ở trong chứ!

Ngọc Anh và Phương Anh đều đồng tình:
– Có mặc quần áo, chứ không thì sắt cọ vào người đau chết.

Thế rồi bạn Na nêu lên câu hỏi:
– Sao Thánh Gióng lại bay lên trời mà không về nhà với bố mẹ? Thế thì Thánh Gióng không nhớ bố mẹ à?

Câu hỏi của bạn ấy làm cô giáo bất ngờ. Lớp lại tiếp tục ồn ào:
– Nhớ chứ, sao mà không nhớ!
– Chả nhớ đâu! Bay vù vù, chả nhớ đâu!
– Ai biết được! Chắc Thánh Gióng bay đi một lúc thôi chứ!

Tranh của Ngọc Linh mô tả Thánh Gióng đứng trên đỉnh núi từ biệt dân làng, chuẩn bị bay về trời. 

Cô đành can thiệp một chút trước khi cho các em chuyển sang công việc khác:
– Thánh Gióng nhớ bố mẹ chứ! Vài ngày không được gặp bố mẹ, các bạn có chịu được không? Nhưng người ta tin rằng Thánh Gióng bay lên trời là để bảo vệ bố mẹ, bảo vệ tất cả mọi người. Thánh Gióng bay đi để giúp đỡ mọi người.

Lớp học lại ồn lên một lần nữa khi cô yêu cầu các bạn vẽ Thánh Gióng theo ý mình.  Bạn trai nào cũng thích vẽ Thánh Gióng ngồi trên ngựa. Có Thánh Gióng béo tròn, có Thánh Gióng dài loằng ngoằng, có Thánh Gióng nhìn giống như rô bốt. Có bạn vẽ Thánh Gióng cầm gậy, có bạn vẽ Thánh Gióng cầm tre quật vào giặc. Ngựa thì con nào cũng phải phun ra lửa, mấy bạn còn vẽ cả đám khói mù mịt. Đức Anh vẽ thêm cho Thánh Gióng một thanh gươm to như gươm của siêu nhân, phóng ra được điện nhưng các bạn bảo Thánh Gióng làm gì có gươm nên đành xóa đi. Riêng Tuấn Khanh vẽ cảnh Thánh Gióng đang bay lên trời cao, nhà cửa phía dưới chỉ còn bé tí teo. Mấy bạn gái lại thích vẽ chú bé Gióng hơn. Phương Anh vẽ bé Gióng đang nằm trong nhà, có mẹ kề bên, phía ngoài là sứ giả đang rao tìm người tài giúp nước. Ngọc Anh vẽ cảnh Gióng đứng giữa bao nhiêu người, người đưa cho Gióng cơm, người đưa cho Gióng cà, người mang nước cho Gióng.

Vậy là ai ai cũng giữ lại một Thánh Gióng của riêng mình…

Người ghi lại những chi tiết trên vẫn còn cảm thấy hồ nghi chưa tự lý giải được điều này: tư duy các em đang còn ở giai đoạn tiền khoa học hay đã có bước nhẩy vọt sang giai đoạn tiếp theo? Chắc là còn cần theo dõi qua cả các bài học về Khoa học, về Lối sống nữa…

  Đinh Phương Thảo

Nhóm Cánh Buồm

*********

 

Cảm nhận của cô Quỳnh về giờ học truyện Thánh Gióng

 

Ngày xưa cô Quỳnh cũng có nhiều câu hỏi với bà với mẹ lắm nhưng thường nhận được những câu trả lời là: thôi con đừng lục vấn nữa. Giá mà cô Quỳnh cũng nhận được những câu trả lời rất là hợp tác như các bạn học sinh trong giờ học  này thì cô Quỳnh giờ chắc không bị trêu là Cún.

Trong giờ học môn văn, sau khi cùng nhau kể lại câu chuyện Thánh Gióng, các bạn đã đặt ra với nhau nhiều câu hỏi: Tại sao Gióng không trở về với mẹ mà lại bay về trời? Gióng không nhớ mẹ à? Gióng bỏ lại áo giáp thì Gióng để áo giáp ở chỗ nào? Gióng do con người sinh ra sao lại bay được?… Và, các câu hỏi đó đã được các bạn tự giải đáp cho nhau rất hồn nhiên.

Bạn Tú Minh quê ở Sóc Sơn đã nói như thật cho các bạn về chuyện bộ áo giáp sắt của Gióng hiện đang ở đâu. Các bạn cho rằng không chỉ Gióng nhớ mẹ mà mẹ cũng nhớ Gióng, dân làng cũng nhớ Gióng vì Gióng cũng là con của dân làng. Gióng bay lên trời để nhìn thấy chỗ nào có giặc thì Gióng đi đánh giặc ở nơi đó. Gióng có thể vươn vai thành dũng sĩ thì Gióng cũng có thể biết bay.

Cô giáo cảm ơn tất cả các bạn. Về chuyện nhớ mẹ, cô giáo chỉ nói thêm rằng dù Gióng rất nhớ mẹ nhưng vẫn đi xa để giúp đỡ mọi người. Gióng cũng muốn ở trên cao để nhìn thấy cảnh tất cả mọi người được sống hạnh phúc.

Giờ học như thế thật khiến cho người lớn tuổi như cô Quỳnh phải ghen tị. Nhớ ngày xưa mình được nghe chuyện về chàng thư sinh nghèo được một con cóc giúp đỡ rồi nên duyên chồng vợ với cóc. Chị mình kể cho mình nghe, nghe xong thì mình thích chí lắm nhưng mà cả nhà cứ rúc rích cười, cóc mà lại biến thành người á, chị trêu Quỳnh đấy. Mình đâm hoảng, mình thấy hoang mang, mếu máo, sao chị lại trêu em? Chị mình liền hỏi lại, thế Quỳnh không tin chị à? Mình phụng phịu mãi vì chả biết ai nói thật ai nói đùa nữa, may mà lại chạy đi chơi chỗ khác nên quên ngay. Hôm được chứng kiến tiết học văn này của các bạn học sinh lớp một mình chợt nhớ lại. Nếu mà ngày xưa chị mình có một câu trả lời giống như cô giáo kia thì mình đã không hoang mang như vậy. Một câu trả lời hướng về những điều nhân ái, yêu thương. Một câu trả lời với rất nhiều định hướng cho tương lai. Ai mà biết trong lớp học ấy có bao nhiêu cô bao nhiêu cậu sẽ làm được những điều tuyệt vời như Thánh Gióng xưa.

Vũ Thị Như Quỳnh

Nhóm Cánh Buồm