Hồi xưa trong ngôi nhà cũ của gia đình tôi ở phố Th.K có một bức chân dung sơn dầu nhà văn Pháp Roman Rolland do họa sĩ Chu Hoạch vẽ (họa sĩ Chu Hoạch mất cách đây mấy năm). Tôi nhớ có lần một người nào đó chỉ tay vào bức tranh rồi nói đại ý là “người anh hùng không phải bao giờ cũng là người chiến thắng”.
Nhà văn Romain Rolland và Gandhi. Nguồn: Internet
“Người anh hùng không phải bao giờ cũng là người chiến thắng” – Romain Rolland
Nhiều năm sau này tôi vẫn nhớ câu nói đó và nghiệm thấy ở đời này đoán biết được ai là anh hùng là điều không dễ chút nào. Ngay lúc này đây, đối với một vị anh hùng dân tộc như Lê Lợi mà các văn nhân nước ta kiến thức sử sách đầy mình vẫn còn đang cãi nhau ỏm tỏi cả tháng trời nay nữa là!
Trận mạc, tình huống hiểm nguy tính mạng vì mọi người, là nơi sản sinh ra anh hùng đích thực. Ấy thế mà khi cần người ta vẫn có thể lờ đi, thậm chí quên phắt người này người nọ. Câu hát hùng tráng “Tuổi trẻ của Lê Đình Chinh là tuổi trẻ của chính mình” của năm 1979-1980 giờ còn ai nhớ nữa!
Giữa thời bình thì khó nhận ra anh hùng. Tại vì sự nhận ra một hành động anh hùng phụ thuộc nhiều vào khả năng cảm nhận, nhận thức của mỗi người. Xã hội ngày nay lại là một xã hội đa thần tượng, bị nhiều ảo tưởng chi phối. Tôi nghĩ anh hùng thời nay đơn thuần là người bằng hành động can đảm góp phần vào việc duy trì cái được gọi là lương tâm con người hoặc tiếng nói của lương tâm con người. Giới hạn như vậy sẽ giúp chúng ta thanh thản đón nhận mọi sự và cũng không bắt một cá nhân phải lãnh trách nhiệm “anh hùng” quá lớn. Để cho sẽ không còn xuất hiện một Bertolt Brecht nữa phải mượn lời môn đệ của Galilei thốt lên “Bất hạnh thay đất nước không có anh hùng!”
Với sự giới hạn như vậy chúng ta thử nhìn xung quanh sẽ thấy có biết bao nhiêu con người đang mỗi ngày nhẫn nại hy sinh vì người khác. Có thể kể ra không hết. Chỉ cách đây vài hôm ở Trà Vinh người ta xử tù 7 năm cô gái xinh đẹp Đỗ Thị Minh Hạnh chỉ vì cô lên tiếng bảo vệ đúng luật và hoàn toàn ôn hòa những công nhân của hãng giày Mỹ Phong ở Trà Vinh. Cô bạn trẻ có biệt danh The Ridiculous luôn gây cho tôi nhiều suy nghĩ cảm phục. Hôm sau Tết Tân Mão gặp The Ridiculous ở cửa một tòa soạn báo mới hỏi “Trời lạnh mà sao em đứng một mình ngoài vỉa hè thế này?” Trả lời “mọi người trong văn phòng đi hát karaoke, em về nhà viết một essay về giáo dục”. Trời! Cả cái ngành giáo dục này hiếm thấy ai có nhiệt huyết như cô gái này. Cứ phải có tiền, có dự án họ mới làm! Được một ông quan đầu ngành học đúng ngành đúng nghề, có học vị cao nhất và độc nhất cả nước nhưng toàn nghiên cứu “nạc đề” hoặc nói năng “ninh tinh”. Thử đọc nhanh câu trả lời phỏng vấn dưới đây để xem thử trình độ “ní nuận” ra sao, chưa kể trình độ tiếng Tây của vị đó mới “bí hiểm” làm sao”: Phóng viên: “Ông đánh giá thế nào về lãng phí, tham nhũng trong ngành giáo dục?” Trả lời: “Hồi chiến tranh người ta nói Việt Nam là nước của cácparadoxes (bí hiểm) (sic). Ý của câu này là vì một “tiểu quốc” đã thắng cường quốc. Đến nay ta vẫn còn nhiềuparadoxes (sic). (Trả lời phỏng vấn VTC News tháng 10/2007).
Về Cù Huy Hà Vũ (CHHV) tôi thấy đó là một Luật sư can đảm. Người viết bài này không giao du với CHHV, nhưng cách đây nhiều năm có tình cờ làm việc cùng CHHV trong hơn chục ngày. Đó là vào quãng năm 1994 gì đó, sau khi bộ phim Đông Dương được công chiếu thì có làn sóng khách du lịch Pháp sang thăm lại Việt Nam, nhất là đám cựu chiến binh trong chiến tranh Đông Dương. Du lịch Việt Nam ngày ấy thiếu hướng dẫn viên nên dân biết tiếng Pháp làm thêm hướng dẫn viên du lịch là rất phổ biến. Lần ấy nhóm chúng tôi gồm một người bạn của tôi, CHHV và tôi. Chúng tôi dẫn một đoàn hơn 100 cựu chiến binh Pháp (đi trên ba xe coaster loại 45 chỗ, mỗi người phụ trách một xe). Chương trình của các công ty lữ hành đều na ná nhau. Những địa danh được coi là bắt buộc phải đến ít nhất gồm Vịnh Hạ Long, Tam Cốc Bích Động (được mệnh danh “Vịnh Hạ Long trên ruộng lúa nước”), Sapa. Vì đoàn của chúng tôi gồm những cựu chiến binh nên chương trình có thêm nhà thờ Phát Diệm và Điện Biên Phủ. Ở cả hai địa điểm này chúng tôi đều nhàn. Không có gì nhiều để nói. Hầu hết khách đều từng tham chiến ở nơi này hoặc nơi kia. Họ thích trở lại nơi cũ để hồi tưởng quá khứ hơn là nghe mấy anh hướng dẫn viên “nói như sách”. Mấy ngày ở Hà Nội cũng vậy. Xem múa rối nước, thăm Văn Miếu … đối với cánh hướng dẫn viên thì chỉ dẫn khách đi đến lần thứ ba là thuộc vanh vách! Nhưng có một sự cố đến giờ tôi vẫn có thể nhớ lại. Đó là đến buổi theo chương trình phải đi viếng Bác thì cả đoàn khách nhất định đòi hủy. Tôi nhớ là họ làm căng lắm. Ông Trưởng đoàn (do họ tự cử) thay mặt bọn họ giải thích rằng họ không muốn vào viếng một “chef rebel” (tôi nhớ chính xác 100% là họ đã dùng chữ này). Ba hướng dẫn viên cũng cử một người đứng ra giải thích và người được cử chính là CHHV (người bạn tôi tuy là Trưởng nhóm nhưng tránh không ra mặt, còn tôi là người non nhất). Tôi đứng cách CHHV khoảng mươi mét và thấy CHHV và ông Trưởng đoàn phía Pháp nói qua nói lại rất găng. Có lúc cả hai vung tay, khoát tay (tụi Tây lúc nói hay kết hợp điệu bộ và người học tiếng Tây lâu ngày cũng nhiễm tác phong đó). Độ mười lăm phút sau, không hiểu sao tôi thấy cả hai đều vui vẻ rồi sau đó cả đoàn đồng ý đi viếng Bác. Lúc ra khỏi Lăng tôi thấy hầu hết bọn họ đều mang vẻ mặt vui vẻ, thư thái.
Hôm nay ngồi nhớ lại chuyện CHHV đối đáp với tụi ngoại bang hôm đó, rồi viết nó ra cũng là để nhân tiện hôm tới Cù Huy Hà Vũ về nhà nếu vào mạng có tình cờ đọc được thì cũng là cái hay. Cù Huy Hà Vũ sẽ xem thử trí nhớ tôi có chính xác hay không.
Nhân tiện cũng là để tự nhắc mình lần nữa một bài học các cụ xưa nay vẫn dạy: ở đời này nếu thực sự khôn ngoan thì hãy học lấy cách xử sự với ngoại nhân!
Phạm Anh Tuấn
Theo boxitvn