Trước hết  nó tỏa sáng trên đất Mỹ, phần đất đai được xem là sáng nhất của trái đất hộm nay. Nước Mỹ kể từ sau Tổng thống Roosevelt trở đi chỉ nhìn thế giới qua lăng kính lợi lộc ích kỉ tầm thường mà quên mất những chân lí vĩ đại của Tuyên ngôn Độc lập 1776: Tất cả mọi người sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa đã cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được. Trong những quyền ấy có quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc!

Chính vì trung thành với lí tưởng của Tuyên ngôn 1776 mà nước Mỹ đã trở thành siêu cường số một. Khi sắp kết thúc chiến tranh thế giới thứ hai, Roosevelt đã khuyên De Gaulle không nên duy trì chế độ thuộc địa vì nó đã lỗi thời. De Gaulle đã không nghe vì thế mà cụ Hồ đã phải viết lá thư ngỏ năm 1944, nhan đề Trả lời cho bọn De Gaulle, nguyên văn như sau:

 Gần đây Pháp Quốc Giải Phóng Ủy Hội ở Alger tuyên bố rằng, sau cuộc chiến tranh này, nước Pháp sẽ sẵn sàng ban cho dân Việt Nam vài sự cải thiện.

Thưa Ngài, Tổ quốc của Ngài là Đại Pháp đã đầu hàng Hitler một cách vẻ vang! Hơn 500 tướng và hai triệu lính của quý quốc đang bị Đức cầm tù một cách rất oanh liệt! Ba phần tư non sông của quý quốc đang bị người ta chiếm lĩnh! Bốn mươi triệu đồng bào của Ngài đang trong kiếp trâu, ngựa! Nhân dân quý quốc hiện nay không có bánh ăn, áo không đủ mặc, phải quyên áo quần cũ của nhân dân Việt Nam! Một triệu thanh niên nam nữ nước Ngài phải qua làm cu li bên Đức! Xin ngài lo cứu nước và dân tộc Ngài đã, rồi hãy nói đến việc khác. Còn Việt Nam chúng tôi 40 năm nay nhờ “công đức” quý quốc đã nhiều rồi! Lần này chúng tôi quyết dùng súng, đạn, gươm, dao để đạp đổ ân huệ ấy và giành lại độc lập tự do cho Việt Nam. Chúng tôi xin Ngài chớ lo. Và chúc Ngài hai chữ thất bại! Hồ Chí Minh (Borton. Hồ Chí Minh – Một Chân Dung. Trang 75. Nhà xuất bản Thanh Niên. 2003)

Le phu Khai

Tác giả Lê Phú Khải

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, trong Tuyên ngôn Độc lập ngày 2. 9. 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trích dẫn câu nêu lên lí tưởng cao cả trong Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ năm 1776, rồi Hồ Chí Minh lại mau mắn gửi thư cho Tổng thống Roosevelt diễn giải về các vấn đề của Việt Nam và đề nghị nước Mỹ hỗ trợ nền độc lập non trẻ của Việt Nam. Nhưng Roosevelt đã đột ngột qua đời!

Kế nhiệm Roosevelt là Truman và từ Truman trở đi, các Tổng thống Mỹ đều nhìn thế giới qua lăng kính lợi lộc của riêng nước Mỹ mà quên mất những lí tưởng cao cả của Tuyên ngôn 1776! Vì thế lịch sử nước Mỹ đã để lại những vết nhơ không bao giờ rửa sạch như năm 1972 Nixon đi đêm với Mao Trạch Đông sau đó năm 1974 giả câm giả điếc làm ngơ để Trung Cộng chiếm Hoàng Sa của đồng minh Việt Nam Cộng hòa! Chính Mỹ đã vì những lợi lộc của riêng nước Mỹ mà tiếp tay cho các chính quyền độc tài khát máu ở Bắc Phi, nêu tấm gương cho cả thế giới về sự ích kỉ, chỉ chăm chăm với lợi lộc quốc gia hẹp hòi! Ngọn lửa Bouazizi đã làm cả thế giới bừng tỉnh. Và người bừng tỉnh đầu tiên lại là vị Tổng thống trẻ tuổi của nước Mỹ, Tổng thống Obama. Sau khoảnh khắc bất ngờ và suy ngẫm, Tổng thống Obama đã đứng về phía nhân dân Ai Cập, ủng hộ cuộc cách mạng của nhân dân Ai Cập lật đổ chế độ độc tài, chia tay người bạn đồng minh lâu nay của Mỹ là ngài Mubarak độc tài tham nhũng! Lý tưởng của Tuyên ngôn Độc lập 1776 của nước Mỹ lại hồi sinh!

Ngọn lửa Bouazizi cũng làm bất ngờ đến chóng mặt các quan chức chính phủ Pháp, một đất nước luôn tự hào là hiện thân của tự do, công bằng, bác ái! Còn gì nhục nhã hơn một bà bộ trưởng Ngoại giao, một chính khách “sáng giá” của nước Pháp văn minh chỉ vì những kì nghỉ mát miễn phí, những lợi lộc kiếm chác được từ chính phủ độc tài tham nhũng Tunisia mà hò hét đem quân sang “dẹp loạn” ở Tunisia! Báo chí đã phanh phui vụ bà Bộ trưởng làm nhục nước Pháp này! Bà đã phải từ chức!

Ông Putin của nước Nga trước ánh sáng của ngọn lửa Bouazizi cũng đã hiện nguyên hình là một anh lái súng không hơn không kém khi trước bão táp cách mạng lật đổ những chế độ độc tài, tham nhũng Bắc Phi, ông dửng dưng đưa ra tuyên bố: Không can thiệp vào nội bộ của nước khác! Những người cầm quyền ở nước Nga đã vì những đồng tiền lời bán súng mà quên mất rằng họ là con cháu của Puskin, L. Toltoi, Dostoievski, Gorki, những tấm lòng bao dung, nhân hậu mà trang sách của họ đã chuẩn bị hành trang tư tưởng cho con người bước vào thời cách mạng giành tự do, công bằng.

Là tác giả của cuộc đàn áp Thiên An Môn đẫm máu, những người cầm quyền Trung Quốc cũng hòa vào giọng nói của những nước lớn nhưng tấm lòng quá nhỏ nhen, chật chội: Không can thiệp vào nội bộ nước khác!

Hơn 20 năm trước, các cường quốc phương Tây đã phớt lờ sự kiện đẫm máu ở Thiên An Môn chỉ vì sự thèm muốn thị trường hơn một tỉ dân! Tưởng là béo bở! Nay thực tế cho thấy Trung Quốc không phải là cái bánh dễ gặm với phương Tây! Ngược lại, cùng với sự “phồn vinh” về kinh tế, chủ nghĩa Đại Hán Trung Quốc đang hiện đại hóa quân sự, đe dọa cả loài người! Chính vì thế ngọn lửa Bouazizi đang cháy ở Libia nhưng không còn mấy ai chỉ nhìn nhận Libia từ góc độ mấy thùng dầu lửa! Tất cả các nước lớn đều phải căng mắt để theo dõi tình hình Libia. Các chính phủ đều phải họp bàn để không lạc lõng với sự biến đổi quá mau lẹ của thế giới sau ngọn lửa Bouazizi. Nước Pháp đã đi đầu công nhận chính quyền của những người nổi dậy chống độc tài tham nhũng là chính quyền hợp pháp đại diện cho nhân dân Libia.

Marx thật có lí khi cách đây hơn trăm năm trước, ông đã gọi cách mạng Pháp 1789 là “đầu tàu của lịch sử”. Phải chăng cái đầu tàu đó đang kéo con tàu nhân loại tiến về phía trước trong vấn đề nan giải ở Libia hiện nay. Chính quyền độc tài của ông Gadhafi sớm muộn sẽ bị con tàu lịch sử đó nghiền nát.

Anh thanh niên Tunisia 27 tuổi vừa tốt nghiệp đại học Bouazizi lấy thân mình đốt lên ngọn lửa đã bừng sáng cả trái đất đang u u minh minh vì lợi lộc của những thùng dầu, những container súng đạn! Loài người ở thời những lợi lộc tầm thường ngự trị đã được cứu rỗi từ ngọn lửa tự thiêu cao cả Bouazizi! Cái mà loài người đã tìm thấy trong Tuyên ngôn Độc lập 1776 của nước Mỹ, tìm thấy trên lá cờ Tự do – Bình đẳng – Bác ái của Cách mạng Pháp 1789 được loài người soi rọi lại, đọc lại, nghĩ lại, nghiền ngẫm lại dưới ánh sáng của ngọn lửa Bouazizi!

Với tôi, kẻ viết những dòng này càng thấm thía lời Engels: Trong sự vận động của thế giới vật chất thì sự vận động của tư duy là phức tạp nhất! Không có nhà thiên văn nào dự đoán được “những luồng khí quyển lưu hành trong xã hội” (Stê van oai)! Cả bộ máy đồ sộ của CIA cũng không dự báo được gì về tình hình Bắc Phi khiến ngài Obama phải sững sờ! Nhà thơ thật có lí khi viết:

Lịch sử thường đi những lối bất ngờ! (Tố Hữu)

Chính thời đại tin học với internet toàn cầu đã làm nên sự bất ngờ của lịch sử khiến loài người, mà trước hết là các nhà chính trị, phải nghĩ lại!

Lê Phú Khải 

Theo BBC Tiếng Việt