Em Hiền
Hiền đã chia sẻ “em rất hạnh phúc khi được là sinh viên và rất cảm ơn gia đình chị Hạnh đã luôn khuyến khích và hỗ trợ em thực hiện khát vọng của mình”.
Đây là câu chuyện tôi được biết qua em Phạm Thu Hiền – sinh viên Trường trung cấp sư phạm Trung ương. Hiền đã từng làm người giúp việc nhưng hiện nay đang là sinh viên năm thứ nhất và sẽ là giáo viên mầm non vào năm sau. Khác với nhiều sinh viên khác tốt nghiệp trung học và thi vào các trường, Hiền đã phải đi làm giúp việc ở Hà nội gần 4 năm trước, sau khi tốt nghiệp lớp 9 và sau đó, khác với nhiều oshin khác, Hiền không về quê lấy chồng mà đã bước vào giảng đường nhờ vào quá trình khuyến học của gia đình chị N.P. Hạnh. Chị Hạnh, hiện là giám đốc công ty sách VNN Publishing, và em Hiền đã chia sẻ cùng PNVN câu chuyện khuyến học mà chị Hạnh cùng gia đình, và em Hiền đã thành công đối với cuộc đời một người giúp việc như em Hiền.
Xin chị cho biết nguyên nhân nào mà chị đã cho người giúp việc nhà mình đi học hết chương trình phổ thông trong thời gian còn đang làm giúp việc ở nhà mình?
Thực ra khi cho em Hiền đi học, mình mong muốn em sẽ có “cần câu cơm” sau khi không làm giúp việc nữa. Gia đình tôi có truyền thống khuyến học và nhiều con cháu, họ hàng cũng đã được thừa hưởng truyền thống khuyến học đó từ bố mẹ tôi. Có lẽ, việc chú tâm khuyến học của bố mẹ đã lây sang tôi, bởi vậy tôi muốn mở rộng việc khuyến học ra khỏi phạm vi gia đình. Hiền là người đầu tiên thể hiện rõ nhất thành quả của truyền thống khuyến học đó từ tôi. Rất may, tôi đã thành công vì Hiền rất nhanh nhẹn, thông minh, chịu khó và hơn hết cả là có mong muốn được học hành đàng hoàng. Chắc chắn đời Hiền sẽ thay đổi khi em không phải quay về quê lấy chồng khi trong tay không có tay nghề gì.
Ngoài việc khuyến học, tôi cũng mong rằng sự quan tâm của tôi sẽ được đền đáp bằng tình thương yêu tự tâm của em đối với 2 cậu con trai của tôi và những ảnh tích cực từ Hiền đến các em của Hiền ở quê.
Có một điều tích cực ngoài mong đợi của tôi là khi được đi học, Hiền rất ít xin về quê mà tập trung vào việc học và tận tụy hơn trong công việc hàng ngày. Cả Hiền và gia đình đều được hưởng lợi, đặc biệt, gia đình tôi không phải lo người giúp việc bỏ về hoặc thường xuyên xin về quê như những gia đình khác.
Chị Hạnh và con trai nhỏ
Qua chia sẻ của em Hiền, chị đã dành thời gian dạy hóa học, tiếng Anh cho em thậm chí nhiều khi đến 1h sáng và nhiều khi còn rửa bát giúp Hiền nếu em ấy đang học bài. Yếu tố nào thúc đẩy chị tận tâm với việc hỗ trợ người giúp việc trong việc học? Và những thành viên trong gia đình ủng hộ chị đến mức nào?
Vì đã quyết tâm từ đầu và quan điểm sống của tôi là đã giúp ai thì phải chu đáo, tận tâm. Khi em ở trong gia đình mình và đi học như vậy, ngoài bạn bè và cô giáo thì em chỉ có thể dựa vào mình, lúc đó mình gần như là mẹ là cha em, mình cảm thấy nếu giúp được thì cũng nên giúp em học vì nhiều khi cũng không biết hỏi ai.
Chuyện rửa bát thực ra cũng là hạn hữu thôi, tôi chỉ giúp em vào dịp thi cử, vì em mà làm hết việc rồi mới học thì sẽ không hiệu quả.
Tôi luôn coi em là con cháu trong nhà chứ không phải là người làm thuê nên thật lòng rất mong em học hành đến nơi đến chốn nên mới hỗ trợ em ở mọi hoàn cảnh.
Rất may là mẹ chồng tôi rất tốt bụng và đồng thuận trong rèn dạy em Hiền. Có những lúc Hiền có vẻ nản chí, bà tìm cách động viên bằng cách kể chuyện những tấm gương vượt khó. Khi Hiền bị trượt Cao đẳng Mẫu giáo Trung ương, bà động viên Hiền cố thi thêm Trung cấp. Ngoài ra, mẹ tôi cũng nhiều lần động viên cháu cố gắng học và nói về các cơ hội việc làm nếu học thành công. Tôi nghĩ đó là một động lực rất lớn động viên cháu chịu khó học hơn.
Chồng tôi cũng không phản đối việc tôi tạo điều kiện cho em học như vậy. Tuy nhiên, với những việc như đề cập ở trên thì mọi người cho là hơi thái quá, vì như vậy mất hơi nhiều thời gian cá nhân của chính mình, dành cho gia đình mình. Về chuyện này thì đúng là có hơi mất thời gian thật, tuy nhiên, tôi có một quan điểm nữa là, người giúp việc chỉ là người hỗ trợ mình các việc nhà cho đỡ vất vả về thể chất, nhưng không thể là người thay mình trong mọi việc, vì thế, có những việc mình nên chủ động làm. Với cháu Hiền, mình luôn xác định với cháu là những việc trong gia đình lúc nào mình cũng có thể làm được, có cháu hỗ trợ thì sẽ tốt hơn, tránh nảy sinh tâm lý kiêu ngạo, cho là mình phụ thuộc vào cháu.
Trong gia đình mình còn có lúc có người nói mình là “dân chủ tiểu tư sản”, làm mình cũng rất buồn, nhưng cũng là tâm lý thường thấy (và do mọi người thương mình thôi), mình cũng phải chấp nhận thôi. Giờ thì đến lúc em đi học đàng hoàng thì mọi người cũng hiểu ra.
Nhiều bạn bè và đồng nghiệp của tôi thường xuyên kêu ca OSIN nhà mình dốt, kém, tham ăn và thậm chí có gia đình không cho OSIN ngồi ăn cùng mâm với gia đình, chị suy nghĩ như thế nào về các kiểu hành xử trên?
Ở các tỉnh lẻ hay vùng ngoại ô thì mình không rõ nhưng ở Hà Nội này số gia đình đối xử bất bình đẳng với người giúp việc không nhiều. Tuy nhiên, cũng có cá biệt một vài trường hợp như mình biết là không cho giúp việc ăn cùng gia đình hoặc thậm chí ăn cùng loại cơm với chó (vẫn là cơm mới, nhưng loại gạo cấp thấp). Tôi thực sự phản đổi việc này.
Tôi nghĩ giúp việc cũng là một nghề như mọi nghề khác. Đặc biệt, người giúp việc đồng sinh sống trong gia đình nên cần phải tôn trọng và gần gủi họ.
Nếu có ai đó kêu ca giúp việc nhà mình tham lam, dốt, tham ăn, thậm chí ăn cắp hay một tật xấu nào đó thì cũng có thể họ như vậy. Tuy nhiên, cần cảm thông và thấu cảm với hoàn cảnh xuất thân của họ hơn là chì chiết họ.
Ở nhà mình, em Hiền chịu khó làm nhiều việc. Em ý thức được việc đi học sẽ giảm thiểu thời gian em dành cho những công việc trong gia đình mà em phải làm nên chấp nhận mức lương vừa phải. Mối quan hệ tương hỗ giữa mình và người giúp việc cần được phân định rõ ràng chứ không nên lạm dụng nhau. Chẳng hạn, em Hiền rất biết điều chỉnh và tận dụng mọi thời gian để làm bù việc khi em đi học. Quyết tâm của em và sự tương hỗ và khuyến khích của gia đình tôi đã tạo cảm hứng cho bản thân và em ấy gặt hái những thành công lớn so với xuất phát điểm rất thấp của mình.
Ngày Hiền đỗ vào trường Trung cấp sư phạm trung ương, tôi mừng vô cùng vì niềm tin và kỳ vọng của mình đã được đáp ứng. Cho đến giờ cả tôi và em Hiền đều càm thấy tự hào vì nỗ lực của cả hai bên đã được đền đáp xứng đáng.
Trăm dâu đổ đầu OSIN dẫn đến có những em bé đã 6-7 tuổi vẫn cố tình tè ra nhà để OSIN phải lau nhà. Chị suy nghĩ như thế nào về sự lạm dụng trên và gia đình chị giáo dục con mình đối với OSIN như thế nào?
Người giúp việc không thể phục vụ con cái mình mãi mãi, hơn nữa, con trẻ cần được giáo dục khả năng độc lập và tôn trọng người khác thông qua từng hành vi lối sống của chính chúng ta hàng ngày. Tôi thấy rằng nhiều học sinh mặc dù học hành khá tốt nhưng ứng xử với những người giúp việc rất hỗn láo vì các em đó quan sát thấy cách bố mẹ các em đã đối xử có phần xem thường người giúp việc như thế nào. Những hệ quả tiêu cực đó không những ảnh hưởng đến đạo đức của trẻ vì ngay từ nhỏ, khichứng kiến sự phân biệt của bố mẹ và những người xung quanh mà còn tác động xấu tới các em trong hành vi của chính các em với những người khác quanh mình.
Đối với gia đình tôi, nếu các cháu có mải chơi mà tè dầm hoặc vẽ bậy ra nhà, ra tủ…thì các cháu được yêu cầu tự lau để các cháu biết tự chịu trách nhiệm với việc mình làm. Nếu các cháu có lỡ tay đánh chị giúp việc thì cũng phải xin lỗi. Kể cả là khi chơi, mà vứt đồ chơi bừa bãi thì cũng phải tự dọn, chị giúp việc cũng chỉ dọn cùng chứ không phải chạy theo cháu dọn liên tục.
Các cháu nhà mình rất quí em Hiền. Hiện tại Hiền không làm việc với nhà mình nữa nhưng các cháu vẫn hay hỏi khi nào chị Hiền về chơi với con.
Theo tôi, việc làm của gia đình chị không những là cách thể hiện bổn phận công dân thực tế và hiệu quả mà còn có tác động tích cực thúc đẩy khát vọng cộng đồng. Chị có lời nhắn gửi nào đối với những gia đình đang thuê các em OSIN đang độ tuổi đi học?
Người xưa có câu “giúp được một người bằng xây bảy tòa tháp”. Mình nhiều khi cứ tốn tiền đi làm từ thiện, cho người ta tiền, gạo thì chỉ giúp được tức thời thôi, còn cho người ta phương thức để họ có thể kiếm tiền một cách tử tế, đó mới là giúp thực sự. Với các cháu đang ở độ tuổi đi học mà đã phải đi làm thuê thì nên tôn trọng và thương các cháu, dạy cho các cháu cách cư xử cho đúng, đó cũng sẽ là tấm gương cho con cháu của chính mình. Nếu có điều kiện cho cháu học được và bản thân cháu vẫn thích học thì có thể, bạn có thể giúp cả một cuộc đời một con người.
Rất cảm ơn đã chị Hạnh đã chia sẻ câu chuyện khuyến học đầy trách nhiệm và nhân văn.
Nguyễn Quang Thạch
Nguyễn Xuân Diện-Blog