Một cuộc khảo sát do báo Sinh Viên Việt Nam thực hiện năm ngoái với hơn 500 sinh viên một số trường đại học và cao đẳng tại TP.HCM cho thấy: 45,6% bạn trẻ hạnh phúc và hài lòng với cuộc sống hiện tại; 27,1% bạn trẻ không hài lòng với cuộc sống hiện tại; 27,3% bạn trẻ đang băn khoăn và chưa nghĩ về hạnh phúc ở hiện tại nhưng hơn một nửa trong số 27,3% ấy tin rằng mình sẽ hạnh phúc trong tương lai.
Cũng theo khảo sát trên, các “kiểu” hạnh phúc được các bạn xếp theo thứ tự ưu tiên như sau: 39% bạn trẻ mong muốn kiếm được việc làm phù hợp với năng lực và sở thích, có cơ hội thăng tiến, kiếm được nhiều tiền để thỏa mãn ước mơ học tập và du lịch, chăm sóc chu cấp cho người thân; 33% quan tâm đến sức khỏe; 17% quan tâm đến tình yêu; 11% muốn trang bị đầy đủ các vật dụng hiện đại như xe máy, điện thoại di động, laptop, máy ảnh…
Bạn trẻ, bạn nghĩ sao khi đọc những thông tin này? Về phần mình, tôi nghĩ nếu có một tỷ lệ hơn 40% sinh viên Việt Nam thực sự hạnh phúc và hài lòng với cuộc sống hiện tại thì đó là điều tốt, rất nên mừng cho các bạn ấy. Tuy thế, trong trường hợp ấy tôi sẽ hơi ngạc nhiên. Tôi nhớ tới câu nói của nhân vật Khảm trong truyện ngắn nổi tiếng “Không có vua” của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp: “Người xưa được phong thần dễ nhỉ?“, và tôi cũng muốn hỏi với đúng thái độ ấy: “Người trẻ bây giờ hạnh phúc dễ nhỉ?“.
Nói như vậy dĩ nhiên không phải vì tôi muốn sinh viên Việt Nam phải bất hạnh, cuộc đời phải thăng trầm, sóng gió. Ai dám mong điều đó chứ? Nhưng, đôi khi tôi cứ nghĩ, sao các bạn trẻ lại phải tự giới hạn diện quan tâm và mức độ đa dạng của cuộc sống của mình thế nhỉ? Một doanh nhân, luật gia Việt Nam – ông Nguyễn Trần Bạt – từng nói thế này: “Đặt những vấn đề của đất nước vào trong đời sống tinh thần của mình là cả một công nghệ để nâng mình lên một tầm khác. Tôi thấy rất nhiều thanh niên ngồi với nhau là nói chuyện bia rượu, hoa hậu, bóng đá… Tôi ít thấy ai nói chuyện đất nước, nói chuyện rừng ngập mặn, hiện tượng nóng lên của trái đất. Tôi cầu mong cho thế hệ trẻ bây giờ có nhiều người học được những phẩm chất như vậy, đem nhốt vào trong đời sống tinh thần của mình những vấn đề sống còn của đất nước mà suy nghĩ“.
Nhưng mà thôi, đầu xuân năm mới, chẳng nhẽ lại chúc nhau “một năm ly kỳ, gay cấn” như nhà văn Thảo Hảo từng gợi ý trong tiểu phẩm “Tôi muốn đời tôi màu gì“. Khi viết những dòng này, tôi cũng không có mảy may ý nghĩ rủ rê, hô hào, kích động bạn thanh niên xuống đường biểu tình chống tăng học phí. Tôi chỉ muốn nói là, các bạn trẻ hãy thử mở rộng diện quan tâm của mình đến khoa học, đến nghệ thuật, đến chính trị, đến quản lý và lãnh đạo xem sao. “Thử một lần cho biết”, các bạn sẽ thấy cuộc đời có thêm màu sắc, rất đáng sống.
Thay cho mọi lời chúc mừng năm mới, tôi viết bài dưới đây về một nhân vật đã, đang, và sẽ còn là thần tượng của rất nhiều bạn trẻ Việt Nam, xin coi đó như một món quà tặng các bạn đầu xuân 2011 này.
* * *
“THỜI THANH NIÊN SÔI NỔI” CỦA ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP
Năm 2011 này, vị tướng thân yêu của quân đội và nhân dân Việt Nam tròn 100 tuổi. Đã có quá nhiều sách báo cả trong và ngoài nước viết về ông – nhà quân sự tài ba, người xây dựng và dẫn dắt quân đội Việt Nam, vị tướng huyền thoại của chiến dịch Điện Biện Phủ lừng danh toàn cầu… Nhưng không mấy ai biết về tuổi trẻ, về thời học sinh – sinh viên của tướng Giáp. Và đó cũng là những “bí ẩn” hấp dẫn mà rất nhiều người muốn tìm hiểu.
Võ Nguyên Giáp sinh năm 1911, trong một gia đình nhà nho ở làng An Xá, nay thuộc xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Cha ông dạy học, bốc thuốc, mẹ làm ruộng. Viết về gia cảnh họ Võ ngày ấy, một nhà sử học người Úc, TS. Robert J. O’Neill, ghi lại trong cuốn “Tướng Giáp – chính trị gia và chiến lược gia” (1969) (1) rằng Võ Nguyên Giáp “sinh trưởng trong một gia đình có thu nhập đủ để ông có thể học hành tới nơi tới chốn, nhưng không dư dật tới mức tạo cho ông một cách tiếp cận truyền thống về đường công danh“.
Cũng phải hiểu rằng, trong hoàn cảnh thời ấy, “thu nhập đủ để ông có thể học hành tới nơi tới chốn” nghĩa là đảm bảo cho chú bé Giáp không phải là một đứa trẻ thất học, nhưng việc theo được hay không hoàn toàn do năng lực của Giáp quyết định. Mà nhà cũng chỉ đủ tiền cho hai anh em trai Võ Nguyên Giáp và Võ Thuần Nho ăn học thôi, các chị em gái không được ưu tiên.
Từ bé, Võ Nguyên Giáp đã chăm chỉ, hiếu học. Người anh em đồng hao của tướng Giáp sau này là Trung tướng Phạm Hồng Cư kể lại rằng cậu Giáp học chăm và rất giỏi, “hai năm học ở trường tiểu học Đồng Hới, cậu luôn đứng đầu lớp và vào kỳ thi tốt nghiệp bậc sơ học, cậu đỗ đầu tỉnh. Thời ấy, việc đỗ đầu tỉnh có tiếng tăm lắm. Gia đình hoan hỉ. Cậu về làng được quý trọng“. (2)
Tính hiếu học ấy được hình thành từ tấm bé và sẽ mãi là một phẩm chất nổi bật ở Đại tướng. Một người thân của tướng Giáp cho biết, Võ Nguyên Giáp là một trí thức suốt đời tìm hiểu, suy nghĩ, học hỏi, “dù là tuổi hai mươi, hay là khi tóc bạc“. Ông đọc sách rất nhiều, luôn chịu khó tiếp xúc và lắng nghe, với một sức thu nhận bằng năm bằng mười người khác, đến mức trong giới nghiên cứu lịch sử quân sự phương Tây có chuyên gia đánh giá: “Tướng Giáp là cả một văn phòng“.
Tuổi 20 nồng nàn nhiệt huyết
Từ những điều ít ỏi được biết về “thời thanh niên sôi nổi” của Đại tướng, chúng ta có thể thấy rằng, thiên tư của một người trẻ tuổi chẳng là gì khác ngoài tinh thần hiếu học, ý chí nỗ lực vươn lên không ngừng, hăng hái đấu tranh vì một cuộc sống tốt đẹp hơn không phải chỉ cho chính mình mà cho toàn thể dân tộc, cùng đất nước.
Mùa hè năm 1925, Võ Nguyên Giáp thi đỗ vào trường Quốc học Huế. Cậu đỗ thứ nhì, loại khá. Nhập học, tháng nào cậu cũng đứng đầu lớp, có tên hàng đầu trên bảng danh dự, được cấp học bổng. Và không phải là một cậu thiếu niên học giỏi nhưng lúc nào cũng chỉ cắm đầu vào sách vở mà thờ ơ với thế sự: Ngoài việc học, Võ Nguyên Giáp sớm có sự quan tâm đến các vấn đề chính trị – xã hội, đến đất nước thuở ấy đang trong cảnh nô lệ. 14-15 tuổi, cậu đã tìm gặp nhà chí sĩ Phan Bội Châu để hàng tuần nghe cụ nói chuyện. “Biệt nhãn” của cụ Phan cũng đã sớm nhận ra tinh thần cách mạng hay một thiên tư nào đó tiềm ẩn trong con người Võ Nguyên Giáp. Trung tướng Phạm Hồng Cư kể lại, hồi đó, “anh Giáp được cụ Phan chú ý và rất thương. Cụ có mấy chục bộ sách cổ kim, thấy anh Giáp hăng hái, nhiệt tình và ham học, cụ bảo: “Khi nào tôi mất, tủ sách này để lại cho cậu Giáp”“. TS sử học Robert J. O’Neill cho rằng: “Khi Giáp còn đi học, tư tưởng dân tộc chủ nghĩa đã được hình thành một cách có sức thuyết phục và đầy cảm hứng bởi cụ Phan Bội Châu“. Nhưng sự thực có lẽ còn hơn thế: Sáng dạ, tinh thần ham hiểu biết, chịu khó học hỏi, mối quan tâm đến quốc gia, dân tộc, tất cả những phẩm chất ấy cộng thêm những tâm sự của nhà cách mạng già Bến Ngự đã hun đúc nên ở Võ Nguyên Giáp một năng lực chính trị vượt trước tuổi, trước đa số các bạn thanh niên cùng thế hệ.
Tuổi 20 của Võ Nguyên Giáp, như Trung tướng Phạm Hồng Cư đã viết, là một thời kỳ sôi nổi, làm việc cật lực: “Làm nhiều việc cùng một lúc: vừa học thi, vừa đi dạy, vừa viết báo, vừa hoạt động cách mạng. Là chiến sĩ cách mạng, là thầy giáo dạy sử, là nhà báo, là sinh viên…” (3). Nếu chỉ là một chàng thanh niên thông minh, học giỏi, nhưng thờ ơ với “chuyện chính trị”, Võ Nguyên Giáp hẳn không bao giờ làm việc hết mình, sống hết mình để có một tuổi trẻ như thế, và nhiều khả năng là chúng ta sẽ chỉ có một “thầy ký, thầy thông, thầy cãi” vô danh thay vì một vị tướng tài ba, một nhà chính trị chiến lược như Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Năm 1927, Võ Nguyên Giáp viết bài báo đầu tiên, bằng tiếng Pháp: “À bas le tyranneau de Quoc hoc!” (Đả đảo tên tiểu bạo chúa trường Quốc học!), gửi đăng ở tờ L’Annam của luật sư Phan Văn Trường tại Sài Gòn. Bài báo tố cáo mạnh mẽ nền giáo dục ngu dân của những kẻ cai trị. Sau đó, anh tổ chức một phong trào bãi khóa để phản đối việc nhà trường đàn áp học sinh, đuổi học Nguyễn Chí Diểu, cấm học sinh đọc sách báo yêu nước v.v. Với vai trò người cầm đầu, anh bị đuổi học. Nhưng không gì có thể dập tắt khát vọng học tập, đấu tranh, làm cách mạng giải phóng trong lòng người thanh niên yêu nước. Cũng Trung tướng Phạm Hồng Cư kể lại, những ngày ấy, anh Giáp vùi đầu vào tự đọc, tự học, lên một kế hoạch học tập rất nghiêm. Anh đọc đi đọc lại, thuộc lòng từ đầu chí cuối cuốn kịch thơ Andromaque của Racine, Le Cid của Corneille. Anh tập làm văn theo cuốn Stylitstique (Tu từ học). Anh liên lạc để tự học theo một trường giáo dục phổ cập bên Pháp… Cũng thời gian này, anh bắt đầu làm quen với chủ nghĩa Marx. Rồi anh gia nhập đảng Tân Việt, một đảng mà theo anh là có khuynh hướng xã hội chủ nghĩa rõ rệt, hướng tới sứ mệnh làm cách mạng quốc gia và cách mạng thế giới. Ở Tân Việt, Võ Nguyên Giáp làm công tác tuyên huấn, viết tài liệu tuyên truyền cách mạng. Từ năm 1928, anh kiêm thêm vai trò biên tập viên của Tiếng Dân, tờ báo của cụ Huỳnh Thúc Kháng.
Song song với làm cách mạng, anh Giáp vẫn tự học Tú tài, và năm 1933, anh đỗ Tú tài phần thứ nhất, hạng ưu, với tư cách thí sinh tự do. Niên khóa 1933-1934, anh học chuyên khoa triết tại trường Trung học Albert Sarraut ở Hà Nội, năm 1934, đỗ Tú tài toàn phần. Đây là một bước đệm để anh tiến tới trở thành sinh viên của Đại học Luật khoa Đông Dương.
Chăm chỉ, ham mê, và xuất sắc
Những người thầy cũng như bạn học cũ củaVõ Nguyên Giáp đã dành nhiều lời tốt đẹp để nói về anh Giáp. GS, NGND Nguyễn Thúc Hào, bạn Võ Nguyên Giáp ở trường Quốc học, kể: “Trong kỳ thi vào Quốc học, tôi đỗ đầu còn anh Võ Nguyên Giáp đỗ thứ hai. Tôi còn nhớ anh Giáp trắng trẻo như con gái, tuy đỗ thứ hai, nhưng suốt cả năm học đệ nhất niên, tháng nào anh cũng được làm “major”, nghĩa là đầu lớp, mà tôi thì luôn luôn đứng thứ hai… Anh Giáp hơn tôi một tuổi, nhưng đã có những suy nghĩ của người lớn, còn tôi lúc ấy chỉ là một cậu bé chăm học và ngoan, dễ bảo thế thôi. Các giáo sư Việt cũng như Pháp đều tỏ vẻ bằng lòng đối với hai chúng tôi, nhất là đối với anh Giáp, học giỏi“.
GS Marcel Ner, từng dạy triết ở trường Albert Sarraut, rất quý mến Giáp. Có bài của trò Giáp được GS chấm 17 điểm, vượt hẳn người thứ nhì chỉ được 14 điểm. Ông từng kể lại với ký giả Pháp gốc Việt Gérard Le Quang – tác giả của cuốn Giáp hay chiến tranh nhân dân (1973): “Giáp là một cậu học trò nghiêm chỉnh và say mê việc học hành. Đã xảy ra một chuyện lạ, khiến chúng tôi xích lại gần nhau. Khi thanh tra đang dự lớp tôi, tôi hỏi bài anh Giáp. Anh đứng dậy, nhưng chưa nói được câu nào, đã ngất đi … Trước đó, Giáp từng bị kết án, bị cầm tù, vì đã cùng với một số bạn học quyên góp từng xu cứu tế cho những nạn nhân người An Nam tham gia nổi dậy ở xứ Nghệ. Nay Giáp, cho dù ngập vào việc học hành, vẫn thức rất khuya để chữa bài (cho học trò con nhà khá giả) để phụ thêm vào khoản trả học phí…“. (4)
Vừa học đại học, vừa dạy thêm, vừa viết báo chính trị và làm cách mạng, Võ Nguyên Giáp hầu như không còn thời gian rảnh rỗi. Và không phải không có lúc anh kiệt sức, chuệch choạc. Gérard Le Quang viết:
“Ai cũng biết rằng sự nghiệp chính trị và đường học vấn không phải lúc nào cũng song hành, nhất là khi anh lại còn phải kiếm sống nhờ dạy học. Đây hẳn là lý do khiến Giáp đã phải đúp năm thứ hai, do không qua được kỳ thi tháng 10“.
Tuy thế, tinh thần ham mê học tập, năng lực tổ chức và khả năng làm việc gấp đôi, ba người thường, khiến Võ Nguyên Giáp luôn là một sinh viên nổi bật. Theo Gérard Le Quang, “Giáp học khá, đặc biệt xuất sắc ở những môn mà ông say mê, và vào những lúc mà, sau các hoạt động chính trị, vẫn lại thời gian dành cho học tập. Giáo sư Grégoire Kherian dạy kinh tế chính trị và luật vẫn còn nhớ về Giáp như một học trò ưu tú: “Vào năm thứ hai (1935), Giáp đã làm một luận văn xuất sắc về cán cân thanh toán Đông Dương. Tôi đã cho anh ấy tới 17 điểm với nhận xét sau đây: “Một chuyên luận xuất sắc về một đề tài ít được biết đến. Bài có cách trình bày sáng sủa, có phương pháp, và có cá tính”. Bài được giải nhất trong cuộc thi Kinh tế chính trị học cuối năm đó“.
GS luật Gaetan Pirou, quan chức cấp cao của Pháp sang thanh tra Đông Dương về giáo dục, đã chú ý đến Giáp và đề xuất việc đưa anh sang Paris du học, “ra khỏi môi trường thuộc địa“. Sau một ngày suy nghĩ, Giáp từ chối. Le Quang cho rằng đây chính là thời điểm Võ Nguyên Giáp quyết chí lựa chọn con đường cách mạng.
Lời kết
Nhiều năm sau trận Điện Biên Phủ lẫy lừng, giới nghiên cứu phương Tây vẫn đặt câu hỏi, điều gì làm nên thiên tài quân sự cùng tầm nhìn chiến lược của nhà chính trị Võ Nguyên Giáp?
Họ, cũng như chúng ta, chẳng thể nào đưa ra câu trả lời chính xác cuối cùng. Nhưng từ những điều ít ỏi được biết về “thời thanh niên sôi nổi” của Đại tướng, chúng ta có thể thấy rằng, thiên tư của một người trẻ tuổi chẳng là gì khác ngoài tinh thần hiếu học, ý chí nỗ lực vươn lên không ngừng, hăng hái đấu tranh vì một cuộc sống tốt đẹp hơn không phải chỉ cho chính mình mà cho toàn thể dân tộc, cùng đất nước.
Đoan Trang
(Blog Trang the Ridiculous)
—
Chú thích:
[1] “General Giap – Politician and Strategist” do NXB Cassel Australia xuất bản năm 1969.
[2] “Đại tướng Võ Nguyên Giáp thời trẻ” – Phạm Hồng Cư, NXB Thanh Niên, 2004.
[3] “Đại tướng Võ Nguyên Giáp thời trẻ” – Phạm Hồng Cư, NXB Thanh Niên, 2004
[4] “Giap ou la guerre du peuple”, NXB Denoël, Paris, 1973.