Cải cách giáo dục đang là đòi hỏi bức thiết từ cuộc sống. Trong ảnh: các cử nhân khoa báo chí và truyền thông khóa 2005-2009 Trường ĐH Khoa học xã hội & nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) trong ngày tốt nghiệp – Ảnh: Thuận Thắng

Đề nghị đó xuất phát từ nhận thức: yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong bối cảnh thế giới hội nhập và phát triển, có nhiều cơ hội nhưng cũng lắm thách thức, buộc nền giáo dục quốc dân phải được cải cách để chuyển sang một mô hình mới.

Chưa thể hiện tầm quan trọng của giáo dục

Bước vào giai đoạn mới, giai đoạn xây dựng và phát triển đất nước trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng, khoa học và công nghệ ngày càng tiến triển mạnh mẽ, nhiều cán bộ, đảng viên, nhất là những người hoạt động trong lĩnh vực khoa học và giáo dục, đều thấy rằng để đưa đất nước thoát khỏi tình trạng lạc hậu, kém phát triển thì con người là yếu tố quyết định.

Muốn vậy cần phải có một nền giáo dục trung thực, lành mạnh và hiện đại, đủ sức tạo ra chất lượng và hiệu quả thật sự trong sứ mệnh nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, góp phần xây dựng văn hóa và con người VN. Tiếc rằng trong các dự thảo văn kiện, phần viết về giáo dục chưa thể hiện được điều đó.

Năm 1992, Đại hội VII của Đảng đã khẳng định: “Cùng với khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo phải được coi là quốc sách hàng đầu”.

Hiện tại đã có hàng chục quốc gia, dẫn đầu là các nước phát triển, đang tiến hành cải cách giáo dục đâu có phải vì các nước ấy yếu kém, mà chính là vì họ theo đuổi mục đích không ngừng làm giàu nguồn vốn con người, bằng cách tăng lên gấp bội tiềm năng tri thức và tư duy sáng tạo của mọi công dân trên nền tảng nhân cách lương thiện, nhằm làm cho đất nước phát triển nhanh hơn, vững bền hơn, có khả năng cạnh tranh mạnh mẽ hơn.

Kiên trì quan điểm đó, trong suốt bốn nhiệm kỳ vừa qua, BCH trung ương các khóa đã không ngừng bổ sung và làm rõ chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới giáo dục. Tuy nhiên, cho đến nay nền giáo dục nước ta vẫn trong tình trạng yếu kém, lạc hậu.

Dù còn thiếu triệt để, dự thảo báo cáo chính trị cũng đã phản ánh được phần nào thực trạng khi nhận định: “Trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo, chưa giải quyết tốt mối quan hệ giữa tăng số lượng, quy mô với nâng cao chất lượng, giữa dạy chữ và dạy người.

Chương trình, nội dung, phương pháp dạy và học lạc hậu, đổi mới chậm; cơ cấu giáo dục không hợp lý giữa các lĩnh vực, ngành nghề đào tạo; chất lượng giáo dục toàn diện giảm sút, chưa đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Quản lý nhà nước về giáo dục còn lúng túng. Chưa có biện pháp khắc phục xu hướng thương mại hóa và sa sút về đạo đức trong giáo dục”.

Điều đáng tiếc, có thể vì phải đề cập đến nhiều vấn đề khác, dự thảo văn kiện không nêu rõ vì sao giáo dục lại như vậy. Về nguyên nhân dẫn đến tình trạng yếu kém, lạc hậu trong lĩnh vực giáo dục, vốn đã được chỉ ra từ Đại hội X, mà nhiệm kỳ vừa qua chưa khắc phục được, đó là do còn thiếu một tầm nhìn tổng thể, một kế hoạch đồng bộ dẫn đến cách đổi mới chắp vá (1).

Cũng cần nói thêm, quan điểm đúng đắn về vị trí và vai trò của giáo dục còn ngừng lại ở các văn kiện, chưa được triển khai đầy đủ trên thực tế, nhân dân không khỏi có suy nghĩ: phát triển giáo dục chưa thật sự là mối quan tâm hàng đầu và thường trực của các cấp lãnh đạo.

“Cải cách” hay “đổi mới”?

Cách đây gần bốn năm, trong nghị quyết về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi VN là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới, Hội nghị BCH trung ương lần 4 (khóa X) đã yêu cầu: “Khẩn trương xây dựng đề án tổng thể cải cách giáo dục và đào tạo”.

Sau đó, Chính phủ đã đưa vấn đề này vào chương trình hành động triển khai nghị quyết của trung ương.

Gần đây, Bộ Chính trị lại tái khẳng định sự cần thiết thực hiện chủ trương cải cách giáo dục khi bàn về phương hướng phát triển giáo dục đến năm 2020 (2).

Nhưng đến nay ở các dự thảo văn kiện chuẩn bị cho Đại hội XI của Đảng vừa được công bố, vấn đề cải cách giáo dục không hề được đặt ra, thay vào đó vẫn chỉ tiếp tục đề cập đến “đổi mới – đổi mới căn bản, toàn diện, mạnh mẽ”.

Phải chăng nhận thức và cách đặt vấn đề ở các dự thảo văn kiện không nhất quán với các chủ trương, quan điểm về giáo dục trước đây? Hay là dự thảo văn kiện được xây dựng trên cơ sở quan niệm giữa “đổi mới” và “cải cách” không có gì khác nhau?

Từng có ý kiến cho rằng “đổi mới” hay “cải cách” chỉ là vấn đề từ ngữ, miễn là thống nhất về nội dung.

Thật ra không phải như vậy. Cải cách giáo dục là quá trình tạo ra giai đoạn phát triển mới về chất của một nền giáo dục. Đó là sự thay đổi cơ bản, sâu sắc và toàn diện về mô hình phát triển giáo dục, bao gồm thay đổi về mục tiêu, nguyên lý hoạt động, về cơ cấu hệ thống, về nội dung chương trình, phương pháp dạy và học, về cách thức đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng và đãi ngộ giáo viên, về cách thức tổ chức và quản lý nhà trường…

Tất nhiên muốn thế phải có những thay đổi lớn về quan điểm và chính sách. Với cách hiểu như vậy, những chủ trương đổi mới như đã thực hiện do không đồng bộ lại dựa trên cơ sở những quan điểm và chính sách đã bị cuộc sống vượt qua, nên không thể xem là cải cách, cho dù những nhà hoạch định cho rằng chủ trương được vạch ra là “căn bản, toàn diện, mạnh mẽ”.

Xin nêu một ví dụ: trong dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 2011-2020 có viết: “Tích cực chuẩn bị để từ sau năm 2015 thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới”.

Mong muốn là vậy nhưng nếu không đặt việc đó trong khuôn khổ một cuộc cải cách giáo dục, nghĩa là không xác định lại mục tiêu, nguyên lý giáo dục, không xác định lại cơ cấu của giáo dục phổ thông (mấy lớp, mấy cấp, mấy ban?), không thay đổi gì về đào tạo, sử dụng, đãi ngộ giáo viên, không xác định được mươi, mười lăm năm sau năm 2015 đất nước chờ đợi gì ở các thế hệ học sinh do nhà trường phổ thông đào tạo ra thì làm sao có được bộ chương trình và sách giáo khoa thật sự là mới?

Những khuyết tật và tình trạng quá tải của chương trình và sách giáo khoa hiện hành, sản phẩm của cách đổi mới vừa qua, khiến chúng ta không thể không phân vân, ngần ngại khi đọc những dự kiến đổi mới như thế về giáo dục được nêu ra trong dự thảo chiến lược.

Không thể chậm trễ hơn

Nếu không chuyển từ mô hình giáo dục hiện nay sang mô hình phát triển mới, năng động hơn, chất lượng và hiệu quả hơn thì làm sao có thể “phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao” như đã được xác định là một đột phá trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 2011-2020?

Hơn nữa, cải cách giáo dục còn là yêu cầu bức thiết của thời đại để thế hệ mới ứng phó thành công trước những thay đổi nhanh chóng và khó lường của một thế giới bị tác động bởi quá trình toàn cầu hóa, bởi bước chuyển sang kinh tế tri thức, bởi cách mạng công nghệ thông tin và truyền thông, cùng những bài toán toàn cầu liên quan đến sự phát triển bền vững như dân số, môi trường, thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh…

Trước những đề nghị kiên trì của nhiều nhà giáo, nhà khoa học, nhà hoạt động văn hóa xã hội trong nước và cả ngoài nước, có một số đồng chí lãnh đạo cho rằng cải cách giáo dục trước đây có nhiều khuyết điểm, chẳng hạn như thay đổi chữ viết… nay lại đặt vấn đề cải cách sẽ gây rối rắm, không ổn định.

Nếu đây đúng là lý do được cân nhắc để không đề ra chủ trương tiến hành cuộc cải cách giáo dục mới, thì rõ ràng là không xác đáng.

Mặc dù có những mặt hạn chế, nhưng kết quả của ba cuộc cải cách giáo dục trước đây gắn liền với thành tựu chung của đất nước qua từng giai đoạn phát triển là không thể chối cãi.

Với những lý do trình bày như trên, tôi cùng với nhiều nhà giáo, nhà khoa học tâm huyết vẫn kiên trì kiến nghị với Bộ Chính trị, Ban chấp hành T.Ư: Phải đề xuất trong các văn kiện trình Đại hội XI có chủ trương tiến hành một cuộc cải cách giáo dục cơ bản và toàn diện trong thời gian tới.

Đây là một yêu cầu khách quan, không thể chậm trễ hơn.

Khi đề nghị Đảng có chủ trương về cải cách giáo dục, chúng tôi cũng hiểu rằng cải cách giáo dục là một công việc to lớn, liên quan đến tiền đồ dân tộc, riêng ngành giáo dục không thể lo được mà tất cả các cơ quan của Đảng và Nhà nước đều phải có trách nhiệm và phải có sự tham gia của toàn xã hội.

Do đó để tiến hành cải cách giáo dục, sau khi Đại hội Đảng có nghị quyết, cần lập ra một tổ chức, một hội đồng quốc gia có đủ năng lực, thẩm quyền và điều kiện, nhằm giúp Chính phủ nghiên cứu đề xuất những chủ trương, kế hoạch và lộ trình tiến hành trình Quốc hội theo như luật định để triển khai thực hiện.

NGUYỄN THỊ BÌNH

(nguyên phó chủ tịch nước)

Tuổi trẻ Online, 20/09/2010