Đem hai nhân vật Ben Ali và Mubarak ra so sánh khá là thú vị.

Hai ông này đều khởi nghiệp từ quân đội : Ben Ali làm tình báo còn Mubarak làm phi công. Ben Ali đã đứng đầu cơ quan an ninh quân đội, còn Mubarak đã làm đến tư lệnh không quân. Ben Ali vươn lên quyền lực tối cao bằng cách phản bội lại tổng thống Bourguiba người vừa nâng ông lên chức Thủ tướng. Mubarak thì ngược lại, ông trung thành với thượng cấp của mình là tổng thống El Sadat đến phút chót, chia sẻ cả hòn đạn cuối cùng khi Sadat bị một nhóm binh sĩ có liên quan đến một đảng hồi giáo, ám sát.

Ông Mubarak và Ông Ben Ali

Khi nắm được quyền, hai ông này xây dựng quyền lực của mình dựa vào quân đội.  Cả hai không ngần ngại sử dụng vũ lực để đàn áp những người bất đồng chính kiến, kể từ nhà chính trị, nhà báo, trí thức cho đến các đảng phái hồi giáo. Tuy điểm về dân chủ rất kém, nhưng hai ông này vẫn được Mỹ ủng hộ, vì được coi là thành lũy trước lực lượng hồi giáo cực đoan. Mỹ viện trợ cho Ai Cập hai tỷ đô la mỗi năm. Tunisie là một nước nhỏ, cả về số dân (dưới 10 triệu), lẫn ảnh hưởng chính trị. Nhưng từ mười năm trở lại đây, kinh tế phát triển rất tốt. Thu nhập đầu người bình quân tăng lên gấp ba so với mười năm trước , và bây giờ cũng khoảng gấp ba so với Việt Nam. Đi cùng với nó, gia đình của tổng thống Ben Ali và gia đình của bà vợ Trabelsi nổi tiếng tham nhũng. Ai Cập là một nước đông dân, cỡ Việt Nam, có ảnh hưởng lớn về văn hóa và chính trị đến các nước châu Phi và Trung đông.

Người biểu tình đòi lật đổ ông Mubarak

Ông Bourguiba ngày xưa đã phải cưỡi lạc đà sang Ai Cập để từ đó xây dựng phong trào đấu tranh dành độc lập cho Tunisie. Ông Mubarak có vai trò lớn trong các cuộc đàm phán giữa Israel và Palestine vì vai trò lãnh đạo của Ai Cập trong thế giới Ả rập và vì Ai Cập đã ký hòa ước và công nhận sự tồn tại của nhà nước Do thái. Gia đình ông Mubarak có vẻ không có điều tiếng gì về tham nhũng. Trước sự nổi dậy của dân chúng, ông Ben Ali đánh bài lủi rất nhanh. Ông Mubarak thì tuyên bố sống ở Ai Cập, chết ở Ai Cập. Kết cục của ông Mubarak như thế nào, chắc tuần sau sẽ rõ.

Hai con người, có vẻ như khác nhau về cốt cách, nhưng trong bối cảnh chính trị tương đối giống nhau, đã dựng lên thể chế tương đối giống nhau. Để rồi có kết cục tương đối giống nhau. Xem hai ông, ta không thể không liên tưởng đến anh bạn cũ Smilodon.

Smilodon

Xương sọ con Smilodon

Trong các sách về lý thuyết tiến hóa, Smilodon còn gọi là hổ nanh kiếm là một trường hợp thú vị. Đặc trưng cho con thú này là đôi nanh dài như thanh gươm, nhọn và sắc lẹm ở mặt trong, trông mà hãi. Giải phẫu của nó cũng khác với họ hàng là anh hổ và anh sư tử. Hai chi trước dài hơn hẳn hai chi sau nên trông có phần nào hơi giống cả anh gấu. Nhìn qua thì thấy đây là một tay sát thủ chuyên nghiệp.

Nghiên cứu kỹ hơn, các chuyên gia cổ sinh học phát hiện ra rằng tuy trông ghê gớm như vậy nhưng thật ra, răng của con Smilodon này kém xa hổ và sư tử, nó may ra chỉ cắn khoẻ bằng con chó. Thêm nữa, cái chi sau ngắn hơn hẳn chi trước khiến nó không thể chạy nhanh và chạy xa. Giải thích sao đây cái cấu trúc giải phẫu kỳ lạ của anh chàng này.

Giả thuyết được nhiều người ủng hộ là như sau. Con Smilodon đã thích nghi với cuộc sống đặc biệt của nó tức là thường xuyên phải chiến đấu với những đối thủ to hơn nó như con bò mộng hay con voi ma-mút. Nó tấn công chớp nhoáng, dùng bộ chi trước vật ngã đối thủ, và đôi nanh để kết liễu trong tích tắc.  Nếu đối thủ gượng lại được thì con Smilodon của chúng ta đi tong. Vì thế nó không thể dùng phương án giằng xé của anh hổ và anh sư tử.

Điểm đáng chú ý là loài Smilodon đã tuyệt chủng hoàn toàn trong một khoảng thời gian rất ngắn, chỉ từ năm mươi đến một trăm năm. Sự thích nghi tối đa với một môi trường đặc biệt không cho phép nó thay đổi kịp với môi trường. Con Smilodon ghê gớm là thế, mà cuối cùng cũng phải chịu thua con tiến hóa.

Có giả thuyết cho rằng con Smilodon chết vì bệnh sâu răng.

Blog Thích Học Toán