Thằng Tý ở làng Đông với mình. Nó bị mù hai mắt, mù bẩm sinh, mắt nó toàn lòng trắng như hai quả trứng chim cút. Năm 1966 nhà mình từ Ba Đồn sơ tán lên làng Đông thì mẹ nó cũng đem nó về làng. Không rõ mẹ nó ở đâu về, chỉ thấy một mẹ một con, nhà ở ven đường cuối làng, cạnh cây cừa cực to.
Nó suốt ngày ngồi ở gốc cây cừa trước nhà thổi sáo. Thổi rền rĩ bài này sang bài khác, đến khi kiệt sức thì nó ngủ. Nó ngồi tựa gốc cây cừa cứ thế ngủ. Nó ngủ không nhắm mắt, đôi mắt trăng nhỡn của nó mở to trông ra cánh đồng. Tuồng như nó không đi đâu, cứ ngồi thế, ăn ngủ ở đấy luôn, mạ nó van lạy thế nào nó cũng chịu vào nhà, trừ khi mưa gió.
Mình qua lại rất nhiều lần, vẫn biết nó là thằng Tý nhưng chưa khi nào chào nó. Một hôm mình đi qua, thấy nó thổi sáo hay quá bèn đứng lại nghe, chỉ đứng im sau lưng nó, không hề lên tiếng. Nó ngừng thổi, nói Lập à, ngồi xuống đây chơi. Mình quá ngạc nhiên, chẳng những nó biết có người sau lưng, còn biết người đó là ai. Mà mình cũng chỉ mới tới làng chừng một tháng, đã quen biết gì nhau đâu, chả hiểu vì sao nó nhận ra hơi hướng của mình, quá tài. Mình ngồi xuống, nói răng mi biết tau, tài rứa. Nó cười hiền lành, thò trong túi lấy củ khoai bẻ đôi đưa cho mình một nửa, nói ăn đi, ngon lắm.
Từ đó thân nhau, mình chơi đâu cũng đem nó đi theo. Đánh du kích, mình luôn cùng phe với nó, chẳng khi nào thua. Nó biết đứa nào đang núp đâu, làm gì, dù có bí mật đằng giời nó cũng nhận ra, thành thử trăm trận trăm thắng, he he.
Thằng Tý câu cá kì tài, không thấy phao động cựa, chỉ cần ” nghe” cần câu rung là nó biết cá đang cắn câu hay đang rỉa mồi, mỗi lần nó giật cần câu, trăm phát như một đều có cá. Cũng chả cần động tới cá, chỉ cần ” nghe” cần câu rung nặng nhẹ là nó biết cá gì mắc câu. Lâu lâu nó giật một phát, reo to a a a cá rô… a a a cá diếc… a a a cá tràu ( cá lóc). Mình ngồi câu cùng nó cả buổi may lắm chỉ được đôi con, nó thì cá đầy oi ( giỏ đựng cá). Có hôm thấy nó giật được lắm cá mà mình chẳng được con nào, mình ngồi lặng nước mắt giân giấn. Thế mà nó biết mình khóc, liền thả cần câu đi lại ôm lấy mình, nói tau với mi câu chung mà, cá của tau cũng là cá của mi. Mình nói không phải rứa, chỉ tại cá không cắn câu thì buồn thôi. Nó nói buồn chi hè, trời không cho tau mắt thì cho tau cá, rứa thôi.
Nhưng nó buồn nhiều hơn mình. Nhiều khi đang hò hét tưng bừng nó bỗng khựng lại, lặng thinh, hai mắt toàn lòng trắng của nó sũng nước. Một hôm mình với nó đang ngồi câu cá trên bờ mương, một đàn cò trắng mấy trăm con không biết từ đâu sà xuống đậu trắng bờ mương bên kia. Mình reo lên, nói a cò trắng cò trắng. Nó cũng reo lên, nói a cò trắng cò trắng. Rồi nó hỏi cò trắng ra răng. Mình nói cò trắng là cò trắng chơ răng. Nói nói nhưng mà màu trắng ra rằng. Mình nói như cát trắng, như giấy trắng đó mi không biết à. Nó nhăn răng cười, chợt nó im lặng, bật khóc. Mình đứng ngẩn ngơ không biết nói với nó sao. Nó bỗng gạt nước mắt nhảy lên reo hò, chạy đi chạy lại reo hò như người cuồng, nói a tau biết rồi, cò trắng giấy trắng cát trắng… a tau biết rồi, cò trắng giấy trắng cát trắng. Rồi nó rơi sấp xuống bờ mương nằm chết giấc, rất lâu sau nó lật ngửa người lẩm bẩm, nói tau biết trắng là răng rồi, cò trắng cát trắng giấy trắng. Mặt nó đầm đìa nước mắt.
Nhiều hôm máy bay bỏ bom, ai nấy bỏ chạy tan tác, nó mặc kệ, cứ ngồi yên một chỗ. Vừa hết bom mình chui ra khỏi hầm đã nghe tiếng sáo của nó rồi. Một lần vừa dứt bom mình chạy đến chỗ nó, nói mi không vô hầm à. Nó ngồi im, sau nó thở hắt, nói răng bom thả nhiều rứa mà tao không chết hè. Mình trợn mắt lên, nói mi thích chết à, điên à. Nó nhăn răng cười, lặng lẽ cầm tay mình, nói ừ, chết mần chi, tau chết mạ tau buồn lắm.
Nhớ nhất là những ngày tết. Năm nào cũng thế, cứ chiều ba mươi mình cầm tay nó chạy từ đầu làng đến cuối làng. Nhà nào cũng dừng lại trước ngõ thi nhau ngửi ngửi, nói a nhà ni nấu xôi… a nhà ni kho cá… a nhà ni chiên thịt gà. Nhà ông cu Hối chiều ba mươi nào cũng làm thịt chó giải xui. Mùi thịt chó nấu với riềng sả thơm nức, hai đứa thi nhau ngửi, vừa ngửi vừa nuốt nước bọt ừng ực, nói ngon hè ngon hè. Mình nói nhà mi có chi, nó nói có xôi. Mình nói có chi nữa, nó nói có thịt lợn luộc. Mình nói có chi nữa, nó nghĩ mãi không ra, nhăn răng cười, nói rứa thôi. Những khi như thế đôi mắt đầy lòng trắng của nó lại ướt sũng nước.
Ngày mồng một tết là ngày thắng Tý vui nhất. Bà con qua lại ai cũng cho tiền mừng tuổi nó, ít thì năm xu nhiều thì hai hào. Nó ngồi giữa nhà lần từng xu từng hào, mân mê không biết chán, nói năm xu nha… một hào nha… hai hào nha… a sắp được ba đồng rồi. Nó ngửi áo mới, nói áo tao đẹp không. Mình nói đẹp. Nó nói áo mi đẹp không. Mình nói đẹp. Nó nói áo mạ tao đẹp không. Mình nói đẹp. Nó cười hì hì, nói mi nói láo, mạ tao không có áo mới. Mình nói răng mi biết. Nó nói tao biết mùi áo mới. Rồi nó nhăn răng cười, nói nhưng tao nỏ biết đẹp là răng. Cứ mỗi lần nhớ đến câu này của nó là mình ứa nước mắt.
Hơn ba chục năm sau, tết năm ngoái mình lại về làng Đông. Làng xóm bây giờ không còn như xưa nữa, hình như nó teo lại bé tí, trống hoác và xơ xác. Vẫn có nhiều nhà giàu lên, nhà cửa to cao nghễu nghện nhưng vẫn không giấu được vẻ tiều tuỵ của ngôi làng. Cánh đồng trước làng bạc phếch, rừng trâm bầu sau làng biến mất tăm, chỉ còn trơ lại đôi ba gốc cây còi cọc. Đường vào làng không một bóng cây, cây cừa trước nhà thằng Tý ai đã chặt đi mất, cả cái đìa cá nhà nó cũng khô rang, toen hoẻn như hố trâu đằm.
Thằng Tý đã già, người nhỏ quắt lại, tóc bạc trắng để dài xoả kín lưng. Nó vẫn ngồi nơi gốc cây cừa ngày xưa thổi sáo, đôi mắt trắng nhỡn của nó vẫn mở to nhìn ra cánh đồng. Mình rón rén đi đến đứng sau lưng nó. Lúc đầu mải thổi sáo nó không biết, sau, nó đột nhiên dừng lại quờ tay rờ hai chân mình, nói Lập phải không.. Lập phải không… a thằng Lập, cha tổ mi.
Mình ôm lấy nó, nói tau đây, mi răng rồi, tóc bạc trắng cả rồi nì. Nó nhăn răng cười, nói ừ, tau biết rồi, cò trắng giấy trắng cát trắng, giờ thì tóc trắng. Nó nói xong câu đó thì im lặng, đôi mắt đầy lòng trắng của nó ướt sũng nước. Rất lâu sau nó mới cất tiếng, nói tau vẫn chưa chết, mạ tau chết lâu rồi mà tau vẫn chưa chết…
Nguyễn Quang Lập