Những ngày ở chiến trường trong chiến tranh chống Mỹ, ở chỗ chúng tôi có một vị tướng rất lạ, tướng Chu Huy Mân, tư lệnh Khu 5. Ông vào mặt trận trong những năm rất ác liệt, mang theo cả một tủ sách quý, trong đó quý nhất đối với ông là các tác phẩm của L. Tolstoi Chiến tranh và Hòa bình, Anna Karenina, và cả Phục sinh. Ông yêu quý cả ba, nhưng cũng dễ hiểu, ông coi Chiến tranh và Hòa bình là sách gối đầu giường. Tôi thường muốn hiểu, không chỉ ông tìm đâu ra được thời gian và cả tâm trí ở một vị tướng chỉ huy một chiến trường hết sức khắc nghiệt trong một cuộc chiến cực kỳ phức tạp để có thể đọc kỹ, đọc đi đọc lại rất nhiều lần, đến như thuộc lòng cuốn tiểu thuyết đồ sộ ấy, mà còn quan trọng hơn, ông tìm thấy gì ở đấy để có thể nhiều lúc còn quan tâm suy nghĩ về nó nhiều hơn cả về những công việc cấp bách của chiến trường?

Rất lạ, nhiều hôm ông chống gậy sang chỗ tôi, hoặc gọi tôi sang chỗ ông, và nói với tôi về Chiến tranh và Hòa bình. Những nhân vật và những chương, đoạn ông tâm đắc nhất. Koutozov và Andrei Bolkonski. Một phần Pierre Bezukhov. Cả Natasha nữa. Tôi sẽ nói vì sao. Ông rất thích cái đoạn trước trận đánh lớn Austerlitz, vị tướng tổng tư lệnh già Kutozov cứ ngồi gà gật ngủ gục trong khi các tướng trẻ, có cả Bagration, sôi nổi và ba hoa tranh luận nào là về chiến lược chiến thuật cao siêu rắc rối, nào là về thế trận này thế trận nọ hiểm yếu…

Cuối cùng tổng tư lệnh tỉnh dậy, ngáp dài, tuyên bố: “Điều quan trọng nhất trước một trận đánh lớn là… đi ngủ một giấc thật ngon. Giải tán!”. Ông cười lớn: Rất đúng. Tuyệt vời! Ông cũng thường nhắc đến quyết định của Kutozov bỏ thủ đô Moskova bất chấp mọi phản đối của cả triều đình, quyết định không tiến công mà chỉ đuổi theo cách một đoạn nhất định vừa đủ để thúc cho đoàn quân của Napoléon chạy ra khỏi biên giới Nga và tự nó tan rã. Ông bảo: Một vị tướng thiên tài. Không chỉ thế, một tư tưởng chiến tranh vĩ đại!… Và trận Borodino, tất nhiên…

Dần dần tôi hiểu ra điều này: ở Chiến tranh và Hòa bình mà ông coi là cuốn tiểu thuyết lớn nhất của mọi thời đại, vị tư lệnh chiến trường của chúng tôi những ngày ấy không chỉ muốn tìm thấy những gợi ý về chiến lược chiến thuật từ cuộc chiến tranh vệ quốc của nước Nga năm 1812 cho cuộc chiến tranh cũng là vệ quốc mà nay chính ông đang làm. Ông muốn và tìm thấy ở đấy điều quan trọng hơn rất nhiều: triết lý chiến tranh, mà ông nhận ra sự tương tự giữa cuộc chiến tranh được Tolstoi mô tả thật tuyệt vời kia với cuộc chiến tranh chính ông đang tham gia hôm nay. Tôi xin nói điều này: những ngày ấy ở chiến trường, chúng tôi suy nghĩ rất nhiều về chính điều đó. Tôi nhớ có điều thật lạ: có những năm tháng cực kỳ đen tối, thậm chí hầu như bế tắc, đặc biệt sau Mậu Thân, khoảng từ 1969 đến 1972, nhưng chưa bao giờ chúng tôi mất niềm tin rằng chúng tôi, chúng ta sẽ thắng, cuối cùng nhất định chúng ta sẽ thắng. Chưa giây phút nào. Tại sao vậy?

Tôi xin nói đến nhân vật Natasha mà Chu Huy Mân cũng đặc biệt yêu mến, bên cạnh Koutozov và Andrei Bolkonski. Có thể là bằng trực cảm, một trực cảm xuất phát từ tâm hồn vốn nhạy cảm của ông, vừa từ thực tiễn của cuộc chiến tranh mà ông cảm nhận trực tiếp đến tận máu thịt hằng ngày trên chiến trường, ông hiểu Natasha của Tolstoi chính là nhân dân, nhân dân Nga bình thường và vĩ đại, mà Kutozov đã là vĩ đại chính vì ông đã đồng nhất mình được với nhân dân ấy, trong tư tưởng, trong triết lý chiến tranh, trong suy nghĩ và hành động ở cương vị tổng tư lệnh của một cuộc chiến sống còn. Và một vị tổng tư lệnh như vậy thì bách thắng. Tôi nhớ có hôm tướng Chu Huy Mân sang chỗ tôi và rủ tôi cùng đọc cái đoạn cuối tiểu thuyết khi cô Natasha tươi tắn và nhí nhảnh ngày trước đã trở thành bà mệnh phu Bézoukhov béo ụ, sồ sề, an phận, mong có được thật nhiều con và cứ nhất định tự mình cho con bú chứ không chịu để con bú của bà nhũ mẫu…

Không có cái đoạn này, không có cô Natasha trở thành bà Bézoukhov nặng nề ấy thì hầu như chắc chắn Chiến tranh và Hòa bình sẽ mất đi thậm chí đến cả ý nghĩa quan trọng nhất của nó. Chúng ta làm chiến tranh, cái công việc kinh tởm, độc ác đến mức dã thú đó, chúng ta phải làm nó trong thế giới kỳ quặc này, và đã phải làm thì phải cố làm đến mức thiện chiến, chính là vì ý muốn giản dị: khôi phục cuộc sống bình thường như thế đó, của con người, của nhân dân. “Nhân dân”, trong nhận thức của Tolstoi, của Kutuzov, trong chiều sâu cảm nhận của Andrei Bolkonski, “nhân dân” mà vị tư lệnh chiến trường của chúng tôi, và chính chúng tôi nữa cảm và hiểu được qua chính thực tế chiến tranh là như vậy đó.

Là cuộc sống bình thường và giản dị của con người, là con người gắn với đất đai, con người gắn với tự nhiên, an bình và hồn hậu. Chúng tôi chiến đấu cho một “nhân dân” như vậy đó. Chiến tranh, chiến tranh bảo vệ đất nước của chúng ta ở trong cái biện chứng lạ lùng đó, nó vừa trọng đại ý nghĩa lớn lao vừa bình thường, tầm thường, hàng ngày, sát đất như thế đó. Đấy chính là điều Andrei Bolkonski nhận ra một cách đầy mâu thuẫn trước trận chiến quyết định Borodino, và trước đó nữa khi còn đầy cao vọng về những chiến công anh hùng vang dội, ngã xuống trong chiến trận Austerlitz, trong cơn tiền hôn mê, nhìn lên bầu trời xanh trong bất tận, bỗng thấy cả thần tượng anh hùng Napoléon mà anh hằng ngưỡng mộ trở nên nhỏ bé đến thảm hại. Nhỏ bé thảm hại trước cái bình dị và tầm thường kia.

Tolstoicó một phát biểu nổi tiếng: “Trong Chiến tranh và Hòa bình tôi yêu thích tư tưởng nhân dân, trong Anna Karenina – tư tưởng gia đình”. Có lẽ đúng hơn, từ Chiến tranh và Hòa bình đến Anna Karenina không có đứt đoạn. Khi nói về điều ông gọi là nhân dân, Tolstoi không chỉ muốn nói đến những con người như Platon Karataev hay Tikhon Serbaty. Ông muốn nói đến cuộc sống tự nhiên và bình thường của con người, của người lao động, cái đẹp trong trẻo và cao quý của cuộc sống ấy. Natasha của ông, từ cô thiếu nữ bồng bột trong veo cho đến bà mệnh phụ mắn đẻ, nặng nề, và an phận chính là một hình ảnh sống động của cuộc sống “nhân dân” mà Tolstoi yêu quý và tôn sùng đó.

Phạm Vĩnh Cư đã có sự phân tích rất sâu về khái niệm này của Tolstoi. Anh viết: “Tổ từ “mysl’ narodnaja” của Tolstoi (mà ta dịch là “nhân dân”) có hàm nghĩa sâu rộng hơn rất nhiều. Trong tiếng Nga những từ thuần Nga “narod (nhân dân; dân chúng; dân tộc) “rod” (dòng giống, loài giống, chủng tộc); “rodit’ / rodit’sja” (sinh đẻ / sinh ra), “narodit’ / narodit’sja” (sinh đẻ nhiều / sinh sôi nảy nở), “priroda” (thiên nhiên; cái tự nhiên; bản chất; bản thể) là những từ đồng căn, và cái căn chung ấy được tất cả các chủ nhân của ngôn ngữ này cảm thụ sống động trong sử dụng hàng ngày. Như vậy “mysl’ narodnaja” của Tolstoi có thể diễn đạt ra tiếng Việt đại để như sau: “tư tưởng / ý tưởng – về / của – nhân dân / dân tộc – (như là một bộ phận của) – loài (người) sinh sôi nảy nở – (như là một bộ phận / trong quan hệ với) – cái tự nhiên / cái bản thể”…

“Nhân dân” được nhà văn và nhà tư tưởng Tolstoi yêu thích và yêu quý không theo nghĩa xã hội học mà theo nghĩa tự nhiên học, bản thể học… Nhân dân đối với Tolstoi trước hết và chủ yếu là những nông phu lao động trên đất, kiếm sống từ đất; đời sống của họ, phù hợp với luật tự nhiên, theo Tolstoi… là đời sống lành mạnh nhất, thiện lương nhất. Loài người, cũng như mọi loài vật trên mặt đất này, phải lao động để sống và để duy trì cuộc sống của nòi giống mình – đó là luận điểm xuất phát của triết học đạo đức và cả mỹ học Tolstoi. Chất thơ của lao động và sinh hoạt nhà nông, vắng mặt trong Chiến tranh và Hòa bình (thực ra, theo tôi, nó đã có mặt trong hình tượng đặc sắc Natasha, và Andrei Bolkonski bằng trực cảm sâu xa mà có thể chưa được ý thức rõ rệt của mình đã nhận ra và phải lòng), chất thơ đó xuất hiện rực rỡ trước đó trong tiểu thuyết Những người Kazăc (1862) và sẽ tái hiện trong Anna Karenina, không để cho một độc giả nào có thể dửng dưng, truyền cho nó cảm giác là nó đang tiếp xúc với đời sống thực”…

Cũng có thể chính điều này khiến một vị tướng của cuộc chiến tranh Việt Nam nhận ra sự gần gũi và say mê, không chỉ say mê Koutozov và Andrei Bolkonski, mà cả nàng Natasha…

Tôi xin nói thêm một điều này nữa về người đọc Chu Huy Mân trong chiến tranh mà tôi được biết: ông rất thích những chương dài gần như đơn thuần là thuyết lý của Tolstoi trong Chiến tranh và Hòa bình, những chương thường làm người đọc mệt mỏi và họ thường lướt qua. Tại sao ông lại thích những đoạn thuyết giáo dài dòng ấy, nhiều lúc thậm chí có vẻ đi lạc cả ra khỏi dòng truyện khẩn trương đang chảy? Hóa ra ông hiểu điều mà sau này tôi đọc được ở một nhà văn rất hiện đại, Milan Kundera. Kundera cũng rất thích những chương ấy của Tolstoi, ông cho rằng không thể tách chúng ra khỏi toàn bộ cấu trúc tiểu thuyết của Chiến tranh và Hòa bình.

Có thể chính ở đây ta chạm đến một vấn đề lớn và sâu hơn của nhà tư tưởng và nhà văn Tolstoi. Ta biết Turgenev đã lo lắng như thế nào khi thấy Tolstoi muốn lao vào con đường của một nhà triết học, một nhà sáng lập tôn giáo mà xao lãng sáng tác văn học, sợ mất đi ở người bạn trẻ tài năng của mình một nhà văn lớn. Ông khẩn thiết kêu gọi Tolstoi: “…dù có nát óc đến đâu, tôi vẫn không thể nghĩ ra được, anh là cái gì nếu không phải là người viết văn: một sĩ quan? một điền chủ? một triết gia? nhà sáng lập một học thuyết tôn giáo mới? một viên chức? một doanh nhân? Xin anh dẫn dắt tôi ra khỏi sự khó khăn này và nói cho biết, giả định nào là đúng.” Chính Phạm Vĩnh Cư, trong lời giới thiệu tuyển tập “Đường sống”, văn thư nghị luận chọn lọc của Tolstoi, cũng viết: “Không thể biết được, nếu mà Tolstoi không vấp phải những khó khăn rắc rối trong hoạt động nhà giáo của mình, chúng đã khiến ông phải nản chí và trở về với sáng tác văn chương, thì loài người sẽ không có hay sẽ vẫn có Chiến tranh và Hòa bình và Anna Karenina để thưởng thức, suy ngẫm, học tập, kiến giải”.

Theo tôi, có lẽ về cơ bản không có câu hỏi đó, không có vấn đề đó. Không có chuyện nhà tư tưởng Tolstoi với nhà tiểu thuyết Tolstoi. Đối với ông không có vấn đề làm văn chương hay không làm văn chương. Tolstoi là nhà triết học, nhà sáng lập tôn giáo, nhà tiểu thuyết, không có đứt đoạn và không có mâu thuẫn. Theo một cách nào đó thậm chí có thể nói nếu không có nhà triết học, nhà sáng lập tôn giáo Tolstoi thì cũng không có nhà tiểu thuyết vĩ đại Tolstoi. Hoặc nói cách khác, nếu không hiểu được nhà triết học, nhà sáng lập tôn giáo Tolstoi thì cũng không thể hiểu trọn vẹn nhà tiểu thuyết Tolstoi và các tiểu thuyết đã trở thành kinh điển của ông, từ Chiến tranh và Hòa bìnhcho đến Anna Karenina và Phục sinh. Chúng ta đã biết về cái chết của Tolstoi. Vị bá tước già ấy đã chết ở cái ga nhỏ heo hút Astopovo trong chuyến bỏ nhà ra đi cuối cùng trong cuộc đi tìm, cuộc truy tìm cái mà ngày nay, thật hay, ta lấy làm tiêu đề cho cuốn sách tuyển chọn các văn thư nghị luận của ông, “Đường sống”, cuộc đi tìm Đường sống suốt đời và không đến được của ông, kết thúc dở dang ở cái ga Astpovo hoang vắng nọ.

Đương nhiên nhân vật chính của Chiến tranh và Hòa bình là Andrei Bolkonski, mà Phạm Vĩnh Cư trong bài viết vừa nhắc đến trên kia đã gọi rất đúng là “cái tôi thứ hai của tác giả” (và nhân vật là mặt kia của anh, vừa đồng điệu vừa tương phản với anh, là Pier Bezukhov). Andrei Bolkonski, con người nghiêm khắc với cuộc đời và với chính mình, người đã nhận ra và phải lòng cái đẹp Nga tuyệt diệu ở cô gái trong veo Natasha, cũng là người đi tìm, cũng ráo riết, cũng suốt đời, cũng từng thoáng nhìn thấy, nhìn thấy con “đường sống ấy” trong giây phút tiền hôn mê trên chiến trường Austerlitz, trong suy tư vừa căng thẳng vừa yên lòng, đầy mâu thuẫn mà lại thống nhất trước trận đánh sinh tử Borodino; mà cũng là người đi tìm dở dang.

Có điều rất đáng chú ý: Milan Kundera, nhà tiểu thuyết và lý luận về tiểu thuyết thường ráo riết đấu tranh cho điều mà ông gọi là tư duy hiện đại của tiểu thuyết, coi tiểu thuyết chính là đánh dấu sự hình thành của tư duy hiện đại của lịch sử tư duy của con người, Kundera lại coi Tolstoi chứ không phải Dostoievki là nhà tiếu thuyết hiện đại. Ông thấy ở Tolstoi người đi tìm. Không đến. Mãi mãi…

Tới đây hình như ta đã chạm đến một câu hỏi vẫn thường được đặt ra trước các nhà văn của chúng ta từ sau 1975: Tại sao cho đến nay chúng ta còn chưa có được tác phẩm “xứng đáng” với cuộc chiến tranh vĩ đại vừa qua của dân tộc? Có thể sẽ có được hay không? Và làm sao? Và khi nói đến điều đó, người ta vẫn thường nhắc đến Chiến tranh và Hòa bình, được coi là thiên sử thi, thiên anh hùng ca lớn về cuộc chiến tranh chống Napoléon năm 1812 của Nga. Người ta chờ đợi một thiên sử thi anh hùng ca như vậy về cuộc chiến tranh cứu nước của ta.

Chắc là có thể có rất nhiều chuyện để nói về việc này. Văn học của ta, đặc biệt văn học viết về chiến tranh chống Pháp rồi chống Mỹ thường được coi là văn học sử thi. Sử thi là tiếng nói, là tuyên ngôn của cộng đồng. Nó độc thoại. (Có lẽ cho đến nay mới có Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh thoát ra khỏi phạm vi này). Tôi xin được nói ý kiến của tôi: tôi không coi Chiến tranh và Hòa bình là sử thi. Tôi đồng tình với Kundera khi nói rằng nó đã vượt qua giai đoạn sử thi để đạt đến tư duy hiện đại của tiểu thuyết, mà Kundera coi một một đặc điểm lớn là “sự hiền minh của tính nước đôi” (la sagesse de l’ambigui) – chính về chỗ này ông đặc biệt ca ngợi Tolstoi và cho rằng ông không tìm thấy điều ấy ở Dostoievski. Hiền minh của tính nước đôi chính là hiền minh của sự đi tìm, của dở dang chưa đến, không bao giờ đến, hiền minh của tính tương đối của chân lý…

Trong bài viết đã nhắc đến trên đây của Phạm Vĩnh Cư có một câu rất đáng chú ý: “Trong ngôn ngữ của loài người khó tìm được những từ ngữ mà Tolstoi lại kiêng kị như “anh hùng”, “cái anh hùng”, “chủ nghĩa anh hùng”. Và một đoạn khác nữa: “Yêu mến nhân dân lao động Nga, quý trọng những giá trị đạo đức – tinh thần của họ, Tolstoi càng về già càng cảnh giác cao độ đối với mọi ý đồ, mọi khuynh hướng cường điệu, khuyếch tán những đức tính của người Nga, biến chúng thành niềm tự hào dân tộc, thành căn cứ để gán định cho người Nga một sứ mệnh lịch sử đặc biệt nào đó (như ta biết, Dostoievski đã không tránh khỏi sai lầm này). Ông nhìn thấy nguy hại lớn cho những người Nga thuộc mọi đẳng cấp ở chính sách của giới thượng lưu cầm quyền, mơn trớn lòng tự ái dân tộc của họ để biến họ thành những công cụ thực hiện những mục tiêu ích kỉ của cường quốc Nga…”

Tôi xin nhắc lại điều này: từ lâu tôi không đồng tình với việc coi Chiến tranh và Hòa bình là thiên anh hùng ca về của chiến tranh 1812 của Nga. Thậm chí tôi cũng không nghĩ rằng Tolstoi định làm công việc đó mà như Phạm Vĩnh Cư đã nói, ông rất “kiêng kị”, dị ứng. Trên bối cảnh của cuộc chiến tranh đó mà ông đã mô tả bằng một ngòi bút thiên tài, ông đã đưa “cái tôi thứ hai” của ông, Andrei Bolkinski mà ông vô cùng yêu quý, gửi gắm, làm cuộc đi tìm khắc khoải và bất tận của anh, cũng là của ông, đi tìm “đường sống”, tìm cách “làm người” mà cho đến khi gục xuống ở cái ga vắng Astopovo ông vẫn không tìm ra…

Mong ước có tác phẩm xứng đáng với cuộc chiến tranh vừa qua của chúng ta là chính đáng. Và một tác phẩm như vậy sẽ chỉ có được khi nền văn học này tự nâng mình lên thành cuộc đi tìm nghiêm trang và lớn lao như vậy, mỗi người cầm bút tự nâng được mình lên được trong một cuộc đi tìm đó, tìm “đường sống”, tất nhiên theo cách của mình, với những câu hỏi của mình, như Tolstoi từng làm trong thời của ông, với những câu hỏi ráo riết của ông.

Từ Tolstoi đến nay đã là 200 năm. Những câu hỏi ấy có bớt căng thẳng không?

Chắc chắn là không.

Trái lại.

Văn học, tiểu thuyết, vậy đó, là cuộc đi tìm bất tận của con người. Ngày càng căng thẳng, ráo riết hơn.

Kỷ niệm 200 năm Tolstoi vì vậy là một nhắc nhở, nghiêm túc và khẩn trương.

Tháng 12-2010

Nhà văn Nguyên Ngọc