Mỗi ngày đi học là một niềm hạnh phúc
SGTT.VN – Còn quá sớm để đưa ra câu trả lời về hiệu quả của bộ sách giáo dục hiện đại “Chào lớp một”, tuy nhiên tại những buổi học đầu tiên các em học sinh đã không quay lưng với nhóm Cánh buồm.
Thầy và trò cùng làm thí nghiệm. Ảnh: Thanh Tuyền
“Vì môn học quá hay!”
Chưa đến giờ vào lớp, nhưng các em học sinh lớp 1 trường Nguyễn Văn Huyên (Hà Nội) đã ngồi vào bàn ngay ngắn và rất háo hức. Khi được hỏi tại sao hôm nay lớp mình đông thế (lớp có thêm một số phụ huynh đến dự học- PV), em Quang Anh trả lời ngay lập tức: “Vì môn học hôm nay quá hay luôn!”.
“Con thích học lắm, con thích cô Thuần Túy hát đồng dao và thầy Nam làm “ảo thuật”
(em Phúc Hà)
Tiết học đầu tiên của buổi chiều là Khoa học. Theo hướng dẫn của thầy giáo, TS Nguyễn Thành Nam, các em bắt đầu làm thí nghiệm đường – gạo – nước để đi đến kết luận nước làm đường tan, còn gạo thì không. Thí nghiệm được tiếp tục với nước tinh khiết và nước pha muối. 16 học sinh được chia thành 4 nhóm, mỗi nhóm có 2 cốc nước. Các em lần lượt nhìn – ngửi – nếm để phát hiện, đưa ra ý kiến về sự giống và khác nhau của 2 loại nước. Thầy Nam lại làm với thí nghiệm đun hai loại nước trên bếp để nước bốc hơi. Phần muối đọng lại trên chảo khiến các em học sinh rất thích thú, thi nhau nếm thử. Thậm chí có em kết luận: “Có khi thầy Nam lén chúng ta cho bôi muối vào chảo rồi!”, có em còn hồn nhiên phát biểu: “Thầy ơi có khi nào do chúng ta… tè vào biển nên nước biển mới mặn ?!”.
Để kết thúc và giao bài tập về nhà, thầy Nam phát giấy và yêu cầu cả lớp vẽ một bức tranh về buổi học hôm nay. Thầy sẽ chấm điểm bằng cách đóng dấu lên bức tranh để các em mang về khoe bố mẹ. Tiết học đã bước sang phút 40, quá giờ học 5 phút nhưng bạn Đức Anh vẫn thiết tha: “Thầy ơi, học tiếp đi, con chưa vẽ hết tranh”, bức tranh của Đức Anh có thầy Nam, có biển và thêm một cái bếp…
Làm giàu kiến thức, kỹ năng
Tiết học về Lối sống lại tiếp tục. Cô giáo Nguyễn Thanh Hải bắt đầu với chủ đề “Em đã lớn”. 16 học sinh là 16 câu trả lời khác nhau về em đã lớn như thế nào? Em thường đi ngủ mấy giờ? Em làm gì trước khi đi ngủ? Cả lớp nhao nhao tranh trả lời trước. Tuy nhiên, khi cô Hải ra yêu cầu bạn nào ngồi ngoan, giơ tay thẳng thì mới được gọi cũng như cộng thêm ngôi sao vào điểm thì ai cũng nghiêm trang chấp hành. Người phát biểu cuối cùng và cũng là câu trả lời khiến cả lớp người nghiêng ngả vì giọng điệu rất ông cụ non, đó là Quang Minh. Quang Minh nói: “Tôi thường đi ngủ lúc 11g vì tôi rất khó ngủ. Mỗi lần khó ngủ, tôi thường dậy và quyết định xem một bộ phim thật ghê rợn. Tuy nhiên, trước khi đi ngủ tôi cũng không quên đánh răng, rửa chân nữa!”.
Mỗi ngày đi học cần phải là một ngày hạnh phúc của trẻ. Ảnh: Thanh Tuyền
PGS.TS Nguyễn Bích Hà – hiệu trưởng trường Nguyễn Văn Huyên cho biết, hầu hết phụ huynh bây giờ đi làm cả ngày. Trẻ học 2 buổi, tuy nhiên hầu hết các trường chỉ triển khai cho trẻ làm bài tập thêm, học tiếng Anh cũng như thời gian “vui chơi lấp chỗ trống”. Trong khi các môn Khoa học hầu hết chỉ dạy chay, môn Văn học thì cô đọc giảng trò nghe chép, rất khuôn mẫu, môn Giáo dục công dân chưa thu hút học sinh, nên trường đã từng bước đưa vào Chương trình làm giàu kiến thức, giá trị và kỹ năng sống để bù đắp cho học sinh.
Giữa chúng tôi và nhóm Cánh buồm có một số điểm chung, đó là quan niệm mỗi ngày đi học của trẻ cần phải là một ngày hạnh phúc của trẻ. Chúng tôi cùng chia sẻ mối quan ngại về chất lượng dạy và học trong giáo dục nói chung và những nguy cơ thanh thiếu niên Việt Nam phải đối mặt, cùng tin tưởng vào những thành tựu tiên tiến trong khoa học giáo dục đã được khẳng định trong thực tiến thế giới, và cuối cùng là tin tưởng vào phản biện xã hội.
(PGS.TS Nguyễn Bích Hà)
Chương trình gồm có 7 môn: Văn học cảm xúc – lịch sử- diễn đạt, Thiên văn – trái đất, Sự kỳ diệu của Toán học, Thực hành khoa học, Tiếng Anh biểu đạt, Tin học thực hành, cuối cùng là Kỹ năng và giá trị sống. Hiện môn Văn học, Lối sống và Khoa học do các giáo viên đến từ nhóm Cánh buồm dạy, kết hợp học kèm bộ sách “Chào lớp một”.
Thay đổi giáo dục không thể bằng một bộ sách
Cô giáo Tạ Thị Thuần Túy (giáo viên dạy Văn) chia sẻ, cô có dự giờ các buổi học do nhóm Cánh buồm dạy, vẫn là những nội dung kiến thức cũ nhưng nhóm Cánh buồm có cách giảng phong phú, gần gũi hơn, giúp học sinh thoải mái đưa ý kiến của mình, học trò vui vẻ và hào hứng với tiết học.
Đưa ra những đánh giá của mình về hiệu quả của việc sử dụng bộ sách giáo khoa mới “Chào lớp một”, PGS Hà cho biết, hiện nhóm Cánh buồm mới triển khai giảng dạy ở trường được một kỳ, thời gian còn quá sớm để trả lời. Ban đầu nhà trường cũng như phụ huynh còn bối rối, nhưng dần dần phụ huynh và học sinh ngày càng trở nên thích ứng và tin tưởng hơn.
Vẫn theo PGS Hà, điều quan trong nhất để thay đổi giáo dục không chỉ là một bộ sách giáo khoa mà phải là sự thay đổi từ gốc rễ và đồng bộ trên mọi phương tiện và mọi đối tác tham gia vào giáo dục (người dạy, người học, phụ huynh và toàn xã hội). Trường cam kết hỗ trợ nhóm Cánh buồm triển khai thực tiễn bộ sách của mình lâu dài. Còn việc người trả lời cuối cùng cho sự thành công hay thất bại của một mô hình giáo dục phải là học sinh và phụ huynh.
Thanh Tuyền
Nguồn : Sài Gòn Tiếp Thị, 04/10/2010