Buổi hội thảo bắt đầu vào lúc 18h10 ngày 27/09/2010 tại hội trường tầng 2 của Trung tâm văn hóa Pháp L’espace, số 24 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Phần 1

Những bài phát biểu, giới thiệu về buổi hội thảo, nhóm Cánh Buồm và 
bộ sách lớp Một

Giáo sư Chu Hảo

1. Giáo sư Chu Hảo  giám đốc nhà xuất bản Tri Thức  phát biểu khai mạc buổi hội thảo khẳng định sự ủng hộ nhiệt thành của nhà xuất bản dành cho nhóm Cánh Buồm và bộ sách mà nhóm thực hiện, ông khẳng định nhà xuất bản đã nhận ra tầm quan trọng cũng như ý nghĩa to lớn của bộ sách mà nhóm Cánh Buồm biên soạn ngay từ lần đầu tiếp xúc. Trong khi nền giáo dục trong nước đang có rất nhiều vấn đề nhức nhối cả về chương trình, nội dung, triết lí giáo dục thì nhóm Cánh Buồm đã đưa ra cách giải quyết những vấn đề đó một cách thiết thực, cụ thể. Bộ sách được đưa ra như một tài liệu tham khảo theo phương thức mới cho giáo viên, phụ huynh và học sinh. Giáo sư tin chắc bộ sách sẽ được đón nhận rộng rãi bởi cái gì hay, cái gì tốt thì tự nó sẽ có sức lan tỏa.

2. Ông Patrick Michel  Giám đốc Trung tâm văn hóa Pháp L’Espace nhiệt liệt chúc mừng sự ra đời của bộ sách, cho rằng đây là một bộ sách cơ bản cho phụ huynh và học sinh. Ông tin tưởng rằng đây là bước đầu của cả một bộ sách lớn, hi vọng việc biên soạn bộ sách sẽ được tăng tốc và nhấn mạnh “Tôi không còn lời nào hay hơn để ca ngợi công việc của nhóm Cánh Buồm”. Patrick Michel khẳng định sẽ tiếp tục ủng mọi sáng kiến như vậy trong tương lai.

Ông Patrick Michel

3. Nhà giáo Phạm Toàn, người sáng lập nhóm Cánh Buồm, cảm ơn sự giúp đỡ của các cá nhân và tổ chức đã giúp đỡ tạo điều kiện cho sự ra đời bộ sách lớp một của nhóm Cánh Buồm:  ông Chu Hảo và nhà xuất bản Tri thức, ông Nguyễn Trần Bạt (Tổng giám đốc Vietnam Invest Consult Group), Chương trình Việt Nam thuộc Khoa Luật đại học Oslo (Na-Uy) và đặc biệt là sự quan tâm, giúp đỡ nhiệt tình của giám đốc trung tâm văn hóa Pháp L’espace  ông Patrick Michel người đã giúp tổ chức Hội thảo Hiểu trẻ em – Dạy trẻ em (tháng 11 năm 2009) và lần này lại thúc giục nhóm tổ chức buổi hội thảo giới thiệu bộ sách lớp một trước công chúng. Ông khẳng định cách làm việc của người trí thức, ở dạng tích cực nhất là chỉ ra cho xã hội thấy được một cái mẫu vận hành của một công việc – ở đây là công việc Cải cách giáo dục. Nhóm Cánh Buồm tham gia công việc đó bằng cách đưa ra bộ sách lớp một như là một cái mẫu về sách giáo khoa cho toàn xã hội. Nhóm mong muốn việc làm nhỏ bé của mình sẽ giống như những viên đá lót đường cho cuộc cải cách giáo dục của dân tộc tiến lên.

4. Tiến sĩ Nguyễn Thành Nam  thành viên nhóm Cánh Buồm  giới thiệu sơ lược về nhóm tác giả, đường lối giáo dục và nội dung bộ sách: Ra đời đầu năm 2009, do nhà giáo Phạm Toàn sáng lập, nhóm Cánh Buồm mong muốn giong buồm tiến hành công cuộc GIÁO DỤC HIỆN ĐẠI bằng việc làm một chương trình giáo dục phổ thông mới: chương trình GIÁO DỤC HIỆN ĐẠI.

Triết lí giáo dục: Đi học là hạnh phúc.

Hướng đi của chương trình: Hiện đại hóa nền giáo dục.

Cách làm: Công nghệ hóa quá trình giáo dục.

Nhà giáo Phạm Toàn

Nhiệm vụ cụ thể của nhóm Cánh Buồm và chương trình GIÁO DỤC HIỆN ĐẠI (GDHĐ):

Một là xây dựng một đề án cải cách giáo dục.

Hai là viết sách giáo khoa theo chương trình Giáo dục hiện đại.

Ba là dạy thực nghiệm để thu thập dữ liệu giúp điều chỉnh và cải tiến chương trình ngày một tốt hơn.

Những công việc cụ thể nhóm đã thực hiện:

i) Viết xong Bản dự thảo Một nền giáo dục Việt Nam hiện đại. Bản đề án này bước đầu đã nhận được sự ủng hộ của một số trí thức tên tuổi. Vào đầu năm 2010, bản dự thảo đã được trình bày tại Tuyên Giáo thuộc TW Đảng Cộng Sản Việt Nam, với sự có mặt của ông Võ Ngọc Hoàng, phó ban.

ii) Đã lập được một website làm cơ quan ngôn luận của chương trình GIÁO DỤC HIỆN ĐẠI. Qua trang web www.hiendai.edu.vn, đã đưa tư tưởng của GIÁO DỤC HIỆN ĐẠI đến với công chúng.

iii) Đã viết xong 6 cuốn sách quan trọng nhất trong Bộ sách lớp Một, bao gồm: Sách học Văn, Sách học tiếng Việt, Sách học Lối sống, Sách học tiếng Anh, Sách học tin học vàSách hướng dẫn tổ chức việc học. Đang hoàn thiện sách học khoa học – công nghệ lớp 1.

TS Nguyễn Thành Nam

Lí do nhóm Cánh Buồm bắt đầu thực hiện từ bộ sách lớp Một:

Vì bậc Tiểu học là bậc quan trọng nhất đối với học sinh, cũng là bậc khó nhất đối với các nhà sư phạm. Giai đoạn tiểu học cũng là giai đoạn quan trọng nhất trong quá trình hình thành nhân cách của một con người.

Có thể thấy ở  từng cuốn sách, ngay sau trang bìa, là một khẩu hiệu: “Giáo dục tiểu học có ổn định và đảm bảo chất lượng thì toàn bộ nền giáo dục mới được ổn định, mỗi gia đình ổn định, và cả xã hội cùng ổn định”.

Những điểm mới của bộ sách

Bộ sách được viết ra theo một quan niệm hoàn mới về sách giáo khoa của chương trình GDHĐ, theo đó, sách GK có ba hình thái tồn tại:

Hình thái thứ nhất là các việc làm của thày và trò trong tiết học để đến với tri thức

Hình thái thứ hai là những gì còn đọng lại trong đầu óc của học sinh sau mỗi tiết học

và Hình thái thứ ba là những cuốn sách in trong hình thù giới thiệu trong buổi hội thảo này – đó chính là biên bản dự kiến các việc làm của giáo viên và học sinh, cả những gì đọng lại trong đầu óc của học sinh.

Do vậy, ngay ở trang bìa đã chỉ rõ mục tiêu cần đạt được sau mỗi năm học.

Và bài đầu tiên bao giờ cũng là Phương pháp học môn học đó. Thêm vào đó, còn có sách Hướng dẫn tổ chức việc học hướng dẫn giáo viên, phụ huynh cách thức tổ chức các hoạt động của học sinh trong từng giờ học để các em tự mình làm ra kiến thức.

Cụ thể, với môn Văn:

Mục tiêu: Tạo lòng đồng cảm.

Cách học: Tham gia vào những trò chơi đóng vai. Học sinh đóng vai những cảnh ngộ trong đời sống, qua đó mà tạo nên cho các em lòng đồng cảm với những tình cảm người được biểu hiện qua các hình thức nghệ thuật.

Về lâu dài, môn Văn sẽ cung cấp cho Học sinh một ngữ pháp nghệ thuật bao gồm tưởng tượng  liên tưởng  sắp xếp tác phẩm (bố cục), nhưng những cái đó sẽ là vô nghĩa nếu không được xây dựng trên nền tảng là lòng đồng cảm với thân phận con người.

Với môn Tiếng Việt lớp Một:

Mục tiêu: Ghi đúng và đọc đúng tiếng Việt

Cách học: Thông qua phân tích về mặt âm thanh của tiếng Việt, học sinh biết cách tự ghi âm, và qua đó tự biết đọc và biết viết. Nói cách khác, môn tiếng việt của chương trình GDHĐ đưa học sinh đi lại con đường phát minh ra chữ viết mà các nhà ngữ âm học tiếng Việt đã đi.

Như vậy, ngoài việc ghi và đọc đúng tiếng Việt, còn đọng lại trong HS là một phương pháp khoa học Ngữ Âm học, điều này rất tốt cho việc phát triển tư duy.

Ngay từ đầu, môn tiếng Việt của GDHĐ đã trang bị cho học sinh một bộ công cụ nghiên cứu tiếng Việt gồm ba thao tác Phát âm – Phân tích âm – Ghi lại, bộ công cụ này sẽ vô cùng hữu ích cho việc học tiếng Việt ở các lớp trên.

Môn Lối sống được đưa vào từ lớp Một thay cho môn Đạo Đức, thay vì dạy cho trẻ em cách nói đạo đức, sẽ dạy cho trẻ em một Năng lực sống đồng thuận ngay từ khi còn nhỏ, và năng lực đó sẽ theo các em suốt cuộc đời.

Mục tiêu ở lớp Một : Tinh thần tự lập, khả năng tự phục vụ.

Cách học: Thực hành các giải pháp tìm đồng thuận giữa ba đối tượng trong cộng đồng nhà trường Phụ huynh – Học sinh – Thầy cô giáo.

Tâm lý học đã chỉ ra rằng những điều mà chính trẻ em tự thỏa thuận với nhau thì các em sẽ tuân thủ một cách rất nghiêm túc.

Và với hành trang là năng lực sống đồng thuận, sau này các em có thể đảm đương được cả vai trò của Tổng thư kí Liên Hợp Quốc!

Môn tiếng Anh cho các em năng lực để đến với hoạt động ngôn ngữ của một nền văn hóa khác, mà Tiếng Anh là vật liệu.

Mục tiêu ở lớp Một: Dùng đúng tiếng Anh, tập trung vào âm, từ, và đối thoại.

Cách học là dựa trên cơ sở phân biệt tiếng Anh khác Tiếng Việt ở ba điểm chủ chốt: gọi tên sự vật, phát âm, và biến hóa hình thái.

Đó chính là cơ sở để các em đến được với một thứ tiếng anh phong phú, và cao hơn nữa là tiếng Anh văn minh văn hóa ở các lớp trên.

Môn tin học lớp Một dạy các em làm quen với máy vi tính như là một công cụ lao động, chứ không phải là đồ chơi.

Phương pháp : Tổ chức cho các em tiếp cận và sử dụng máy tính một cách có Kỷ luật và Công nghệ.

Bộ sách 6 cuốn này đã được hoàn thành từ cuối tháng 6/2010. Từ đó đến nay, nhóm Cánh Buồm đã kịp bắt tay vào viết sách Khoa học cho Lớp Một, lên xong đề cương chi tiết cho một số môn ở lớp Hai. Việc sắp tới là bắt tay vào viết các bộ sách dành cho các lớp tiếp theo và hoàn thiện bản dự thảo đề án CCGD. Đồng thời, nhóm sẽ tiếp tục dạy thực nghiệm.

Còn tiếp !