Các em yêu quý,

Thế là đã tổ chức xong bước 2 của cuộc Hội thảo CHÀO LỚP MỘT. Bây giờ thì các em đã rõ ý của Già làng dặn các em từ rất lâu rằng làm công việc gì cũng có BA giai đoạn, trong đó cái khúc MỘT (khúc chuẩn bị) là dài nhất, khó khăn nhất, thử thách nhất, và dĩ nhiên là quan trọng nhất.


Hãy tin và tự học nhiều nữa để tăng thêm cái lòng tin rằng chúng ta đang trên con đường LÀM CÁI ĐÚNG VÀ CÀNG NGÀY CÀNG TIẾN GẦN TỚI CÁI ĐÚNG NHẤT CÓ THỂ ĐẠT TỚI.

Khúc chuẩn bị đó có thể tính từ hôm thày Đại giao cho tôi (khi đó chưa thành Già làng) đứng ra huấn luyện các em vào mùa hè năm 2008. Sau đó là những ngày bơ vơ. Sau đó là một cuộc tập hợp. Sau đó là cả những ai chẳng dự khóa huấn luyện cũng “nhào dzô” (anh Nam, em Hạnh rồi anh Hiệp, em Hoa cùng em Thùy đó chứ còn ai ?) Và bản thân chúng ta thì đã qua biết bao ngày cùng học, cùng làm, cùng hoàn thiện mình để thể hiện hết mình trên một số sản phẩm ban đầu mà tất cả chúng ta đều biết.

Còn khúc HAI ? Cái khúc 2 là bản thân cuộc hội thảo, nó diễn ra thật chóng vánh : chỉ trong khoảng thời gian hai tiếng đồng hồ. Một trăm hai mươi phút, bằng một trận đá bóng không có hiệp phụ, không có một anh bị chết bất ngờ.

Và bây giờ đang là khúc BA ! Cái giai đoạn như khi chúng ta đi du lịch về, ngồi nhà xoa cánh tay rám nắng, mở cuốn ăn-bom ra xem ảnh và chốc chốc lại rú lên cười… Nhưng đó là khúc BA của những chuyến đi du lịch. Còn chúng ta lại đang phải sống cái khúc ba của một hành trình dài – dài bao nhiêu – xin hãy nhìn giáo sư Hồ Ngọc Đại, dài tới khi tóc bạc hết thì gặp anh nó nịnh vài câu nó lừa cho nó cuỗm đi hết từ cái két đựng tiền đến cái chổi quét nhà số 52 Liễu Giai – thế là việc vẫn chưa xong, mà tuổi đời thì đã trên tuổi xưa nay hiếm. Và bây giờ thì các em hiểu tình cảm Già làng hôm làm xong bản thảo và chúng ta có cuộc họp, và tôi nói “Tuần sau các em đến chơi với thày Đại hộ tôi một lát, tôi nhớ anh ấy quá, có anh ấy mới có đống bản thảo này, nhưng đàn ông gặp nhau mà xúc cảm thì khó chịu vô cùng, tóm lại là các em “về quê” hộ tôi”.

Thôi, chuyện cũ cho qua, bây giờ nói sang khúc BA ! Cái ông nhà văn Nga viết “Chuyện thường ngày ở huyện” (Oleg Ovieshkin ?) từng viết (nhớ không kỹ từng chữ) : “Nếu Chúa cho con người cái khả năng tiến lên chỉ bằng cách nhìn quá khứ, thì hẳn là chúa đã cho mọc đôi mắt người ở phía sau gáy”. Nghĩa là khúc BA của chúng ta là khúc LÀM VIỆC tiếp tục, và vấn đề cần đặt ra là tiếp tục làm việc THEO CÁCH NÀO ?

Chắc chắn điều đầu tiên chúng ta cần tiếp tục học – học, học nữa, học mãi – và học tâm lý học trẻ em và tâm lý học dạy học vì đó là môn học các em được học ít nhất ở trường học nghề sư phạm. Đừng cho là Già làng nói liều. Đây là một phép thử xem Già làng có tật nói điêu không. Các em cho biết làm cách gì để chứng rõ một đứa nhỏ vào giai đoạn đời nào đó được coi là đã có ý thức về bản thân ? Nếu các em không biết cách thì hãy viết “meo” hỏi các thày tâm lý xem làm cách gì ? (Việc làm này vào thời đại internet chỉ một nhoáng là đủ cho kết quả).

Thôi, chúng ta cây nhà lá vườn tự học với nhau vậy. (Hì hì, đêm Hội thảo về, Già làng buồn quá, đã định ngồi làm thơ, sau lại chán thơ đành ngồi mở sách Darwin ra đọc, đọc chán lại quay ra đọc sách tâm lý học nhận thức… thì đọc được chuyện này mời các em tham khảo. Một em bé 18 tháng tuổi đã bắt đầu có ý thức về bản thân mình, mà biểu hiện rõ là nó có ý thức về cơ thể mình, đứng trước tấm gương các cháu biết đó là ánh phản của chính nó.Đó là một nhận xét, và giả định khoa học là ở độ tuổi 18 tháng đó, em bé khi đứng trước gương thì đã biết trong gương có ánh phản cơ thể chính nó.

Nhưng ngộ nhỡ quan sát đó thì (có thể) đúng nhưng giả thiết thì lại (chắc chắn) sai thì sao nhỉ ? Thế là người ta nghĩ ra một test đo nghiệm hết sức giản đơn như sau : dán một dấu hiệu gì đó lên trán em bé được đo nghiệm, đặt em ngồi trước gương, nếu em vẫn vồ lấy “em bé” trong gương, thì nó chưa đến độ trưởng thành về tâm lý để nhận thức được về bản thân nó, song nếu em đó sờ lên cái dấu vết trên trán và tìm cách gỡ bỏ “cái của nợ ấy” đi, thì đó là dấu hiệu chuẩn cho một test đo nghiệm chuẩn về sự trưởng thành tâm lý nhận thức của một em bé giả định là ở độ tuổi 18 tháng.

Chưa hết ! Chuyện này nữa mới hay, các em nghe Già làng kể nốt nhé. Ngay từ khi còn sống, ông Darwin đã từng chú ý ghi chép các phản ứng của con trai mình (khi con trai 33 tuổi ông mới đăng trên tạp chí Mind) và Darwin cũng hết sức quan tâm về tâm lý học tới phản ứng của loài khỉ trước gương. Năm 1970, một bác học Mỹ ông Gordon GALLUP đã làm lại đo nghiệm “khỉ trước gương” – xin coi đường dẫn sau [http ://www.lemonde.fr/planete/article/2010/10/01/quand-le-macaque-reflechit-a-son-miroir_1418858_3244.html] và đi đến nhận xét cũng khá thú vị : loài khỉ macaque có nhận thức về “bản thân” ở độ tuổi 18 tháng như trẻ em của con người – và đây là kết luận còn đáng chú ý hơn : những dòng khỉ càng “xưa” hơn (kém phát triển hơn) dòng macaque thì không đạt được chuẩn đó.

Học là việc cần, và LÀM cũng cần. Chúng ta cần nhanh chóng làm xong bản thảo lớp 2 và lớp 3, vì cùng với bộ sách lớp 1, trọn vẹn sách của ba lớp đó sẽ giúp đông đảo bà con trong xã hội dễ hình dung những gì sẽ có trong đầu con em họ để họ yên tâm là tổ quốc yêu dấu của họ đủ sức có một nền giáo dục đáng để họ không ao ước gửi con đi du học tại chỗ hoặc du học thực thụ như con em các ông bà giàu nổi (tiếng Anh và Pháp đều gọi bằng bọn nouveaux riches).

Cứ tiếp tục làm sách để báo cáo toàn dân, dừng sợ có người gọi đó là sách ngoài luồng. Không ! Đó là sách đúng luồng : cái luồng đi học là hạnh phúc. Cái bộ sách nhỏ nhoi 3 lớp này sẽ như cái dấu vết các nhà tâm lý học đóng lên trán ai đó và đặt ai đó ngồi trước gương thử coi phản ứng ra sao. Đời đơn giản vậy đó thôi. Các em hãy học và sống và làm việc và vui tươi như lâu nay nhóm Cánh Buồm từng sống vui tươi làm việc vui tươi học hành vui tươi.

Đừng sợ hãi khi chưa có trường thực nghiệm hoàn hảo của riêng mình. Bộ sách của chúng ta đã được thực nghiệm dưới sự chăm sóc của thày Hồ Ngọc Đại suốt nhiều chục năm – Già làng sống dai nên chứng kiến đủ, và biết rõ những ai là tác giả cùng những ai từng khóc cười thực nghiệm với nhau. Già làng với hiểu biết không thể coi là nông cạn của mình đang gợi ý các em làm thêm những điều hệ thống thực nghiệm chưa làm được hoặc làm nhưng còn thấp. Rồi một ngày, khi các “đại gia” đã thỏa cơn khát “phát triển”, khi đó họ sẽ giúp chúng ta có một ngôi trường thực nghiệm hẳn hoi ít ra cũng bằng cái trường ở phố Liễu Giai trước cái trận hỏa hoạn trắng làm “rụng rời khung cửi, tan tành gói may”…

Hãy tin và tự học nhiều nữa để tăng thêm cái lòng tin rằng chúng ta đang trên con đường LÀM CÁI ĐÚNG VÀ CÀNG NGÀY CÀNG TIẾN GẦN TỚI CÁI ĐÚNG NHẤT CÓ THỂ ĐẠT TỚI.

Tháng 1 năm 2011, ông Patrick Michel cho biết sẽ mời nhóm Cánh Buồm tham gia Bàn tròn Giáo dục trong 1 tuần lế tổ chức tại Trung tâm L’Espace. Khi đó, ta lại phải dịch cho ông ấy nghe sang tiếng nước ông ấy về hai điều sau. Khẩu hiệu của kẻ kiếm chác trên đời này là  Après moi, le déluge (nghĩa đen : “Sau ta là đại hồng thủy” – nghĩa bóng : “sống chết mặc bay”) – còn khẩu hiệu của nhóm Cánh Buồm là  Après moi, la vraie réforme de l’ éducation (nghĩa đen : “Sau ta là cải cách giáo dục đích thực” – nghĩa bóng : “các cuộc cải cách giáo dục tiếp theo chúng tôi hãy vượt chúng tôi, hãy đi lên những hòn đá nhỏ độn đường vì đại nghĩa dân tộc”).

Già Làng ký tên