– o O o –
Tâm sự thoáng qua của một người có khi hồi quang cả một thời đại. Như vài ba ngày ngắn ngủi khi Tô Hoài đi xe ôm về thăm lại Xóm Đồng ở Thái Ninh, Thái Bình, nơi anh đã tham gia Cải cách ruộng đất non bốn mươi năm trước (1958-1996).
Chuyến đi ngắn ngày chiếm trọn chương cuối với năm mươi trang cực kỳ súc tích và cảm động, như một chuyến hành hương. Những gian nan biến mỗi quá quan thành cố quận. Những ân hận biến mỗi kỳ ngộ thành một cố nhân. Ông Ngãi, nông dân nghèo, có dáng dấp Phan Khôi, người đã cưu mang Tô Hoài, Phùng Quán, thời Cải cách ruộng đất, năm 1958 ngủ giữa bụi tre, bốn mưoi năm sau vẫn ngủ giữa bụi tre, trong khi làng xóm thời kinh tế thị trường ” cứ đua nhau mà nhà tầng nhà gác ” . Ông Ngãi bình luận : “Ối người đi vay lãi, bán lúa từ lúc vào đòng để làm nhà. Chỉ khác ngày xưa lý trưởng, phó lý giàu có, bây giờ chủ tịch, bí thư, xã đội, dạo trước còn chân chủ nhiệm, kế toán nữa cũng trộm cắp mà nên giàu có cả ” (tr. 535). Chủ nhiệm Sự giàu sụ, thành nghiện thuốc phiện nặng, hai con trai ở tù, con gái ” ra ngoài tàu ngủ với trăm thằng. Cả mẹ nó … Bà lão cũng chẳng tha thằng nào. Có thế mới giầu như điên ” (tr. 546). Thái Bình. Lại Thái Bình. Sao Tô Hoài không trở về Xóm Giếng ngày xưa để hạ màn Chiều Chiều, cho bớt não nùng tiếng sương?
Anh lại trở lại nhà hát Bà Ký Đường trong truyện Nguyễn Khắc Mẫn, nửa thế kỷ về trước, gặp lại Cô Thẹn mười ba, mười lăm tuổi, ngày xưa, bây giờ là bà lão : “Nước mắt bà lão chảy ra, không biết cái nước chết lưu niên ở hai con mắt loà lúc nào cũng ràn rụa nhợt nhạt trên mi, hay là nước mắt (…) Cô Thẹn ngày ấy đây. Bà lão vẫn nắm tay tôi cất giọng phều phào, rè rè :
Đến bây giờ mới thấy đây
Mà lòng đã chắc những ngày một hai
Câu Kiều này (câu 2282, ĐT) đầu mùa đông 1959, Nguyễn Đình Thi đã ghi sổ lưu niệm bảo tàng L.Tôn-x-Tôi ở Tu La. Mỗi khi mơ màng lại cái chuyến về Thái Bình này, là thật hay chiêm bao. Hai câu lẫy Kiều tình nghĩa kia đã thấy ở Tu La hay đã nghe cô Thẹn, bà cụ Thẹn nghẹn ngào“.
Những dòng cuối Chiều Chiều. Giọng Tô Hoài trầm xuống, nghẹn lại. Chấm dứt cuốn Tự Truyện như vậy là tài tình. Hay ở chữ tài. Quý ở cái tình. Chữ tài vẫn quý nhưng không hiếm. Cái tình vừa quý vừa hiếm, càng ngày càng hiếm, có cơ tuyệt chủng.
– o O o –
Tên sách Chiều Chiều lấy từ ca dao :
Chiều Chiều lại nhớ chiều chiều
Nhớ người quân tử khăn điều vắt vai
Tô Hoài trích dẫn ở đầu sách, gọi là ca dao cổ. Thật ra nó không cổ, chỉ mới phổ biến hơn trăm năm nay, vì nguyên là một câu thơ của Tương An Quận Vương, con vua Minh Mệnh, kín đáo khóc Hồng Bảo, con trưởng vua Thiệu Trị, là cháu, học trò và bạn tri âm của mình. Hồng Bảo âm mưu tranh ngôi vua với em là Tư Đức nên bị bắt giam và bức tử trong ngục.
Nguyên gốc là :
Chiều chiều lại nhớ chiều chiều
Nhớ người đãy gấm khăn điều vắt vai
Đãy gấm là cái hà bao bằng gấm. Bao là cái đãy, hà là cây sen, vì đãy gồm có hai phần: đãy lớn hình lá sen đựng trầu cau, đãy nhỏ hình bông sen đựng thuốc. Màu sắc tuỳ thuộc đẳng cấp: vua dùng đãy bằng đoạn màu vàng, hoàng thân, như Hồng Bảo dùng đãy bằng gấm màu đỏ (điều) dân thường dùng lụa màu xanh.
Chi tiết nhỏ không quan trọng gì, nhưng tôi vẫn trình với Tô Hoài vì anh ưa thảo luận về chữ nghĩa, trong cái anh gọi là “chủ nghĩa tiếng nói” (Có lần anh than với tôi: “Ngày xưa còn cụ Hoàng Đạo Thuý, thỉnh thoảng mình còn có người nói chuyện về chữ nghĩa. Bây giờ ông ấy qua đời thì….” Anh có những câu nhẹ nhàng thế thôi, nhưng nghe… phát ớn).
Chiều Chiều… Tô Hoài dùng chữ theo ý nghĩa, nhưng còn vì âm vang của nó. Chiều Chiều là hồi ký của người cao tuổi, như Nhớ Nghĩ Chiều Hôm của Đào Duy Anh. Nhưng chỉ hiểu như thế thì chưa tri âm. Vì Tô Hoài rất thích âm vang ấy từ hồi còn trẻ, như là lúc 23 tuổi. Tại Sơn Tây, ngày 20 Juillet 1943 anh đã viết :
“Chiều chiều Ly thẩn thơ ra ngoài bờ giếng. Gã muốn nói mãi, nói mãi về những chiều vô tội ấy. Những buổi chiều hoa mộng không bao giờ có thể quên, bởi nó ngây ngất mà chẳng mang một nghĩa gì rõ ràng (…). Sao không chỉ có những chiều thơ dại ấy trong tất cả một đời người…“
Tô Hoài là nhà văn không bao giờ già. Vì con người anh chưa bao giờ trẻ. Tô Hoài miên viễn là “buổi trưa mùa thu” “Mùa thu có những ngày không sáng, mà cũng không chiều “ Nhưng vẫn có những chiều chiều. Những chiều chiều mãi mãi trong chúng ta.
Thỉnh thoảng lại hanh hao lên một âm hao u hoài, xa vắng…
Chiều Chiều…
Đặng Tiến
Orleans, 14/9/1999- 21/9/ 2010.
Đọc, cập nhật cho ngày sinh nhật Tô Hoài lên Chín Mươi,
Rằm Trung Thu, 1920 – 2010