Vietnamnet  : Đề nghị phỏng vấn GS Hồ Ngọc Đại về chủ đề “những khoản đóng góp đầy bức xúc ở trường công” đang làm nóng diễn đàn thảo luận của phụ huynh, ông không ngần ngại trả lời : Đó chỉ là bề nổi của những sai lầm lớn của giáo dục.


GS Hồ Ngọc Đại. Ảnh : Nguyễn Đình Toán

Ở tuổi 74, ông vẫn tràn đầy nhiệt huyết khi nói về giáo dục, vẫn nhiệt tình trả lời mọi câu hỏi mà nhiều người hay né tránh. Phê bình thẳng thắn căn bệnh của giáo dục không chút xót thương, chắc chắn sẽ chạm nọc nhiều người. Dưới đây là cuộc trao đổi của phóng viên VietNamNet với GS Hồ Ngọc Đại sau khi có rất nhiều ý kiến phàn nàn của phụ huynh gửi đến VietNamNet liên quan đến các khoản thu đầu năm học mới.

Oan thì không oan !

Thưa giáo sư, gần đây có nhiều ý kiến bức xúc của phụ huynh về các khoản thu ngoài học phí của trường công, ông có thể lý giải vì sao có hiện tượng đó ? Có trường công nào bị oan vì “lạm thu” không ?

Oan thì không oan. Oan ít hay nhiều thì có. Oan ít vì có trường “quẫn bách” thì buộc phải thu. Nhưng có trường thì tranh thủ trào lưu của xã hội để lạm dụng, đục nước béo cò.

Phụ huynh bức xúc là vì người ta không tin tưởng, họ thấy sự không minh bạch, họ không biết số tiền họ đóng góp được chi tiêu như thế nào.

Tôi vẫn nói với GV rằng : chúng ta là thầy giáo, cái gì cũng sáng rõ hết. Tiền nong có gì mà không sáng rõ ? Giấy bạc có con số hết, có gì mà mù mờ ? Cái lòng anh, cái óc anh nó mù mờ. Thầy giáo mà mù mờ cái đó là mất sạch. Phụ huynh đưa tiền cho anh nhưng họ khinh anh. Và không có gì bù lại được. Rồi đời anh cũng chẳng ra gì. Về sau phụ huynh đối với anh cũng chẳng ra cái gì.

Nhưng các trường lý luận rằng các khoản tiền ngân sách chỉ đủ trả lương GV, không còn tiền để làm các hoạt động khác nên buộc phải thu thêm của cha mẹ HS…

Cũng có lý. Ở trường tôi trước đây trong thời kỳ bao cấp, không bao giờ thu tiền của phụ huynh. Lý do phần lớn họ là công nhân viên ăn lương. Cho nên, nếu vì muốn mình bớt khó khăn mà gây thêm khó khăn cho người khác thì không có đạo lý gì cả.

Nhưng sau này, khi đổi mới, người ta đề nghị thu, tôi cho thu, và giải thích vì sao thu. Tôi nói với phụ huynh là : Tôi sẽ thu tiền của phụ huynh, thông qua cô giáo, trả lại cho con các vị. Tôi lấy số tiền ấy, trả thêm cho GV, để họ đủ sống. Khi thầy cô giáo sống đàng hoàng hơn, ra chợ đàng hoàng hơn, đến lớp đàng hoàng hơn thì thái độ đàng hoàng ấy con cái các vị hưởng. Ngoài ra tôi không dùng tiền đó để làm cái gì khác.

Ngày đó, số tiền thu được từ phụ huynh dùng để tăng phụ cấp đứng lớp cho cô giáo. Khi trình bày thẳng với phụ huynh thì họ chấp nhận.

Phụ huynh ấm ức vì không minh bạch

Làm thế nào để phụ huynh tin tưởng vào điều đó, không nghĩ khác đi khi nhà trường thu thêm tiền ?

“Phụ huynh lâu nay ấm ức vì họ không biết tiền nhà trường thu dùng vào việc gì, chứ không phải vì phải nộp tiền”.

Đã là con số thì hoàn toàn tính toán được. Hơn nữa, làm thầy giáo mức sống chỉ trung bình trong xã hội. Nếu muốn làm giàu nên đi buôn thì hơn. Tôi vẫn thường nói với các cô giáo : chúng ta không phải là người giàu trong xã hội nhưng đừng quá nghèo. Thầy giáo cũng như thầy tu, có sự thiêng liêng của nó. Anh vụ lợi là mất hết. Anh nhận đồng tiền vụ lợi thì anh mất thiêng. Bố mẹ HS đã đưa đồng tiền cho người thầy thì coi họ và anh hàng thịt giống nhau. Bố mẹ HS khi mất đồng tiền thì họ ý thức được họ mất mấy cân thịt, mấy cân gạo, mặc dù thái độ của họ bên ngoài rất lịch sự. Đối với anh, người ta cư xử như vậy mà anh không hiểu. Mất cái đó, người ta đòi lại cái gì, đó là sự khinh bỉ.

Các bậc cha mẹ VN có đặc tính : chi tiêu cho con cái gì không bao giờ tiếc, miễn là con họ được hưởng.  Phụ huynh lâu nay ấm ức vì họ không biết tiền nhà trường thu dùng vào việc gì, chứ không phải vì phải nộp tiền.

Cho nên, cha mẹ dễ nhập cuộc lắm. Nếu đánh trúng được nguyện vọng của cha mẹ, lòng mong muốn của họ, thì họ không tiếc cái gì cả…Và họ cũng có cảm giác vui vẻ, chứ không có chuyện bề ngoài thì cười nói, trong bụng lại ấm ức.


GS Hồ Ngọc Đại. Ảnh Nguyễn Đình Toán.

Có cách nào dung hòa được mối quan hệ giữa phụ huynh và GV, để phụ huynh vẫn đóng góp cho đời sống GV mà không nghĩ khác đi ?

Cho nên, người thầy giáo phải tìm niềm vui trong giáo dục. Đáng lẽ niềm vui trong giáo dục phải lấn át những niềm vui khác. Vì không có đủ niềm vui trong công việc dạy học nên mới phải đền bù bằng mấy cái vớ vẩn. Nếu dạy học thành công, trẻ con yêu mến, thì hạnh phúc lớn vô cùng.

Người thầy giáo không hạnh phúc với nghề vì hiệu quả không có. Có một cô giáo vừa nói vừa khóc với tôi thế này : “Thầy ơi, đáng lẽ ra đường em phải ngẩng mặt lên, nhưng ra đường em phải cúi gằm xuống thầy ạ. Ngượng. Dạy như thế này thì được cái gì thầy nhỉ ? Bắt người ta học như thế này thì được cái gì ?” Vì trên thực tế có em học hai năm trời không biết đọc, biết viết, học vu vơ những cái không biết để làm gì.

Cái nhiễu loạn trong xã hội hiện nay, suy cho cùng là lỗi của giáo dục.

Và những khoản thu ấy đắp vào những thứ không hiệu quả của giáo dục ?

Không những thế, nó làm cho giáo dục càng mất hiệu quả. Hiệu quả thực sự là hiệu quả trong giờ học chứ không phải bên ngoài giờ học. “Hiệu quả trong” là nội dung và phương pháp. Anh dạy những thứ vớ vẩn, những điều mê muội, vô thưởng vô phạt thì học để làm gì ?

Ngày xưa học để làm quan, học để làm giàu, bây giờ học để sống bình thường. Học để sống bình thường cao cả hơn làm quan, và đó là điều vĩ đại.

Phụ huynh phản đối là hiệu trưởng có vấn đề !

Vai trò của Hiệu trưởng nhà trường quan trọng như thế nào trong vấn đề thu tiền này ? Phụ huynh HS có nên đứng ra làm công tác xã hội hóa cho nhà trường không ?

Rất quan trọng, vì họ là người đưa ra quyết định. Hiệu trưởng là linh hồn nhà trường. Khi phụ huynh còn phản đối thì trước hết và sau cùng Hiệu trưởng có vấn đề. Phụ huynh họ tinh lắm, hàng trăm con mắt nhìn vào, toàn người thông minh, thạo đời, làm sao họ không biết. Không bao giờ nên có ý định đánh lừa phụ huynh. Thậm chí con họ còn biết trước, cảm nhận trước.

Ngày trước, tôi đã từng nói với phụ huynh : nếu phụ huynh đứng ra quản lý tiền đóng góp là tốt nhất. Không gì quan trọng trong tiền bạc bằng sự minh bạch. Mọi sự nghi ngờ là vì không minh bạch. Không có gì tệ hại bằng sự nghi ngờ. Sự rõ ràng về tài chính hoàn toàn có điều kiện để làm. Khi rõ ràng về tài chính làm được thì rất dễ tạo điều kiện cho người ta tin vào những cái không rõ ràng. Nhà trường hiện nay không biết cách. Nếu biết cách thì cần bao nhiêu, nói cho rõ. Chẳng hạn muốn phụ cấp cho cô giáo thì phụ cấp cái gì, bao nhiêu tiền, phụ huynh sẵn sàng đưa. Nếu thấp quá mà không nên làm thì nói không nên làm, nếu quá đáng thì đừng làm.

Trong nhà trường có ba nhân vật trụ cột : số một là HS, số hai là thầy giáo, số ba là cha mẹ. Cả ba người này đều làm cùng một việc, đó là vì HS. Lợi ích của  người thầy phụ thuộc vào lợi ích HS. Lợi ích của cha mẹ cũng phụ thuộc vào lợi ích HS. Lâu nay, người ta thấy HS là trẻ con, nên không thấy lợi ích của nó là đất nước. Nó là hiện tại chứ không phải tương lai. Nếu nó hạnh phúc thì đất nước hạnh phúc, nó đau khổ thì đất nước đau khổ.

Tôi xin kể một câu chuyện. Có trường tên là Lương Định Của ở TP.HCM, có Hiệu trưởng và các cô giáo tôi rất quý mến. Khi mới mở trường, đó là nhà cấp 4, mỗi một năm tôi vào thăm là thấy trường xây lên dần. Có năm tôi vào không có cửa, tôi mới hỏi tại sao không có tiền làm cửa, tiền đâu ra mà các cô xây trường ? Các cô trả lời : Toàn phụ huynh làm hết. Phụ huynh tự đóng góp, tự xây trường cho con em, tự mua sắm trang thiết bị. Có phụ huynh không có con học ở trường nữa nhưng vẫn tiếp tục xây trường. Sau 10 năm, từ một nhà cấp 4, nay đã trở thành nhà 5 tầng, mỗi năm phụ huynh làm một ít.

Phụ huynh của trường này mất rất nhiều tiền nhưng họ vẫn rất kính trọng cô giáo. Các cô giáo ở đó rất hạnh phúc, vì dạy một trường người ta tin cẩn mình. Phụ huynh thì yên lòng khi gửi con ở đó cả ngày.

Điều đó có phụ thuộc vào cơ chế hay Hiệu trưởng có toàn quyền quyết định ?

Hiệu trưởng hoàn toàn có thể làm được. Ví dụ bây giờ hiệu trưởng nói muốn nhận lương 10 triệu đồng, không sao cả, nếu anh dám nhận 10 triệu thì ghi 10 triệu. Chứ cớ gì ghi 5 triệu rồi kiếm cách ăn gian 5 triệu, như thế là ăn cắp, mất hết tư cách. Nhà giáo ăn gian, ăn cắp không còn gì cái gì nữa. Trẻ con tinh lắm. Nó sẽ nhận ra tư cách của người thầy giáo.

Có ý kiến cho rằng nên thu học phí và tất cả các khoản đóng góp thành “một cục” từ đầu năm, ông nghĩ sao về điều này ?

Đúng. Hoặc có thể giải thích cho phụ huynh, cái gì cần thu cứ nói với người ta là cần thu. Thu để làm gì, hạch toán đàng hoàng. Nhưng theo tôi, tốt nhất những khoản thu thêm ngoài học phí phụ huynh đứng ra làm. Quỹ đó của nhà trường nên có một người chuyên trách của phụ huynh. Tất cả mọi chi tiêu đều công khai hóa hết. Có điều rất hay là : anh ăn gian hay không dân họ biết.

Giờ người ta gửi con đến trường là gửi con tin.  Một nền giáo dục biến HS thành con tin.

Nói một cách chung nhất, hiện nay mối quan hệ giữa phụ huynh và nhà trường đang gặp phải vấn đề gì ?

Trong nhà trường có ba nhân vật trụ cột : số một là HS, số hai là thầy giáo, số ba là cha mẹ. Cả ba người này đều làm cùng một việc, đó là vì HS. Lợi ích của  người thầy phụ thuộc vào lợi ích HS. Lợi ích của cha mẹ cũng phụ thuộc vào lợi ích HS. Lâu nay, người ta thấy HS là trẻ con, nên không thấy lợi ích của nó là đất nước. Nó là hiện tại chứ không phải tương lai. Nếu nó hạnh phúc thì đất nước hạnh phúc, nó đau khổ thì đất nước đau khổ.

Hiện nay, đáng tiếc là phụ huynh vẫn là một đối trọng với nhà trường chứ chưa phải hợp tác với nhà trường. Đáng lẽ phụ huynh phải là nhân vật hữu cơ của nhà trường.

“Giờ học sinh là con tin”

Tại sao thưa giáo sư ?

Vì con của họ đang trong tay nhà trường. Đối trọng theo kiểu là chiều theo ý muốn của nhà trường, vì con họ là của đặt cược, là con tin. Giờ người ta gửi con đến trường là gửi con tin (cười lớn).  Một nền giáo dục biến HS thành con tin.

Đáng lẽ thầy cô giáo phải xót xa về thất bại của HS, thì bây giờ chỉ có cha mẹ xót xa.

Người thầy giáo lý tưởng hiện nay là người thế nào ?

Là người bao giờ cũng vì lợi ích HS. Lẽ sống của người thầy là HS. Sự sống, sức sống của thầy là HS.

Nhưng người ta không thể có một lẽ sống với đồng lương ít ỏi được….

Nói thế thôi, với người thực sự vì HS vẫn có thể chịu được. Người tầm thường thì mới không chịu nổi. Rất nhiều thầy giáo nghèo chứ, nhưng chính những người đó sống rất thanh thản. Cho nên có một tầng lớp mang danh là nhà giáo nhưng rất đê hèn. Và cái đó làm hủy hoại cả một tầng lớp thanh niên.

Đi về miền núi, tôi cực kỳ thương GV, chẳng hạn như đi Lào Cai. Có cô giáo ở đó nói với tôi thế này : lần nào đi chợ em cũng phải mua hai cân lạc, cũng chỉ đủ sức mua chừng đó thôi. Mỗi buổi trưa rang lên, cho mỗi em vài hạt. Tôi vào một trường, thấy đường vào trường nguy hiểm cho HS, nhất là khi trời mưa, tôi bảo là sao không làm, các cô nói không có ngân sách. Năm sau quay trở lại, tôi ngạc nhiên khi thấy đường đã làm xong đẹp đẽ, đàng hoàng. Các cô cho biết đã dành một tháng lương và huy động thêm GV cả huyện đóng tiền. Đó là GV cả huyện Simacai đóng một tháng lương để trường Lử Thẩn có một sân chơi và lối vào đẹp đẽ.

Vậy nhà trường muốn lấy lại uy tín thì phải làm thế nào ?

Phải thay đổi lại cơ bản nền giáo dục, cả nội dung, phương pháp, tổ chức.

Còn tiền nọ, tiền kia chỉ là cái cớ ?

Chỉ là cái cớ. Căn bản là có sự hủy hoại từ trong lòng GD. Người làm GD hiện nay là làm dự án GD chứ không phải là làm GD.

Cảm ơn cuộc trò chuyện của giáo sư.

Tú Uyên (Thực hiện)

Nguồn : Vietnamnet