Đi trên một cây cầu mới làm xong, mua một bao xi măng đang bán ở cửa hàng, mua một túi kẹo hoặc túi mì ăn liền…, ta có thể cảm nhận được một cách trực tiếp thế nào lá một sản phẩm. Toàn bộ dây chuyền công nghệ cho ra cây cầu, bao xi măng hoặc túi mì ăn liền… đều có sẵn trong thiết kế cái sản phẩm cuối cùng của mình.
Thử coi nhà trường như là một xí nghiệp, thì tất yếu nó phải cho ra lò những sản phẩm cuối cùng như thế nào? Cái “nhà máy” gọi bằng nhà trường sẽ cho xuất xưởng những gì? Có hiểu đầy đủ quan điểm về sản phẩm của Giáo dục phổ thông, thì mọi việc góp ý, tranh luận, chất vấn mới thông đồng bén giọt. Đừng nên quên rằng cái sự nghiệp Giáo dục phổ thông đang được bàn cãi cũng từng làm ra chính những sản phẩm đang tung hô hoặc bắt bẻ nó. Và cũng đừng quên, những người con đẻ ấy đang nói đến cái nôi Giáo dục không phải đến hôm nay mới bộc lộ là lỗi thời.
Thảo luận nhóm – môn Lối Sống lớp Một, ảnh : N.T. Nam
Khác với các nhà máy làm ra sản phẩm vật chất, cái “nhà máy” Giáo dục phổ thông cho ra đời một loại sản phẩm kép. Cách hiểu thứ sản phẩm hai mặt đó không dễ gì ai ai cũng thống nhất với nhau.
Sản phẩm do nhà trường phổ thông tạo ra gồm một mặt là cái có thể nhìn thấy được và một mặt nữa là cái gì đó rất khó nhìn thấy. Một mặt sản phẩm nằm trong kỹ năng của học trò, còn một mặt kép nữa nằm trong tâm lý người được nhà trường đào luyện.
Có thể thấy rất rõ điều này qua thí dụ về việc dạy thể thao trong nhà trường. Một mặt của sản phẩm học thể thao là biết cách thực hiện những môn thể thao phổ biến nhất (chạy, nhảy cao, nhảy xa, leo dây, đánh xà… ) nhưng mục đích của loại sản phẩm này ở trường phổ thông không phải là thành tích cao về điền kinh. Các môn điền kinh nói trên chỉ là những công cụ để tạo ra mặt thứ hai của sản phẩm năng lực thể thao ở trường phổ thông, đó là tâm lý tự tin. Nhờ thể thao mà người học sinh phổ thông tin rằng mình không phải là kẻ nhút nhát, mình biết cách và “dám” nhảy cao đến những một mét, mình dám nhảy xa đến những hai mét, mình dám bơi những một chục mét… Khác với trường chuyên nghiệp, nhà trường phổ thông không bao giờ được tôn thờ “thể thao thành tích cao”. Ở đây, mọi sự “tranh tài” chỉ để cho vui thôi. Ở đây, cái tinh thần thượng võ Hy Lạp xưa hoàn toàn không thể bị tha hoá vì bệnh thành tích. Trên góc độ Giáo dục, một Hội khoẻ Phù Đổng tốt nhất cũng không bằng vô số Hội khoẻ Phù Đổng tầm tầm và rẻ tiền ở mỗi lớp học, ở từng trường học, ai ai cũng tham gia, vui sống và cần thiết đồng thời lại giản dị như việc mọi người vẫn hít thở không khí hàng ngày.
Sản phẩm do nhà trường phổ thông tạo ra gồm một mặt là cái có thể nhìn thấy được và một mặt nữa là cái gì đó rất khó nhìn thấy. Một mặt sản phẩm nằm trong kỹ năng của học trò, còn một mặt kép nữa nằm trong tâm lý người được nhà trường đào luyện.
Tương tự như vậy ta có thể xét sang môn Toán. Sản phẩm toán học trước hết thể hiện trong những kỹ năng của học sinh, như biết cộng trừ, biết giải phương trình, biết tính đạo hàm… Nhưng nếu thiếu một mặt bên kia của sản phẩm toán học là tư duy lô gích-toán, thì coi như “nhà máy” mới tạo ra một nửa sản phẩm. Mà cho ra lò những thứ nửa sản phẩm cũng có nghĩa là chưa tròn nhiệm vụ. Chưa hết: không thể nào cứ đợi “ngày mai”, đợi “lớp sau”, đợi “cấp học sau”, đợi “các em lớn lên chút nữa đã”, khi đó mới bắt tay làm ra cái sản phẩm gọi bằng tư duy lô-gích toán. Sản phẩm đó là một chuỗi thành tựu phải được bắt đầu đào luyện kể từ tiết học thứ nhất của lớp Một. Nếu không, sẽ chỉ có hàng triệu triệu trẻ em đầy mặc cảm tự ty đứng xếp hàng vỗ tay hoan hô vài ba anh chị thiên tài đi lĩnh huy chương về… cho mình xem.
Còn học môn Tiếng Việt thì cho ra lò những sản phẩm gì? Xin đừng đao to búa lớn nói đến tình yêu ngôn ngữ mẹ đẻ, tự hào dân tộc… Mặt kỹ năng của sản phẩm tiếng Việt là viết đúng chính tả, dùng đúng từ, nói và viết đúng câu, đọc hiểu và viết đúng lô-gích của từng đoạn văn tiến đến cả một văn bản. Còn mặt bên kia của năng lực tiếng Việt là gì? Là một tinh thần tôn trọng tính chuẩn xác ngôn ngữ học. Giống như trường hợp lang băm thì không sao có nổi y đức, người học trò ra trường mà ngọng nghịu tiếng Việt thì làm sao có nổi tình yêu ngôn ngữ mẹ đẻ? Dĩ nhiên, trong tiếng Việt có những yếu tố Hán-Việt, những yếu tố Nôm (nói nôm), có cả những yếu tố vay mượn khác nữa. Nhưng đó không thể là cơ sở để yêu cầu trẻ em Việt Nam học chữ Hán ở trường phổ thông.
Những điều đó liên quan đến sản phẩm của việc học tiếng nước ngoài. Học tiếng nước ngoài thì chỉ có thể là “sinh ngữ” chứ không thể là “tử ngữ”. Nếu bắt trẻ em học chữ Hán-Nôm thì có người lại đòi cho các cháu học chữ La-tinh thì trả lời sao đây? Vậy, hai mặt của sản phẩm học tiếng nước ngoài như một sinh ngữ là gì? Một mặt, đó là những kỹ năng am tường và sử dụng một ngoại ngữ. Kỹ năng đó phải cố tránh cho xa tình trạng tiếng nước ngoài lơ lớ. Còn mặt bên kia của sản phẩm ngoại ngữ, đó là học sinh phải có tinh thần tôn trọng một nền văn hoá khác với cái văn hoá truyền thống của mình.
Phát biểu cảm tưởng – môn Văn lớp Một, ảnh : V.T.N. Quỳnh
Học văn thì lại khác với học ngôn ngữ, cả tiếng mẹ đẻ lẫn tiếng nước ngoài. Mặt kỹ năng trong sản phẩm hoặc năng lực văn của học sinh phổ thông nằm trong khả năng các em biết được cách thức người nghệ sĩ làm ra một tác phẩm theo một thể loại xác định. Ở trường phổ thông, nhà trường lấy những mẫu văn thơ để dạy cho học sinh biết cách làm ra một tác phẩm văn, từ đó các em biết được một ngữ pháp nghệ thuật. Diễn đạt đơn giản là, tuy nhà trường phổ thông không dạy các em học phim ảnh, sân khấu, kiến trúc hoặc điêu khắc và hội hoạ… song các em biết vận dụng ngữ pháp nghệ thuật học được qua môn Văn để hiểu được những loại hình nghệ thuật khác. Còn một mặt thứ hai của sản phẩm nghệ thuật học đường, đó là những xúc cảm mỹ học tạo năng lượng sống cho con người. Ngữ pháp nghệ thuật giúp trẻ em hiểu đúng cách biểu đạt ngôn ngữ nghệ thuật. Có cái gốc đó thì mới có xúc cảm mỹ học đúng. Không có chỉ là lặp lại lời thày cô để tán về một “tác phẩm”.
* * *
Nghĩ rằng việc nói ra ý tưởng về từng chi tiết sản phẩm Giáo dục phổ thông như vậy là tạm đủ, nghĩa là khó có thể bị hiểu sai, và không cần nói thêm thì bạn vẫn có thể tự thuyết phục mình và tự đưa ra ý kiến của mình về từng phần của sản phẩm đó.
Điều bắt buộc phải nói thêm, đó là công việc “lắp ráp”. Nhà máy may quần áo, có việc “vào áo” và “vào quần”, từ những cái cổ, cái ống tay ống quần, những vạt áo và túi… sẽ cho ra lò những bộ quần áo đủ để đem bán ra thị trường. Cũng việc “vào” đó, ở nhà máy xe đạp hoặc ô tô thì gọi là lắp ráp. Còn ở cái sản phẩm cuối cùng của nhà máy xi măng, nơi hội tụ cả những viên đá hộc, những gầu bùn, có cả nứoc, phụ gia và nhiệt độ… là những bao xi măng mịn màng và nóng hổi.
Vậy đối với nhà trường phổ thông, toàn bộ các chi tiết năng lực văn, năng lực ngôn ngữ, rồi toán, lý, hoá, sức khoẻ, đạo đức… sẽ gửi thân trong một sản phẩm ra lò như thế nào? Lười suy nghĩ sẽ nói sản phẩm đó là những con người mới toàn diện. Nói thế không sai, nhưng không chỉ ra được cách làm và cũng khó kiểm soát. Nói theo lối thời thượng sẽ bảo, đó là những thành phần của nguồn nhân lực xây dựng và bảo vệ đất nước. Nói thế cũng không sai nốt, nhưng vẫn là cách thích nói những điều to tát và thiếu thói quen nghĩ về những cách làm giản dị và có thể kiểm soát được.
Nên chăng nghĩ và làm và nói rằng sản phẩm cuối cùng của Giáo dục phổ thông là cậu học trò biết làm việc. Sản phẩm đó vẫn là cậu học trò, chưa là người lao động có nghề đích thực. Song sản phẩm đó đã có những yếu tố đúng nhất của một người lao động, đó là sự biết làm thay cho sự chỉ biết nói. Nhưng “làm” ở đây vẫn là làm theo phương thức nhà trường (phổ thông), đó là tập làm và tuy là “tập” đấy nhưng phải làm đúng, ta sẽ nói đó là biết làm việc đúng đối tượng. Nghĩa là các em biết cách học hoặc còn có thể nói là cách chiếm lĩnh các đối tượng khác nhau: toán khác với văn, khác với ngôn ngữ, khác với đạo đức, khác với thể dục, thể thao… Từ đó, trong tư duy của các em sẽ có mặt thứ hai của sản phẩm, đó là cái tinh thần luôn luôn biết tự giao nhiệm vụ: ta phải làm gì? Ta làm để đạt tới mục tiêu gì? Ta sẽ làm bằng cách gì để đến được mục tiêu đó? Em học sinh phổ thông sẽ đem năng lực đó vào trường học nghề để rồi sẽ đem năng lực nghề nghiệp mà vào đời kiếm sống và làm giầu cho tổ quốc.
Sản phẩm của nhà trường phổ thông như đã phân tích bên trên mang tính đồng loạt. Dù em bé được học ở thành thị hay nông thôn, em học ở miền xuôi hay miền núi, em học ở trường bình thường hay trường cho người khuyết tật, thì cái phẩm chất khi ra lò vẫn giống nhau. Cái tư duy lô-gích toán, cái ứng xử ngôn ngữ, cái tinh thần biện chứng lịch sử, cái lòng tự tin của tinh thần thượng võ… ở đâu cũng sẽ phải như nhau. Cách học ở tiểu học mang tính chất học phương pháp học, lên trung học sẽ mang tính chất tập nghiên cứu sẽ tạo cho em học sinh phổ thông cái năng lực để khi lên đại học các em sẽ tập độc lập nghiên cứu. Đến khi đó, ở bậc Cao đẳng và Đại học, là chốn học nghề, sản phẩm của bậc học này sẽ phải mang tính riêng biệt, riêng đối với từng trường, riêng đối với từng cá thể nữa.
* * *
Một cuộc Cải cách Giáo dục đích thực phải được khởi đầu bằng công việc của nhà thiết kế chứ không phải công việc của người hô khẩu hiệu.
Nhân vật này phải nhìn thấu đáo ở tận cuối cùng dây chuyền sản xuất sẽ cho ra lò cái sản phẩm như thế nào.
Nhà thiết kế cũng phải biết cách tổ chức toàn bộ chuỗi sản xuất đó từ lớp Một cho đến lớp cuối dây chuyền.
Không biết rõ những điều như thế, đừng bàn về Giáo dục nữa mà mất thời giờ.
Phạm Toàn
Biệt thự Thu Trang 20-10-2004
(*) In báo Người đại biểu nhân dân ngày 3-11-2004, được giải thưởng bài báo hay về Giáo dục năm 2004 của báo này.