Lời cám ơn :  Nhóm Giáo Dục Hiện Đại có tên hiệu (nickname) Cánh Buồm xin trân trọng đăng lại bài viết sau đây để bày tỏ lòng cám ơn trang mạng Vietnamnet và tác giả Phạm Anh Tuấn đã giới thiệu mấy công việc ban đầu và những ý định lâu dài của chúng tôi. 
Bộ sách lớp Một 5 cuốn sẽ sớm ra mắt vào đầu tháng 8-2010 và hy vọng sẽ được là những gợi ý tham khảo ban đầu về cải cách giáo dục nhóm Giáo dục Hiện đại muốn gửi toàn thể xã hội. 

Giáo dục hiện đại (Cánh Buồm)

 

Trẻ em giờ đây đến trường để học cách “làm ra” kiến thức, để sau này thích ứng với một xã hội liên tục đổi thay đến chóng mặt.

Hãy làm một phân tích vui: Cho tôi biết ý kiến của bạn về hiện trạng của nền giáo dục, tôi có thể đoán được bạn thuộc kiểu người nào.

Lạc quan, bi quan và… dĩ hòa vi quý

Sẽ có thể có 3 loại người trả lời: Kiểu người lạc quan tập trung vào thành tích. Người lạc quan thích viện dẫn những con số thống kê có lợi, kể cả những thống kê chẳng liên quan trực tiếp gì tới GD.

Một Thứ trưởng GD và ĐT mới đây đã trích dẫn con số thống kê học sinh bị tai nạn giao thông khi đi thi qua các năm học từ 2007 đến 2010! Thống kê lạc quan kiểu này giống với việc so sánh 6 tuổi thì khỏe hơn, giỏi hơn 5 tuổi, 7 tuổi thì  giỏi, khỏe hơn 6 tuổi, cứ thế mà tiếp tục cho đến…100 tuổi. Sự tình chỉ khác khi có người thử vặn lại, chẳng hạn, rằng sao mà đứa 6 tuổi nhà mình lại không bằng đứa 6 tuổi con nhà hàng xóm?

So với kiểu người lạc quan thì kiểu người bi quan dường như đông hơn. Bi quan tức là đã mất sự lạc quan, không thể tiếp tục lạc quan được nữa. Người bi quan có ở trong mọi lĩnh vực, có khi lĩnh vực chuyên môn của họ chẳng liên quan trực tiếp tới GD. Họ có thể là nhà toán học, nhà vật lý, nhà nghiên cứu triết học, nhà sử học, nhà văn hóa, nhà văn, doanh nhân…Họ đóng góp cho GD một cách vô tư, bất vụ lợi. Nói chung, người bi quan lo lắng đến việc chung của xã hội.


Trường tư thục tìm ra con đường cải lương, bổ sung thêm yếu tố “thực hành hóa” như phòng vi tính.Ảnh minh họa

Trong số những người bi quan có cả những người được đào tạo bài bản về GD, có bằng cấp chính quy. Cách nghiên cứu của họ được rập theo một cái khuôn: Phát hiện vấn đề, thử đi tìm một hướng giải quyết vấn đề (bằng lý thuyết) rồi sau đó đưa ra những khuyến nghị và giải pháp. Nghiên cứu của họ không bao giờ đi ra khỏi chỗ bàn giấy, chỉ là những “báo cáo” tình hình, những luận án, trong đó có không ít những luận án tiến sĩ.

Có những người bi quan nhưng có đầu óc thực tế. Họ tìm ra một con đường cải lương- vừa thỏa hiệp vừa phá cách. Trường tư thục vẫn tiếp tục duy trì lối dạy thầy giảng- trò ghi nhưng được bổ sung những yếu tố “vui tươi hóa”, “thực hành hóa” như là tranh ảnh, dụng cụ học tập, máy tính, phòng thí nghiệm (được sử dụng như là nơi vận dụng kiến thức vừa học – chẳng qua cũng chỉ là bước “củng” trong “kiểm – giảng – củng” của trường công lập) và những yếu tố “hiện đại hóa” như bể bơi, sân bóng, cây xanh v.v. …

Khoan hãy nói trường tư thục bằng cách trả lương cao hơn đã thu hút không ít giáo viên giỏi của trường công lập. Trường tư thục là đứa em ruột của trường công lập – một thứ bình mới rượu cũ – về phương pháp.

Có những người làm ra vẻ bi quan, bởi vì họ có lợi ích gắn liền với GD. Họ nghiên cứu những hậu quả chứ không nghiên cứu nguyên nhân của hậu quả. Chẳng hạn có người đi nghiên cứu những học sinh cá biệt ở một vài trường phổ thông. Đó là cách làm của bác sĩ thú y. Trong một đàn vịt có con nào bị ốm thì đó là lỗi cơ thể của con vịt ấy. Trong GD, bất cứ một học sinh nào bị “hỏng” thì cũng đều là lỗi của nhà trường.

Các bậc cha mẹ chiếm tuyệt đại đa số. Họ là người chịu tác động trực tiếp của nền GD, song họ dĩ hòa vi quý. Họ không lạc quan, cũng chẳng bi quan. Họ không có nhu cầu và cũng không muốn lên tiếng phát biểu về những vấn đề gì to tát. Họ suy nghĩ theo thực tế. Họ hành động xuất phát từ lợi ích trước mắt của con cái. Họ tự cứu lấy chính con cái của mình, theo cách riêng. Nếu có điều kiện họ không ngần ngại cho con cái đi du học – một cách họ chạy trốn nền GD của đất nước, mà có người gọi là hiện tượng “tỵ nạn” GD.

Hiện đại hóa nhà trường là thế nào?

Nhìn vào hoàn cảnh như vậy thì có thể thấy nền GD nước ta giống như một con tàu bị bỏ mặc trôi dạt, trên con tàu ấy không có một thuyền trưởng thống lãnh. Chúng ta không nhìn thấy một đường lối, một cách triển khai rõ rệt tựa như một sợi chỉ đỏ xuyên suốt để người đứng ngoài có thể nhận ra tính phát triển và tính kế thừa qua các thời kỳ khác nhau.

Thật may, thời kỳ nào cũng có những cá nhân xuất sắc. Với năm 1978 thì đó là TS Tâm lý học GD Hồ Ngọc Đại. Ông là người vừa thiết kế chương trình, vừa giúp cho việc triển khai của hệ thống trường Thực nghiệm GD phổ thông ra đời vào năm 1978. Hệ thống này đã tồn tại trong suốt 30 năm với hàng ngàn trường học tại 43 tỉnh và thành phố…cho tới khi nó bị ngành GD “xóa bỏ”  vào tháng 5 năm 2008.

GS Hồ Ngọc Đại – người dành trọn tâm huyết cho ngành giáo dục

Quan điểm GD của ông, vị GS suốt đời lấy hạnh phúc trẻ thơ là hạnh phúc của đời mình chỉ vỏn vẹn 2 điều: (1) Không loay hoay sửa chữa phế – sản phẩm cuối cùng mà phải “Dỡ ra, làm lại từ đầu”, sau này là “Xóa đi, làm lại từ đầu” và (2) Hiện đại hóa nhà trường.

“Hiện đại hóa” không phải là “tân kỳ hóa”. Hiện đại hóa cũng không phải là “hiện đại nhất”. Sắm cái máy tính cấu hình đời mới nhất vẫn chưa phải là hiện đại hóa.

Hiện đại hóa nhà trường trước hết là hiện đại hóa sản phẩm GD. Trong nhà trường kiểu cũ thì sản phẩm là sản phẩm do người lớn làm sẵn, đóng gói sẵn. Trong nhà trường hiện đại thì sản phẩm là sản phẩm phải do trẻ em tự mình làm ra. Trong xã hội tiểu nông – tiểu thủ công nghiệp thì sản phẩm làm sẵn là chấp nhận được bởi vì dạy học khi ấy chỉ là “truyền thụ”, bảo ban, giảng giải – thực ra thời đó chỉ có cách dạy duy nhất đó.

Giữa người dạy và người học không có sự khác biệt bao nhiêu. Vì thế mà có người học lỏm cũng thành tài. Nền sản xuất tiểu nông-tiểu thủ công là điều kiện quy định sức lao động chân tay và trí khôn kinh nghiệm. Dạy đi cày, dạy nghề thợ rèn…thì không cần phải dạy nguyên lý gì hết. Người dạy chỉ cần giảng giải kinh nghiệm cho người học, rằng con trâu phải đi trước, cái cày phải đi sau, lúc sắt còn đang nóng thì phải nện búa …

Nhà trường hiện đại được quyết định bởi nền sản xuất công nghiệp hóa, rồi tiến lên nền kinh tế tri thức, nền kinh tế số hóa. Đặc điểm của nền sản xuất hiện đại là con người có thể làm ra những cái không có sẵn trong thiên nhiên, có thể làm ra cái hoàn toàn mới. Trẻ em giờ đây đến trường không phải để “thu lượm” kiến thức có sẵn từ ông thầy. Trẻ em giờ đây đến trường để học cách làm ra kiến thức, để sau này thích ứng với một xã hội liên tục đổi thay đến chóng mặt.

Nhưng có lẽ nhà trường kiểu thầy giảng – trò ghi vẫn chưa đủ “tha hóa” (theo thuật ngữ của Hegel), cho nên chương trình công nghệ GD Hồ Ngọc Đại đành chịu thua, không thắng nổi nhà trường cổ hủ ấy.

Sau năm 2008, GS Hồ Ngọc Đại lại quyết tâm một lần nữa. Viện Công nghệ GD mới đây ra đời. “Vì muốn cho trẻ em hiện đại được hưởng hạnh phúc và niềm vui đi học, hưởng một nền GD xứng đáng, tôi còn sức còn làm tiếp những việc dang dở, rồi phải tìm một mảnh đất mới để mở trường thực nghiệm mới, lập cơ quan nghiên cứu khoa học mới…” (trích diễn từ của TS Hồ Ngọc Đại nhận Giải thưởng GD năm 2010 của Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh).

Lần này ông đã bổ sung một khái niệm mới: Công nghệ học (Learning Technology) hay Công nghệ tự học (Self-Learning Technology).

Có một Cánh Buồm thao thức vì trẻ em

Mọi thứ bây giờ đều phải làm lại từ đầu. Trước tiên là phải biên soạn lại sách giáo khoa cho ngôi trường của Viện sẽ được khai trương trong nay mai, với chủ trương “Làm ra một điều tích cực là chống tiêu cực mạnh mẽ nhất”.

Nhóm biên soạn sách ra đời, mang tên Cánh Buồm. Cùng với việc biên soạn sách, nhóm đã xây dựng một đề án cải cách có tên gọi “Một nền GD Việt Nam hiện đại”.

Như vậy là trước khi biên soạn sách thì các nhà GD, các chuyên gia GD đã biết trước phải Làm cái gì và Làm thế nào. Để tạo một nền móng vững chắc, Cánh Buồm quyết định trước hết hãy tập trung cải cách bậc tiểu học, một bậc học được họ đề xuất gọi tên là bậc phổ thông cơ sở kéo dài 8 năm.

Để nhấn mạnh tầm quan trọng của bậc học này, trên mỗi trang bìa phụ của SGK đều có in một dòng chữ đóng khung “GD tiểu học ổn định và đảm bảo chất lượng thì toàn bộ nền GD mới được ổn định, mỗi gia đình ổn định, và cả xã hội ổn định”. Sau gần 3 năm làm việc, Cánh Buồm đã cho ra đời mẻ sản phẩm đầu tiên gồm 5 bộ SGK cho bậc phổ thông cơ sở, kèm một cuốn sách hướng dẫn sử dụng cho các môn Tiếng Việt, Văn, Lối sống, Tiếng Anh, Tin học (riêng môn Toán vẫn sử dụng lại SGK của hệ thống Trường Thực nghiệm Hồ Ngọc Đại).

Và Cánh Buồm đã khai trương trang hiendai.edu.vn. Trang hiendai.edu.vn có tính chất giống như cuốn bách khoa thư trực tuyến wikipedia, giống như mọi phần mềm mã nguồn mở: Bất cứ ai nếu quan tâm và có khả năng, cũng đều có thể làm một “đồng tác giả”, một người “đồng sáng tạo” với nhóm Cánh Buồm. Xã hội là người hưởng lợi và cũng là người thẩm định tối cao.


Hoạt động của Hiendai.edu.vn có tính chất mở giống như cuốn bách khoa thư trực tuyến wikipedia

Cánh Buồm kế thừa những thực nghiệm của công nghệ GD Hồ Ngọc Đại từ những năm 1970 của thế kỷ XX nhưng có những bổ sung, nâng cao để làm cho đúng hơn và dễ thực hiện hơn.

Trong khi hệ thống GD vẫn đang lúng túng, không biết phải bắt đầu cải cách GD từ đâu, cải cách như thế nào thì Cánh Buồm  đã âm thầm triển khai công việc với hướng đi – cách làm – sản phẩm cụ thể. Cánh Buồm, như tên gọi khiêm tốn, trước mắt có thể lướt chưa nhanh, song điều quan trọng là Cánh Buồm liên tục di chuyển chứ không bao giờ đứng nguyên tại chỗ.

Phạm Anh Tuấn

(Link : http://tuanvietnam.net/2010-07-19-hien-dai-hoa-nha-truong-la-the-nao-)