Chuyện thời sự vẫn còn đang nóng hổi: nhà toán học Việt Nam trẻ tuổi, giáo sư Ngô Bảo Châu, đã chứng minh được “Bổ đề cơ bản”; anh đã được nhận giải Clay cao quý năm 2004, và có thể được tặng Huy chương Fields – một giải thưởng lớn trong toán học, và do chỗ không không có giải Nobel Toán học, nên Fields cũng được coi tương đương giải thưởng Nobel trong các ngành khoa học khác.
Ta cũng nên tò mò một chút: Ngô Bảo Châu được đào tạo từ cái “lò” nào ra vậy? Xin thưa: từ trường Cao đẳng sư phạm Paris. Và theo thổ lộ của Châu với tạp chí Diễn Đàn (Paris) năm 2005, thì khi học ở đây anh cũng khá vất vả.
Nghe tin Ngô Bảo Châu, tôi liên tưởng tới một người sống cách Châu rất xa trong thời gian, song cũng là một sinh viên Cao đẳng sư phạm Paris, tên là Romain Rolland. Ông Romain Rolland viết bộ tiểu thuyết Jean-Christophe 4 tập trong thời gian mười hai năm. Có người chê ông viết kéo dài ra như vậy thì thế nào cũng can tội luộm thuộm rồi còn gì! Vì vậy mà trong lời nói đầu sách của mình, Romain Rolland có nói về về chuyện đó, những lời lẽ rất đáng cho ta chú ý như thế này: vốn dĩ đã là sinh viên Cao đẳng sư phạm, làm sao tôi lại có thể có lối làm ăn luộm thuộm cho được kia chứ?
Chúng ta đều biết rằng tên “trường sư phạm” của Pháp là École Normale theo nghĩa đen là “một thứ nhà trường chuẩn mực”. Chữ “norme” theo gốc tiếng Hy Lạp nghĩa là cái thước thợ để các ông thợ xây căn các góc tường cho vuông thành sắc cạnh, cho nhà khỏi đổ ụp.
Học sư phạm ra, học cách làm con người chuẩn mực rồi, thì sau đó phải hành nghề cho chuẩn mực mới thành con người chuẩn mực, cái lý ở đời là như vậy.
Và chúng ta hãy liên tưởng tiếp: giả sử như hai cái đồng chí Ngô Bảo Châu và Romain Rolland kia cứ tối ngày đi họp, rồi soạn những giáo án không để dùng vào giờ dạy học, chỉ để trình để khỏi bị Công đoàn phê phán, rồi … làm vô thiên lủng những việc không chuyên nghiệp khác (không chuẩn mực), những việc ngày xưa cố bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên phê phán vui là “chạy vòng quanh nhà trường”, thì làm sao có người giáo viên hiền tài? Suy rộng ra, làm sao từng con người phát huy được tiềm năng để thành người tài?
Hệ quả trực tiếp của sự không chuyên nghiệp, không chuẩn mực, của trò đùa có thưởng chạy quanh nhà trường, một khi đã không đi vào thực chất hoạt động giáo dục, mà lại cứ muốn giữ thể diện mỗi dịp tổng kết sơ kết thì chuyện tạo ra thành tích rởm là điều dễ hiểu.
Nên nhớ rằng bệnh thành tích với ai đó là cần thiết, nhưng đó lại là điều xấu hổ đối với những người trung thực và có tâm hồn cao thượng. Một lần nữa, lại xin hãy nghe Ngô Bảo Châu nói: “Có hai kỹ năng sống mà tôi mất nhiều thời gian mới học được. Một là cách khen ngợi người khác thật lòng, khen vô tư, không có ý gì ở đằng sau. Hai là cách tiếp nhận lời khen: phải trân trọng nó như một món quà nho nhỏ của cuộc sống. Nhưng không nên đặt quá nhiều quan trọng vào một lời khen: không phải vì người ta khen mình một câu mà bỗng nhiên mình trở nên thông minh hơn. Nếu cái tin giật gân này cũng đem đến cho bạn một chút vui, một chút tự hào, thì đó là điều tôi mong muốn nhất. Nhưng tôi cũng mong các bạn giúp tôi giữ gìn nó như một cái gì mong manh dễ vỡ, kẻo cái vui nhỏ lại hóa thành một cái dềnh dàng phiền phức”. (Vietnamnet, ngày 13-12-2009)
Phạm Toàn
(Tuổi trẻ cuối tuần 2009)