(LĐ) – Căn nhà lụp xụp chừng 6m2 nằm chênh vênh ven mép bờ ao. Nền nhà ẩm thấp, chật chội, chỉ kê vừa đủ chiếc giát giường. Trong nhà không có bất cứ đồ đạc gì ngoài chiếc quạt cũ và cái nồi cơm điện hàng xóm cho để dùng trong sinh hoạt hằng ngày.
Hết giờ lên lớp em lại ngồi quay sợi
Đó là “gia đình” của em Nguyễn Thị Hoài (thôn Bình Đà, xã Bình Minh, huyện Thanh Oai, Hà Nội) – học sinh lớp 9A5 Trường THCS Thanh Cao, Thanh Oai.
Bố mẹ bỏ nhau khi Hoài mới 2 tuổi và cũng đi biệt tích luôn từ đó. Em phải sống cùng gia đình người bác ruột. Thật khó tin, nhưng từ khi 7 tuổi em đã phải tự chăm lo cho cuộc sống riêng, vì hoàn cảnh gia đình nhà bác cũng quá khó khăn, chỉ trông vào công việc phu hồ hết sức phập phù của bác trai. Bác gái ốm đau, bệnh tật liên miên. Dù có thương xót cháu đến mấy, nhưng hai thân già cũng đành “lực bất tòng tâm”.
Mới 15 tuổi, nhưng Hoài đã trải qua cuộc sống tự lập được gần 10 năm. Chính vì vậy ở em có nét cứng cỏi, mạnh mẽ khác hẳn với những em cùng trang lứa. Bà con chòm xóm đã họp, đưa em vào diện hộ cô đơn và báo lên xã từ lâu để xin trợ cấp, nhưng tới nay vẫn chưa thấy phản hồi.
Hằng ngày, Hoài trông vào 5 thước ruộng, tự cấy, gặt và ngoài giờ đến lớp, em nhận quay sợi thêm. Những ngày đầu mới quay sợi, 2 bàn tay nhỏ lóng ngóng của đứa trẻ quá xa lạ với cái gàng, sợi bông nên nhiều lần bị rối tung lên, các vòng quay không theo ý muốn. Thế rồi, với nghị lực và sự kiên nhẫn, các vòng quay đã đều hơn, sợi bông tăm tắp xếp vào khung theo trật tự như tuân lệnh cô bé.
Hàng xóm thương hoàn cảnh của em nên thỉnh thoảng có người cho em đồng quà, tấm bánh, còn cho em cả quần áo, giày dép. Năm ngoái có người còn cho em chiếc xe đạp cũ để đi học, vì trường học cách nhà khá xa.
Chị Nguyễn Thị Kim Cúc – cô giáo chủ nhiệm của em – cho biết: Nhà trường biết hoàn cảnh của em nên miễn hoàn toàn các khoản đóng góp cũng như học phí. Em học giỏi, nhưng hay mặc cảm vì hoàn cảnh của mình. Khi mọi người hỏi thăm, em thường lảng tránh và im lặng…”.
Cô Nguyễn Thị Tiền – bác dâu của em Hoài – cũng tâm sự: “Nó hay mặc cảm, xấu hổ mỗi khi có người đến thăm, nó không muốn mọi người nhìn thấy cuộc sống của nó nên hay tránh mặt…”. Hỏi em có mong muốn gì cho tương lai, nhất là năm học cuối cấp này, em giật mình ngẩng đầu lên và rồi lại im lặng cúi xuống. Cái gàng lại quay tròn, quay tròn…
Quang Hùng
Nguồn: http://www.laodong.com.vn/Home/Be-gai-song-tu-lap-tu-khi-len-7/200910/161163.laodong